Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

LS Lê Văn Luân: BỐN NỖI LO CỦA ĐẤT NƯỚC

Luật sư Lê Văn Luân, người tự ứng cử ĐBQH khóa 14 tại Bắc Ninh.

BỐN NỖI QUỐC LO

Luân Lê

NỖI LO THỨ 1: Là về Tự do ngôn luận.

Ông tân Bộ trưởng Bộ Thông tin và truyền thông, Trương Minh Tuấn, vừa nhậm chức đã tuyên bố: vì một xã hội thông tin lành mạnh. Trong đó ông ấy nhấn mạnh việc "quản lý mạng xã hội".

Điều 2 Hiến pháp 2013 đã quy định, mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân có quyền làm chủ, giám sát, kiểm tra, bàn bạc và trực tiếp bắt tay làm việc quốc gia đại sự. Điều 25 Hiến pháp 2013 quy định, công dân có quyền tự do ngôn luận, báo chí.


Bởi vậy, việc người dân nói lên tiếng nói về sự thật, thì đó là phát huy quyền làm chủ chính đáng và tối cao của mình.

Thông tin lành mạnh không phải chỉ bao gồm thứ ngôn từ thậm xưng, hoa mỹ, điêu ngoa và nịnh bợ, nó lành mạnh nếu ở đó hàm chứa sự thật, kể cả là sự xấu xa, tồi tệ.

Nên trước khi làm Bộ trưởng, ông nên nghiên cứu và tìm hiểu thật kỹ về luật pháp, về tư duy làm quản lý văn minh và tiến bộ, đừng mắc sai lầm muốn đưa bàn tay cấm đoán vào cuộc sống, vì đó là thứ nhanh nhất biến tất cả trở thành những kẻ dối trá, ảo tưởng và ngu xuẩn.

NỖI LO THỨ 2: Là về Giáo dục.

Ông Phùng Xuân Nhạ lên thay ông Phạm Vũ Luận, người coi giáo dục là một trận đánh lớn, không biết ông sẽ giải quyết thế nào về những vấn nạn cấp bách của giáo dục: vấn nạn thành tích, vấn nạn bạo lực, vấn nạn chảy máu chất xám, vấn nạn làm nghèo tư duy và cuối cùng là vấn nạn chính trị hóa giáo dục. Ông cần phải thể hiện được trí tuệ trong tư duy quản lý, phải thay đổi chất về giáo dục, vì giáo dục là quốc sách hàng đầu như Điều 61 Hiến pháp 2013 đã khẳng định, mà cả nghìn năm trước cụ Thân Nhân Trung đã dặn dò và nhắc nhở "hiền tài là nguyên khí quốc gia".

Vì vậy, Ông có 5 năm để cống hiến cho lịch sử vinh danh ông, nên hãy sống cho đáng sống và làm cho đáng làm.

NỖI LO THỨ 3: Là về Tư pháp.

Ông Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Nguyễn Hòa Bình, là một tướng công an và chưa từng làm thẩm phán một ngày nào. Tôi không biết rồi có còn tiếp diễn tình trạng báo cáo án, họp liên ngành 3 cơ quan tố tụng gồm công an, kiểm sát và tòa án hay không? Tôi không biết rồi tòa án có độc lập và để diễn ra tình trạng áp dụng pháp luật tùy tiện hay không?

Nếu pháp luật không được sử dụng một cách khoa học, văn minh, không được đảm bảo khách quan, trung thực thì công lý méo mó, dân chúng lầm than và xã hội sẽ loạn lạc là điều đương nhiên và tất yếu.

NỖI LO THỨ 4: Là về Lập pháp.

Quốc hội là cơ quan lập pháp. Mọi vận hành của một đất nước và sẽ như thế nào đều phụ thuộc vào cơ quan này.

Không biết sắp tới đây Quốc hội có tiếp tục đóng vai là một vị khách mời trong việc lập pháp quốc gia nữa hay không? Có thông qua mỗi năm hàng chục luật không? Có tiếp tục để tình trạng có một rừng luật nhưng khi xử sự lại dùng luật rừng không? Có ban hành Luật Lập hội, Luật Biểu tình, Luật về đảng phái chính trị, và thiết lập ra Tòa bảo hiến hay không?

Hay rồi lại sẽ vẫn vắng bóng trong lòng một quốc gia những thứ thực sự cần thiết cho sự phát triển, cho một xã hội văn minh và một đất nước pháp trị?

2 nhận xét :

  1. Người VN chân chínhlúc 15:41 11 tháng 4, 2016

    ĐỀ NGHỊ BIỂU TÌNH KHÔNG CHO TRUNG QUỐC VÀO CẢNG CAM RANH

    Trả lờiXóa
  2. Tôi ủng hộ lời đề nghị của "Người VN chân chính15:41 Ngày 11 tháng 04 năm 2016"

    Trả lờiXóa