Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

Bà Phạm Chi Lan: HỘI ĐOÀN PHẢI TỰ MÀ LO KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG

Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế hàng đầu của VN. Bà là con gái họ Phạm 
làng Đông Ngạc (làng Vẽ, huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Nội). Ảnh: Anh Tú.

Lời dẫn của LS Trần Hồng Phong: Từ lâu, bà Phạm Chi Lan là người được hàng triệu trí thức Việt Nam, trong đó có tui, kính trọng vì những kiến thức kinh tế sâu sắc, táo bạo. Vì những tư duy đột phá, dũng cảm, nhưng luôn có tính xây dựng, nhân văn. Tôi có may mắn từng tiếp xúc và nói chuyện với hai người phụ nữ được đánh giá là có tài có đức hiện nay, và được báo chí nói là "bạn" của bà Tôn Nữ Thị Ninh - người mấy ngày qua khuấy động dư luận về chuyện "không tha ông Bob" - đó là bà Phạm Chi Lan và bà Vũ Kim Hạnh (nguyên Tổng biên tập báo Tuổi Trẻ). Tôi thấy bà Phạm Chi Lan và bà Vũ Kim Hạnh cùng giống nhau ở điểm ăn mặc "xuề xòa đơn giản", nói năng nhẹ nhàng, nhưng đều có tâm, có tầm. Khác quá xa bà Tôn Nữ Thị Ninh ăn mặc rất sang trọng, nói năng có lửa, nhưng tâm và tầm thì nhỏ quá, chả đáng! Ý kiến của bà Phạm Chi Lan trong bài viết này đúng quá! Thấy thương đất nước tôi quá, sao lại có những năm tháng thế này?   
Bà Phạm Chi Lan: 
Cần “khoán 10” để giảm gánh nặng 11 triệu người ăn lương nhà nước!
Lê Thọ Bình - /Thứ Năm, ngày 9/6/2016 - 07:14 

VietTimes -- “Hiện nay số người hưởng lương và mang tính chất lương đã lên tới 11 triệu. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy. Đã đến lúc cần có một “khoán 10” trong việc giảm số người ăn lương nhà nước mới có nguồn để đầu tư phát triển đất nước”, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói.

Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy như vậy!

Bà Phạm Chi Lan nói: “Bộ máy nhà nước của chúng ta hiện nay có khoảng 2,8 triệu cán bộ, công chức (CBCC), viên chức. Nếu cộng cả đối tượng nghỉ hưu, các đối tượng khác hưởng lương, trợ cấp từ ngân sách nhà nước (NSNN), con số này lên tới 7,5 triệu người, chiếm 8,3% dân số cả nước. Còn nếu cộng toàn bộ số người hưởng lương và mang tính chất lương thì con số này lên tới 11 triệu người. Không ngân sách nào nuôi nổi bộ máy ăn lương lớn như vậy.

Nước Mỹ có diện tích lớn xấp xỉ 30 lần nước ta, dân số gần gấp 4 lần, nhưng đội ngũ công chức của họ chỉ có 2,1 triệu. Nhìn sang Trung Quốc thì chúng ta thấy đội ngũ công chức của họ cũng chỉ chiếm 2,8% dân số.

Như vậy, chúng ta thấy 160 người dân Mỹ chỉ nuôi một công chức, trong khi đó 40 người dân Việt Nam phải nuôi một công chức. Đó là chưa kể người dân chúng ta phải gánh chịu tình trạng quan liêu, sách nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng của một bộ phận không nhỏ trong số 2,8 triệu công chức này.

Hàng năm trung bình chi thường xuyên của Việt Nam ở mức 68-69% tổng chi ngân sách, có lúc lên đến 72% tổng chi ngân sách. Năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa ký phê duyệt chi thường xuyên có ít hơn đôi chút, nhưng vẫn ở con số 65%. Khoảng 30% dùng để trả nợ. Đầu tư cho phát triển năm nay chỉ vào khoảng 17%.

Đội ngũ công chức, viên chức của chúng ta đông như vậy, nhưng theo nhiều người thì chất lượng lại không cao. Ý kiến của bà về vấn đề này như thế nào? 

- Khi còn ở cương vị Phó thủ tướng Chính phủ ông Nguyễn Xuân Phúc nói: “Đội ngũ công chức của chúng ta hiện nay chỉ có khoảng 30% là đáp ứng được nhu cầu công việc”. Tôi bổ sung thêm là 30% nữa là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Khi còn là Bộ trưởng Bộ TT&TT ông Lê Doãn Hợp còn thêm: “30% còn lại không chỉ không làm được việc mà còn vòi vĩnh, nhũng nhiễu, đòi hối lộ”.

Vấn đề cải cách hành chính, giảm biên chế, giảm số người hưởng lương từ NSNN đã nhiều lần được nói tới. Tuy nhiên qua 4 lần cải cách, số CBCC không những không giảm mà còn phình to hơn. Chẳng lẽ chúng ta bó tay?

- Tôi hỏi nhiều người là liệu có thể giảm biên chế được không, họ đều nói là không thể giảm được.

Chỉ có một cách thôi. Đó là bỏ hẳn biên chế đi. Chuyển sang chế độ hợp đồng lao động. Đây không phải là vấn đề gì mới mẻ. Trong vòng 20 năm trở lại đây các chuyên gia đã nói nhiều rồi. Công chức suốt đời sẽ là vật cản cho phát triển. Cần phải chuyển đổi hình thức biên chế, hợp đồng suốt đời trên cơ sở luật công chức mới. Thay vào “biên chế suốt đời” phải xác định vị trí, việc làm trên cơ sở đó đặt chuẩn cho người làm việc ở vị trí ấy.

Trong chế độ công chức hiện đại, công chức khi vào một vị trí nào đó, họ phù hợp với vị trí ấy về trình độ đào tạo, kinh nghiệm chuyên môn của họ. Chúng ta phải hướng tới một nền công vụ hiện đại như vậy. Nhiều nước người ta đã làm như vậy rồi. Ví dụ như từ những năm 2000, New Zealand đã thực hiện rồi. Họ chỉ có hợp đồng công chức chứ không có biên chế suốt đời. Thậm chí, từ cấp Thứ trưởng trở xuống cũng chỉ hợp đồng thôi.

Một nền hành chính công vụ hiện đại, chuyên nghiệp phải bảo đảm được sự năng động, thay đổi, không phải “anh” vào công chức rồi thì cứ ung dung “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” cũng chả ai làm gì được.

Nếu thực hiện được như bà nói thì quỹ lương sẽ được phân bổ như thế nào, theo bà?

- Thực hiện chế độ khoán quỹ lương gắn với giao nhiệm vụ. Ví dụ: Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh, Vụ trưởng, Cục trưởng cần bao nhiêu người thì ký hợp đồng bấy nhiêu, ai giỏi trả lương cao họ sẽ làm, không giỏi thì tự bỏ, hoàn thành nhiệm vụ mới trả lương, không thì không trả, như vậy chỉ có cán bộ giỏi, không có cán bộ yếu kém. Và như vậy thì cán bộ giỏi mới không bỏ cơ quan ra làm cho các Công ty tư nhân hay Công ty nước ngoài.

Thủ trưởng cơ quan toàn quyền quyết định việc lương cao hay lương thấp. Nếu nhiệm vụ giao không hoàn thành thì xuất toán. Như thế thì con ông cháu cha, hay ê kíp này nọ cũng không quan trọng nữa, miễn là cạnh tranh lành mạnh, thi nhau hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí

Thưa bà, ai cũng biết các tổ chức chính trị, tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội cũng đang là “gánh nặng” cho NSNN, nhưng không phải ai cũng hiểu tường tận “gánh nặng” đó như thế nào. Bà có thể cho biết khái quát được không?

- Theo Dự toán chi ngân sách Trung ương năm 2016 được Bộ Tài chính công khai trên website của bộ này thì, tổng chi cho các cơ quan trung ương của 6 tổ chức chính trị - xã hội tới 1.503,740 tỉ đồng, gồm Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (92,435 tỉ đồng); Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh (551,505 tỉ đồng); Trung ương Hội LHPN Việt Nam (158,685 tỉ đồng); Hội Nông dân Việt Nam (346,515 tỉ đồng); Hội CCB Việt Nam (80,830 tỉ đồng); Tổng LĐLĐ Việt Nam (273,770 tỉ đồng). Nếu tính luôn cả dự toán ngân sách cho Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thì tổng chi lên đến 1.615,710 tỉ đồng.

Tuy nhiên, đây mới là phần thông tin chi cho các hội, đoàn thể được công khai. Còn rất nhiều hội đặc thù, ở cả Trung ương và địa phương cũng được ngân sách tài trợ một phần, nhưng chưa được công khai trong dữ liệu của Bộ Tài chính, từ Liên đoàn Bóng đá Việt Nam đến Hội Đông y, Hội Khuyến học, Hội Người cao tuổi, Hội Người mù và rất nhiều hội đoàn khác.

Một trong những nghiên cứu hiếm hoi về ngân sách cho các hội, đoàn thể của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), ngân sách (ước tính) chi khoảng 14.000 tỉ đồng cho toàn bộ khối này, tức là lớn hơn dự toán ngân sách năm 2016 của Bộ NN&PTNT (khoảng 11.000 tỉ đồng), một bộ được coi là siêu bộ, gần gấp đôi ngân sách của Bộ Giáo dục và Bộ Y tế, chỉ thua Bộ LĐTB&XH, và Bộ Tài Chính.

Nghiên cứu này cũng ước tính, nếu tính đủ cả chi phí kinh tế - xã hội, tức là gồm cả đất đai, nhà cửa, xe cộ và các tài sản khác, chi phí toàn hệ thống của các tổ chức hội đoàn này hàng năm dao động từ 45.600 - 68.100 tỷ đồng, tương đương 1-1,7% GDP. Hầu hết các hệ thống hội đoàn, trong đó đặc biệt là các tổ chức chính trị- xã hội, được tổ chức theo mô hình hành chính, có biên chế, nhà cửa, trụ sở, xe cộ, với hệ thống tổ chức và mô hình hoạt động hầu như không thay đổi từ thời bao cấp đến nay.

Để giảm gánh nặng cho NSNN, đồng thời cũng “trả lại” vai trò thực chất của các tổ chức đoàn thể, hội, hiệp hội như thời kỳ ban đầu mà Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương là “Hội đoàn thể thành lập trên cơ sở tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động”. Theo bà, phải chăng đã đến lúc phải nghiêm túc thực hiện chủ trương này?

-Từ nhiều năm nay các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và hoạch định chính sách đã đặt ra những yêu cầu xác đáng về chuyển các hội đoàn thành những tổ chức tự nguyện, phục vụ nhu cầu của các nhóm cộng đồng. Hội đoàn phải tự chủ và tự chịu trách nhiệm về kinh phí hoạt động, bằng cách gây quỹ từ cộng đồng, tìm tài trợ, hội phí. Nhà nước có thể tài trợ một phần kinh phí hoạt động, nhưng là tài trợ dựa trên các tiêu chí rõ ràng và minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh và xét đến hiệu quả hoạt động của từng hội đoàn cụ thể.

Ở nhiều quốc gia khác các tổ chức chính trị có thể phải khai thuế và nộp nghĩa vụ đóng góp cho ngân sách, hoặc phải dựa vào nguồn thu được cung cấp từ khu vực xã hội dân sự.

Đã đến lúc chúng ta phải quyết tâm thực hiện cho được vấn đề này, nhất là trong bối cảnh nợ công đang ngày càng gia tăng, nguồn thu lại eo hẹp, hết sức khó khăn, chi thường xuyên lại ngày một gia tăng.

Nếu thực hiện điều này thì sẽ có hàng triệu cán bộ của các khối đoàn thể, hội, hiệp hội mất việc làm. Liệu đây có là “áp lực chính trị” đối với xã hội không, thưa bà?

- Cán bộ khối đoàn thể cũng giống như những CBCC ở các tổ chức nhà nước khác thôi. Tại sao CBCC thì giảm biên chế được mà cán bộ của khối đoàn thể thì không? Nếu họ thực sự là vì Đảng, vì dân, vì đất nước thì họ phải biết hy sinh quyền lợi của mình như những công dân khác. Còn đương nhiên, khi chuyển sang chế độ tự chủ như vậy phải có lộ trình để các tổ chức này thích nghi dần với việc không còn được bấu víu vào “bầu sữa” NSNN nữa. Để thực hiện được vấn đề này phải có một quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng.

Ở thời điểm cực kỳ khó khăn về lương thực thì ngày 5/4/1988, Bộ Chính trị ra Nghị quyết số 10-NQ/TW về đổi mới quản lý kinh tế nông nghiệp (thường gọi là khoán 10) đã làm nên bước đột phá trong nông nghiệp nước nhà, từ chỗ thiếu ăn Việt Nam trở thành nước xuất khẩu gạo lớn. Có thể nói hiện nay chúng ta cũng đang ở thực trạng của những năm 80 về thu, chi NSNN. Liệu chúng ta có cần một “Khoán 10” trong giảm bộ máy hưởng lương từ NSNN?

- Ngày 17/4/2015, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 39-NQ/TW về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đã nhận được quan tâm đặc biệt của dư luận cả nước.

Bộ Chính trị, Trung ương đã đánh giá một cách toàn diện và thực chất vấn đề về đội ngũ CBCC, viên chức của chúng ta. Tuy nhiên, chúng ta cần đẩy mạnh, đẩy nhanh hơn nữa cuộc cải cách này. Nợ công tăng cao, nguồn thu đang gặp rất nhiều khó khăn, đầu tư thì thất thoát lớn… Tuy nhiên đây cũng là cơ hội để Đảng và Nhà nước ta tiến hành cải cách một cách triệt để công cuộc CCHC và giảm số người hưởng lương từ NSNN và có nguồn từ NSNN. Và rất có thể, cần một “Khoán 10” như đã nói.

Xin cám ơn bà!

22 nhận xét :

  1. Vẫn biết là vậy nhưng nói ra không khéo lại bị quy kết là suy thoái đáy ạ .

    Trả lờiXóa
  2. Trong số 2,6 triệu người đương chức thì người làm công tác đảng đã chiếm tới 1/3

    Trả lờiXóa
  3. Rat kinh trong Ba! Kinh chuc Ba va gia quyen manh khoe, hanh phuc.

    Trả lờiXóa
  4. Đúng vậy Chị Phạm Chi Lan là người tài giỏi có Tâm Đúc với Nhân Dân trách nhiệm với đất nước . Tiếc rằng tiếng nói của chị không được đảng và chính phủ thực hiện .

    Trả lờiXóa
  5. Tôi hoàn toàn tán thành ý kiến của Bác Lan.Tất cả các hội,đoàn tự trang trải lấy kinh phí mà hoạt động,kể cả đảng CS là một tổ chức hội đoàn ngốn nhiều ngân sách nhất,tốn kém nhất.Nhân dân chỉ cần tổ chức Nhà nước,Chính phủ là đủ,ngân sách chỉ dành cho hai tổ chức này theo tiêu chí năng lực,chất lượng như Bác Lan đã nêu,cần tập trung cao cho hai tổ chức này mà thôi,ngoài ra không nuôi một ai nữa cả,nếu không tự nuôi được mình thì tự giải tán

    Trả lờiXóa
  6. Cũng ơn ĐẢNG ,ơn BÁC mà Việt Nam bây giờ mới có đội ngũ cán bộ hùng hậu , đông nhất và tiêu hao nhiều ngân sách nhà nước nhiều nhất . Người dân nghèo cũng như một số trí thức , nhà báo ,nhà văn vv cũng không thua kém , họ đóng góp cho đảng cho nhà nước nhiều nhất , tung hô chế độ một cách tuyệt đối , có lẽ chỉ thua người dân đói khổ bắc triều tiên mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Càng đông công chức thì càng nhiều tham nhũng. Công chức bé tham nhũng để lo cho cái ăn cái mặc hang ngày và học hành của con cái, để dành để mua miết đất cất cái nhà. Công chức to thì tham nhũng món to, cất biệt thự, biệt dinh, xe sang, gửi con đi Anh, Mỹ du học. 40 người dân đói nuôi một gia đình công chức no. Trung bình một gia đình 4 người thì 40 người dân nuôi 4 người, vị chi là 10 người dân nuôi một người.
    Hội đoàn như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, công đoàn, hội luật gia, ...đặc biệt cái "hội" to nhất, quyền uy nhất là các tổ chức, cơ quan đảng từ trung ương đến địa phương là chi tiêu nhiều nhất sau chính quyền, bộ ngành. Mooxi nhiệm kỳ đảng các cấp sản xuất ra hàng vạn nghị quyết và tiêu tốn cho bộ máy đảng hàng nửa tram nghìn tỷ. Hỏi sao đất nước không nghèo. Cứ nhìn vào cái gọi là hội luật gia, chi tiêu ngân sách mà có làm được gì đâu. Nơi tập trung các ông bà làm lãnh đạo tòa án, kiểm sát, tư pháp về hưu lại được đảng đưa vào làm lãnh đạo hội luật gia, hàng tháng ngoài tiền lương hưu còn có lương. Dù vạy nhưng có làm được gì cho dân cho nước đâu. Đó là một dạng tham nhũng mà không ai có thể xử được. Thật hết biết. Anh Nguyễn Phú Trọng có dám dẹp các hội đoàn đi không? ngay cả tổ chức đảng tập trung nhiều nhất những kẻ ngu dốt, ăn không ngồi rồi cũng phỉa tinh giản đi, chỉ cần 20% số lượng can bộ hiện có thôi.

    Trả lờiXóa
  8. Không nuôi lũ nầy thì lấy ai mà hù dọa, rình rập, báo cáo cho đảng để đàn áp dân?
    Đảng dám bỏ lũ nầy thì chúng sẽ PHẢN ngay tin tui đi.
    Híc

    Trả lờiXóa
  9. Tôi đề nghị giải tán cho hội đoàn độc ;ập ra đời

    Trả lờiXóa
  10. Tôi cũng nói nhiều về NSNN phải cõng quá nhiều hội đoàn, đảng không thay đổi thì dễ vỡ nợ

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. ĐẢNG CS CŨNG PHẢI TỰ LO KINH PHÍ!
      Tại các nước khác tất cả các đảng chính tri phải tự lo kinh phí, nhà nước chỉ trả lương cho những đảng viên các đảng người nào làm việc cho chính phủ mà thôi.
      Dân không thể cõng cả đảng CS, tôi thắc mắc không biết họ lấy bao nhiêu tiền của dân để tiêu sài, tuyên truyên, cổ đông, tiệc tùng, quà cáp....trong mổi năm.

      Xóa
  11. Phải nói rằng, nhiều người VN có tâm lý chui vào "biên chế" để ăn bám suốt đời.
    Đất nước thảm bại là do vậy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. không tham nhũng thì vào biên chế nhà nước làm gì - khi mà để chạy vào làm một chân nhân viên văn thư văn phòng lèng tèng cũng phải mất mấy trăm triệu? vậy có điên hay sao bỏ ra hàng trăm triệu để chạy việc mà mỗi tháng chỉ có hơn 2 triệu tiền lương?
      "cs chỉ có tuyên truyền và dối trá"- Tổng bí thư Gorbachev

      Xóa
  12. đảng phải nuôi đoàn hội phụ nữ hội CCB để còn huy động làm quần chúng bức xúc

    Trả lờiXóa
  13. Tự lo kinh phí thì còn lý do đếch nào để trung thành với đảng nữa

    Trả lờiXóa
  14. Mỹ có 350 triệu dân chỉ có 2,1 triệu công chức
    VN dưới thời công an trị có 90 triệu dân thì có đến 2,8 triệu công chức.
    do đó phải tăng cường phạt đủ loại để lấy tiền bù vào khoản lương ít mà làm thì làm những việc bất nhân thất đức .
    Hòa thượng thích sự thật

    Trả lờiXóa
  15. Theo bà Lan thì "Để thực hiện được vấn đề này phải có một quyết tâm chính trị rất cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Đảng." Nhưng thưa bà: Chính ngân sách nhà nước đang nuôi báo cô hàng triệu biên chế thuộc các ban ngành của đảng và đây chính là khối ung nhọt không thể cắt bỏ. Vì vậy chừng nào đảng CSVN tự lo kinh phí hoạt động như các đảng phái khác trên thế giới thì hãy nói tới chuyện giảm biên chế, hay bắt các hội đoàn tự lo kinh phí để tiết kiệm ngân sách.
    Người dân.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muốn có quyết tâm CT cao thì phải đủ trình để hiểu , đủ tâm để làm. Mà 2 thứ này ở cái thể chế này nghe chừng hơi..."hiếm"!

      Xóa
  16. Thật khổ cho dân Việt nam khi một cổ có hai tròng, đó là 2 hệ thống quản lý song trùng đảng và nhà nước. Theo tôi nếu đảng làm thì bỏ luôn hệ thống chính quyền, còn nếu chính quyền làm thì bỏ luôn đảng. Đó là chưa kể hàng triệu biên chế công an chìm nổi, ăn rồi chỉ chuyên rình mò theo dõi "phản động" và "thế lực thù địch", trong khi để mặc cho bọn tội phạm hoành hoành.

    Trả lờiXóa
  17. Thật khổ cho dân Việt khi phải nuôi báo cô hàng triệu biên chế đảng CS. Đảng CS luôn tự khoe mình vì nước vì dân thế mà lại không tự lo kinh phí để hoạt động mà bắt dân đóng góp nuôi mình, thật là vô lý. Cho nên chừng nào đảng CS không sống bằng tiền thuế của dân thì mới nói đến chuyện tinh giảm biên chế.

    Trả lờiXóa
  18. Các hội đoàn tự lo, có lẽ không quá một tháng, sẽ không còn hội đoàn nào, qua đó thấy các hội đoàn vô tác dụng như thế nào, khi mà không tự lo được cho bản thân, làm sao lo được cho các hội viên. Do vậy các hội đoàn muốn hoạt động được, tài chính phải do hội viên đóng góp hay phải đi vận động để được tài trợ, lúc này các hội sẽ bị kiểm soát bởi tính hiệu quả, nếu không sẽ không có tiền đóng góp và sẽ tự giải tán.

    Trả lờiXóa
  19. Bà Phạm Chi Lan nói nhiều quá đâm ra nhạt.
    Mấu chốt vấn đề là phải đòi đa nguyên.
    Đừng mong cây độc sinh trái lành!

    Trả lờiXóa