Thứ Hai, 28 tháng 10, 2019

Mai Quốc Ấn: HẠNH PHÚC ĐÂU XA?

 

Hạnh phúc đâu xa?

Mai Quốc Ấn
28-10-2019

Ở miền Trung, có những gia đình sẵn sàng cầm nhà, cắm đất để chi ra tiền tỉ cho con xuất khẩu lao động. Nỗi niềm nhọc nhằn ấy của nhân dân thậm chí trở thành “nhiệm vụ chính trị của địa phương”. Nhưng có thực là hạnh phúc ở quá xa người Việt, tại những quốc gia mà biển cảnh báo ăn cắp lại không dùng tiếng bản xứ?

Một thị trường lớn với gần 100 triệu dân như hiện nay của nước ta thì vốn FDI đổ vào ào ào và nhập siêu hàng hoá kém chất lượng từ Tàu không phải là điều đáng suy nghĩ sao? Ai đã để trống “trận địa” trong nước để trong dòng vốn FDI đó có rất nhiều hoạt động chuyển giá về sau? Ai đã làm lơ cho hàng kém chất lượng của Tàu bao năm “hoành hành” trên đất Việt?

Để rồi chủ thể mang tên nhân dân phải ra đi tìm một tương lai khác?

Những bất cập lớn như vậy, kéo dài như vậy nói lên được năng lực quản trị quốc gia (xem bài ở comment). Thứ năng lực yếu kém luôn sẽ cần các khẩu hiệu sáo rỗng để nâng tầm. BMW của Đức hay Honda của Nhật chưa bao giờ cần những khẩu hiệu như vậy là ví dụ, cái tên thương hiệu thôi đã nói được tầm vóc của quốc gia.

Theo tôi, sở dĩ quốc gia tệ như vậy bởi có một hình thái quản trị quốc gia tệ hại mà bà Nguyễn Thị Doan từng nêu ra: “Ăn không từ một thứ gì!” Trong đó, tổng nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm mức 200 tỉ USD, doanh nghiệp Nhà nước là nguyên nhân chính với số nợ hơn 1,4 triệu tỉ đồng (xin nhấn mạnh là 1,4 triệu tỉ đồng). Đứng đầu bảng nợ của doanh nghiệp Nhà nước là EVN – một tập đoàn độc quyền nhiều năm, nhiều mặt của ngành điện.

Những điều đó cứ kéo dài mà không thể thay đổi thì chắc chắn không phải là hiện tượng.

Mới đây, Thống đốc Ngân hàng nhà nước Lê Minh Hưng đã cảnh báo về việc vỡ nợ BOT. Tôi xin nói luôn khả năng vỡ nợ BOT sẽ không chỉ có trong giao thông với các BOT đặt sai vị trí; mà cả trong năng lượng, cụ thể là BOT nhiệt điện than. Rất đơn giản, chồng thêm nhiệt điện than thì môi trường sẽ còn tệ nữa và nguy cơ nhân rộng những cuộc bạo loạn như Vĩnh Tân sẽ tăng cao. BOT y tế thì im ắng nhưng kiếm ăn dễ hơn vì không ai dám mở miệng trả giá khi đi khám, chữa bệnh cả.

Tìm một giải pháp lại xuất phát từ tâm thế của mỗi người. Ông tiến sĩ dẻo miệng Lê Thẩm Dương nói không sai khi khẳng định “không đâu kiếm tiền dễ như Việt Nam”. Trước những người nền tảng kiến thức quá ít thì cái mác tiến sĩ kèm khiếu ăn nói là một vỏ bọc tốt để kiếm tiền. Chí ít, ông ta nhận ra quy luật xã hội và tâm lý thích đổi đời nhanh của đám đông.

Nhưng hình thành một nền tảng sản xuất và dịch vụ tốt để “giành lại” thị trường 100 triệu dân là một điều vô cùng khó. Và để một cậu quán quân đường lên đỉnh Olympia nhận học bổng của một quốc gia tư bản (nhưng kiên trung gọi những người bất đồng chính kiến là phản động) hiểu vấn đề lại cần thời gian. Nước Úc – nơi tài trợ học bổng, có thể sẽ cho cậu trẻ ấy sáng mắt, sáng lòng thực sự. Hoặc trong tương lai sẽ có một nhà khoa học trẻ trở về với tâm thế “tinh hoa” và nhìn đám đông như những “bần nông ngu học” – thuật ngữ các dư luận viên hay dùng.

Đất nước này, nếu nhìn suốt chiều dài lịch sử, chỉ thay đổi thực sự khi bị xâm lược nghĩa đen. Nhưng cũng đã có nhiều người dân nhận ra quốc gia đang bị “xâm lược mềm” tới mức không chỉ “sứ giặc đi lại nghênh ngang” mà ở nhiều hình thái khác. Nên không phải tự nhiên nhân dân phản đối luật đặc khu đâu!

Hạnh phúc ở đâu xa? Hạnh phúc là giữa hội trường Diên Hồng tại Ba Đình có những đại biểu dân cử chiếm đa số thay vì những đại biểu Đảng cử đang thống trị tỉ lệ như hiện nay. Hạnh phúc cũng đơn giản là các công bộc của dân không nói hay, làm dở như trước giờ. Và hạnh phúc chắc chắn không phải là tấm áo vô hình mà hoàng đế cởi truồng ảo tưởng, dẫu ông ta có là hoàng đế duy nhất đi chăng nữa.

Đám đông không ngu mãi. Họ sẽ dần thông minh hơn và chọn cách tốt hơn để đạt được hạnh phúc của mình. Hạnh phúc làm người thật sự ngay tại quốc gia của mình; thay vì trở thành những cỗ máy kiếm ngoại tệ gửi về bằng con đường xuất khẩu lao động.

Ở trên cao nào đó, nơi quyền lực độc quyền thống trị, những người đang hưởng đặc quyền đặc lợi có nhìn ra không?

Nếu không, cũng chả sao. Bánh xe lịch sử vẫn cứ quay và toàn bộ lịch sử loài người đều chứng kiến chung một kết cục của các hình thái độc tài!

Đó là tất yếu khách quan!

P/s: “Mẹ. Con đang chết!” là một thông điệp sẽ khiến bất cứ ai còn chút lương tâm sẽ nhận ra xuất khẩu lao động không phải là cứu cánh thực sự của cuộc đời. Con người tự do không phải là công cụ để phục vụ “nhiệm vụ chính trị của địa phương” hay cả cấp cao hơn.

2 nhận xét :

  1. Nên trích đầy đủ ý trong câu của bà Doan.
    Không phải là "Ăn không từ một thứ gì"; mà là "Ăn của dân không từ một thứ gì"

    Trả lờiXóa
  2. " Hoàng đế cởi truồng " ảo tưởng . Ngôn từ hay quá ta ! xứng đáng để like and share .

    Trả lờiXóa