Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2015

VỀ VIỆC ÔNG BAN KI MOON THĂM NHÀ THỜ VÀ BÁI TỔ HỌ PHAN


TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TRẦN THẾ KỶ:
Về việc ông Ban Ki Moon thăm nhà thờ và bái tổ họ Phan
ở Sài Sơn, Quốc Oai, Hà Nội

Phùng Hoài Ngọc 

Nhân đọc bài viết của ông Trần Thế Kỷ “Tin nên tin: Nếu ông Ban Ki Moon là anh hốt rác” đăng trên VNTB (Việt Nam Thời Báo) ngày 15/11, chúng tôi thấy ông Kỷ đã hiểu lầm lung tung. Vậy xin có mấy lời trao đổi cùng tác giả.

Tổng thư ký LHQ chủ động đi nhận họ Phan Huy ở Việt Nam

Theo tôi biết, ngày 30 /10 blog Tễu khởi đăng “Tin chấn động: ÔNG BAN KI-MOON LÀ HẬU DUỆ CỦA CỤ PHAN HUY CHÚ”. Vài hôm sau, hàng chục tờ báo quen thuộc trong nước từ Hà Nội tới Sài Gòn liên tục đăng bài và ảnh của các phóng viên đến tận nhà thờ họ Phan Huy ở xã Sài Sơn tác nghiệp mục sở thị. Sau nữa. đài BBC đăng tin phỏng vấn người phát ngôn của ông Ban Ki Moon xác nhận việc kể trên. Dư luận thôi bàn tán.

Đọc bài đầu tiên ở đây:
http://xuandienhannom.blogspot.com/2015/10/tin-ac-biet-ong-ban-ki-moon-la-hau-due.html

Ban đầu, đó là một tin kỳ lạ, làm giật mình bất kỳ ai, nhất là với những người từng biết dòng họ Phan Huy ở xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, Hà Nội và/hoặc từng biết tên ông Ban Ki Moon. Do bản tin khởi đầu đăng trên một blog tự do nên báo chí nhà nước nửa tin nửa ngờ, phải cử phóng viên đi tận nơi mục sở thị. Làm báo như thế là đúng với chức năng nhà báo (có điều, khi dẫn nguồn, các báo chỉ đều nói “theo trang mạng xã hội”, không dám nói “blog Tễu”- có lẽ theo nguyên tắc nội bộ tờ báo của họ).

Đọc toàn bộ các bài báo về việc ông Ban Ki Moon tổng thư ký LHQ người Hàn quốc đến Việt Nam nhận họ Phan Huy, tôi không thấy dòng chữ nào có vẻ khoe khoang hay “phổng mũi” về việc đó. Ngay cả ý kiến của đại diện họ Phan Huy cũng rất chân thật, không hề tỏ ra tự hào xác nhận ông Ban cùng họ tộc. Ông Phan Huy Thanh đại diện dòng họ còn nói rõ, khi nào có bằng chứng hoặc gia phả thì mới nhận họ được.

Lưu bút của ông Ban Ki Moon viết rất có ý tứ: Chủ yếu viết bằng tiếng Anh, chen chữ Phan 潘 (là chữ họ), ghi ông tổ là Phan Huy Chú (bằng chữ Hán:潘辉注),chức vụ ghi song ngữ Anh- Hán, tiếng Anh: General Secretary of UN, chức vụ chữ Hán: Quốc tế Liên hiệp Sự vụ tổng trưởng 國際联合事務總長.Ký tên phiên âm la tinh Ban Ki Moon và ba chữ Hán tên ông là Phan Cơ Văn 潘基文,kết thúc là với ba chữ Triều Tiên cũng là tên ông (trong ngoặc đơn). Một nhà ngoại giao như thế là chính xác, chu đáo và cẩn thận.



Bản tin và bản dịch của BBC sau đây: “LHQ lên tiếng việc Tổng thư ký Ban Ki Moon thăm nhà thờ họ Phan (BBC / và Soha News): BBC tiếng Việt đưa tin, Liên Hợp Quốc xác nhận Tổng Thư ký Ban Ki Moon đã thăm nhà thờ họ Phan Huy tại xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai, Hà Nội hồi tháng 5/2015. Tuy nhiên, Stephane Dujarric - người phát ngôn của ông Ban Ki Moon - không trả lời về vấn đề tổ tiên ông Ban có gốc gác Việt Nam hay ông có phải là con cháu của dòng họ Phan Huy hay không.

"Tôi rất xúc động khi viếng thăm và tỏ lòng thành kính sâu sắc trước ngôi nhà thờ Phan Huy Chú và các thành viên khác của dòng họ Phan.

Cám ơn dòng họ đã giữ gìn và bảo quản ngôi nhà thờ này. Là một người con của dòng họ Phan, giờ đây giữ chức Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, tôi tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên".
 


Văn bản giấy trắng mục đen rành rành như trên mà ông Trần Thế Kỷ lại dám viết:“Thật ra, về mặt chính thức, ông Ban chưa bao giờ thừa nhận tổ tiên của ông là người Việt”. Ông Kỷ hãy đọc hàng chữ tiếng Anh do ông Ban Ki Moon tự tay viết ra trong sổ lưu bút của họ Phan Huy (nếu không được thì đọc bản tiếng Việt kề ở dưới). Ông Kỷ muốn đòi hỏi thế nào là “thừa nhận…chính thức”?

Ông Kỷ đọc bản tin BBC mà không hiểu câu văn “người phát ngôn của ông Ban Ki Moon không trả lời về vấn đề tổ tiên ông Ban có gốc gác Việt Nam hay…”. Ông Ban Ki Moon “không trả lời” là quyền riêng tư của ông. Điều đó không có nghĩa ông phủ nhận gốc gác.

Ông Kỷ lại dẫn câu nói của ông sử gia Dương Trung Quốc “Sử gia Dương Trung Quốc nói một câu đáng suy ngẫm:“Chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư của ông Ban Ki Moon”.

Thực ra ông sử gia họ Dương cũng nói tào lao, lại còn lên giọng dạy đời. Câu nói vô vị của ông Dương có gì “đáng phải suy nghĩ” ? Nào có ai ở Việt Nam tỏ ra thiếu tôn trọng ông Ban Ki Moon? Nhà báo biết ông Dương Quốc là nhà sử học, nghĩ rằng ông biết việc nên phỏng vấn ông, nếu không biết thì ông cứ trả lời “không biết” cho rồi, sao còn dạy đời (dạy dỗ nhà báo) rằng “chúng ta nên tôn trọng quyền riêng tư của ông Ban…” ? Nên biết, ông Ban Ki Moon là chính khách của thế giới, tức là người của công chúng, báo chí đại diện công chúng có quyền hỏi ông, và ông cũng có quyền…giữ im lặng. Cả ông Dương và ông Kỷ đều không hiểu một qui tắc giao tiếp xã hội đơn giản như vậy sao.

Xin hỏi ông Trần Thế Kỷ, nếu ông Ban Ki Moon không phải dòng họ Phan Huy thì mắc mớ gì ông ấy phải thắp nhang bái tổ và “tự hứa với bản thân sẽ cố gắng làm theo những lời dạy của tổ tiên". Tổ tiên của ai ở trong nhà thờ họ Phan Huy ?

Ai sang trọng hơn ai ?

Ông Ban Ki Moon, ai cũng biết, nguyên là bộ trưởng bộ ngoại giao Đại Hàn Dân Quốc. Chức vụ đó nói lên trình độ cơ bản của ông. Học vị học hàm của ông là cử nhân ngoại giao năm 1970 và thạc sỹ quản trị hành chính công 1985 (“He received a bachelor's degree in international relations from Seoul National University in 1970. In 1985, he earned a master's degree in public administration from the Kennedy School of Government at Harvard University (nguồn Wikipedia).

Còn cái chức vụ Tổng thư ký LHQ là do bầu cử mà nên, xoay vòng luân lưu châu Âu, Á, Phi, Mỹ, làm xong nhiệm kỳ thì trở lại chức vụ cũ là bộ trưởng, việc này mang tính mặt trận. Ông Kỷ đừng tưởng “tổng thư ký” là thủ lãnh Liên hiệp quốc đâu nhá.

Ngoài ra, tôi xem tiểu sử của ông Ban Ki Moon cũng không thấy có thành tích gì đặc biệt về văn hóa và khoa học.

Nào bây giờ chúng ta lướt qua dòng họ Phan Huy ở Việt Nam.

Các chức vụ văn và võ của một số nhà khoa bảng dòng Phan Huy dưới đây tương đương cấp bộ trưởng ngày nay, tức tương đương chức vụ ông Ban. Về học vị thì họ Phan Huy có nhiều tiến sĩ và đặc biệt nhiều công trình văn hóa nổi tiếng trong lịch sử Việt Nam.

Phan Huy Cận (1722 – 1789 chức Bình Chương Đô đốc, Quốc sử quán Tổng tài.
Phan Huy Ích (1750 - 1822) chức Thị lang Bộ Hộ, tước Thuỵ Nham hầu.
Phan Huy Ôn (1754 - 1786) chức Hàn lâm thị giảng, tước Mỹ Xuyên hầu.
Phan Huy Thực (1778 - 1844) chức Thượng thư bộ Lễ.
Phan Huy Chú (1782- 1840) nhà bác học từ điển bách khoa (chi Sơn Tây).
Phan Huy Vịnh (1800 - 1870) thượng thư bộ Lễ (chi Sơn Tây).
Phan Huy Tùng - Tiến sĩ (1913) .

(chưa kể các ông Phan Huy hiện đại).

Phan Huy Ích
(1780 -1822) con trai của tiến sĩ Phan Cẩn, em là Phan Huy Ôn, ba cha con cùng đỗ tiến sĩ, cùng làm quan cho nhà Lê chúa Trịnh Sâm. Lập quê mới ở Quốc Oai Sơn Tây. Vợ ông là em gái Ngô Thì Nhậm, con gái Ngô Thì Sĩ.


Phan Huy Ích và Ngô Thì Nhậm là những vị quan đầu tiên của nhà Lê ra làm quan với vua Quang Trung. Phan Huy Ích sáng tác khá nhiều, gom thành tập "Dụ Am ngâm lục, Dụ Am văn tập", tập "Vân Du tùy bút" gồm 11 bài thơ nôm làm thời nhà Nguyễn. Phan Huy Ích chính là dịch giả của bản Chinh Phụ Ngâm Khúc đang lưu hành hiện nay mà nhiều người vẫn nhầm lẫn là của nữ sĩ Đoàn Thị Điểm. (Theo tuần báo Văn Nghệ Hội Nhà Văn Việt Nam số 45 ra ngày 10 tháng 11 năm 2001, trang 9 có bài Những khoảnh khắc của lịch sử dân tộc do tác giả Đà Linh viết nhân kỉ niệm nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân thượng thọ 80 tuổi. Bài báo nhắc đến thành tựu nghiên cứu của ông Xuân tiếp nối nghiên cứu của GS Hoàng Xuân Hãn trí thức Việt kiều ở Pháp, đã sưu tầm và nghiên cứu 7 bản dịch nôm Chinh Phụ Ngâm Khúc hiện tồn tại trên thế giới và chứng minh rằng bản hiện hành ở Việt Nam là của Phan Huy Ích với tựa đề là Chinh Phụ Ngâm diễn âm tân khúc.(Bên cạnh đó, bà Đoàn Thị Điểm cũng có bản dịch Chinh phụ ngâm khúc nhưng không phải là bản đang được lưu hành rộng rãi ngày nay ở nước ta).

Phan Huy Chú (1782- 1895): quan chức nhà Nguyễn, nhà nghiên cứu sử học, biên khảo khoa học và làm thơ viết văn. Sinh tại Quốc Oai, Hà Đông, lúc nhỏ đã nổi tiếng hay chữ. Ông nổi tiếng văn chương nên được vua Minh Mệnh gọi vào Huế làm quan soạn sách cho trường Quốc Tử Giám, sau lại được cử đi phó sứ Trung Quốc, rồi đi Indonesia. Về sau chán cảnh làm quan, kiếm cớ đau chân ông xin về làng dạy học, viết sách. Những công trình nghiên cứu nổi tiếng như Lịch triều hiến chương loại chí gồm 49 quyển - được coi là bộ Bách khoa toàn thư đầu tiên của Việt Nam. Cuốn Hoàng Việt địa dư chí là sách địa lý Việt Nam. Thơ văn thì có Hoa thiều ngâm lục, Hoa trình tục ngâm.vv.. Ông cũng là nhà nghiên cứu thư tịch học tiếp nối người đầu tiên Lê Quí Đôn và đạt đến thành tựu lớn hơn.

Phan Huy Vịnh
(1800- 1870) tự là Hàm Phủ, con trai Phan Huy Thực, cháu nội Phan Huy Ích. Sinh tại làng Thụy Khê, huyện Thạch Thất, Hà Đông. Đỗ cử nhân năm 1828, giữ chức chủ sự Bộ binh, làm quan các tỉnh, rồi sang bộ Lễ. Hai lần được cử đi sứ nhà Thanh. Được vua Tự Đức làm thơ chúc mừng và khen thưởng. Năm 1870 về hưu quê nhà rồi mất. Ông viết hai tập tùy bút Như Thanh sứ trìnhNhân trình tùy bút thi tập sáng tác trong hai lần đi sứ. Đặc biệt bản dịch bài thơ Tỳ bà hành (Bạch Cư Dị) của ông được mọi người cho là bản dịch hay nhất, đỉnh cao mẫu mực của việc dịch thơ Trung Quốc, từ đó đến nay không có ai dám dịch lại bài ấy nữa (xem Wikipedia).

Tổng hợp so sánh một cách tương đối (hai thời đại khác nhau gần 200 năm) giữa họ ông Phan ở Việt Nam và ông Ban Ki Moon ở Hàn quốc, tôi nghĩ rằng ông Ban Ki Moon mới là người đi “tìm người sang để nhận họ”, nếu nói theo kiểu dân gian, và kiểu nhái theo của ông Trần Thế Kỷ. Đặt hai bên lên “bàn cân”, tôi e rằng họ Phan Huy “nặng ký” hơn ông Ban.

Ai cũng biết rằng ông Ban Ki Moon đi công tác Việt Nam, nhân tiện làm việc theo nhu cầu cá nhân. Người Việt Nam không ai cật vấn ông ấy, chẳng ai tọc mạch việc riêng tư của ông. Chỉ có người của đài BBC về sau phỏng vấn người phát ngôn của ông Ban. Ngoài ra người Việt Nam chẳng có ai thắc mắc gì về chuyện ấy cả.

Quan niệm lạc hậu về “anh hốt rác”.

Trần Thế Kỷ còn viết “nếu ông Ban không phải là Tổng thư ký LHQ mà chỉ là anh hốt rác quèn thì liệu có ai chịu nhận ông ta là dòng dõi người Việt không, hay là chối bai bải ?! ông Kỷ lại còn thơ thẩn thác lời ông Ban Ki Moon:“Mình mà hốt rác chắc không ai thèm !”.

Hẳn là trong đời, ông Trần Thế Kỷ đã từng trải nghiệm“chối bai bải” một người “hốt rác” nào đó đến nhà ông xin nhận họ Trần. Ngoài ra chúng tôi chưa nghe thấy ở Việt Nam có trường hợp nào tồi tệ như ông nói. Phải chăng ông Kỷ đã mang cái “bụng ta suy ra bụng người” khi ông phát ngôn coi khinh rẻ “anh hốt rác” như thế.

Thời này là thời nào rồi mà một người làm báo dám buông lời khinh rẻ nghề hốt rác ?

Lại còn những lời viết tào lao như “Nếu đúng thế thì dân Việt ta cũng được một phen phồng mũi”. Câu nói của ông Kỷ là mỉa mai cả dân tộc Việt Nam chúng ta đấy nhá, xin ông đừng nói năng bừa bãi như thế chứ.

Tôi còn nhớ, khi đọc hơn chục bài báo về chuyện ông Ban Ki Moon, cũng thấy có mấy cái còm tào lao đầy vẻ đố kỵ của vài bạn đọc rằng “Xin đừng thấy người sang bắt quàng làm họ”. Đọc bài báo ông Kỷ viết trên VNTB tựa đề “TIN NÊN TIN:…”, mới hay rằng ông Kỷ là tác giả của những cái comment ấy.

Dù thế nào thì câu chuyện ông Ban Ki Moon đến Việt Nam cũng là một chuyện ban đầu rất ngạc nhiên, về sau thấy thú vị. Bài viết của Trần Thế Kỷ mới thực vô duyên và vô cớ.

Mong ông Trần Thế Kỷ phân biệt sự khác nhau giữa comment tùy nghi của bạn đọc với một bài báo tử tế.

Mời bạn đọc văn vẻ của ông Trần Thế Kỷ ở đây:
(Nguồn: http://www.ijavn.org/2015/11/vntb-tin-nen-tin-neu-ong-ban-ki-moon-la.html)

An Giang ngày 18 tháng 11/2015.
P.H.N
______________

Phụ lục:
Nguyên văn bài viết của Trần Thế Kỷ ở đây:

Trần Thế Kỷ (VNTB) - Chuyện về ông Ban, dư luận đã nói nhiều rồi nên Kỷ tôi không dám nhiều lời. Chỉ xin có chút thắc mắc nhỏ nhoi là nếu ông Ban không phải là Tổng thư ký LHQ mà chỉ là anh hốt rác quèn thì liệu có ai chịu nhận ông ta là dòng dõi người Việt không, hay là chối bai bải?!

Dư luận trong và ngoài nước mấy hôm nay bàn luận xôn xao về việc Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon nhiều khả năng là có gốc gác Việt Nam và là con cháu dòng họ Phan Huy. Thì chẳng phải ông Ban gọi mình là Phan Cơ Văn đấy sao.

Nếu đúng thế thì dân Việt ta cũng được một phen phồng mũi. Thảo nào người dân Kenya reo hò ầm khi biết Tổng thống Mỹ Obama có cha ruột là người nước này. Thật ra, về mặt chính thức, ông Ban chưa bao giờ thừa nhận tổ tiên của ông là người Việt. Sử gia Dương Trung Quốc nói một câu đáng suy ngẫm: “Chúng ta nên tôn trọng sự riêng tư của ông Ban Ki Moon”.

Chuyện về ông Ban, dư luận đã nói nhiều rồi nên Kỷ tôi không dám nhiều lời. Chỉ xin có chút thắc mắc nhỏ nhoi là nếu ông Ban không phải là Tổng thư ký LHQ mà chỉ là anh hốt rác quèn thì liệu có ai chịu nhận ông ta là dòng dõi người Việt không, hay là chối bai bải ?!

Thấy người sang bắt quàng làm họ
Bà con ta luận mọ lung tung
Làm ông Ban phải ngại ngùng:
“Mình mà hốt rác chắc không ai thèm!” 


.

5 nhận xét :

  1. Hết khôn dồn đến dại. Là nhà báo sao lại ăn nói thiếu suy nghĩ vậy. Ông Kỷ nên cẩn trọng lời ă tiếng nói

    Trả lờiXóa
  2. Trần thế Kỷ là ai ?

    Trả lờiXóa
  3. [Nhân đọc bài viết của ông Trần Thế Kỷ “Tin nên tin: Nếu ông Ban Ki Moon là anh hốt rác” đăng trên VNTB (Việt Nam Thời Báo) ngày 15/11,]
    LỜI LẼ CÓ ĐÁNG LÀ NGƯỜI CÓ VĂN HÓA ?

    Trả lờiXóa
  4. Theo tôi nghĩ sau bài này nói về ông Ban đã qua đủ rồi!!!!!Chúng ta còn rất nhiều
    việc cân quan tâm hơn trong hoàn cảnh đất nước đang"Nước non ngàn dặm....xa khơi"như lúc này!!!!

    Trả lờiXóa
  5. Tg Phùng ngọc Hoài phân tích rất sắc sảo, ông TK vớ vẩn thật!

    Trả lờiXóa