Thứ Tư, 18 tháng 11, 2015

Ngộ độc thực phẩm: PHẢI LĂN RA CHẾT THÌ MỚI XỬ LÝ ĐƯỢC!


Ngộ độc thực phẩm: 
“Phải lăn ra chết thì mới xử lý được!?”  

Dân trí  
Thứ ba, 17/11/2015 - 13:33

Về giải pháp chấn chỉnh đưa chất cấm, chất độc hại vào sản xuất nuôi trồng, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị phải tăng mạnh chế tài xử phạt, bởi hiện theo Luật, "phải lăn ra chết thì mới xử lý", trong khi ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên không xử lý được!

>> Thêm nhiều công ty trộn "độc dược" vào thức ăn chăn nuôi
>> Thực phẩm bẩn: Dân nghèo nên phải "liều" ăn
>> "Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn đến thế!"

Trả lời chất vấn trước Quốc hội sáng nay (17/11), liên quan đến trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) trong quản lý sản xuất, vệ sinh an toàn thực phẩm, Bộ trưởng Cao Đức Phát cho rằng, nguyên nhân chính của tình trạng thường xuyên xuất hiện chất cấm trong chăn nuôi không phải là do thiếu quyết tâm của cơ quan điều hành.

Theo nhận xét của tư lệnh ngành nông nghiệp thì lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều đã có những chỉ đạo rất quyết liệt, hàng loạt văn bản pháp lý đã được ban hành.

Bộ trưởng Phát cho rằng, nguyên nhân chính đến từ việc triển khai, hướng dẫn sản xuất, kiểm tra giám sát tới hàng triệu hộ nông dân, hàng chục nghìn cơ sở sản xuất kinh doanh vật tư và sản phẩm nông lâm thủy sản chưa thực sự sâu rộng để xử lý đến căn cơ.

“Sản xuất nông lâm thủy sản hiện có hàng triệu hộ, riêng trong lĩnh vực thuốc bảo vệ thực vật còn 103 doanh nghiệp sản xuất, hơn 200 doanh nghiệp kinh doanh, 30.000 cửa hàng bán lẻ. Nên muốn sự chuyển biến phải quản lý, kiểm soát được toàn bộ lực lượng này” – Bộ trưởng phân tích.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Phát cũng giãi bày, thực tế bộ máy quản lý giám sát, nguồn lực thực hiện rất hạn chế.

“Chúng tôi có hỏi địa phương vì sao triển khai công việc chưa được như mong đợi, thì anh em nói nhiều lý do trong đó có lý do bộ máy, nhân lực. Ví dụ Tuyên Quang chỉ có 7 người tại Chi cục Quản lý chất lượng; Bình Dương có 10 người; cấp huyện và cấp xã thì không có” – Bộ trưởng trình bày.

Về kinh phí, một số địa phương có ngân sách, nhưng tại một số địa phương, ngoài tiền lương thì chỉ được chi 300-500 triệu đồng để thực hiện các nhiệm vụ.

Nhằm xử lý vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm độc hại, Bộ trưởng Phát đề nghị cần phải có nhiều hơn sự vào cuộc của các bên, trong đó có các hội, đoàn thể, cả cộng đồng…

“Tôi nghĩ cứ phun thuốc bừa bãi thì không thể qua mắt nhân dân, nên công tác đoàn thể cần thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình” – ông Phát nói.

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng kiến nghị xem xét sửa đổi một số quy định trong Luật Hình sự để có cơ sở pháp lý và chế tài xử lý mạnh tay với những vi phạm nghiêm trọng về an toàn thực phẩm.

Cụ thể, Điều 155 về quy định đối với sử dụng chất cấm nhưng không có chất cấm dùng trong chăn nuôi. Ví dụ chất cấm như chất Salbutamol bị cấm trong chăn nuôi nhưng dùng để chữa bệnh; chất vàng ô cấm trong chăn nuôi, khiến thịt gà trở nên vàng và được người tiêu dùng ưa thích, gây ung thư nhưng trong công nghiệp lại dùng làm chất nhuộm.

Điều 244 quy định “nếu buôn bán thực phẩm độc hại mà gây thiệt hại tính mạng hoặc sức khỏe nghiêm trọng thì mới xử lý”.

“Thế tức là phải lăn ra chết thì mới xử lý! Ăn thực phẩm ít khi nào xảy ra trường hợp này thế nên cũng không xử lý được!” – Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết.

Do đó, Bộ NN&PTNT đề nghị Quốc hội xem xét, đồng thời cho biết đã báo cáo với Thủ tướng Chính phủ xin phép phải sửa đổi 4 nghị định về xử phạt hành chính, tăng mạnh mức xử phạt với các vi phạm.

Bộ trưởng Phát cũng nói thêm rằng, trong việc quản lý, không thể chỉ nặng về kiểm soát, xử lý mà gốc của vấn đề là phải hướng dẫn và hỗ trợ nhân dân sản xuất các sản phẩm an toàn và người tiêu dùng nhận biết được chất lượng hàng hóa.

“Chúng tôi sẽ sớm có những chính sách này” – ông Phát cho hay.


Sáng nay, Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương giải pháp để triệt tiêu những nhân tố phi thị trường đang xuất hiện ngày càng nhiều như hàng giả, hàng nhái, hàng độc hại.
Theo bà An, các loại sản phẩm này đang lan tràn trên khắp các chợ quê, chợ phố, thậm chí là ở trong các siêu thị làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp và ảnh hưởng tới đời sống sức khỏe người dân.
Đồng thời bà An truy vấn: “Bao giờ thì đồng chí có thể triệt hạ được những thương lái hay ăn chặn giữa người sản xuất, người nông dân và người tiêu dùng để giải quyết dứt điểm tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa?”
“Đồng chí có biết rằng, thương hiệu gạo của Việt Nam bị mất thời gian qua chính là do thương lái hay không? Họ đã trộn lẫn các loại lúa, loại gạo vào nhau, ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu và giá gạo” – vị đại biểu đặt vấn đề.

Bích Diệp

9 nhận xét :

  1. Thế giới như EU thường chỉ có 1 Bộ quản lý (Bộ bảo vệ người tiêu dùng và có thể thêm 1 nội dung khác) và luật người ta rất chi tiết vi phạm gì lập tức xử lý hình sự, vì đơn giản ăn uống cũng như chích hút, có thể chết nhanh, chết từ từ. Việt Nam không chịu học tập các nước làm theo cách riêng nên bây giờ mới có nhiều phát ngôn kỳ lạ!

    Trả lờiXóa
  2. Ông Phát bây giờ mới bức xúc chuyện này là quá muộn, việc xử dụng hoá chất tràn lan tùy tiện vô tội vạ trong dân chúng từ khâu nuôi trồng đến khâu chế biến đã trở thành thói quen, quen đến nỗi như một việc tự nhiên, một khâu cần thiết, không cần che đậy giấu giếm. Ông không thể kiểm soát được đâu, sửa luật như ông nói là đánh vào người sử dụng những độc chất ấy, nhưng ông quên một điều quan trọng và cơ bản là phải triệt từ nguồn gốc của nó, nó từ đâu đến? ông phải biết, ai buôn chúng về? ai phát tán xúi bẩy dụ dỗ hướng dẫn những người dân ít học xử dụng những chất độc đó? Chính là bọn con buôn bất lương. Nếu ôngkhông muốn nòi giống người VN bị biến đổi vì nhiễm độc kéo dài, nếu ông thực tâm thương những thường dân lao động trong nhà máy, thầy cô giáo học sinh, sinh viên trong trường học v.v... họ không có điều kiện mua đồ ăn sạch từ nước ngoài chở về như các ông, họ không có nhà cửa đất đai rộng rãi để tự trồng trọt như cán bộ các ông thì ông trước tiên hãy ra luật trừng trị bọn buôn bán những chất cấm đó, lưu ý ông nó phần lớn được chở vào từ con đường Trung quốc ông nhé. Nếu ông không làm được thì những điều ông nói chỉ là đạo đức giả.

    Trả lờiXóa
  3. Ối giời ơi, chính quyền của dân-do dân-vì dân nói thế thì làm đ...ó gì còn dân để mà vì nữa. Lũ thổ tả.

    Trả lờiXóa
  4. Cố ý đưa chất cấm vào thực phẩm là hành vi cố ý đầu độc người khác & hành vi này đầu độc nhiều người có ảnh hưởng đến cả thế hệ ! Vì vậy Quốc hội cần bổ sung điều này vào bộ Luật Hình Sự sửa đổi ! Chừng nào chúng ta làm chưa nghiêm, việc mất an toàn thực phẩm còn sẩy ra và cuộc sống người dân không được bình an. Cắn cỏ lậy các vị làm nghiêm để dân được sống an toàn ?

    Trả lờiXóa
  5. "phải lăn ra chết thì mới xử lý" là phương châm hành động của Công Ty Mai Táng.

    Trả lờiXóa
  6. cấp xã ít nhất có 200 người họ làm gì ông phát kêu lực lượng mỏng thế thì theo ông phát bao nhiêu thì đủ

    Trả lờiXóa
  7. Tễu nên lập một mục hài cuối tuần (nhưng phải có thật) : chết rồi mới xử lý được ! Ha, ha, ha....(Chỉ riêng câu này cũng coi như một "phát" ...chửi cả 3 cơ quan : lập pháp , tư pháp và hành pháp của VN)

    Trả lờiXóa
  8. Ông Phát và các ông nhà nước ơi
    Dân sắp lăn ra chết cả rồi
    Các ông giờ này còn bàn cãi
    Cách chết nào là tốt nhất đây!

    Các ông cho mở phanh biên giới
    Cho bọn Tàu ùn ùn nó sang
    Nó mang theo bao nhiêu độc hại
    Để rễ dàng giết chết dân ta

    Các ông mặc cho địa phương tự tung tung tự tác
    Móc ngoặc mánh mung buôn bán chất độc tràn lan
    Ai chả biết chỉ mình ông không biết
    Đây là món hàng có cái lãi kếch sù.

    Ôi bộ Phát chỉ VN không phát!

    Trả lờiXóa
  9. Không hiểu ai gán cái mỹ từ 'tư lệnh ngành' cho chức bộ trưởng. Nghe thấy oai và có phần danh giá! Qủa là các cán bộ CS thích danh tới như vậy. Gía như họ làm được như một phần của cái chức danh giá đó, nhưng khi nhìn lại các việc bộ của họ đã làm những năm gần đây thấy bộ nào cũng nát bét. Họ chỉ giỏi tiêu tiền và phá hoại. Các thất thoát mà họ gây ra chắc phải dùng một cái hố to để chôn cất tất cả bọn họ!

    Trả lờiXóa