Trong phòng làm việc của tôi ở Trung tâm Toán học CRM Barcelona 1995. Ảnh Việt Hưng.
Lời dẫn của TS Trần Thanh Tuấn:. Một câu chuyện buồn của GS Nguyễn Hữu Việt Hưng. Một thời khốn nạn. Mặc dù vậy, GS vẫn an nhiên vượt qua nhiều thứ khốn nạn như vậy để trở thành một nhà Toán học giỏi của Việt Nam.
NHÀ SỐ 20 PHỐ LÝ THÁI TỔ
Nguyễn Hữu Việt Hưng
Nhiều năm sau, hắn hiểu rằng, lúc ấy người đau khổ nhất không phải là hắn.
NHÀ SỐ 20 PHỐ LÝ THÁI TỔ
Nguyễn Hữu Việt Hưng
Nhiều năm sau, hắn hiểu rằng, lúc ấy người đau khổ nhất không phải là hắn.
Bấy giờ là năm 1971, hắn 17 tuổi, vừa đoạt giải nhất kỳ thi Học sinh giỏi Toán Miền Bắc. Hồi ấy, đất nước còn chia làm hai miền. Đấy là kỳ thi danh giá nhất dành cho học sinh phổ thông.
Sau đó, hắn vẫn phải thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học như mọi học sinh phổ thông khác. Chuyện này làm một số người ngạc nhiên, bởi vì về sau, trong một thời gian dài, những học trò đoạt giải cao kỳ thi học sinh giỏi Toán Quốc gia được miễn thi tốt nghiệp phổ thông và thi vào đại học.
Cả hai kỳ thi ấy hắn đều thi rất tốt. Cho nên hắn yên tâm chờ người ta gọi hắn vào học đại học. Việc hắn không được cử đi học ở nước ngoài đã là một điều khó hiểu rồi. Nhưng hắn chấp nhận điều đó.
Cuối tháng 9 năm 1971. Cái nóng mùa hè đã gần qua, thu chớm lộ trong những buổi sáng bắt đầu se lạnh. Bạn bè hắn, không kể những đứa được gửi đi học nước ngoài, và một vài đứa sinh 1953, trước hắn một năm, lúc ấy tròn 18 tuổi, phải nhập ngũ, còn lại chúng nó đã lục tục kéo nhau vào các trường đại học.
Hắn chưa có giấy gọi nhập học.
Đã một tuần rồi, hắn nóng lòng đợi bác đưa thư. Ở phố hắn, thư thường được phát quãng quá trưa, từ 12 giờ tới 1 giờ. Hắn nằm ở cái phản kê ngay sát cửa. Chỉ cần bác đưa thư đỗ xịch cái xe đạp ở vỉa hè là hắn đã nghe tiếng rồi. Nhưng cả tuần nay không có thư.
Hắn định bụng nếu cuối tuần mà vẫn không có giấy gọi hắn đi học, thì sáng Thứ Hai hắn sẽ đến Ban Tuyển sinh Thành phố hỏi xem sao. Cuối tuần ấy đã qua đi trong sự chờ đợi thật nặng nề.
Rồi cũng đến Thứ Hai. Sáng hôm ấy trời ong ong, tai tái. Gió se lạnh, thỉnh thoảng lại giật lên từng hồi. Hình như sắp có cơn bão muộn. Hắn quyết định tới Ban tuyển sinh Hà Nội để hỏi xem đã xảy ra chuyện gì.
Dạo ấy cầu Long Biên quá tải. Xe đạp chỉ được qua cầu ban đêm, từ 6 giờ chiều đến 6 giờ sáng hôm sau. Nhà hắn cách Ban Tuyển sinh đúng một cây cầu ấy. (Nhớ rằng cho đến lúc ấy, Long Biên là cây cầu cứng duy nhất bắc qua sông Hồng. Các cầu Thăng Long, Chương Dương, Vĩnh Tuy, Thanh Trì về sau mới lần lượt mọc lên.) Hôm đó, hắn phải đi cầu phao.
Linh tính thầm bảo hắn rằng đã xảy ra chuyện chẳng lành. Nhưng chuyện gì mới được chứ? Bài thi của hắn rất tốt. Hắn hoàn toàn tự tin. Mới vài tuần trước, Giáo sư Tạ Quang Bửu, Bộ trưởng Bộ Đại học và Trung học chuyên nghiệp, vừa mời hắn tới dự cuộc gặp mặt các Thủ khoa của kỳ thi vào đại học năm ấy. Tuy hôm đó hắn không dự cuộc gặp mặt được, vì giấy mời không tới tay hắn, nhưng ai cũng biết là hắn được mời. (Về sau, khi đã tĩnh trí lại, hắn tự hỏi: Có thật Ban Tuyển sinh Thành phố đã gửi giấy mời của Bộ trưởng Tạ Quang Bửu cho hắn qua đường bưu điện, mà thất lạc, như họ nói hay không? Hay họ đã ỉm cái giấy mời đó đi, để hắn không được gặp Bộ trưởng?)
Vậy thì chuyện chẳng lành nào? Hắn không trả lời được. Nhưng linh tính không nguôi mách bảo hẳn đã xảy ra một chuyện chẳng lành.
Ngôi nhà của Ban Tuyển sinh Hà Nội, số 20 phố Lý Thái Tổ, là một biệt thự được xây từ thời Pháp, hai tầng, đẹp cổ điển và trang nhã. Vài năm sau, và kể từ đó đến nay, biệt thự trở thành nơi làm việc của Viện Văn học (tầng 2) và Viện Ngôn ngữ học (tầng 1).
Ban Tuyển sinh Hà Nội làm việc ở tầng hai ngôi biệt thự. Nơi tiếp các thí sinh là một phòng kép, có cửa ở giữa, ngăn phòng ra hai phần bằng nhau. Người ta đặt một chiếc bàn chắn giữa khuôn cửa ấy. Hồi đó, điểm thi của các thí sinh được coi là một “bí mật quốc gia”. Không thí sinh nào được báo số điểm thi của mình. Chỉ tới khi việc tuyển sinh đã gần như hoàn tất, thí sinh nào không có giấy báo đi học đại học, và thấy nghi ngờ về điểm thi của mình, thì tới Ban tuyển sinh, ở đó có dịch vụ trả lời.
Trên cái bàn chắn giữa khuôn cửa người ta đặt một khay bằng nhựa, có nhiều khe thưa, bên cạnh là một cọc giấy và cây bút. Thí sinh nào muốn biết điểm thi của mình thì tới đó, rút một mảnh giấy từ cọc, ghi họ tên và số báo danh, đặt vào khay nhựa một số tiền. Nếu hắn nhớ không nhầm thì số tiền đó là 3 đồng, bằng giá 3 bát phở tiêu chuẩn của Hà Nội lúc ấy. Một lát sau, sẽ có người thu nhận những mảnh giấy và số lệ phí kèm theo, cầm vào trong một lát, rồi quay ra thông báo số điểm của đương sự.
Tình cờ, hắn gặp TH, một bạn cùng học lớp Chuyên Toán Hà Nội với hắn, ở Ban Tuyển sinh. Đến lúc này, linh tính về một thảm hoạ không còn mù mờ với hắn nữa, nó hiển hiện, mặc dù hắn chẳng hiểu tại sao. Hắn cảm thấy đứng không vững.
Hắn nhờ TH ghi tên và số báo danh của hắn, và đặt giúp hắn số tiền lệ phí vào khay nhựa. Số thí sinh đến hỏi điểm cũng không nhiều.
Một nữ nhân viên của Ban Tuyển sinh ra nhận tờ giấy có ghi tên hắn và lệ phí, cùng giấy tờ của một vài thí sinh khác. Lát sau, nữ nhân viên ấy quay ra trả điểm. Chị thong thả đọc tên từng người. Không thấy tên hắn. Sau cùng, một người đàn ông xuất hiện ở khung cửa. Giọng ông ta khác lạ: “Ai là Nguyễn Hữu… vào đây, chúng tôi cần gặp”.
Người ta kéo cái bàn, tạo ra một khe hở ở khung cửa để hắn lách vào. Tiếp hắn là một người đàn ông trung niên, kín đáo, có lối nói nửa chừng, xem phong cách có vẻ là một trong những thủ trưởng của cơ quan. Người này bảo hắn: “Cậu bị trượt, cậu có biết vì sao không?” Lúc ấy, đất dưới chân hắn như sụp xuống. Cả thế giới quay cuồng. Hắn nói, mà không nhận ra giọng của mình: “Cháu được bao nhiêu điểm hả chú?” Người đàn ông ấy bỗng nhiên trở nên khoáng đạt: “Cậu thì việc gì phải quan tâm đến điểm, chắc chắn thừa rồi”. Hắn hỏi: “Tại sao cháu trượt, hả chú?” Người đàn ông ấy bỗng nhỏ giọng, tuồng như thân mật: “Cậu có biết cô Nh., học trước cậu một năm, cùng phố với cậu không?” Hắn thưa: “Dạ, cháu biết”. Người đàn ông tiếp: “Nhà nó lý lịch còn nặng hơn nhà cậu nhiều chứ. Vậy mà nó vào học Khoa Văn Đại học Tổng hợp đấy”. Hai tai hắn ù lên, thế giới đã vỡ vụn, hắn hỏi với thêm một câu: “Tại sao thế hả chú?”. Người đàn ông buông sõng: “Thế đấy”. Rồi ông ta đứng lên, vẻ như không muốn phí thêm thời gian.
Nhiều năm về sau, hắn tự trách mình quá ngây thơ. Người ta đã nói đến thế mà không chịu hiểu.
Hắn dắt xe đạp loạng choạng ra khỏi Ban Tuyển sinh. Kể từ đó dường như hắn không còn biết gì nữa. Hắn trôi đi theo thói quen.
Suốt hai tháng sau đó, cứ sáng dậy hắn lầm lũi dắt xe ra khỏi nhà. Bố mẹ hắn nhìn hắn ái ngại, mà không ai nói gì. Hắn đi những đâu, làm những gì chẳng ai biết. Hắn cũng không biết. Trưa hắn ăn uống ở đâu. Dạo ấy không hề có hàng cơm. Gạo là thứ hàng phân phối, quốc cấm. Chỉ có phở là thứ có thể ăn được, nhưng đắt, và cũng chẳng no được. Những ngày ấy hắn có ăn uống gì không, hắn cũng không biết.
Thế giới đối với hắn dường như không tồn tại nữa. Lúc ấy, hắn đương nhiên tin rằng, người chịu đau khổ nhất trong tai hoạ này chính là hắn, cậu bé 17 tuổi.
Nhiều chục năm sau, khi con cái hắn đã trưởng thành, đến tuổi vào đại học, hắn mới chợt hiểu ra rằng, đau khổ nhất trong tai hoạ năm 1971 không phải là hắn, mà là bố mẹ hắn.
Bố hắn tố chất khoẻ mạnh. Ông có thể tự lo cho bản thân. Hắn thương mẹ. Mẹ hắn mổ tim từ 1960, một năm sau khi em trai hắn mất. Bà làm sao vượt qua được thảm kịch ấy?
Khi hắn hiểu ra được điều đó, mẹ hắn đã mất nhiều chục năm rồi.
Bạn bè khuyên hắn quên câu chuyện ấy đi. Hắn im lặng. Rất ít người hiểu hắn.
VĨ THANH: Ban Tuyển sinh Thành phố thu lệ phí của hắn, mà không cho hắn biết điểm thi như đã thoả thuận. Suốt đời, hắn không biết điểm thi vào đại học của mình.
Ôi! Cái thời thổ tả.
Trả lờiXóaCó lẽ,"hắn" trượt đại học vì không có...tính đảng.
Trả lờiXóaKhốn nạn, một xã hội dân chủ đến thế là cùng.
Trả lờiXóaÔi! Ô cửa! Lạnh lùng! Ô cửa!
Trả lờiXóaÔi! Một đời úp mở với ... trăm năm!
Nhớ lại cái khẩu hiệu "Trí phú địa hào / Đào tận gốc trốc tận rễ " .Cái câu hiền tài là nguyên khí quốc gia ở ta nhiều lúc trở nên hài hước một cách cay đắng .
Trả lờiXóaXã hội ấy là xã hội nào các bác???
Trả lờiXóaThật buồn và thảm!
Trả lờiXóaNếu không có gì khó khăn xin chủ Blog và nhà toán học cho biết vì sao Ông Hưng có thể vượt được xích xiềng để trở thành nhà toán học không ạ!
Trả lờiXóaVì theo tôi biết không thiếu người tài năng bị vùi dập nhục nhã không thể vươn lên được ( tất nhiên cùng thời với ông Hưng)
Đến bây giờ đã hết thời khốn nạn đấy đâu. Cảm ơn giáo sư Hưng đã chia sẻ câu chuyện. Cảm ơn giáo sư vì sự can đảm.
Trả lờiXóaGiáo sư đừng có vào đảng nhé.
Trả lờiXóaÔ thế ra ngành giáo dục nó thối nát từ ngày đó à.
Trả lờiXóatất cả được gói gọn trong hai từ "KHỐN NẠN" và cái sự khốn nạn ấy chưa hẳn đã qua đâu .Còn việc nó còn đến bao giờ thì không ai có thể biết được
Trả lờiXóa