Thứ Hai, 17 tháng 6, 2019

HÃY CHỈ MẶT NHỮNG KẺ BĂM NÁT QUY HOẠCH THỦ ĐÔ !!!


Tắc nghẽn, kẹt cứng ở Hà Nội diễn ra hàng ngày

Những ai băm nát quy hoạch Thủ đô?

VietNamnet
12/06/2019 05:53 GMT+7


Những người làm ngơ, hay thông đồng trong nắn chỉnh, băm nát quy hoạch đô thị không những làm cho cuộc sống của người dân đô thị càng ngày càng tù túng, bức bách mà còn làm kẹt cứng không gian phát triển cho mai sau.
Hà Nội, nhìn từ cái vỉa hè: Thân phận đa đoan?
“Lái xe ở Hà Nội mà không bấm còi chỉ có điên”
Cấm xe máy và những câu hỏi cho Hà Nội

Người dân TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vô cùng thấm thía điều đó. Sáng ra khỏi nhà đến công sở, trường học, nơi làm việc để mưu sinh… buổi chiều trở về nhà, người dân thường xuyên phải vật lộn trên đường, với dòng người cuồn cuộn và đậm đặc khí thải của ô tô, xe máy.

Dưới cái nắng mùa hè, người dân bị nung trong nhiệt độ của hiệu ứng đường nhựa, nhà bê tông, hơi nóng của máy điều hòa không khí và các lại động cơ. Khi trời mưa, người người lại chới với giữa dòng nước bởi đường biến thành sông, thành suối.

Phần lớn người già không có nơi tĩnh dưỡng, trẻ em chẳng có chỗ vui chơi, hầu hết mọi người lúc mệt mỏi cần một không gian thoáng mát để bách bộ, nghỉ ngơi thì đó chỉ là mơ ước xa vời.

Hậu quả này khó có thể khắc phục, nên không chỉ người dân hôm nay mà nhiều thế hệ đời sau vẫn phải hứng chịu.

Nguyên nhân của thực trạng này do đâu?

Đó là do “nhóm lợi ích” trong lĩnh vực xây dựng, trước hết là quy hoạch không hợp lý hoặc quy hoạch bị băm nát theo ý đồ của nhà đầu tư để trục lợi.

Theo kết quả giám sát của Quốc hội, cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1 đến 6 lần. [1]

Quy hoạch điều chỉnh luôn theo xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa các diện tích công cộng và lợi ích của người sử dụng. Cụ thể là tăng mật độ xây dựng, tăng số tầng, tăng diện tích sàn và giảm diện tích khuôn viên cây xanh, vỉa hè, khu vực vui chơi, chỉ tiêu hạ tầng…

Đơn cử một vài ví dụ trên địa bàn Hà Nội - thành phố xanh “vì hòa bình”.

Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính do Tổng Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) làm chủ đầu tư, hoạt động từ năm 2006. Thời gian đầu, khu đô thị này từng được coi là kiểu mẫu của Hà Nội. Nhưng 10 năm sau, các chung cư cao tầng đua nhau mọc lên, dân số gia tăng nhanh chóng, nên vô cùng chật chội, bí bách.

Theo Quy hoạch chi tiết 1/500 dự án được duyệt năm 1998, Dự án khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính có mật độ xây dựng 34,88%, với 8 tòa nhà, cao trung bình 6 - 7 tầng.

Ba năm sau, quy hoạch bị điều chỉnh tăng từ 8 lên 16 tòa nhà cao tầng. Chiều cao mỗi toà cũng tăng gấp đôi, từ 9 đến 21 tầng.

Đến nay, sau gần 20 năm, với nhiều lần điều chỉnh quy hoạch, mật độ xây dựng Khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính tăng lên hơn 50%, với 16 tòa nhà cao tầng, có chiều cao từ 17 đến 34 tầng. [2]

Một điển hình nữa của tình trạng “băm nát” quy hoạch là “Khu đô thị kiểu mẫu Linh Đàm” thuộc quận Hoàng Mai, TP.Hà Nội, khởi công năm 1997, diện tích 200 ha (bao gồm 74 ha hồ điều hòa), với quy mô dân số khoảng 25.000 người. Năm 2001, khu đô thị này cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên, đến nay các khu chung cư cao tầng vẫn đua nhau mọc lên, khiến dân số tăng lên khoảng 70.000 người. [2]

Ngay trung tâm Thủ đô, Toà nhà 8B, phố Lê Trực, chỉ cách nhà Quốc hội mấy trăm mét đường chim bay.

Theo Giấy phép xây dựng, chiều cao công trình là 53m. Nhưng chủ đầu tư tăng chiều cao các tầng và xây thêm tầng 19, tổng chiều cao tòa nhà sau khi điều chỉnh là 69m (vượt thiết kế 16m, tương đương 5 tầng).

Diện tích sàn theo giấy phép xây dựng gần 30.000 m2, nhưng chủ đầu tư đã xây dựng khoảng 36.000 m2, tăng thêm trên 6.000 m2. [3]

Không chỉ các Khu đô thị Trung Hòa - Nhân chính, Toà nhà 8B Lê Trực mà cả Hà Nội hầu như đều nằm trong tình trạng quy hoạch bị điều chỉnh theo đạo diễn của nhà đầu tư.

Mục đích di dời các doanh nghiệp, công ty, các cơ quan hành chính…ra khỏi các quận nội thành là để tăng không gian cây xanh và diện tích cây xanh trên đầu người; giảm mật độ dân cư, giảm ô nhiễm môi trường.

Nhưng doanh nghiệp, công ty, cơ quan hành chính… di dời đến đâu, chung cư cao tầng mọc lên đến đó, làm cho cư dân trên các địa bàn này tăng gấp hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với số lượng công chức, công nhân trước đây.

Một trong những mục đích quan trọng nhất khi sáp nhập tỉnh Hà Tây về Hà Nội là để cho Thủ đô có diện mạo không gian thông thoáng, nhưng mục đích đó không đạt được, không chỉ các quận nội thành cũ của Hà Nội càng ngày càng chật chội mà các quận mới thành lập cũng chật chội, bức bối không kém.

Điển hình của tình trạng này là quận Hà Đông. Với diện tích gần 48 km2, Hà Đông là quận rộng nhất Hà Nội. Diện tích rộng là vậy, nhưng chỉ một thời gian ngắn, hàng trăm khu chung cư đã mọc lên, nhà cao tầng dày đặc, sát sàn sạt các trục đường lớn. Dân số Hà Đông năm 2006 (trước khi sáp nhập về Hà Nội) chỉ 9,6 vạn, hiện nay trên 35 vạn. [4]

Mặc dù mở thêm đường Tố Hữu (đường Lê Văn Lương kéo dài), cùng với đường Nguyễn Trãi là hai trục hướng tâm rất lớn từ Hà Đông vào Hà Nội, nhưng mấy năm trở lại đây, hai trục đường này thường xuyên diễn ra ùn tắc giao thông trầm trọng.

Không những vậy, là quận có diện tích rộng nhất, trước khi hợp nhất về Hà Nội chủ yếu là đất nông nghiệp, vậy mà cả quận Hà Đông không có một công viên hay khu vui chơi giải trí ngoài trời nào (ngoại trừ công viên Hà Đông rộng chỉ vài nghìn m2 có trước đó rất lâu).
Hà Nội kẹt cứng dù đã mở rộng 11 năm.

Vậy thủ phạm bóp méo, băm nát quy hoạch đô thị là ai?

Theo bà Trần Thu Hằng, Vụ trưởng Vụ Quy hoạch Kiến trúc, Bộ Xây dựng, việc phê duyệt quy hoạch chi tiết các dự án là do UBND TP. Hà Nội quyết định. Việc điều chỉnh phải tuân thủ quy hoạch đô thị và đảm bảo yếu tố công khai, minh bạch và được sự đồng thuận của người dân. [5]

Như vậy, pháp nhân chịu trách nhiệm trước việc quy hoạch thủ đô bị bóp méo, băm nát là lãnh đạo các cấp và các cơ quan chức năng của TP. Hà Nội. Tại sao giữa trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa lại có tình trạng này?

Do lực lượng quá mỏng như các cơ quan chức năng vẫn thường biện minh chăng? Không! Một cán bộ lãnh đạo thanh tra Bộ Xây dựng đánh giá: “Công tác quy hoạch, cấp phép xây dựng rõ ràng, minh bạch chỉ cần một nửa trong số 1.600 thanh tra xây dựng (của TP. Hà Nội - tác giả ghi chú) làm việc hết trách nhiệm của mình, xử lý nghiêm vi phạm ngay từ đầu thì không có chuyện công trình sai phép nhiều như hiện nay” [6].

Đúng là lực lượng thanh tra xây dựng không thiếu vì bất cứ một người dân nào khởi sự làm nhà hôm trước, hôm sau đã có đại diện của các cơ quan chức năng đến hỏi han, căn vặn.

Trong quá trình làm nhà, chưa nói chuyện thêm tầng vượt quy định mà chỉ cần đưa ban công hoặc đổ ô văng vượt khỏi chỉ giới giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ra đường nếu không có tiền thì đừng nói chuyện. Cho nên để công trình được “hanh thông”, mỗi hộ dân sửa nhà cũng phải mất ít nhất một hoặc vài chục triệu đồng (nếu nâng tầng) hoặc dăm ba chục triệu đồng (làm mới).

Một căn hộ nhỏ nhoi của người dân mà như vậy thì thử hỏi khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính, tổ hợp HH Linh Đàm, chung cư 8B Lê Trực và tất cả các dự án chung cư ở Hà Nội cũng như các đô thị trong cả nước nếu không có sự thỏa thuận ăn chia giữa chủ đầu tư với những người có thẩm quyền thì quy hoạch có dễ dàng bị bóp méo, băm nát như vậy không? Chắc chắn là không!

Có thể khẳng định, quy hoạch đô thị bị bóp méo, băm nát là hậu quả của sự cấu kết, thông đồng giữa chủ đầu tư với những người có thẩm quyền từ địa phương đến bộ, ngành liên quan.

Nhưng rất không bình thường là hầu như những người này đều bình an vô sự. Họa hoằn có bị xử lý như sai phạm ở tòa nhà 8B Lê Trực cũng chỉ khiển trách, giáng chức dăm ba cán bộ nhì nhằng, tội danh của họ cũng theo điệp khúc quen thuộc là “thiếu tinh thần trách nhiệm, buông lỏng quản lý”.

Rồi tại các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu lại chất vấn những điều muôn thuở, các thành viên Chính phủ xin nhận trách nhiệm, hứa hẹn sửa chữa. Điệp khúc ấy cứ lặp đi lặp lại hết kỳ họp Quốc hội này đến kỳ họp Quốc hội khác, thậm chí từ Quốc hội khóa trước sang Quốc hội khóa sau.

Cung cách xử lý như vậy là nguyên nhân làm cho “nhóm lợi ích” càng ngày càng phát triển và trở thành hậu họa khôn lường của quốc gia.

Ai cũng thấy rằng để hóa giải tình trạng vô pháp như hiện nay thì phải có kỷ cương nghiêm, muốn có kỷ cương nghiêm thì phải cải cách thể chế, pháp luật, thực thi pháp luật phải nghiêm minh. Ai cũng biết, ai cũng thấy nhưng tại sao chưa có chủ trương và hành động cụ thể?

Nguyễn Huy Viện

[1].https://tuoitre.vn/meo-mo-quy-hoach-su-dung-dat-dai-dan-va-nha-nuoc-cung-thiet-20190527231036212.htm

[2].https://dantri.com.vn/bat-dong-san/thu-tuong-yeu-cau-xu-ly-vu-xin-nhoi-them-toa-18-tang-vao-khu-do-thi-trung-hoa-nhan-chinh-20190411134923197.htm

[3].https://vnexpress.net/tin-tuc/thoi-su/bi-thu-ha-noi-nha-8b-le-truc-vuot-den-dau-cat-den-day-3295161.html

[4].https://vi.wikipedia.org/wiki/H%C3%A0_%C4%90%C3%B4ng_(qu%E1%BA%ADn)

[5].https://dantri.com.vn/bat-dong-san/thu-tuong-yeu-cau-xu-ly-vu-xin-nhoi-them-toa-18-tang-vao-khu-do-thi-trung-hoa-nhan-chinh-

[6].http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/loai-nguoi-khong-lam-duoc-viec-khi-90-hoan-thanh-nhiem-vu-3346141



7 nhận xét :

  1. Vừa tham nhũng, vừa ngu dốt của đám quan chức dẫn tới thức trạng thủ đô thảm hại như ngày nay.
    Rủ nhau đi đây đi đó để "học tập" bằng tiền của dân nhưng kết quả mang lại là một thủ đô bát nháo, xô bồ, bẩn thỉu!

    Trả lờiXóa
  2. Thủ đô Xơ-un của Hàn Quốc cũng đã từng có 'Sông Tô Lịch' gần như Sông Tô Lịch Hà Nội.
    Thế mà, một Thị trưởng Xơ-un trong nhiệm kì của mình đã cho đào một con suối vắt qua Thủ đô, nước suối trong sạch đến mức có thể uống được.

    Thủ đô Hà Nội không biết bao nhiêu đời 'thị trưởng' đã qua, sông Tô Lịch ngày càng 'mở rộng', nước sông Tô Lịch ngày càng đặc quánh, . . .

    Trả lờiXóa
  3. Đắng chát mỗi khi nghĩ tới Thủ Đô của thời hiện đại! tởm lợm khi nghĩ tới lũ quan tham Hà Thành! Chúng cấu kết với nhau, ngang nhiên tàn phá, đục khoét, phè phỡn ... Ngồi xổm trên pháp luật, thậm chí ngồi xổm trên hiến pháp nhưng vẫn chưa một ai dám động tới! Những câu chuyện của bè lũ tầu cộng được quyền chỉ định người đấu thầu đường sắt vn là một trong những biểu hiện của dấu hiệu mất nước trong thời gian không xa! Đả đảo lũ khốn nạn! Lũ lưu manh phản bội đồng bào! Phản bội dân tộc! Những tên tội đồ của dân tộc!

    Trả lờiXóa
  4. Tình hình quy hoạch thủ đô nát bét như vậy "Vai trò lảnh đạo toàn diện của Đảng ở đâu??? hay tất cả đồng lòng nhất trí ăn chia trên nổi khổ của dân!!!??? Vụ thanh tra bộ Xây dựng "Ăn cướp" giữa ban ngày vói huyên Vĩnh tường là 1 nhân chứng để nhắc lại lời nói của nguyên Thủ tướng Vỏ văn Kiệt "Nói dzậy nhưng không phải dzậy!!!"

    Trả lờiXóa
  5. Hà nội bây giờ lài phá vỉa hè đi trồng chuối rừng dọc phó Vạn bảo và sông Tô lịch. với chiến dịch phá vỉa hè trồng cây dọc nhiều khu phố như Kim mã, vạn bảo, Láng v.v... Hànội bây giờ trông hoang dại trong đống cỏ cây bát nháo, chỗ nào cũng hoang hóa trông thật quê mùa rối rắm
    Hà nội sau quy hoạch có đặc sản là các đường giao nhau không giống ai trên thế giới này như điềm giao Hoàng Cầu - Tôn đức Thắng, điểm giao Cát linh- Giang văn minh, điểm giao Cầu giấy v.v... làm cho thủ đô đã láo nháo lại thêm lộn xộn
    Chỉ có nước có một trận động đất xóa hết cái mớ quy hoạch láo nháo này thì mới chấn chỉnh lại được Hà nội

    Trả lờiXóa
  6. Tôi muốn băm nát mặt những kẻ đã băm nát quy hoạch Thủ đô

    Trả lờiXóa
  7. Thủ phạm là ai ư? Còn ai nữa, thủ phạm truyền kiếp là thằng " tiền ", còn thủ phạm trực tiếp là những thằng ( con ) ký vào các bản Quy hoạch và Điều chỉnh Quy hoạch đấy thôi. Theo thứ tự, thằng nào ký sau cùng chính là thằng cầm đầu, đấy cứ giở các bản quy hoạch ra mà nhìn, nhìn cho biết chứ làm đếch gì được chúng nó.

    Trả lờiXóa