Thứ Sáu, 14 tháng 12, 2018

NHÀ BÁO LƯU TRỌNG VĂN LÊN TIẾNG VỀ VIỆC XÂY TƯỢNG ĐÀI


12 - 12 - 2018
 
Hãy chấm dứt loại tượng đài nghệ thuật xóm này lại!

Quảng Bình quê gã đã ra quyết định xây dựng tượng đài cụ Hồ với nhân dân Quảng Bình với số tiền 78 tỷ.

Gã tạm không bàn chuyện giữa lúc bà con quê gã còn nghèo đói, nhiều trường học vùng sâu vùng xa còn rách nát, nhiều đứa trẻ đến trường còn lội suối vì không có cầu mà các quan tỉnh hè nhau "học và làm việc theo tấm gương chủ tịch HCM" lại nỡ lòng nào bỏ ra số tiền tấn để làm tượng đài dâng cụ.

Gã chỉ bàn đến giá trị nghệ thuật của tượng đài này thôi.

Nói cho nhanh: cũ kỹ và rất xóm.

Ở thế kỷ 21 này rồi mà tư duy nghệ thuật làm tượng đài vẫn bị chính trị hoá thô thiển theo kiểu hồng vệ binh Maoist.

Cụ Hồ với nhân dân thì phải có đầy đủ công nông binh, trí, dân chài, trẻ con, bà con các dân tộc. Rồi lãnh tụ thì phải đứng thẳng, quần chúng thì vây quanh và ngước nhìn ngưỡng mộ lãnh tụ. Lãnh tụ thì phải cao hơn nhân dân cái đầu.

Gã cảm nhận tượng đài này như hình các người máy.

Gã không chống lại việc đất nước cần có những tượng đài lịch sử. Nhưng gã chống lại chuyện lấy tiền của dân làm những tượng đài theo tư duy chính trị xóm thiếu giá trị nghệ thuật.

Nếu quả thực nhân dân quê gã yêu kính cụ Hồ thì nên mời các nhà điêu khắc tài năng làm bức tượng cụ ngồi bên cửa sông Nhật Lệ đổ ra biển. Cụ ngồi một mình trầm tư. Tuỳ ai hiểu cụ trầm tư về cái gì: cái đẹp? Đất nước bị chia cắt? Dân còn quá nghèo? Một câu thơ?

Nơi đây cụ Nguyễn Du từng nhìn ra cửa bể này làm câu thơ:

Buồn trông cửa bể chiều hôm
Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa...
Buồn trông ngọn nước mới sa
Hoa trôi man mát biết là về đâu?

Với thận phận nàng Kiều như thân phận dân tộc thì mần răng một người như cụ đã từng đến nơi này lại không trầm tư cho được?

Cụ Hồ với hình ảnh như thế gần dân quê bọ biết chừng nào.

Và... một tượng đài như thế chỉ tốn vài tỷ là hết đất.

Nhưng các quan quê bọ lấy chi mà ăn hè?
______________________

Lưu Trọng Văn

Cục trưởng Mỹ thuật Nhiếp ảnh và Triển lãm (Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) Vi Kiến Thành cho biết: "đề án Quy hoạch hệ thống tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 đang được xin ý kiến cấp trên.

Theo đó có 14 công trình được đề xuất xây dựng gồm: Tượng đài Bác Hồ với thanh niên xung phong ở tỉnh Bắc Kạn; tượng đài Bác Hồ với nông dân ở Thái Bình; tượng Nguyễn Tất Thành và cụ Nguyễn Sinh Sắc tại Bình Định...

14 địa phương được đề xuất ưu tiên xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh đến năm 2030 gồm: Bắc Kạn, Bắc Ninh, Bình Định, Đà Nẵng, Điện Biên, Hải Phòng, Hải Dương, Kiên Giang, Quảng Bình, Quảng Trị, Sơn La, Thái Bình, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc. "Đây là 14 tượng đài được ban xây dựng đề án duyệt từ 58 đề xuất của các địa phương".

Còn gã kêu gọi: chấm dứt tất cả các tượng đài cụ Hồ vì hiện nay nước gã đã có hơn 100 tượng đài cụ Hồ ở các khuôn viên cơ quan nhà nước và hơn 30 tượng đài kích cỡ lớn ở các quảng trường, trung tâm địa phương rồi.

Quá đủ rồi thưa ngài Vi Kiến Thành ạ!

Đất nước này gã biết còn nhiều người kính trọng cụ Hồ, gã rất tôn trọng cái tình cảm đó, nhưng xin thưa quý vị, đất nước hàng ngàn năm lịch sử này đâu chỉ có mình cụ Hồ?

Đất nước hàng ngàn năm lịch sử này còn tầng tầng lớp lớp các anh hùng, nhà văn hoá, nhà khoa học, nhà cải cách, nhà buôn, nhà doanh nhân dân tộc lẫy lừng làm nên một Việt Nam - riêng một bờ cõi.

Thật là bất công và vô ơn nếu quý vị và ngài cục trưởng cục Mỹ thuật chỉ nghĩ đến một người mà lơ muôn người vĩ đại không kém.

Trong vườn nhà gã, gã làm bức tượng của cha gã bằng tiền của gã là quyền của gã.

Quý vị và ngài cục trưởng muốn làm tượng cụ Hồ bằng tiền của quý vị và của ngài cục trưởng đặt ở đất riêng của mình là quyền của quý vị và của ngài cục trưởng.

Còn tiền của dân, trên đất của dân thì gã nhắc lại: đủ rồi!

Nếu muốn kiếm ăn xin các ngài hãy để cụ Hồ được yên vì gã tin chắc rằng nếu cụ sống dậy đi đâu cũng thấy tượng của mình cụ sẽ chửi ngay: bác vốn sống bình dị cả đời không đụng một cắc tiền của dân sao các chú lại mượn bác tiêu tốn hàng chục ngàn tỷ tiền của dân thế này?

20 nhận xét :

  1. Chán gã bỏ mẹ. Chỉ những công trình gắn mác cụ, thì mới được duyệt và giải ngân nhanh thôi. Đó là mục đích chính

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không có cái gì dễ ăn bằng xây tượng đài- quảng trường. Không có gì ăn đậm bằng xây tượng đài- quảng trường. Không có gì ăn mà an toàn bằng xây tượng đài- quảng trường. Tượng đài muôn năm!

      Xóa
  2. Giá trị của tượng đài là ở chỗ chất liệu làm bằng đất nung.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thể theo nguyện vọng của đồng bào Rục, đồng bào Cơ-ho, đề nghị tỉnh Quảng Bình chi 5000- 7000 tỷ xây tượng đài với quảng trường trên đỉnh Trường Sơn. Khi mất mùa đồng bào hướng lên ngắm tượng đài sẽ...no cái bụng.

      Xóa
  3. Vẽ ra để ăn mà. Đố ai làm gì được đấy. Tự trọng và xấu hổ - tan thành mây khói lâu rồi, bác Lưu Trọng Văn ạ. Chỉ thương Nhân Dân mình, nhân hậu và biết điều xiết bao, nhưng giờ đành phải cam chịu...

    Trả lờiXóa
  4. Cái gì cũng phải có giới hạn . Cái gì nhiều quá cũng nhàm . Tượng cụ cũng thế thôi . Làm tượng đài bây giờ là trò buôn thần bán thánh dễ kiếm tiền nhất .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi thiển nghĩ , các tượng đài của cái nước mình sao trông nó " quê " thế .Tượng bác Hồ thì tứ chi cứng nhắc , mỗi một dáng đứng trông đơ đơ ...
    Ấy , cái tượng đài này , chỉ cần bỏ mấy cái cánh diều ( nhưng lại bớt tiền đút túi ! ) trông đã đỡ quê rùi nhưng vẫn ngô nghê kiểu " nghệ thuật xóm " ( từ của tác giả ) , quả là kiểu nghệ thuật ...Quảng Bình quê ta ơi !

    Trả lờiXóa
  6. Anh có thể làm được cái tượng nho nhỏ xinh xinh có chút nghệ thuật nhưng không có nghĩa là anh đủ khả năng làm tượng đài . Cũng như anh thợ xây , có thể xây cái chuồng lợn ra trò nhưng không vì thế mà anh cho rằng có thể xây nhà nhiều tầng ...
    Thử xem , ở khắp nước ta có cái tượng đài nào đáng được vinh danh về nghệ thuật ? ( ngoài cái tượng Lênin ở vườn hoa Chi Lăng nhưng là công trình của Liên Xô tặng ) .
    Tác giả dùng từ " nghệ thuật xóm " rất chuẩn xác , theo tôi .

    Trả lờiXóa
  7. Tượng đài chi mà các nhân vật đứng rời rạc như dàn hàng ngang để chụp ảnh mà lẽ ra nên quây quần quanh bác !
    Công trình hoành tráng ( để đời ) nên có hội đồng thẩm định , từ Trung ương , Bộ ngành gồm các nhà điêu khắc , họa sỹ , kiến trúc sư , quy hoạch sư , những người được đào tạo bài bản về điêu khắc - tượng đài ở nước ngoài ... không nên tùy tiện , tư duy cũ kĩ ( như nội dung bài báo )

    Trả lờiXóa
  8. Cụ Hồ dạy rằng: Khi Cụ chết không nên điếu phúng...để khỏi lãng phí tiền của nhân dân. Bây giờ bọn chúng làm tượng đài khắp nơi để làm gì? Ai cũng biết những kẻ chủ trương làm tượng đài chẳng bao giờ nhớ đến Cụ đâu. Chúng làm để ĐỚP.

    Trả lờiXóa
  9. Ba bức tường bê tông nặng nề hình cánh buồm làm cho những tượng người bên dưới trở nên nhỏ bé làm sao ! Xin chịu tài tác giả tác phẩm .

    Trả lờiXóa
  10. Nhìn quần thể khóm tượng này ; Tiện dân bỗng hình dung đoàn thủy thủ trên thuyền của Cristop-Colon đang giong buồm vượt biển đi tìm đất mới ...
    Bố cục rối rắm quá ta .

    Trả lờiXóa
  11. Cứ thấy các địa phương đua nhau xây tượng đài " hoành tráng " toàn hàng chục tỷ ( chắc chui vào túi riêng non nửa ) lại chợt nhớ đến hình ảnh các sắp nhỏ hàng ngày đu dây , lội nước vượt núi vượt đồi đến các lớp học tứ bề trống hoác gió lạnh thấu xương mà chạnh lòng xót thương ...!

    Trả lờiXóa
  12. Tượng đài , chắc hẳn phải đi đồng bộ với quảng trường , đường , điện , công viên cây xanh , nhà lưu niệm ... Thật là món lợi khổng lồ dễ " ăn " nhất .

    Trả lờiXóa
  13. Dân tộc VIỆT NAM này không biết chừng nào mới hết khổ !

    Trả lờiXóa
  14. Nhữn kẻ quyết định xây tượng đài là những kẻ vẽ chuyện để ăn xương máu của những người đã chết.

    Trả lờiXóa
  15. Mọi người nếu chịu khó quan sát sẽ thấy: Tượng đài Bác Hồ trên toàn quốc đều thiết kế theo mẫu chung. Tượng đài các anh hùng dân tộc như Lê Lợi, Quang Trung, Trần Hưng Đạo , Lý Thường Kiệt... Tất cả hao hao giống nhau. Như vậy là không có sáng tạo và nghệ thuật.

    Trả lờiXóa
  16. Tượng đài này là bản sao một bức tranh cổ động tôi từng thấy ở đâu rồi, nhưng không nhớ rõ...

    Trả lờiXóa
  17. Hãy đặt tượng đài trong lòng dân từ thế hệ này sang thế hệ khác mới vững bền, đừng cố tình lấy tiền của dân để mang lại một kết cục không trong sáng. Tôi còn nhớ tượng đài cụ Hồ trên núi cao khu vực thủy điện Hòa bình mấy ai có phương tiện bò lên đó, hay ở Điện biên phủ chỉ mới hoàn thành đã bị nứt nẻ hư hỏng ....Ai cũng biết có nhiều lí do để xây dựng tượng đài và thực sự có nhiều uẩn khúc tham ô nhưng không ai dám bác bỏ. Tôi nghĩ 3 miền chỉ cần 3 vị trí đặt tượng cụ Hồ là đủ.

    Trả lờiXóa
  18. Bọn làm tượng đài chỉ có mục đích kiếm tiền chứ chúng không nghĩ mục đích gì khác . Chính vì vậy , hầu hết tượng đài không đạt . Một tượng Hồ chí Minh làm rất xấu đặt ở sân Học viện Quân y (Hà đông) là 1 ví dụ , mời mọi người vào xem để biết là họ làm xấu lãnh tụ bằng tượng đài thế nào .

    Trả lờiXóa