Thứ Hai, 11 tháng 2, 2019

NHỚ TUẤN KHUỲNH


Sen Hoa

NHỚ TUẤN KHUỲNH

Một ngày cuối tháng 9/2014, đang lim dim mơ màng ngồi đợi máy bay đi Đài Loan, bỗng giật mình nghe ai đó gọi tên mình, một giọng đàn ông đích thực, hơi lào khào. Vội ngẩng lên, thấy Tuấn Khuỳnh (Viện trưởng Viện NC Tôn giáo) và Đinh Quang Hải (Viện trưởng Viện Sử học). Mình hỏi lại: “Thế hai ông đi đâu đấy?” Tuấn bảo: “Đi Đài Loan!” Ơ hay nhỉ, mình cũng đi Đài Loan đây. Hóa ra bọn mình đến cùng một hội thảo do Sinica Academia tổ chức. Mình mới vào fb hôm trước, thấy Tuấn Khuỳnh đang ở UK, giờ đã lại ở đây đi Đài Loan. Ngạc nhiên với mật độ công du dày đặc, hỏi đùa hắn một câu: “Đi thế này không ngại bà xã phản đối à?” Tuấn Khuỳnh tỉnh bơ: “Mình may mắn có được một bà xã biết thấu hiểu.” À, ra vậy! 

Tại hội thảo, Tuấn Khuỳnh đăng đàn thảo luận về vai trò của Khổng Giáo trong văn hóa Việt Nam, và hắn kiên định lập luận rằng Khổng Giáo không chỉ là một học thuyết về cai trị mà còn là một tôn giáo! Ý kiến này làm bùng lên cuộc tranh luận sôi nổi. Ai cũng muốn phản biện, GS Trần Văn Đoàn, một nhà nghiên cứu triết học và tôn giáo học tại Đại học Quốc gia Đài Loan, chủ trì phiên thảo luận, phải can thiệp vì thời gian cho mỗi bài thuyết trình có hạn. Định bụng lúc nghỉ giải lao sẽ hỏi thêm hắn mấy điều, nhưng thấy nhiều người bu lấy Tuấn Khuỳnh nên đành lảng. 

Mấy ngày ở thăm Đài Loan, Đại diện trưởng Văn phòng Kinh tế-Văn hóa Việt Nam tại Đại Bắc có đến tham gia thảo luận, và mời cả nhóm đến thăm ‘sứ quán”. Tại đây, Tuấn Khuỳnh nêu quan tâm về vấn đề di cư tôn giáo và cô dâu Việt lấy chồng Đài Loan, gãi đúng vào chỗ ngứa của các nhà ngoại giao, làm cho đại sứ bị cuốn vào theo câu chuyện không dứt ra được. Ông bảo tôi chỉ còn mấy tháng nữa là hết nhiệm kỳ nhưng ở đây lâu, nhiều trăn trở lắm. Có nhà nghiên cứu nói các cô dâu Việt đang góp phần “làm giảm chất lượng dân số Đài Loan”, bởi phần lớn trong số hơn 100 ngàn cô dâu Việt ở Đài Loan đều có trình độ học vấn khá thấp, các đứa con do họ sinh ra cũng giống mẹ, thường gặp phải khó khăn hội nhập vào xã hội bản địa. Các bà mẹ này cũng không mấy quan tâm dạy dỗ con cái về văn hóa Việt Nam... Vị đại sứ gợi ý các nhà khoa học xây dựng một dự án nghiên cứu giải quyết vấn đề này, và sứ quán sẽ nỗ lực giúp sức. Nổ một hồi, đại sứ bảo thôi, đi ăn đã, vừa ăn vừa thảo luận. Ông dẫn cả nhóm vào một nhà hàng sang trọng, mời mấy món khoái khẩu, nhưng ngạc nhiên nhất là khi đi, ông đã kịp thủ theo một chai rượu thuốc, nghe nói là rất quý, rất bổ, cả âm cả dương. Ông bảo thường thì không uống rượu vào buổi trưa, nhưng có Tuấn Khuỳnh mà thiếu rượu thì nhạt lắm! Tuấn sáng mắt lên ngay, nhưng cái giọng thì vẫn đủng đỉnh nhại lại câu chuyện vừa xong: “Uống vừa thôi, không lại góp phần làm giảm chất lượng dân số đấy!” 

Hôm ra sân bay Đào Viên về Hà Nội, mọi người đi tìm mua quà xứ Đài, ai cũng cố lượn qua mấy hàng rượu Tây, mỹ phẩm, và đồ hàng hiệu. Thế nhưng Tuấn Khuỳnh lặng lẽ đi vào một cửa hàng bán các loại rượu địa phương. Ngắm nghía chán, hắn nhấc lên một chai rượu cao lương, đựng trong cái bình sứ cực đẹp, và không một chút đắn đo, móc túi trả tiền, mà cái giá cao hơn cả mấy chai rượu tây hảo hạng. Thấy mình ngạc nhiên, hắn giải thích: “Đã đành rượu ngon, bình đẹp, nhưng cũng cần phải biết thưởng thức cái sự cao sang của rượu. Cái món cao lương này rất đặc biệt, chỉ người biết uống mới thấy hết cái tinh túy của nó, còn không thì cũng chỉ cháy họng thôi!” Mình ngẫm nghĩ: Ừ, đúng là khuỳnh thật, ăn chơi cũng rất khuỳnh! 

Tuấn ra trường sau mình mấy khóa. Hắn đi bộ đội rồi mới về học tiếp. Tuổi tác thì cũng chỉ sêm sêm, đâu chỉ kém mình một hai năm gì đấy thôi, nhưng về độ khuỳnh thì ngay hồi còn là sinh viên, hắn đã nổi tiếng, chứ mình thì cả lúc học đến mãi khi đã già mõm thì cũng chỉ như kẻ sống ở “u tỳ quốc” thôi, chả ai biết đến. Mà cũng không hiểu sao người ta lại dán cho hắn cái nhãn “KHUỲNH”, đúng là hay thiệt. Có lẽ hắn có tinh thần phản biện và bênh vực kẻ yếu ngay từ trong trứng, và không thích a dua nói theo kẻ mạnh. Cái tính ấy có lẽ được di truyền từ người cha và vì hắn được sinh ra trong một gia đình có tiếng tăm. Cha hắn, TS Nguyễn Kiến Giang, từng là tỉnh ủy viên Quảng Bình hồi giữa những năm 1950, ra Hà Nội làm đến PGĐ Nhà xuất bản Sự thật của Đảng CS. Thế rồi sau khi được đào tạo ở Nga về, ông bị gán cho cái nhãn “xét lại chống đảng” và bị tống giam 6 năm mà không hề có tòa án nào xét xử. 

Khi còn làm Viện trưởng Viện NC Tôn giáo, Tuấn chưa bao giờ quanh co lấp lửng về quan điểm của mình. Hãy nghe Tuấn nói về tự do tôn giáo trên Vietnam Net như sau: 

“Tôi khẳng định, người ta tìm đến tôn giáo, tìm đến với tâm linh là để giải quyết nhu cầu cơ bản của con người, đó là hướng tới điều linh thiêng, là để noi theo. Đó là quyền tự nhiên của con người. Nói thẳng ra là chúng ta vẫn chưa làm tốt để giúp người dân hướng đến điều linh thiêng....Tôn giáo là một nhu cầu và các nhà quản lý phải có trách nhiệm làm sao thỏa mãn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân tìm đến với tôn giáo như tâm nguyện của bản thân họ chứ không phải là tìm cách ngăn cản, cấm đoán.”

Ngay từ nhiều năm trước, và ngay cả khi đã nằm trên giường bệnh, Tuấn vẫn trăn trở về quyết định của chính quyền phá bỏ Nhà thờ Thủ Thiêm. Rất thẳng thắn, và chẳng sợ ai, chẳng ngán ngại nói thế này thì cái ghế viện trưởng có thể lung lay:

“Tôi đề nghị chính quyền TP.HCM giữ lại nguyên trạng Hội dòng Mến thánh giá Thủ Thiêm, Nhà thờ Thủ Thiêm và các cơ sở tôn giáo lâu đời ở vùng đất này... Các cơ sở tôn giáo lâu đời đó tạo ra điểm nhấn về tâm linh trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, cùng với các cơ sở tôn giáo khác như chùa, miếu, những vùng đất có tính linh thiêng trong tâm tưởng cư dân nơi đây.”

Không chỉ có thế, Tuấn còn đăng đàn phê phán thói dị hợm trong việc phát ấn ở Đền Trần vì tính vụ lợi và những trò mê tín dị đoan của người đời khi rải tiền lẻ cúng tiến ở các đền chùa miếu mạo, nhét cả tiền vào tay chân, vào thân thể các pho tượng, các vị thần linh thiêng. Tuấn gọi đó là “sự mù quáng tâm linh, là a dua, a tòng, hoàn toàn không có tri thức nào nằm trong đó cả.”

Một lần mình hỏi Tuấn: “Khuỳnh như ông mà sao bọn ấy lại giao cho ông cái chức Viện trưởng to đùng đầy quyền lực thế nhỉ?” Tuấn bảo: “Có lẽ họ để tôi làm viện trưởng là vì bố tôi, không phải vì tôi!” Rồi Tuấn giải thích: “Đấy cũng là một cách để họ làm mầu thôi. Họ sẽ nói: Đấy, đảng có phân biệt gì đâu. Đến như con giai kẻ chống đảng mà vẫn làm đến viện trưởng... Nhưng mình làm viện trưởng cũng có cái lý của mình bởi ở vị trí ấy thì nói còn có người nghe!” Ừ, có lý thật.

Một lần, cách đây đã vài năm, Tuấn làm hồ sơ ứng cử chức Phó Giáo sư. Đồng nghiệp ai cũng tin Tuấn hoàn toàn xứng đáng. Còn nhớ hồi ấy đâu cuối năm 2015, bọn mình đang có hội nghị thông báo dân tộc học. Vì phải trình bầy trước hội đồng học hàm nên Tuấn không đến dự được, nhưng buổi trưa xong việc thì mới đến. Mình hồ hởi chúc mừng, nhưng Tuấn không nói gì. Có lẽ hắn đã dự liệu trước hội đồng liên ngành muốn gì rồi. Năm ấy Tuấn không có tên trong danh sách được phong hàm phó giáo sư. Các đồng nghiệp, bạn bè bực mình thay cho Tuấn, ai cũng động viên: Thôi, sang năm lại đệ đơn nữa! Nhưng Tuấn đã quyết rồi, quyết không ngồi cùng mâm với những người “không biết thưởng thức cái thanh cao của rượu”, và nhất định không màng đến cái danh hão nữa!

Có lẽ giờ này, Tuấn đã đi theo các thầy, về với tổ tiên, với miền cực lạc, ở nơi nào đó xa lắm, không còn nhìn thấy nhau được nữa, không còn nghe được cái giọng trầm đục lào khào khác người của Tuấn nữa, nhưng cái tính chính trực, ngay thẳng, luôn bênh vực kẻ yếu, mà bạn bè xem đó như một dạng “dị nhân có tính KHUỲNH” của Tuấn thì vẫn đang lay động nhiều con tim anh em, bạn bè và đồng nghiệp, hướng họ về một lối sống tử tế, có ích cho đời. Tuấn đã từ biệt thế giới này, nhưng cái tính KHUỲNH của Tuấn thì sẽ vẫn ở lại, sẽ vẫn tiếp tục tỏa ra hơi ấm cho đời. Cầu mong cho linh hồn của Tuấn an nhiên nơi cực lạc! 

A-men!
Nam mô A di đà phật!

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét