Thứ Năm, 28 tháng 11, 2019

ĐỊNH KIẾN CHÍNH TRỊ THÀNH PHẢN VĂN HÓA


Chu Mộng Long

ĐỊNH KIẾN CHÍNH TRỊ THÀNH PHẢN VĂN HÓA

Tôi không ngạc nhiên khi 12 nhà sử-chính trị ký đơn phản đối Đà Nẵng đặt tên đường lấy tên hai giáo sĩ phương Tây: Francisco de Pina và Alexandre de Rhodes. Vì lẽ đơn giản, định kiến chính trị đã từng làm cái việc thay, xóa tên đường cũ thành tên đường mới, chủ yếu đường hiện nay dành đặt tên gắn với những người có công với cách mạng.

Đọc nguyên văn cái đơn này thấy rất rõ định kiến chính trị đã ăn sâu vào trong não những người được gọi là nhà khoa học.

Trong đơn chỉ có một nội dung đúng. Đó là phủ nhận Alexandre de Rhodes là "ông tổ" của chữ quốc ngữ. Nhưng cái đúng này trẻ con cũng nói được, vì làm gì có chuyện một cá nhân sáng chế ra cả kho tàng ngôn ngữ, dù chỉ là chữ viết. Ngôn ngữ được xem là kỳ quan hàng đầu của các cộng đồng người, qua giao tiếp hàng triệu năm mà thành. Riêng chữ viết, hiện nay trên thế giới chỉ có chưa tới 10 hệ ký tự được dùng chung cho cả trăm quốc gia, dân tộc. Khi sử dụng một hệ ký tự nào đó, đố biết ai là tổ ghi hình hay ghi âm cho ngôn ngữ của dân tộc mình. Bất cứ từ điển nào cũng chỉ ghi lại những gì đã có, tức tổng hợp từ sản phẩm của nhiều người và được cộng đồng thừa nhận như một tài sản chung. Chính Alexandre de Rhodes đã nói rõ điều đó trong cuốn Từ điển Việt - Bồ - La mà ông biên soạn chứ không tự nhận mình là "ông tổ".

Các nghiên cứu được trích dẫn trong đơn thật thừa thãi khi trẻ con cũng biết cái chân lý ấy.

Chỉ công lần đầu tập hợp biên soạn cuốn từ điển đó đã đủ vinh danh Alexandre de Rhodes và Francisco de Pina.

Chưa nói sự ngụy tạo lời của Alexandre de Rhodes, việc luận tội truyền giáo hay gián điệp cho thực dân cướp nước ta mà xóa công lao của 2 giáo sĩ này đủ thấy định kiến chính trị đã sinh ra một thứ nhãn quan phản văn hóa không nên có ở nhà khoa học.

Nếu cho việc truyền bá chữ quốc ngữ với mục tiêu xâm lược hay nô dịch mà phủ nhận sạch trơn thì có lẽ cả ngàn năm trước cha ông ta đã từ chối chữ Hán chứ không để cho đến nay nó đã Hán hóa ngôn ngữ Việt đến hơn 70%. Và cho rằng chữ Latin đã làm ta nô dịch Tây (thực chất chỉ mượn ký tự để ghi tiếng nói của dân tộc chứ không phải như chữ Hán trước đó) thì cha ông ta đầu thế kỷ 20 đã tẩy chay hay vứt cuốn từ điển của Alexandre de Rhodes vào sọt rác chứ không thể có phong trào truyền bá chữ quốc ngữ rầm rộ và ca khúc khải hoàn bởi chiến thắng của nền văn hóa mới!

Nếu vẫn giữ cái đầu định kiến chính trị như ta, có lẽ phương Tây, và cho đến nay gần như toàn cầu, cũng không dùng bảng chữ cái Latin. Bởi vì sự ứng dụng rộng rãi chữ Latin gắn liền với sự bành trướng của đế chế La Mã và việc truyền giáo của Giáo hội Rome. Nếu muốn luận tội thì đế chế La Mã và Giáo hội Rome thời trung cổ tội ác chất chồng, luận ba ngàn trang sách cũng không hết. Nhưng việc nào ra việc nấy, người Âu - Mỹ vẫn tôn trọng và biết ơn cả một nền văn hóa mà đế chế La Mã và Giáo hội Rome đã hình thành như một nền tảng thứ hai sau thời cổ đại Hy Lạp.

Sẽ thật thú vị khi nghiên cứu sâu về nguồn gốc chữ viết của nhân loại. Một điều dễ hiểu là gần như chữ viết ra đời gắn liền với hoạt động tôn giáo. Tôn giáo là hoạt động văn hóa đầu tiên của nhân loại. Nhu cầu truyền bá tôn giáo đòi hỏi phải có chữ viết để ghi chép chính xác những bộ kinh được cho là thánh truyền. Tất cả các loại chữ, kể cả chữ Hán, đều ra đời từ chép kinh. Mục tiêu này được phát triển rộng ra thành hoạt động giáo dục và diễn giải triết học, khoa học.

Nói Alexandre de Rhodes chỉ thực hiện mục tiêu xâm lăng hay truyền giáo nên phủ nhận công lao truyền bá chữ viết mới cho người Việt thì chỉ có thể là cách nói của trẻ trâu vô văn hóa, trong khi 12 người ký tên kia lại là những "sử gia" hay người giảng dạy chính trị.

Nên nhớ, chính cuộc khai thác thuộc địa của chủ nghĩa thực dân đã kéo theo một kết quả nằm ngoài mục tiêu thực dân. Cùng với những nhà tư sản, nhà buôn đi tìm kiếm thị trường ở thế giới mới là các nhà truyền giáo, các nhà khoa học đã khai hóa thật sự cho dân tộc các nước thuộc địa. Trong khi nhà tư sản, nhà buôn dựa vào chính quyền để khai thác thuộc địa bằng vơ vét tài nguyên vật chất, kể cả kỳ thị chủng tộc, thì chính các nhà truyền giáo, nhà khoa học tiến bộ đã mang đến cho người bản xứ những giá trị tinh thần mới: tín ngưỡng mới, khoa học tự nhiên, y học, kể cả tư tưởng tự do, dân chủ và bình đẳng. Hàng ngàn công trình khoa học, nhân chủng học, cấu trúc luận... với tư tưởng chống thực dân, chống kỳ thị chủng tộc ra đời ngay trong lòng chủ nghĩa thực dân. Nhiều nhà truyền giáo, nhà khoa học đã lăn lộn, đối mặt với gian khổ và hiểm nguy ở các nước thuộc địa, ở vùng thổ dân hoang dã mới có những công trình vĩ đại đó. Cái di sản khổng lồ ấy đã góp phần san phẳng hố sâu ngăn cách giữa các dân tộc. Trong khi các dân tộc trên thế giới dù đấu tranh giành độc lập nhưng đều biết ơn những di sản đó, lẽ nào trừ người Việt?

Chính trị gieo rắc định kiến và hố sâu thù địch vì tính lợi ích của nhóm cầm quyền. Nhưng văn hóa thì khác. Với những giá trị tinh thần, văn hóa đi tìm tiếng nói chung và hóa giải quan hệ thù địch. Một nền chính trị tốt phải dựa vào nền tảng văn hóa chung, nếu chỉ nhìn kẻ khác bằng con mắt thù địch thì muôn đời chẳng sống được với ai. Độc lập theo cách tự cô lập thì chỉ có thể là một dân tộc bệnh hoạn trước khi tự sát.

Không ngẫu nhiên mà các bộ sử cổ đều ghi công Triệu Đà về việc tạo ra thuần phong mỹ tục Việt, ghi công Sĩ Nhiếp về chữ viết và nền văn hóa Hán học. Không hiểu sao, đến thời cộng sản, các sử gia lại gạt phăng tất cả ra ngoài. Nay lại nuôi máu thù địch luôn với mấy ông Tây truyền bá chữ quốc ngữ để chứng tỏ mình có lập trường độc lập.

Trước năm 1975, giới cầm quyền Việt Nam cộng hòa đặt tên đường Quang Trung Nguyễn Huệ và các danh tướng triều đại Tây Sơn, họ cũng đặt tên đường Gia Long Nguyễn Ánh, Tự Đức, Minh Mạng và các bậc khai quốc công thần của nhà Nguyễn. Cách làm đó có ý nghĩa sâu sắc trong việc hóa giải quan hệ thù địch trong quá khứ để hướng tới hòa điệu trong tương lai. Sau 1975, những gì liên quan đến nhà Nguyễn bị xóa sạch một cách cực đoan theo chủ nghĩa anh hùng trẻ trâu.

Hãy học Homer, chiến tranh thành Troia đổ nát, nhưng còn lại gì? Còn tấm gương cả hai phe chiến nhau: Achilles và Hector mà Odysseus, người còn sống sót sau cuộc chiến, ngẩng mặt tự hào vì những người anh hùng đó đánh nhau, giết nhau mà vẫn tôn trọng, không thù địch nhau một cách hèn hạ.

Chiến nhau với thực dân đã hơn một thế kỷ rồi mà vẫn thù vặt, thù dai thì liệu có trở thành người lớn được không?

Tôi chỉ cần nói vậy đủ thấy 12 sử - chính trị gia kia, trong đó có những người là bạn thân của tôi, tự thấy nhân cách và trình độ của mình ở đâu so với văn hóa của nhân loại và của cha ông.

Chu Mộng Long
 
Đón đọc tiếp bài: Nếu bây giờ ta vẫn sử dụng chữ Hán hay chữ Nôm thì sao?

3 nhận xét :

  1. Cảm ơn Giáo sư CHu Mộng Long đã có bài viết phân tich sâu sắc, thấu tình , đạt lý, dầy nhân văn. Kính chúc Giáo sư và gia đình luôn mạnh khỏe để công hiến những bài viết hay.

    Trả lờiXóa
  2. Bài viết quá hay, cám ơn giáo sư và trang Tễu.

    Trả lờiXóa
  3. Cái đầu nghiên cứu lệch pha
    Quẩn quanh thì cũng cứ ma mãnh hoài!

    Trả lờiXóa