Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

BBC: 30.04 NGƯ DÂN QUẢNG BÌNH TIẾP TỤC BIỂU TÌNH

Người dân vùng bị ảnh hưởng bởi cá chết mong muốn chính phủ có giải pháp rốt ráo hơn 

Dân Quảng Bình tiếp tục biểu tình

BBC tiếng Việt
30.04.2016

Chính phủ chỉ đạo ‘thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân’ trong lúc người dân Quảng Bình tiếp tục đưa ngư cụ ra đường biểu tình trong ngày 30/4.


Trong cuộc họp với các bộ ngành và lãnh đạo các tỉnh Quảng Bình, Hà Tĩnh, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu “Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức ngay đường dây nóng để phối hợp với địa phương thu mua toàn bộ hải sản đánh bắt xa bờ của ngư dân”.

“Không để bất cứ một tàu thuyền nào của ngư dân có hải sản mà không tiêu thụ được,” báo Điện tử Chính phủ tường thuật lời ông Dũng hôm 30/4.

Ông cũng yêu cầu “thành lập ngay đường dây nóng, công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng trong ngày 30/4, để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân”.
‘Giảm nhiệt’

Hôm 30/4, từ TP Hồ Chí Minh, luật sư Lê Công Định nói với BBC: “Tôi chưa biết tin này, nhưng nếu có vậy rõ ràng chính phủ muốn giảm nhiệt sự phản đối của ngư dân trước tình trạng thuỷ sản đánh bắt về không ai mua, tuy nhiên liệu ngân sách trung ương và địa phương sẽ gồng gánh được bao lâu?”

Đang có mặt tại Quảng Bình, nhà hoạt động Nguyễn Anh Tuấn bình luận trên mạng xã hội: “Đây đều là những giải pháp mà hàng trăm người đã kiến nghị suốt ba tuần qua. Giá mà chính phủ thực hiện sớm hơn.”

“Tuy nhiên, muộn còn hơn không. Hy vọng Chính phủ vào cuộc thật quyết liệt, thiếu nhân sự thì kêu gọi tình nguyên viên và các tổ chức xã hội dân sự. Ngay sau đó, hi vọng Thủ tướng quyết liệt có các giải pháp làm sạch môi trường biển và sẽ là người ăn cá đã được kiểm định đầu tiên, phát trực tiếp cho toàn dân xem.”

“Nếu được vậy, ngay sau đó, dù chả là gì, tôi cũng sẽ ăn để góp chút phần nhỏ bé giúp sinh kế ngư dân sớm trở lại bình thường.”

Hôm 30/4, các báo Việt Nam đồng loạt đăng tin “hàng chục cán bộ chủ chốt Đà Nẵng, trong đó có Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trường Đà Nẵng Nguyễn Điểu tắm biển để xóa tan tin đồn nước biển Đà Nẵng bị nhiễm độc”.

“Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Đà Nẵng khuyên du khách thưởng thức hải sản tươi sống. Chính quyền vẫn đang giám sát tàu thuyền ra vào âu thuyền Thọ Quang để tránh tình trạng ngư dân đánh bắt từ các vùng đang có cá chết hàng loạt đưa về Đà Nẵng bán,” VnExpress tường thuật.

Cùng ngày, nguồn tin của BBC cho hay, có hai tàu cá của hai ngư dân Quảng Bình cập bến nhưng cá đánh bắt về không ai mua khiến bà con đem số cá này diễu phố và biểu tình.

Trên mạng xã hội xuất hiện hình ảnh người dân xã Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch, đưa nhiều các ngư cụ như thuyền thúng, lưới… rào quanh trục đường.

Trước đó có tin tiểu thương chợ Đồng Hới biểu tình trước Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Bình yêu cầu nhà chức trách “làm rõ nguyên nhân cá chết, mức độ biển bị ô nhiễm và thủ phạm gây ra các hậu quả này, yêu cầu nhà máy gây ô nhiễm môi trường phải đóng cửa”.

Trong hôm 29/4, người dân Cảnh Dương, một làng khác cũng thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình, đã chăng lều bạt phản đối trên Quốc lộ 1A.
____________

Người dân miền Trung biểu tình đòi giải quyết nạn cá chết
 
Gia Minh, PGĐ Ban Việt ngữ RFA
RFA 2016-04-30
.
Người dân gia đình làm nghề đi biển và những tiểu thương buôn bán cá tại một vài địa phương thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tập trung biểu tình từ ngày 29 sang đến ngày 30 tháng tư nhằm kêu gọi cơ quan chức năng có biện pháp trong tình hình hiện nay. 

Người dân gia đình làm nghề đi biển và những tiểu thương buôn bán cá tại một vài địa phương thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình tập trung biểu tình từ ngày 29 sang đến ngày 30 tháng tư nhằm kêu gọi cơ quan chức năng có biện pháp trong tình hình hiện nay. 

Bị ảnh hưởng nặng nề vì cá chết 

Họ là những người bị ảnh hưởng nặng nề khi nguồn cá chết hằng loạt do nhiễm độc chưa rõ nguồn xuất xứ. Trong khi chờ đợi xác định nguyên do, cơ quan chức năng yêu cầu dân chúng không ăn cá chết. Điều này khiến ngư dân mang cá đánh được từ khơi xa về cũng không ai dám mua.

Một người dân địa phương nói về điều này như sau:

“Bây giờ người dân sống hoàn toàn nhờ cá mà ra thì cũng chẳng ra làm gì vì không đánh được; mà nếu có đánh được thì về không ai mua.”
Linh mục Micae Hồ Thái Bạch, quản xứ Liên Hòa, xã Quảng Trung huyện Quảng Trạch nơi mà ông cho biết có 30 tàu đánh bắt cá và hiện nay đang gặp cảnh ngặt nghèo bởi cá chết, cũng như cá đánh bắt từ khơi xa về vẫn không bán được. Ông xác nhận việc dân biểu tình và  theo lời ông chuyện họ ‘phản ứng’ là lẽ tự nhiên:

“Họ phản ứng như thế là có. Đối với chúng tôi phản ứng về lâu dài là phải có vì rằng đó là cuộc sống của bà con ngư dân; chúng tôi đây sống về nghề ‘ngư’ nên nếu mà cứ để tình trạng như thế này thì bà con gặp khó khăn.”

Vào ngày hôm qua 29 tháng tư, tại thành phố Huế nhóm nghệ sĩ Viet Art Space có màn trình diễn nghệ thuật mang tên ‘Nỗi đau của những con cá’ tại khu vực bờ nam Cầu Tràng Tiền. Truyền thông trong nước đưa hình ảnh một nam nghệ sĩ chỉ mặc quần lót, toàn thân phủ chất bột trắng, miệng ngậm con cá đi cùng với những bạn diễn khác. Mục tiêu được nói kêu gọi bảo vệ môi trường biển.

Tuy nhiên những người tham gia cuộc trình diễn mà có cả một người nước ngoài đã bị cơ quan chức năng mời làm việc với lý do biểu diễn không có giấy phép.

Trong những ngày qua, trên các trang mạng xã hội còn xuất hiện kêu gọi xuống đường biểu tình vào ngày mai 1 tháng 5 với mục tiêu gióng tiếng cảnh báo về môi trường biển Việt Nam đang bị ô nhiễm trầm trọng như hiện nay. 

1 nhận xét :

  1. Còn Formosa trên đất Việt, người dân Việt còn khổ, còn phải là nô lệ trên mảnh đất của mình. Người dân Hà Tĩnh, Quảng Bình đã không còn gì để mất. Chỉ khổ tất cả các ngư dân và người dân các tỉnh khác phải gánh chịu thảm họa Formosa từ Hà Tĩnh.

    Trả lờiXóa