Thứ Sáu, 25 tháng 3, 2016

Tin buồn: THƯƠNG TIẾC VĨNH BIỆT NHÀ SỬ HỌC TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG


.
.
. .
.
.

TIN BUỒN 
Chúng tôi trân trọng và kính tiếc báo tin 

Nhà sử học, nhà biên khảo 
TẠ CHÍ ĐẠI TRƯỜNG

Sinh ngày 21-6-1938 tại Nha Trang.
Nguyên quán: Tỉnh Bình Định.

vừa qua đời lúc 4h00 sáng 24-3 tại nhà riêng ở TP.HCM.
 Hưởng thọ 78 tuổi. 

Hiện linh cữu nhà sử học Tạ Chí Đại Trường 
được quàn tại nhà: 402/27 An Dương Vương, P4, Q5,
TP Hồ Chí Minh.

Lễ viếng bắt đầu từ 20g ngày 24-3,
Lễ động quan lúc 8g ngày 27-3, 
sau đó đưa đi hỏa táng tại nghĩa trang Đa Phước.
Thương tiếc vĩnh biệt Nhà sử học, nhà biên khảo Tạ Chí Đại Trường với nhiều công trình đặc sắc và khách quan về sử học và văn hóa sử nước nhà, xin cầu nguyện linh hồn Ông yên nghỉ thanh thản cõi vĩnh hằng trong muôn vàn thương nhớ của gia đình, thân hữu và bạn đọc.
Và nghiêng mình chia buồn cùng gia quyến của Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường!


Từ điển mở Bách Khoa Wikipedia, lúc 13h00 ngày 24/3/2016:

Tạ Chí Đại Trường (1939-2016), là một nhà sử học và là nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam, ông là người Mỹ gốc Việt. Bắt đầu nghiên cứu sử học, văn hóa từ đầu thập niên 1960 tại Việt Nam, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời tác phẩm đáng chú ý của ông, Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802, vào năm 1964. Tác phẩm này đã đặt lại vấn đề về vai trò của nhà Tây Sơn trong lịch sử Việt Nam, nhiều tác phẩm sau này của Tạ Chí Đại Trường cũng có được cách lập luận và quan điểm độc đáo như vậy. Sau khi định cư tại Hoa Kỳ năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu cho in nhiều tác phẩm nghiên cứu lịch sử, văn hóa có giá trị, cho tới thập niên 2000 thì các tác phẩm này mới dần được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt.

Tiểu sử

Tạ Chí Đại Trường sinh tại tỉnh Khánh Hòa, Việt Nam, tên của ông, Đại Trường, được ghép từ hai địa danh của tỉnh Khánh Hòa là Đại Lãnh và Trường Giang (sông Cái). Ông là con trai Cử nhân Hán học Tạ Chương Phùng, nhà hoạt động phong trào độc lập dân tộc thập niên 40 - 50 cùng với ông Ngô Đình Diệm, sau làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Định và thành viên nhóm Caravelle.

Năm 1964 Tạ Chí Đại Trường tốt nghiệp bằng Thạc sĩ chuyên ngành Lịch sử tại Viện Đại học Sài Gòn rồi nhập ngũ. Ông phục vụ trong Quân lực Việt Nam Cộng hòa từ năm 1964 cho tới năm 1974 với quân hàm đại úy. Trong thời gian chiến tranh, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu sưu tập tiền cổ và tập trung nghiên cứu về đề tài này. Những bài viết của ông về tiền cổ trong thời gian này sau đó đã được giới nghiên cứu sử học quốc tế đánh giá cao.

Năm 1964 trong thời gian học cao học, Tạ Chí Đại Trường cho ra đời một cuốn tiểu luận về lịch sử Việt Nam giai đoạn 1771 đến 1802 trong đó ghi lại những sự kiện xoay quanh cuộc nội chiến giữa nhà Tây Sơn và Nguyễn Ánh. Tác phẩm này đã đoạt Giải thưởng văn chương toàn quốc, bộ môn Sử năm 1970 và được nhà xuất bản Văn Sử Địa in thành sách năm 1973 với tựa đề Lịch sử nội chiến ở Việt Nam từ năm 1771 đến 1802. Sau khi Việt Nam thống nhất năm 1975, cuốn sách với nội dung đặt lại vấn đề về nhà Tây Sơn đã khiến Tạ Chí Đại Trường gặp nhiều rắc rối. Lịch sử nội chiến bị cho là "hạ thấp Quang Trung, đề cao Gia Long" và bị cấm lưu hành tại Việt Nam trong một thời gian dài và chỉ được in lại trong nước từ cuối thập niên 2000.

Sau năm 1975 ông trải qua giai đoạn cải tạo đến năm 1981.

Từ tháng 8 năm 1994, Tạ Chí Đại Trường bắt đầu định cư tại Hoa Kỳ. Do điều kiện cuộc sống, phải tới mười năm sau ông mới quay trở lại Việt Nam và khó có cơ hội tiếp xúc với tài liệu sử học trong nước, vì vậy Tạ Chí Đại Trường phải từ bỏ những đề tài chuyên biệt để tập trung nghiên cứu lịch sử Việt Nam nói chung thông qua các tư liệu ông thu thập được qua nhiều nguồn ở Mỹ, kể cả từ các chợ sách ngoài trời. Tại Mỹ ông bắt đầu cho in các tác phẩm chính của mình như Những bài dã sử Việt (1996) vốn là tập hợp các bài viết ở Việt Nam của ông giai đoạn 1984-1986 hay cuốn Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000). Cuốn Thần, Người và Đất Việt khi xuất hiện không chính thức ở Việt Nam đã được đánh giá cao, nhiều nhà sử học Việt Nam đã nhận xét rằng Tạ Chí Đại Trường là một chuyên gia sử học, dân tộc học đáng tin cậy. Kể từ cuối thập niên 2000, sách của Tạ Chí Đại Trường mới được chính thức in và phát hành tại Việt Nam. Năm 2014, Tạ Chí Đại Trường đã được Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh trao Giải thưởng Văn hóa Phan Châu Trinh hạng mục Giải Nghiên cứu.

Ngày 24 tháng 3 năm 2016, ông qua đời tại nhà riêng ở thành phố Hồ Chí Minh.

Phong cách nghiên cứu

Đáp lại ý kiến nói Tạ Chí Đại Trường không chú trọng việc đi điền dã, khảo sát thực địa, ông cho rằng công việc nghiên cứu sử học không phải lúc nào cũng cần tới việc đi điền dã trực tiếp vì nhà sử học hoàn toàn có thể sử dụng các tài liệu ghi chép của người đi điền dã.Theo Tạ Chí Đại Trường, sở dĩ tác phẩm của ông được đánh giá là có giọng điệu riêng và cách lập luận độc đáo vì ông chưa từng tham gia chính thức một cơ quan nghiên cứu lịch sử nào vì vậy đã thoát ra được khỏi hệ thống quan điểm truyền thống về lịch sử Việt Nam, hơn nữa tuy rất nghiêm túc trong công việc nghiên cứu nhưng ông không đặt nặng việc tác phẩm của mình viết ra phải có độc giả.

Tác phẩm
Dưới đây là danh sách các tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường đã được xuất bản tại Hoa Kỳ:
  • Thần, Người và Đất Việt (1989, 2000)
  • Những bài văn sử (1999)
  • Những bài dã sử Việt (1996)
  • Việt Nam nhìn từ bên trong (cùng Nguyễn Xuân Nghĩa, 1994)
  • Một khoảng Việt Nam Cộng hòa nối dài (1993)
  • Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802) (1991, in lại từ bản gốc năm 1973)
Từ cuối thập niên 2000, một số tác phẩm của Tạ Chí Đại Trường bắt đầu được in và phát hành tại Việt Nam như Thần, Người và Đất Việt, Những bài dã sử Việt Lịch sử nội chiến Việt Nam (1771-1802).


2 nhận xét :

  1. Xin chia buồn cùng gia quyến nhà sử học Tạ chí Đại Trường. Chúng ta gần đây đã mất đi những đại thụ của thời đại như sử gia Tạ chí Đại Trường, giáo sư Nguyễn Ngọc Bićh, nhà bình luận Tần Bình Sơn. Vô vàn thương tiếc.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Đại thụ" may ra có sử gia Tạ Chí Đại Trường,
      giáo sư Nguyễn Ngọc Bích thôi,bác ạ !

      Xóa