Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

KẾT LUẬN ĐIỀU TRA ĐỀ NGHỊ TRUY TỐ ÔNG KIM QUỐC HOA

Ông Kim Quốc Hoa, nguyên TBT báo Người Cao tuổi.

Kết luận điều tra
đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa, điều 258


24-11-2015

Lời dẫn của Ba Sàm: Chúng tôi nhận được bản kết luận điều tra từ ông Nguyễn Quốc Dũng, con trai ông Kim Quốc Hoa, TBT báo Người Cao Tuổi. Cơ quan an ninh điều tra đã gửi kết luận điều tra này tới VKS NDTC (Vụ 1), đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa theo điều 258: “Chuyển bản kết luận điều tra cùng toàn bộ hồ sơ vụ án gồm 08 tập, tổng cộng… tờ đến Viện Kiểm sát NDTC (Vụ 1), đề nghị truy tố bị can Kim Quốc Hoa về tội ‘Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân’, quy định tại điều 258 – Bộ luật hình sự nước CHXHCN Việt Nam”. Mời quý độc giả đọc thêm:



_____


Băn khoăn việc Tổng biên tập báo Người Cao tuổi 
về truy cứu hình sự do hành vi “duyệt cho đăng” bài báo

LS Trần Hồng Phong

1-11-2015

Báo chí hôm nay 1-11-2015 đưa tin Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an vừa có Kết luận điều tra, đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa – nguyên Tổng biên tập báo Người Cao Tuổi về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo điều 258 Bộ luật hình sự. Có lẽ đây là lần đầu tiên tổng biên tập một tờ báo – được pháp luật quy định là “cơ quan ngôn luận” bị truy tố về một tội danh liên quan đến quyền ngôn luận!

Theo báo Tuổi Trẻ, Cơ quan an ninh điều tra nhận định vụ sai phạm của ông Kim Quốc Hoa “là nghiêm trọng, liên quan đến lĩnh vực hoạt động báo chí”. Với vai trò là tổng biên tập, ông Kim Quốc Hoa bị cáo buộc đã “duyệt cho đăng 23 bài báo có những tiêu đề và nội dung sai sự thật, không có căn cứ, suy diễn chủ quan, đưa thông tin phiến diện, một chiều”.

(Bài gốc trên báo Tuổi Trẻ: Đề nghị truy tố nguyên tổng biên tập báo Người Cao Tuổi)

Trong đó, ông Hoa trực tiếp viết và duyệt đăng bài “Sự thật về “công tử” Hà thành ra Trường Sa” có nội dung sai sự thật như: “có tin cho rằng những năm gần đây, ở quần đảo Trường Sa vẫn tồn tại hiện tượng một số quân nhân nghiện ma túy nhưng vì gia đình có quan hệ nên vẫn được ra Trường Sa, lợi dụng danh nghĩa công tác để cai nghiện, rèn luyện”.

Ông Hoa cũng bị cáo buộc đưa thêm vào bài báo “Bàn về thị trường sao và vạch” nội dung sai sự thật như “trưởng công an các phường ở TP lớn hầu hết là đại tá…”.

Theo kết luận điều tra, còn có 11 cá nhân liên quan trong vụ án khi tham gia viết, biên tập các bài báo “có nội dung sai phạm” nhưng Cơ quan an ninh điều tra thấy chưa cần thiết phải xem xét xử lý hình sự.
___

.
Bình luận của luật sư Trần Hồng Phong:
 .
Qua thông tin, thì thấy ông Kim Quốc Hoa bị cáo buộc đã “duyệt cho đăng 23 bài báo có những tiêu đề và nội dung sai sự thật, không có căn cứ, suy diễn chủ quan, đưa thông tin phiến diện, một chiều”. Như vậy, nói tóm gọn là ông Hoa đã bị đề nghị truy tố, kết tội từ chính hành vi trong hoạt động nghề nghiệp – hợp pháp – của mình. Vì rõ ràng với vai trò là Tổng biên tập một tờ báo, ông Hoa không những có trách nhiệm mà còn có quyền duyệt đăng các bài báo lên tờ Người Cao Tuổi. Đó là công việc tất yếu, hàng ngày của ông Hoa Và ông Hoa được nhận tiền lương về công việc này.
.
 Ông Kim Quốc Hoa

Thông thường, một bài báo được viết bởi phóng viên và trước khi đăng sẽ phải qua nhiều khâu như thẩm tra, biên tập và cuối cùng là Tổng biên tập duyệt đăng. Một bài đăng trên báo là sản phẩm của tập thể, nhân danh tên tờ báo đó.

Lẽ tất nhiên, không ai có thể chắc chắc được là những thông tin đăng trên báo là luôn luôn chính xác 100%.

Lẽ tất nhiên, một bài báo được đăng, là theo chủ ý hay kế hoạch định trước của con người.

Lẽ tất nhiên, trong bài báo sẽ luôn chứa đựng quan điểm, nhận định, kiến thức của phóng viên, biên tập viên và không loại trừ là cả quan điểm và sự dũng cảm của Tổng biên tập. Mà thậm chí không loại trừ cả những ý định “xấu xa” phía sau bài báo.

Với những đặc điểm đó, tất yếu là một bài báo luôn tiềm ẩn khả năng sẽ có thể phát sinh sự đụng chạm, không hài lòng hay thậm chí có thể xúc phạm, bôi xấu cá nhân hay tổ chức nào đó.

Thế nên, pháp luật đã quy định rất rõ (trong Luật báo chí, Bộ luật dân sự …vv) là nếu báo chí đăng tin bài không đúng sự thật, có nội dung xúc phạm danh dự, uy tín của cá nhân, tổ chức … thì báo phải đăng lời cải chính, xin lỗi.

Bản thân “nạn nhân” (người, tổ chức bị báo nói xấu, xúc phạm …) có quyền khởi kiện, yêu cầu báo đính chính, xin lỗi và bồi thường thiệt hại – cả về vật chất lẫn tinh thần.

Việc khi báo sai, đương sự kiện báo là điều rất bình thường, pháp luật quy định hướng giải quyết rõ ràng.

Ở nước ngoài cũng vậy. Hẳn mọi người không quên việc ông Nicolas Sarkozy, khi đang là tổng thống Pháp, đã nhiều lần kiện báo chí, vì cho rằng báo viết sai, xúc phạm uy tín của mình.

Chính bản thân tôi, qua thực tiễn hoạt động nghề nghiệp luật sư của mình, đã từng trực tiếp trải qua nhiều lần, nhiều vai (tức là có khi làm luật sư cho bên đi kiện báo, có khi làm luật sư cho báo bị kiện). Tôi xin kể ra một vài vụ việc để mọi người dễ hình dung.

– Tôi đã tham gia một vụ kiện báo Lao Động, do đăng một bài báo nói xấu một doanh nhân. Tòa án Quận 1 (TP. HCM) đã tuyên buộc báo Lao Động phải cải chính, xin lỗi.

– Tôi đã tham gia là luật sư cho báo Pháp luật TP.HCM, bị một Hợp tác xã hoạt động trong lĩnh vực vận chuyển rác kiện vì cho rằng đăng bài không đúng, xúc phạm. Tòa án quận 10 đã tuyên báo phải đính chính, hai bên đạt thỏa thuận dân sự.

– Tôi đã tham gia là luật sư kiện báo Người Lao Động trong một vụ kiện do báo này đăng hình một doanh nhân chụp chung với Giáo Hoàng với lời bình xấu. Tòa thánh Vatican đã yêu cầu doanh nhân phải làm rõ, vì Giáo Hoàng không liên quan. Tòa án Quận 3 TP. HCM đã tuyên báo Người Lao Động phải đính chính, xin lỗi.

– Tôi đã tham gia với tư cách là luật sư trong vụ một nhạc sỹ kiện báo Thanh Niên, vì báo đăng bài có hàm ý nói xấu, xúc phạm nhạc sỹ. Tòa án quận 1 TP. HCM đã tuyên báo Thanh Niên phải đính chính, xin lỗi.

– Và nhiều vụ khác nữa (hàng chục vụ) – mà tôi trực tiếp tham gia.

Từ trước tới nay, trong hoạt động báo chí, nếu báo đăng bài sai, có nội dung nói xấu, xúc phạm … thì phải xử lý và cách xử lý là như trên. Hầu như chưa từng có phóng viên hay tờ báo nào bị khởi tố hình sự do bài viết đăng trên báo của mình. Lưu ý là điều này phân biệt với việc phóng viên nhận tiền hối lộ, cố ý viết bài có nội dung theo ý mình – thì bị xử lý về tội nhận hối lộ.

Tôi đã có lần viết đơn đề nghị khởi tố một phóng viên về hành vi vu khống – qua việc viết một bài viết đăng trên báo. Nhưng Tòa án đã trả đơn, nói rằng đây là hoạt động báo chí, chứ không phải là chuyện cá nhân – cá nhân, chuyện hình sự, nên không thể khởi tố hình sự. Và tôi cũng đồng ý như vậy. (Việc viết đơn thực ra chỉ là “động tác”, nhằm thúc đẩy quá trình giải quyết vụ án).

Chính vì vậy, việc một Tổng biên tập bị khởi tố vì hoạt động và nghiệp vụ báo chí của mình, quả là điều rất hiếm. Thậm chí hình như chưa từng có tiền lệ.

Tôi sẽ không bất ngờ nếu ông Kim Quốc Hoa bị truy tố về các tội “bên ngoài hoạt động báo chí” như (giả sử thôi): nhận hối lộ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, cố ý làm trái…v.v.

Việc Tổng biên tập một tờ báo, mà bị truy tố về hành vi “duyệt đăng các bài báo” – là công việc thuộc quyền hạn của mình – làm tôi cảm thấy thực sự đáng lo ngại. Phải chăng người ta đã hình sự hóa một vấn đề mang tính dân sự, nghiệp vụ?

Tôi tự hỏi tại sao trong vụ việc này, các “nạn nhân” hay “người bị hại” – của 23 bài báo đó – nếu có – không khởi kiện, yêu cầu báo Người Cao Tuổi đính chính, xin lỗi và thậm chí bồi thường thiệt hại? Nếu có kiện hay khiếu nại, thì tại sao không thấy kết quả giải quyết – về mặt hành chính, dân sự?

Thiết nghĩ, trong công việc, nghề nghiệp của mình – nhất là khi đó lại là hoạt động nghề nghiệp hợp pháp – mỗi người đều có quyền nêu quan điểm, chính kiến của mình. Quan điểm, chính kiến ấy có thể là không trùng khớp, có độ lệch, hay thậm chí trái ngược với quan điểm của Nhà nước, thì thiết nghĩ đó cũng là điều hết sức bình thường, pháp luật cho phép và bảo hộ. (Đó là quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí – quy định trong Hiến Pháp).

Chẳng hạn như ngay chính trường hợp ông Kim Quốc Hoa, giả sử tại phiên tòa xét xử, luật sư bào chữa cho ông Hoa có thể nói rằng hành vi của ông Hoa là “không phạm tội”. Quan điểm này rõ ràng trái ngược, chống lại quan điểm của Viện kiểm sát. Chẳng lẽ như vậy lại kết tội luật sư là đã “lợi dung quyền tự do dân chủ”? Thế thì nghề luật sư có còn cần thiết hay không? Có ý nghĩa gì không? Và liệu có ai dám làm nghề luật sư?

Cũng qua vụ này, thấy nghề báo có vẻ nhiều rủi ro quá. Nhất là khi viết hay đăng những bài có nội dung “tế nhị”, “nhạy cảm”!

.

16 nhận xét :

  1. Thả tự do ngay và xin lỗi ông ấy là ĐÚNG ! hãy là người văn minh đi các ông ơi !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. 1.Hàng ngàn vụ việc, báo của ông Kim Quốc Hoa đã phản ánh kịp thời và có tác dụng chống tham nhũng hiệu quả ! Với tỷ lệ ấy chỉ có 23 bài thiếu chính xác, thì đã báo nào làm được mức độ chính xác như thế chưa?
      2. Lỗi quy kết do thiếu trách nhiệm trong duyệt bài ? Nếu nội dung bài báo không phản động thì sao có lỗi? Còn nội dung thì phóng viên điều tra chịu trách nhiệm, chứ sao lại đổ cho Tổng biên tập?
      3. Tinh thần điều tra chống tham nhũng là của Bộ Chính trị chỉ đạo, Chính Phủ thực hiện rồi Ban nội Chính TW thực hiện, thế thì đâu có sai?
      4. Báo không phải là cơ quan điều tra, mà chỉ thực hiện các phóng sự điều tra nêu vấn đề,chứ báo có kết tội cá nhân hay tập thể sai phạm nào đâu? còn trách nhiệm điều tra vụ việc của bên cơ quan điều tra của công an, viện Kiểm sát? Sao lại đổ lõi cho báo ? BÁO CHỈ CÓ TỘI KHI LIÊN KẾT VỚI NHỮNG TỔ CHỨC PHẢN ĐỌNG LỢI DỤNG BÁO CHÍ ĐỂ GÂY TỔN THẤT CHO NHÀ NƯỚC ?
      5. Qua việc này không rõ Đảng và nhà nước có chủ trương tiếp tục khuyến khích chống tham nhũng nữa không ?

      Xóa
  2. Ông Hoa có "tội" dám phá thối sự nghiệp tham nhũng.

    Trả lờiXóa
  3. Đã bảo tất cả 800 tờ báo QD xếp hàng sau lưng một TBT duy nhất thôi mà ô. KIm Quốc Hoa lại đứng ra ngoài hàng làm TBT thứ hai ! Nhốt lại và đem ra Toà .
    Thầy giáo Đỡ Việt Khoa 10 năm chống tiêu cực trong thi cử , trong GD . Kết quả : Cô đơn , bị tẩy chay, vợ bỏ về bên ngoại. Còn NB Kim Quốc Hoa chống tiêu cực. Kết quả : vào hộp , bị truy tố . Nghỉ ngơi !
    Công anh xúc tép nuôi cò / Cò ăn cho béo cò giò lên cây !
    Cuộc chiến chống Tham Nhũng . Ai thắng ai đã thấy rõ !

    Trả lờiXóa
  4. Làm đúng như đảng nói là vào tù.

    Trả lờiXóa
  5. CƠ QUAN AN NINH ĐIỀU TRA (BỘ CÔNG AN) KHÔNG THUỘC LUẬT?

    Theo bản kết luận điều tra Cơ quan ANĐT gửi Viện KSNDTC đề nghị truy tố ông Kim Quốc Hoa (căn cứ DDieuf 162, Điều 163 Bộ luật Hình sự) sẽ là:

    Điều 162. Tội lừa dối khách hàng
    1. Người nào trong việc mua, bán mà cân, đong, đo, đếm, tính gian, đánh tráo loại hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác gây thiệt hại nghiêm trọng cho khách hàng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
    2. Phạm tội nhiều lần hoặc thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng.
    Điều 163. Tội cho vay lãi nặng
    1. Người nào cho vay với mức lãi suất cao hơn mức lãi suất cao nhất mà pháp luật quy định từ mười lần trở lên có tính chất chuyên bóc lột, thì bị phạt tiền từ một lần đến mười lần số tiền lãi hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến một năm.
    2. Phạm tội thu lợi bất chính lớn thì bị phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số lợi bất chính, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

    Trả lờiXóa
  6. Đây là vụ án, hình sự hóa chính trị. Điều 258. kết tội mơ hồ, dùng để suy diễn, bắt bất cứ ai muốn bắt. Căn cứ theo luật khen thưởng chống tham nhũng, ông Kim Quốc Hoa được khen thưởng, thay vì bị bỏ tù.

    Trả lờiXóa
  7. Tướng tá trong CQANĐT nhiều vô kể, được đào tạo bài bản, học hành tới nơi tới chốn sao lại kết tội nhà báo Kim Quốc Hoa Trốn thuế và cho vay nặng lãi...?
    Chẳng liên quan gì đến hoạt động báo chí. Sao hồ đồ quá vây.?
    - Trước đây có vụ 1 phóng viên Báo Tiền Phong viết về 1 sỹ quân đội đi công tác về thấy 2 con của mình 1 trai 1 gái đang ôm ấp nhau "làm tình" đã rút súng bắn chết 2 đứa con... và PV này đã bị Toà án binh Quân khu 5 xử tù vì tội vu khống...Tới nay có nhà báo Kim Quốc Hoa bị Truy tố về tội cho vay nặng lãi và tội lừa dối khách hàng.
    Có lẽ cả 2 nhà báo do viết báo đã đụng chạm vào 2 cơ quan CA và QĐ nên bị tù.

    Trả lờiXóa
  8. Cơ quan điều tra truy tố theo điều 162, 163 bộ Luật hình sự, không hiểu dựa vào đâu, truy tố việc gì nhỉ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái quyết định gõ sai, lại tại thằng đánh máy rồi. Đúng phải là "bộ luật Tố tụng hình sự"!

      Xóa
  9. Bài bình luận của Luật sư Trần Hồng Phong quá hay và quá đúng. Bỗng dưng tôi thấy buồn hầu như những vụ việc nổi cộm bây giờ người dân trông vào mạng xã hội, facebook thay vì tin gửi vào các cơ quan báo chí như trước đây.

    Trả lờiXóa
  10. Nếu như vậy thì ông TBT Như Phong cũng phải đi tù vì bịa chuyện LS Hải vượt biên chốn chạy He He

    Trả lờiXóa
  11. ÔNG KIM MÀ BỊ TRUY TỐ THÌ BỌN THAM NHŨNG CƯỜI HA HẢ ?

    Trả lờiXóa
  12. Đất nước Việt Nam muốn phát triển cần nhiều nhà báo dũng cảm như ông Kim Quốc Hoa!

    Trả lờiXóa
  13. Những thông tin ông Kim Quốc Hoa đăng trên báo người cao tuổi nếu không đúng sự thật chỉ có thể truy tố ông theo Điều 122 luật hình sự năm 1999 quy định về tội vu khống:

    1. Người nào bịa đặt, loan truyền những điều biết rõ là bịa đặt nhằm xúc phạm danh dự hoặc gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người khác hoặc bịa đặt là người khác phạm tội và tố cáo họ trước cơ quan có thẩm quyền, thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

    2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến bảy năm:

    a) Có tổ chức;

    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

    c) Đối với nhiều người;

    d) Đối với ông, bà, cha, mẹ, người dạy dỗ, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh cho mình;

    đ) Đối với người thi hành công vụ;

    e) Vu khống người khác phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.

    3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một triệu đồng đến mười triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

    Trả lờiXóa