Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

NHỮNG CÂU HỎI XUNG QUANH “VIỆT PHỦ” THÀNH CHƯƠNG?


NHỮNG CÂU HỎI XUNG QUANH “VIỆT PHỦ” THÀNH CHƯƠNG?
13-12-2018

Thời hạn để cho chủ nhân của những công trình “xẻ thịt” rừng phòng hộ Sóc Sơn (Hà Nội) tự tháo dỡ công trình đã hết. Nhưng vẫn chưa thấy Hà Nội nhấc chân nhấc tay. Trái lại, mấy hôm nay, xung quanh một công trình được gọi là “Việt phủ Thành Chương” lại dấy lên rất nhiều ý kiến của các quan chức, và cả một số đại biểu quốc hội nữa, cho rằng đó là một công trình “mang tính văn hóa”, không nên cưỡng chế dỡ bỏ, nên giữ lại, thậm chí TP Hà Nội nên bỏ tiền mua lại để khai thác làm du lịch...khiến dư luận xã hội xôn xao.

Có mấy câu hỏi được đặt ra xung quanh những ý kiến trên:

Thứ nhất, nếu nói rằng “Việt phủ Thành Chương” là một công trình “mang tính văn hóa”, thì đến nay, đã có cơ quan có thẩm quyền nào cấp bằng di tích văn hóa cho nó chưa ? và nó là “công trình văn hóa” cấp xã ? Cấp huyện ? cấp thành phố ? hay cấp quốc gia ? Nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp bằng công nhận di tích văn hóa, thì mọi nhận định đều chỉ là những nhận xét có tính chất cảm tính cá nhân. Mà cấp, thì cơ quan nào dám cấp bằng di tích văn hóa cho một công trình nằm trên đất lấn chiếm, vi phạm pháp luật ?

Thứ hai, nếu TP Hà Nội muốn mua lại Việt phủ Thành Chương, thì trước hết quốc hội phải sửa luật đất đai. Bởi trong tất cả các luật đất đai từ năm 1987 đến nay, cũng như trong tất cả các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành các luật đất đai, đều không có bất cứ một điều nào quy định về việc nhà nước mua lại các công trình lấn chiếm đất đai, vi phạm pháp luật cả. Không có, thì TP Hà Nội căn cứ vào cái gì để xuất tiền Ngân sách ra mà mua ? Và kể cả một khi quốc hội đã sửa luật rồi, thì các tỉnh, thành trên cả nước sẽ phải bỏ tiền ra mua lại hàng trăm, hàng ngàn công trình lấn chiếm đất đai, chẳng hạn những công trình xẻ thịt đất rừng Hải Vân của giám đốc CA tỉnh Quảng Nam, của “vua vàng” Ngô Văn Quang...và hàng chục công trình xẻ thịt rừng Sóc Sơn khác, bởi mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật.

Dù chỉ làm một cái chuồng gà hay xây dựng một biệt phủ, nhưng đã lấn chiếm đất đai, thì đều phải bị xử lý, bị cưỡng chế dỡ bỏ như nhau. Bởi luật pháp vốn vô tình. Mọi hình thức “phạt cho tồn tại” đều là việc dầy xéo lên nền pháp chế xã hội chủ nghĩa, hủy hoại nền pháp trị xã hội chủ nghĩa. Nếu làm cái chuồng gà bị dỡ bỏ, còn biệt phủ lại cho tồn tại, thì chẳng hóa ra “mèo tha miếng thịt thì đòi/ hùm vồ con lợn, đứng coi tần ngần”?

Hàng triệu con mắt trên cả nước đang theo dõi từng động tác của UBND thành phố Hà Nội đối với những công trình xẻ thịt rừng phòng hộ Sóc Sơn. Và hàng triệu người dân đang đặt câu hỏi : Liệu câu nói “đã vi phạm thì phải xử lý, bất kể người đó là ai” của ông chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung mới đây, có trở thành câu nói đùa vui nhất năm 2018?

5 nhận xét :

  1. Sao lại gọi là lấn chiếm? Khi người ta có sổ đỏ hẳn hoi. Rừng phòng hộ Sóc sơn là rừng trồng. Do người dân kinh tế mới Minh Trí, Minh Phú những năm 80 của tk trước trồng. Hồi đó TP đã làm nhà rồi đưa dân lên. Như vậy nhà có trước rừng ông Sự ạ. TP lưỡng lự là lý do đó. Còn Việt phủ Thành Chương có là công trình văn hóa hay không? Thì hành ngày những người muốn tìm về văn hóa Việt kể cả khách quốc tế, các vị nguyên thủ uốc gia vẫn đến thăm và tìm hiểu. Còn có cơ quan nào công nhận. Thì bản thân họa sỹ Thành Chương chỉ coi đây là bộ sưu tập cá nhán. Nên không có nhu cầu xin công nhận từ chính quyền. Vậy thôi. Hãy công bằng với những đóng góp của cá nhân! Đừng lấy những tượng đài ngàn tỷ được xây bằng tiền thuế của dân, vẫn được coi là co9ng trình văn hóa được tw và địa phương công nhận ra so sánh với tâm huyết đam mê của mỗi người dân Việt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. TRong khu dân cư quy hoạch "nghiêm chỉnh" tôi ở, các mảng công viên cây xanh quy hoạch vĩnh viễn, lần luợt cũng được... bán và họ xây nhà, xoay xở có sổ đỏ hết.

      Xóa
  2. Nếu Việt phủ Thành Chương là công trình lấn chiếm đất đai, thì đập bỏ là phải rồi. Nhưng, một đống tiền, bao công sức và (có lẽ) nhiều tâm huyết..., không hoàn toàn vô giá trị,...; nên cho phép chủ nhân của nó di chuyển nó đi chỗ khác. Chủ nhân không còn lực, nhà nước mới có thể mua lại. Coi như một ngoại lệ. Pháp luật không vì tế mà mất tính nghiêm minh...

    Trả lờiXóa
  3. Theo tôi những gì có trước Luật thì nên để tồn tại , mà có sau luật thì nên chấp hành theo luật . Hãy thượng tôn pháp luật. Và tui chỉ EEE một điều khó vì VUA NHIỀU .

    Trả lờiXóa
  4. Lái cỗ xe pháp luật phải tinh tường sáng trí, nếu không vấp ổ gà thì cỗ xe pháp luật trong tay người lái sẽ tan tành?

    Trả lờiXóa