Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

NGƯỜI TỰ ỨNG CỬ VÀ CẠM BẪY HIỆP THƯƠNG

 Người dân Hà Nội trong một lần xem danh sách các ứng cử viên trước đây.

Người tự ứng cử và cạm bẫy hiệp thương


Nam Nguyên, phóng viên RFA 
 RFA 2016-03-18 

Sự kiện Hà Nội và TP.HCM công khai danh sách sơ bộ ứng cử viên độc lập, hay còn gọi là tự ứng cử, được ghi nhận như một nét mới trong hoạt động bầu cử. Cho dù có thể dự đoán đa số ứng cử viên độc lập cổ vũ dân quyền sẽ bị loại bỏ ở những bước tiếp theo. 

Sẽ loại bỏ nhiều ứng cử viên tự do? 

Danh sách sơ bộ được công bố ngày 17/3/2016, chính là khởi sự vòng hiệp thương thứ 2 của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Theo VnExpress, Hà Nội có 87 ứng cử viên Quốc hội, trong đó bên cạnh 39 ứng cử viên được giới thiệu, số người tự ứng cử đã nạp đơn hợp lệ là 48 người.

TS Nguyễn Quang A, chuyên gia độc lập về tin học, kinh tế, tài chính, nhà báo tự do, đứng đầu danh sách người tự ứng cử. Trả lời Nam Nguyên vào tối 17/3/2016, từ Hà Nội TS Nguyễn Quang A phát biểu:
Bất kể người nào ứng cử, được giới thiệu hay tự ứng cử, đều được công khai danh sách, đấy là một bước tốt để cho người dân có thể biết được những người này là ai chứ không còn chuyện giữ kín như những lần trước nữa.
TS Nguyễn Quang A
“Tôi nghĩ đây là một điều tốt, không chỉ ở Hà Nội người ta công bố danh sách này mà ở Sài Gòn cũng công bố toàn bộ những người ứng cử. Tức là bước gọi là hiệp thương lần thứ hai. Ít ra ở hai thành phố này, bất kể người nào ứng cử, được giới thiệu hay tự ứng cử, đều được công khai danh sách, đấy là một bước tốt để cho người dân có thể biết được những người này là ai chứ không còn chuyện giữ kín như những lần trước nữa.” 

Theo danh sách sơ bộ ứng cử viên Quốc hội tại Hà Nội được Ủy ban Mặt trận Tổ quốc công bố hôm 17/3,  những người tự ứng cử bao gồm đủ thành phần từ nhân sĩ, trí thức chuyên gia, nhà báo, nghệ sĩ, công chức và những người hành nghề tự do.

Nổi bật trong số 48 người tự ứng cử ở Hà Nội, ngoài TS Nguyễn Quang A còn có TS Hán nôm Nguyễn Xuân Diện chủ blog Tễu, các blogger Nguyễn Đình Hà, Nguyễn Tường Thụy, nghệ sĩ Vượng râu Nguyễn Công Vượng và nhà giáo Đỗ Việt Khoa.

Đây là lần thứ hai ông Đỗ Việt Khoa, một nhà giáo nổi tiếng vì hoạt động chống tham nhũng tự ra ứng cử Quốc hội. Lần trước trong cuộc bầu cử năm 2007, ông Khoa bị loại khỏi danh sách ứng cử viên sau khi bị điều gọi là đấu tố tại hội nghị cử tri trong vòng hiệp thương thứ hai. Đặc biệt ông bị 0% tín nhiệm từ hội nghị cử tri nơi công tác, sự việc theo lời ông Khoa, chính những người bị ông tố cáo tham nhũng đã trả thù ông.

Trong cuộc bầu cử Quốc hội khóa 14 hiện nay, nhà giáo Đỗ Việt Khoa đã nghĩ ra đối sách để chống lại việc những người từ nơi khác được điều tới để vu khống bôi nhọ trong hội nghị cử tri ở khu phố. Ông nói: 

“Dù người khác có vào đấu tố không có căn cứ thì đấu tố sẽ không có tác dụng, năm nay cá nhân tôi có kinh nghiệm, nếu ai đấu tố tôi vô căn cứ thì tôi nhờ bà con ghi âm, ghi hình làm bằng chứng để đưa họ ra tòa án. Năm nay dứt khoát phải đưa những người vu khống ra tòa án. Hy vọng là người ta sẽ không gây khó khăn gì cho tôi trong việc ứng cử…” 

Tiến trình bầu cử Quốc hội Việt Nam 2016 có vẻ sôi nổi hơn các kỳ bầu cử trong quá khứ. Đây là lần đầu tiên phong trào tự ứng cử nở rộ mạnh mẽ với sự tham gia của các nhà dân chủ. Phải chăng việc qui kết tổ chức phản động đứng sau một số người tự ứng cử Quốc hội là một bước chuẩn bị, để chắc chắn sẽ loại bỏ nhiều ứng cử viên tự do mà chính quyền không ưa thích.

TS Nguyễn Quang A nhận định: 

“Họ không bị loại ở vòng hiệp thương thứ hai này nhưng còn hai cửa ải nữa khó khăn hơn nhiều. Tiếp đến sẽ có một cuộc gọi là hội nghị cử tri ở nơi cư trú và người ta mời ít nhất là 55 người, có thể là 60 tới 70 người do chính họ mời đến để “góp ý” mình, nhận xét rồi lấy phiếu  tín nhiệm về mình. Tức là 50-60 người ấy người ta định đoạt bỏ phiếu cho mình thay cho nửa triệu hoặc 1 triệu cử tri, người ta bảo cái đấy chỉ là tham khảo thôi. Nhưng đến đợt tiếp theo gọi là hiệp thương lần thứ ba dựa chủ yếu vào kết quả của cái hội nghị cử tri mà người ta mời những người người ta thích đến để nhận xét về minh thì khả năng để loại mình ra vào dịp đấy là rất lớn… Tôi nghĩ xác xuất để được lọt vào danh sách ứng cử cuối cùng là rất nhỏ.” 

Cơ hội cho người tự ứng cử là quá thấp? 

Theo Tuổi Trẻ Online và VnExpress, sáng 15/3 tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, trưởng đoàn giám sát Hội đồng bầu cử quốc gia với Ủy ban bầu cử TP. Hà Nội, Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội, cho biết trong số 47 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội tại Hà Nội, một số người có sự ủng hộ của tổ chức phản động trong nước, nước ngoài, thậm chí còn được cung cấp tài chính để vận động, tranh thủ số phiếu của cử tri.

Thông tin vừa nêu gây phản ứng mạnh mẽ từ một số ứng cử viên như TS Nguyễn Xuân Diện và TS Nguyễn Quang A. Các vị này yêu cầu làm rõ vấn đề này. Riêng TS Nguyễn Quang A còn đặt vấn đề Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội vi phạm Hiến pháp và Luật bầu cử, nếu không thể cung cấp chứng cứ liên quan.

Và không chỉ các ứng cử viên độc lập đặt vấn đề, chính các thành viên của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam đã nêu việc cụ thể hóa cáo giác nhắm vào những người tự ứng cử. Theo người Lao Động Online, tại Hội nghị Hiệp thương lần thứ hai tổ chức sáng 17/3 tại Hà Nội, hai vị Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam là ông Nguyễn Túc và Thiếu tướng Lê Mã Lương đã phê bình Tiểu ban an ninh, trật tự an toàn xã hội là, không thể nói chung chung là tổ chức phản động đứng sau, cung cấp tài chính cho một số người tự ứng cử… Nếu có phải chỉ rõ, làm rõ bởi nếu không nó phương hại, ảnh hưởng đến nhiều người đang tham gia ứng cử.
Chuyện trúng cử hay không trúng cử là sự quyết định của lá phiếu cử tri, tôi chưa thể phán đoán được. Nhưng ở một đất nước mà báo chí chưa thực sự tự do, chưa có tổ chức xã hội dân sự thì kết quả ở chừng mực nào đó người ta có thể đoán biết được.
LS Trần Quốc Thuận
Nhà giáo Đỗ Việt Khoa nói với chúng tôi là Việt Nam cần cải cách cơ chế tổ chức bầu cử để người dân có thể tham gia ứng cử, mà không bị các vòng hiệp thương loại bỏ. Theo lời ông, hãy để cho cử tri được thực sự lựa chọn người đại diện của mình ở Quốc hội. 

“Tình hình hình Việt Nam từ rất lâu đã có cơ chế như vậy rồi, họ sắp xếp, cơ cấu, bố trí rồi. Đặc biệt chúng ta đều nhìn thấy cơ cấu đại bộ phận là đảng viên, người ngoài đảng rất ít, chỉ tiêu ứng cử mỗi một địa phương họ ấn định phân chia cho các ban ngành cả rồi cho nên cơ hội cho những người tự ứng cử là quá thấp. Điều này là sự tồn tại của đất nước và như thế Quốc hội chưa thực sự là của toàn dân, thế thì sẽ phải có những sự thay đổi…” 

Trao đổi với chúng tôi, LS Trần Quốc Thuận nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đề cao phong trào tự ứng cử một cách rộng rãi. Tuy nhiên ông lưu ý bầu cử ở Việt nam là một tiến trình chặt chẽ, thể lệ chốt danh sách ứng cử viên qua các vòng hiệp thương là một vấn đề mà dư luận từng đã nói rất nhiều. Từ Sài Gòn LS Trần Quốc Thuận phát biểu: 

“Tôi hy vọng cuộc tự ứng cử kỳ này có thể có nhiều người vượt qua được những vòng hiệp thương. Còn chuyện trúng cử hay không trúng cử là sự quyết định của lá phiếu cử tri, tôi chưa thể phán đoán được. Nhưng ở một đất nước mà báo chí chưa thực sự tự do, chưa có tổ chức xã hội dân sự thì kết quả ở chừng mực nào đó người ta có thể đoán biết được. 

Được biết tổng số đại biểu Quốc hội khóa 14 là 500 người. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có Nghị quyết dự kiến số đại biểu Quốc hội thuộc cơ cấu trung ương là 198, số đại biểu thuộc cơ cấu địa phương là 302. Thành phần ngoài Đảng của Quốc hội khóa 14 là 35 người. Riêng Thành phố Hà Nội có 30 ghế đại biểu, theo danh sách sơ bộ có 87 ứng viên gồm 39 người được giới thiệu và 48 người tự ứng cử. Có một điểm trùng hợp là Hà Nội và TP.HCM cùng có chung con số 48 người tự ứng cử được ghi vào danh sách sơ bộ.

Vòng hiệp thương thứ ba và tiến tới danh sách ứng cử viên chính thức vào cuối tháng 4 sắp tới, sẽ cho biết thực tế về vấn đề có hay không có đổi mới mang tính dân chủ trong tổ chức bầu cử.

Theo giới quan sát trong và ngoài nước, cải cách chính trị ở Việt Nam còn xa mới tới mức chấp nhận những tiếng nói độc lập, càng không phải là đối lập trong Quốc hội.

.

1 nhận xét :

  1. Tôi thấy ý kiến của nhà giáo Đỗ Việt Khoa rất hay: cần phải ghi âm những lời đấu tố để có bằng chứng về người đấu tố và việc vu khống để đi thưa. Và việc ghi âm cần phải được thông báo cho mọi người để ai tính làm bậy vì nguyên nhân nào đó phải nghĩ lại : lợi có đủ bù vào thiệt hại không?
    Ý kiến rất hay và cần thiết!

    Trả lờiXóa