Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

Trần Mạnh Hảo: MỘT TẬP THƠ LÀM TÔI NGẠC NHIÊN


Trần Mạnh Hảo
29- 09 2017

MỘT LẦN NỮA – “ EM LÀ ĐÔI MẮT” TẬP THƠ LỤC BÁT 
CỦA NHÀ THƠ KHIẾM THỊ NGUYỄN VIỆT ANH 
LẠI LÀM TÔI NGẠC NHIÊN

Năm 2014, khi nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh in tập thơ lục bát ( mỗi bài chỉ 4 câu), chúng tôi ( TMH) đã viết bài khen nhan đề : “ Mặt trời khiếm thị vào thơ” ( các bạn muốn đọc xin vào : google.com, đánh tên bài viết của TMH trên, sẽ đọc được)

Nay, Nguyễn Việt Anh lại gửi tặng tôi tập thơ lục bát 4 câu có nhan đề : “ Em là đôi mắt” ( NXB Hội Nhà văn 2016). Tôi đọc và rất thích tập thơ này.

Xin trích bài : “Lưu lạc”

“Nào đâu cứ phải bôn ba
Chỉ cần ở tại ngôi nhà thân yêu
Vào ra sớm sớm chiều chiều
Đủ lưu lạc giữa bao nhiêu nẻo đường”

( trang 51)

Nên nhớ tác giả bài thơ trên là một người mù. Anh đi đâu cũng cần phải có cây gậy hay người khác dẫn đường. Nhà thơ nhìn cuộc đời bằng tâm nhãn. Ba câu đầu của bài thơ mới là kể; câu thứ bốn mới vỡ òa ý tưởng, lênh láng cảm xúc. Hóa ra nhà thơ mù lưu lạc trong ngôi nhà mình, lưu lạc trong chính tâm hồn mình. Bóng tối cô anh đặc lại như thạch.

Anh ngồi trong chính mình mà còn lạc, còn thấy vô biên, thấy hư vô, hư ảnh, hư hình…Tưởng là tĩnh mà động, tưởng mà ngồi mà bay, tưởng rằng một mà muôn; cái vi mô đã thành vĩ mô và ngược lại. Nguyễn Việt Anh không viết bằng mắt. Anh viết bằng hồn. Chừng như người đọc anh cũng cần phải có tâm nhãn mới nhìn ra trong bóng tối lục bát của anh cái lục căn, lục bình, lục lạc, lục tung, lục lọi của hư vô và nỗi chết.

Tôi yêu câu thơ thứ tư trong các bài lục bát bốn câu của Nguyễn Việt Anh. Trong bài “ Mấy khi”, nhà thơ mù kể ra chuyện anh được về quê, ra bờ sông hóng gió :

“ Mấy khi có dịp về quê
Ra sông hóng gió thỏa thuê cả ngày
Ta ngồi như một gốc cây
Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ”
( trang 37)

Hóa ra, khi chúng ta ngồi lặng trên mặt đất, chúng ta cũng chỉ là một gốc cây. Nhưng là một gốc cây của Phật, của Chúa, của linh cảm thi sĩ tuyệt vời. “Nghe trên da thịt trổ đầy tuổi thơ” là một câu thơ có dấu hiệu thiên bẩm, người sáng mắt làm sao viết nổi ?

Bạn ơi, bạn muốn thành một thi sĩ lớn, bạn hãy biến mình thành một cái cây của Nguyễn Việt Anh, cái cây trổ đầy tuổi thơ, tuổi của thiên đường xưa bé. Chao ôi là những cây người, xum xuê những thiên thần tí hon chồi biếc. Ai bảo nhà thơ mù không nhìn thấy gì ? Anh nhìn thấy cái sâu vô cùng của bản thể vũ trụ bằng cái nhìn thiên sứ !

Trong nhóm những bài thơ lục bát hai câu cuối sách, chúng tôi như mê đi khi tìm thấy câu này của thi sĩ Nguyễn Việt Anh :

“ Thức mà đơn độc xanh tươi
Chẳng thà mê sảng cùng người tàn phai”
( trang 68)

Có những “đơn độc xanh tươi” trên đời này đấy, thưa các bạn. Nhà thơ mù đã nhìn thấy những cô đơn xanh biếc. Trái đất chúng ta là một tinh cầu cô đơn xanh biếc trong vũ trụ xa xanh thăm thẳm khôn cùng. Về bản thể, tâm hồn chúng ta dù đang có tình yêu, có gia đình, hình như cũng chỉ là một tinh cầu “đơn độc xanh tươi” ?


Nguyễn Việt Anh từng có tuổi thơ và tuổi học trò sáng mắt. Năm anh mười lăm tuổi, nhà thơ bị căn bệnh lạ mang đi đôi mắt. Tuy vậy, đến tuổi trưởng thành, anh vẫn có vợ có con. Nhưng rồi cô vợ đã từ bỏ cha con anh mà đi mất vào cõi đời mù tăm, bỏ anh lại cho cây gậy dẫn đường. Nhà thơ rơi vào hai lần cô đơn. Con người càng cô đơn càng tỉnh táo.Cho nên thi sĩ mới mơ được mê sảng, được tàn phai cho thoát nỗi cô đơn. Hóa ra còn có những “tàn phai” hạnh phúc ? Xin được chia sẻ cảm giác tươi xanh trong héo úa của thi sĩ trong bài “ Không đề 2” :

“Đột nhiên phố xá lặng im
Lòng ta cũng bất giác chìm lắng theo
Gió lơ đãng thổi qua chiều
Một vài héo úa ít nhiều tươi xanh”
 
(trang 27)

Chúng ta có thể sống thiếu cơm, thiếu nước trong nhiều ngày. Nhưng chúng ta không thể thiếu dưỡng khí và hi vọng trong năm phút.Trong tuyệt vọng, thi sĩ tìm thấy hi vọng. Trong héo úa, nhà thơ khiếm thị tìm thấy tươi xanh. Anh thanh lọc lá vàng tìm ra chồi non. Câu thơ hay làm ta thẫn thờ buồn vui lẫn lộn mãi trong vu vơ, trong thông cảm và trong bối rối : “Một vài héo úa ít nhiều tươi xanh”

Hãy xem Nguyễn Việt Anh nhìn mưa trong tâm hồn mình khi nghe tiếng mưa đêm ngoài song cửa :

“Mưa đêm chợt đến chợt đi
Khoảng sân trước cửa nghĩ gì mà rêu
Ánh trăng hắt xuống đìu hiu
Tự nhiên sờ sợ những điều chưa qua”
( Mưa đêm trang 6)

Đêm với ngày với người thi sĩ mù cũng chỉ là bóng tối. Và mưa và ánh trăng cũng tối như vệt rêu trước sân, chỉ bàn chân anh cảm thấy. Câu thơ bâng khuâng lạ, cắc cớ lạ, sao mà lòng trai cũng tưởng đã xanh rêu : “Khoảng sân trước cửa nghĩ gì mà rêu” …

Cảm thương cái sân trước cửa buồn quá, cả nghĩ quá mà hóa rêu cho anh làm thơ. Mưa và rêu có nghĩ gì đâu. Chỉ hồn thơ anh cô đơn quá mà nghĩ ra cái điều trơn trượt ấy. Một thế giới tĩnh lặng và bất an với một người không còn đôi mắt, phải nhìn bằng tay, nhìn bằng chân và nhìn bằng thính giác của thời gian đang đến vây bủa anh trong buồn thương hũ nút : “ Tự nhiên sờ sợ những điều chưa qua”…

Anh, người thi sĩ mù nghi ngờ chính sự tồn tại của mình. Anh viết hay là cái bóng viết ? Cõi mung lung có có không không này đang ú tim anh hay anh đang chơi trò bịt mắt bắt dê chính mình :

“Đôi lần thoáng hiện trong ta
Thân hình buốt giá như là mùa đông
Bồn chồn tay gối mung lung
Đang còn mình đấy mà không thấy mình”

( Mung lung, trang 7)

Chàng thi sĩ như con ếch số phận đào bóng tối ra để trú đông hay bóng tối đang đào anh ra từng hố hầm ảo ảnh để neo vào thời gian, đặng nghi hoặc chính mình ? Ta có thực không ? Ánh sáng có thực không ? Tất cả chúng ta, hầu như vẫn thường tự hỏi mình như chàng thi sĩ chung thân bóng tối này tự hỏi : “Đang còn mình đấy mà không thấy mình” ! Chao ôi là cái chàng Hamlet của Shakespeare mắt nhìn sáng rực mà vẫn mang một tâm hồn mù, đã liên tực tự hỏi mình : “ To be or not to be” ( tồn tại hay không tồn tại)…

Khi chơi thuyền trên Hồ Tây, Nguyễn Việt Anh viết :

“Đền đài lầu gác nguy nga
Chìm trong giấc mộng xa hoa đáy hồ
Hãy nhè nhẹ mái chèo khuya
Kẻo làm sống dậy ngôi vua một thời”

( Chơi thuyền ở Hồ Tây, trang 11)

Chèo nhẹ thôi bạn ơi, để các triều vua dưới đáy hồ yên ngủ. Thi sĩ thương giấc nghìn năm lịch sử bị đánh thức. Đi nhẹ chân thôi các bạn ơi, kẻo ông cha nằm dưới đất mất ngủ ! Chừng như các triều vua, chừng như linh hồn ông cha không ngủ dưới hồ, không ngủ trong đất mà đang yên giấc trong hồn ta ?

Trùm lên những dòng thơ Nguyễn Việt Anh là nỗi cô đơn kiếp người; như thể chàng thi sĩ đi một mình, ngồi một mình trên bờ biển :

“Trăng lên biển đã vào khuya
Cánh buồm khuất nẻo bên kia chân trời
Sóng giờ cũng ngược ra khơi
Bơ vơ hạt cát lặng ngồi hóa anh…”

( Viết ở Bãi Cháy, trang 24)

Không phải anh hóa hạt cát mà ngược lại. Hạt cát ấy buồn vì biển đã lùi xa, đêm tĩnh lặng như biến mất. Hạt cát ấy cứ đùn dần, lớn dần thành một ngôi mộ, không, thành một con người bơ bơ giữa thế giới bơ vơ. “Rồi cát bụi sẽ trở về cát bụi” . Lời Kinh thánh như tiếng gió đang ro ro trong vỏ ốc biển. Con người, thương thay chính là một hạt cát ngồi ngóng biển cả mang mình đi. Đi đâu ? Đi vào thơ Nguyễn Việt Anh chứ biết còn đi đâu !

Chính vì vậy, thi sĩ mù cám ơn hạt cát hư vô xô dạt ta về cõi hữu hình :

“Bấy lâu ngọn sóng hư vô
Rắp tâm tẩy xóa cuốn xô kiếp người
Không ngờ hạt cát nhỏ nhoi
Lại đưa con sóng về nơi hữu hình”

(Viết ở Đồ Sơn, trang 25)

Khoa học bảo rằng : sự sống mấy tỉ năm trước đã xuất hiện trong biển khơi. Hình như hạt cát lẻ loi này đã tha sự sống lên mặt đất ? Nhà thơ, cũng như hạt cát xíu xiu kia hình như đã theo sóng tấp vào bờ hồn ta một thi hứng, một xúc động trong ngẩn ngơ lục bát vô bờ.

Hãy chia sẻ nỗi đau của chàng thi sĩ trong đêm sâu như bình rượu :

“Đêm đau đêm tối âm thầm
Bóng đau bóng thức trầm ngâm với hình
Thơ đau thơ trút cạn tình
Gió đau gió thổi rỗng bình rượu tăm”

(Đau, trang 48)

Tôi yêu câu thơ thứ tư này quá. Hóa ra khi đau, gió cũng giải sầu bằng rượu ? Thực ra, người đau đã uống hết bình rượu nhưng lại ngờ gió uống. Tại gió cả thôi ! Lại nhớ Trịnh Công Sơn : “ Để làm gì em biết không ? – Để gió cuốn đi”. Nhờ gió ấy, rượu ấy, mà có thi ca, có bài hát, có cơn say của gió thổi rỗng những bình đời, những bình rượu sủi tăm thi sĩ !

Hồi chàng thi sĩ mù bị vợ bỏ đi, nỗi buồn đã bày tiệc trên hồn anh, một nỗi cô đơn cụ thể, cô đơn đến tê tái cả câu lục bát rất thật này :

“Dây phơi chẳng chiếc áo nào
Mỗi khi gió động vẫn chao hai tà
Em mang ấm cúng đi xa
Hiu hiu hắt hắt ở nhà với tôi”

(Trống vắng, trang 49)

Chúng ta, hầu như rất ít ai bị vợ hoặc chồng bỏ đi giữa tuổi thanh xuân như Nguyễn Việt Anh; sao có khi giữa một gia đình tưởng hạnh phúc lắm, tưởng đông vui lắm, ta vẫn có cảm tưởng cái vĩnh hằng, cái may mắn, cái thiên đường trong mộng xưa đã bỏ ta mà đi; khiến ta thấy câu thơ thi sĩ mù không chỉ viết cho riêng anh, mà còn viết cho chúng ta câu thơ thật hay này nữa :

“Em mang ấm cúng đi xa
Hiu hiu hắt hắt ở nhà với tôi”…

Thưa các bạn yêu thơ, thế nào rồi cái “hiu hiu hắt hắt” trong thơ Nguyễn Việt Anh cũng sẽ tìm đến chúng ta, để xin ở chung nhà mãi mãi cùng ta dưới mái cỏ xanh mai hậu…Thơ ơi, hiu hiu hắt hắt ơi, chờ ta với .,.

Sài Gòn ngày 29-9-2017
T.M.H.

(ghi chú : điện thoại của nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh : 0973 820 249)
Ảnh : nhà thơ khiếm thị Nguyễn Việt Anh.
 
 

2 nhận xét :

  1. Hóa ra nhà thơ mù lưu lạc trong ngôi nhà mình, lưu lạc trong chính tâm hồn mình. (hết trích)
    _______________
    Chúng ta lưu lạc ngay trên chính quê hương mình. Chúng ta không dám sống thật lòng. Chúng ta không dám nói thật lòng. Chúng ta không dám viết thật lòng. Chúng ta không dám chìa bàn tay cho người anh em trên đường mỗi sáng mỗi chiều ta đi. Quê hương đầy lòng nghi kỵ mà thiếu bao dung. Tâm hồn ta không có mái nhà! Người ta giải tỏa lấy đất, mái nhà của ta suốt đời long đong sống trong phập phòng âu lo. Sáng mắt còn sống tệ hơn mù lòa! Các điều luật mơ hồ 79, 88, 258 lúc nào cũng sẵn sàng cưỡng chế cái tâm hồn nói thẳng đem nhốt vào tù ngục! Thế đấy! Suốt đời chúng ta hoang mang như sống giữa rừng xanh!

    Trả lờiXóa
  2. Thơ hay ; Lời bình cũng rất hay , giúp cho độc giả cảm nhận sâu sắc " cái hồn " của mỗi câu thơ .

    Trả lờiXóa