Thứ Sáu, 6 tháng 11, 2015

TẬP CẬN BÌNH KHÔNG NHẮC ĐẾN BIỂN ĐÔNG TRƯỚC QUỐC HỘI VN

Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam, 
Chủ tịch Trung Quốc không nói đến Biển Đông

Thụy My
06-11-2015 14:34

 
Chủ tịch Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam ngày 06/11/2015.Reuters

Trung Quốc và Việt Nam là những láng giềng tốt cùng theo chủ nghĩa xã hội, với tình bạn sẻ chia trong lịch sử cách mạng lâu dài, nên cần phải xua tan những bất đồng, không để thế lực nào gây gián đoạn trong quan hệ. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã phát biểu như trên trước Quốc hội Việt Nam hôm nay 06/11/2015. Nhưng ông không nhắc gì đến hồ sơ Biển Đông


Hai quốc gia do đảng cộng sản lãnh đạo đều đòi hỏi chủ quyền tại Biển Đông, đã dẫn đến một cuộc đối đầu năm ngoái khi Bắc Kinh đưa giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 và vùng biển Hoàng Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, làm nổ ra các vụ bạo động chống Trung Quốc.

Theo Reuters, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình là kịp thời, nhằm xây đắp lại mối quan hệ trong bối cảnh không chắc chắn về những nhà lãnh đạo sẽ nắm quyền sau Đại hội Đảng lần thứ 12 vào tháng Giêng tới – một đảng có truyền thống thân cận với Bắc Kinh nhưng nay đang thu hút sự chú ý chưa từng thấy từ phương Tây.

Phát biểu trước Quốc hội Việt Nam tại Hà Nội, ông Tập nhắc đến cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và tình bạn giữa ông Hồ với Mao Trạch Đông, người sáng lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và hệ thống chính trị tương đồng.

Ông Tập Cận Bình tuyên bố : « Trung Quốc và Việt Nam núi liền núi, sông liền sông, tình hữu nghị giữa hai dân tộc chúng ta đã có từ thời cổ đại. Trong cuộc đấu tranh giành độc lập tự do cho đất nước, hai nước đã sát cánh hỗ trợ lẫn nhau, tạo nên tình bằng hữu vững chắc ».

Theo ông Tập, Trung Quốc rất chú trọng đến quan hệ với Việt Nam và muốn sẽ tiếp tục theo một con đường bền vững. Ông nói : « Hai đảng, hai nước và hai dân tộc cần phải lấy chữ tín làm nền tảng, giúp đỡ lẫn nhau, tay trong tay không cho phép bất kỳ ai làm gián đoạn tiến độ. Tôi tin rằng nhân dân hai nước có năng lực và trí tuệ để xua đi các trở lực ».

Bài phát biểu của Chủ tịch Trung Quốc không nêu lên vấn đề Biển Đông cũng như cuộc chiến tranh biên giới phía Bắc năm 1979, khi Trung Quốc cho quân tràn sang Việt Nam để trừng phạt việc Hà Nội lật đổ chế độ Khmer Đỏ, tay sai của Bắc Kinh ở Cam Bốt.

Tập Cận Bình chỉ ám chỉ những « thử nghiệm » của cả hai bên trước những ngọn gió lịch sử, nhắc lại rằng các tranh chấp có thể được xử lý và kiểm soát một cách thỏa đáng – một thông điệp mà hai nước đã đồng ý hôm qua. Ông cho rằng quan hệ « không được đi chệch khỏi con đường đúng đắn ».

Bài phát biểu bằng tiếng Hoa kéo dài khoảng 20 phút, gấp đôi thời gian dự kiến, trích dẫn nhiều câu thơ Đường và thơ của ông Hồ Chí Minh. Hôm qua báo chí trong nước đã trích lời chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết việc ông Tập Cận Bình phát biểu trước Quốc hội Việt Nam là do yêu cầu của phía Trung Quốc.

Nhắc đến những câu ông Tập Cận Bình nói như « lấy chữ tín làm nền tảng », « láng giềng bao giờ cũng có những va chạm nhất định, nhưng khi đại sự đã được coi trọng thì tiểu sự sẽ không khó giải quyết », « kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân », « gien hòa hiếu của Trung Quốc chưa bao giờ biến dị »…báo chí Việt Nam cũng dẫn ra một số lời bình của các đại biểu Quốc hội.

Đại biểu Dương Trung Quốc cho rằng « Lời lẽ của ông Tập rất hay nhưng điều quan trọng là việc làm. Câu chuyện trên Biển Đông như thế, người dân làm sao có thể tin cậy ngay được ». Luật sư Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh : « Trong bài phát biểu, ông Tập Cận Bình không đưa ra một cam kết nào về việc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, Trường Sa ».

Đại biểu Nguyễn Anh Sơn cũng băn khoăn trước việc bài phát biểu của ông Tập « không có từ nào nhắc đến Biển Đông ». Về vấn đề « đại cục » và « tiểu cục », theo ông : « Những chuyện họ nói là nhỏ, với dân tộc Việt Nam thì không nhỏ chút nào cả. Những hòn đảo rất nhỏ nhưng vô cùng thiêng liêng đối với người dân Việt ».

Việc Trung Quốc hối hả bồi đắp các đảo nhân tạo ở quần đảo Trường Sa đã gây căm phẫn, đặt các lãnh đạo Việt Nam vào tình thế khó xử, trong lúc gần đây Bắc Kinh và Washington đã tranh cãi về quyền tự do hàng hải.

Việt Nam đã đa dạng hóa các quan hệ và Trung Quốc mặc dù không nằm trong số các nhà đầu tư lớn nhất, nhưng vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất với 60 tỉ đô la trao đổi hàng năm, đồng thời là nguồn hàng nhập khẩu lớn nhất. Tình trạng lệ thuộc này vẫn còn là vấn đề gây tranh cãi trong nước.

5 nhận xét :

  1. Cuộc viếng thăm nhạt nhẽo ! Nó lạnh lùng như con người TCB . Trong HT Diên Hồng các ĐBQH có lẽ cũng đã nghe thấy tiếng la ó của những người biểu tình chống TCB và không ít ĐB đọc các blog lề trái như Tễu Blog để biết lòng Dân . Không thấy nụ cười nào trên khuôn mắt các ĐB . Ô. Nguyễn thiện Nhân , người được TCB bắt tay cũng không cười , ô. CtQH Nguyễn sinh Hùng cũng không cười và chính TCB cũng nghiêm nét mặt . TCB đọc thơ Đường , lại là thơ Vương Bột . Các ĐBQH VN mù tịt , chẳng ai hưởng ứng ! Đúng là vịt nghe sấm .
    Lời hứa với gói viện trợ 1 tỉ NDT cũng không làm ai phấn khởi . TCB nói gì về BĐ ? Không nói được . Bênh vực cho việc làm của mình chăng ? Đả kích Mỹ đưa tầu chiến tuần tra chăng ? Chắc TCB cũng đánh hơi thấy cái vẻ chán ngắt của VN . Ngay cả báo đài của đcsVN và NN VN cũng không bênh việc làm của BK . Bảo rằng Hoàng Sa , Trường Sa là của Trung Hoa từ ngàn xưa tại QHVN lúc này chăng ? Vô vị và trơ trẽn quá . Tạm ngậm miệng cái đã !

    Trả lờiXóa
  2. Một thằng ăn cướp đời nào lại nói về việc nó đã cướp được, người bị cướp ở đây là Việt Nam phải mở mồm ra , mắng vào mặt nó cho cả thế giới biết , và yêu cầu nó giải quyết dứt điểm vụ việc bằng luật pháp quốc tế, đằng này lại ngậm miệng ăn tiền của nó , thật nhục nhã cho một lũ đớn hèn nhất trong lịch sử dân tộc !!!

    Trả lờiXóa
  3. Tôi tin lời thủ tướng "không đổi lấy tình hữu nghị viển vong.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thì nó đã cho vay trong 5 năm 1 tỉ tệ đấy , hết " viển vông" thì làm gì đc nó?

      Xóa
  4. Bản thân mấy ông chủ nhà bị cướp đảo, cướp biển có dám hé răng nhắc đến câu nào về Biển Đông, về việc Tầu bồi đắp các đảo của VN đâu mà đòi hỏi Tập nó nhắc đến. Trong khi HK và Nhật tranh thủ mọi diễn đàn để lên án hành động trên của giặc Tầu thì chính nạn nhân của chúng lại lờ tịt! Liệu sau chuyến thăm này của giặc Tập đến VN, lại được CSVN tung hô hết cỡ, Hoa Kỳ còn hứng thú cho tầu chiến đến gần các đảo mà giặc Tầu bồi đắp không?
    Trong bài phát biểu trước QH bù nhìn VN, họ Tập có nói một câu mà chắc bọn tay sai ngồi lẫn trong đám đông phía dưới sướng run: "Đặc biệt xin gửi lời chào kính trọng tới những người bạn đã không ngừng cống hiến và đã có những cống hiến quan trọng đối với sự hợp tác hữu nghị lâu dài của hai nước Trung-Việt". Đây chắc chắn là lời khen của ông chủ với những kẻ đã mẫn cán cung phụng hắn. Có điều họ Tập đã ngang nhiên dùng diễn đàn QH để thể hiện lời khen đó.

    Trả lờiXóa