Thứ Tư, 25 tháng 11, 2015

HÃY CÙNG NGUYỄN QUANG THẠCH ĐƯA SÁCH VỀ NÔNG THÔN!

Anh Nguyễn Quang Thạch (bìa phải) trao tặng tủ sách nông thôn.

Nguyễn Quang Thạch:

THƯ MỜI THAM GIA XÂY DỰNG
300.000 TỦ SÁCH NÔNG THÔN

Kính gửi 500.000 người Việt Nam

(Nhờ mọi người share/chia sẻ để 1.000.000 người biết đến bức thư và 500.000 người Việt sẽ hành động để hơn 15.000.000 trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách như trẻ em con nhà trung lưu Hà Nội, Sài Gòn...)

Trong những năm qua, chúng ta thường xuyên nhận các thông tin về: bạo lực học đường, những vụ án giết người man rợ, hàng trăm ngàn thanh niên nghiện ma túy, những cô dâu bị chết ở xứ người, vô số người chết vì tai nạn giao thông, thực phẩm độc hại…Một trong những nguyên chính của các nan đề mà chúng ta đối mặt là do thiếu tri thức. Người dân nông thôn đã thiếu cơ hội tiếp cận tri thức như thế nào?


40 năm qua, kể từ 1975, hầu hết học sinh nông thôn chỉ đọc 1-2 cuốn sách ngoài sách giáo khoa trong năm học, ít hơn học sinh thành phố từ 10-20 lần, các nguyên nhân chính gồm: (i) Thu nhập thấp và cha mẹ không có thói quen đọc sách; (ii) không có hiệu sách đến cấp xã; (iii) hệ thống thư viện nhà trường và cấp xã hoạt động yếu kém, hầu hết học sinh không được mượn sách đưa về nhà; (iv) chương trình giáo dục chưa kích thích học sinh tìm kiếm tri thức ngoài sách giáo khoa; và (v) cộng đồng nông thôn chưa ý thức được tầm quan trọng của việc nuôi dưỡng thói quen đọc sách cho con trẻ từ 3-15 tuổi. Các nguyên nhân trên được rút ra từ hơn 20.000 phỏng vấn cá nhân và tập thể ở trên 30 tỉnh thành trong 10 năm liên tục thực hiện nghiên cứu thiết kế ra các mô hình tủ sách, 9 năm áp dụng các mô hình tủ sách ở khu vực nông thôn, và trong hành trình đi bộ Hà Nội đến Sài Gòn. 

Từ việc học sinh nông thôn chỉ được đọc 1-2 đầu sách ngoài sách giáo khoa trong năm học; và bình quân mỗi người dân Việt Nam chỉ đọc 0,8 cuốn sách/năm, đã và đang gây nhiều tội ác cho xã hội, siêu lãng phí nền tảng nhân văn và sáng tạo quốc gia.

THƯA MỌI NGƯỜI

Khi viết bức thư này gửi đến mọi người, chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam (SHNT) do tôi khởi xướng đã bước sang năm thứ 19 và đã có hơn 5.000 tủ sách các loại được xây dựng. Bên cạnh đó, tôi đồng thời đã: (i) Hoàn thành chuyến đi bộ Hà Nội-Sài Gòn với 1.750 km để kêu gọi toàn xã hội giúp 15 triệu trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách; (ii) SHNT đã tạo nên bộ khung cho hệ thống thư viện dân sự với 5 loại tủ sách đã được nhân rộng trên 20 tỉnh thành; (iii) đã vận động chính sách đến cấp Bộ GD&ĐT, BT Phạm Vũ Luận đã thăm Tủ sách Phụ huynh đặt trong lớp học ở Thái Bình và đang xem xét nhân rộng trên toàn quốc; và (iv) đã giới thiệu các loại tủ sách với Bộ GD Indonesia tại Jakarta và các nhà giáo dục đến từ Malaysia, Singapore và Philipine.


Con số 5.000 tủ sách nêu trên là nỗ lực của hơn 100.000 thành viên xã hội gồm nông dân, công nhân, nhà giáo, nhà báo…và cá nhân tôi tạo nên, dẫu rất đáng khích lệ song mới chỉ mang lại cơ hội đọc sách cho khoảng 300.000 người dân nông thôn. Vẫn còn hơn 15.000.000 trẻ em nông thôn đang cần được nghe và đọc sách.

Tôi mong rằng, sau khi tìm hiểu Chương trình sẽ tạo ra sự thay đổi tích cực cho xã hội này, mọi người sẽ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm xã hội qua SHNT với 12 cuốn sách/năm, làm nguồn đối ứng kích thích hơn 10 triệu người dân nông thôn xây dựng 300.000 tủ sách, giúp hơn 15.000.000 học sinh được nghe và đọc sách vào năm 2017.

CHƯƠNG TRÌNH SHNT RA ĐỜI NHƯ THẾ NÀO?

Từ ý tưởng đưa sách về nông thôn khi là sinh viên-năm 1997, qua nghiên cứu tổng quan về thực trạng xã hội...trong 10 năm (1997-2007), SHNT ra đời với các mục tiêu chính:

I. Giải quyết tình trạng thiếu sách ở nông thôn đã kéo dài quá lâu.
II. Góp phần nâng cao dân trí trên quy mô quốc gia.
III. Xây dựng tinh thần chia sẻ trách nhiệm xã hội ở Việt Nam.
IV. Đặt nền móng cho Tinh thần tự cường của người Việt.
V. Lan truyền giá trị Việt Nam bằng việc nhân rộng SHNT sang các quốc gia khác như Ấn Độ, Indonesia…

CHƯƠNG TRÌNH SHNT ĐÃ LÀM ĐƯỢC GÌ?

Sau gần 9 năm xây dựng tủ sách ở nông thôn, với sự chung tay của hơn 100.000 cha mẹ học sinh, thầy cô giáo, các thành viên xã hội, chúng ta đã làm được:

1. 120 Tủ sách Dòng họ, giúp hơn 100.000 người dân tiếp cận 150-500 đầu sách/tủ. Nhiều dòng họ đang nhân rộng tủ sách.

2. Khoảng 5.000 Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em đặt trong các lớp học, giúp ít nhất 200.000 học sinh tiếp cận ít nhất 50 đầu sách/năm học. Em đọc ít nhất đã đạt 5 đầu sách/năm. Nhiều học sinh đã đọc 10-20 đầu sách/năm học. Trước đây, bình quân mỗi học sinh đọc 0,5-2 đầu sách/năm học.

3. 9 Tủ sách hậu phương, quê hương chiến sĩ.

4. Huy động được hơn 1.000.000.000 đồng từ xã hội và từ cuộc thi Sáng kiến phục vụ cộng đồng làm đối ứng thúc đẩy hơn 5.000 tủ sách trị giá hơn 12 tỷ đồng được xây dựng bởi chính người dân nông thôn.

5. Phối hợp với thầy cô giáo nông thôn đưa ra các hình thức khuyến đọc giúp học sinh nông thôn đọc 10-30 đầu sách/năm học.

6. Vận động chính sách thành công từ cấp trường học đến cấp bộ.

7. Tạo nhận thức xã hội về sự thiếu sách trầm trọng ở nông thôn và vận động xã hội tham gia xóa nạn đói sách. Kích thích nhiều người người gốc nông thôn đưa sách về quê.

CHƯƠNG TRÌNH SHNT ĐANG CẦN GÌ?

Chúng ta cần khoảng 12.000.000 bản sách để đưa đến các lớp học, các dòng họ…để tạo nên hệ thống tủ sách rộng khắp ở nông thôn với khoảng 300.000 tủ sách vào năm 2017. Tủ đựng sách do cha mẹ học sinh,các dòng họ… tự đóng.

CHƯƠNG TRÌNH SHNT LÀM NHƯ THẾ NÀO 

ĐỂ ĐẠT MỤC TIÊU 300.000 TỦ SÁCH VÀO NĂM 2017?

Để đạt được mục tiêu, SHNT sẽ làm thực hiện các bước sau:

1. Xây dựng đội ngũ nhân lực cơ hữu tâm huyết và chuyên nghiệp để thúc đẩy nhanh số lượng tủ sách và nâng cao chất lượng hoạt động của các tủ sách.

2. Dựa vào các danh mục sách thông qua khảo sát học sinh, giáo viên và cộng đồng internet, chúng tôi sẽ hợp tác với các nhà sách để mua sách với số lượng lớn nhằm giảm giá thành xuống thấp hơn thị giá khoảng 40%-60%. Chọn dịch các đầu sách của Tây Âu, Nhật, Mỹ, Israel để đưa về các tủ sách.

3. Hỗ trợ 40-60 đầu sách trị giá 1,2 triệu đồng/1 tủ sách sau khi cha mẹ học sinh và trường học đóng tủ đặt tại lớp. Khoảng 270.000 lớp học từ mầm non đến cấp 3. Hiện đã có trên 5.000 lớp học sẵn đóng tủ để nhận sách.

4. Hỗ trợ kỹ thuật cho các trường đại học và các phòng giáo dục thực hiện Chương trình sinh viên góp 2.000 đồng/tháng làm vạn Tủ sách Phụ huynh.

5. Tổ chức các buổi hướng dẫn xây dựng các loại tủ sách ở Hà Nội và Sài Gòn.

6. Tập huấn kỹ năng đọc sách cho học sinh. Nhân rộng các hình thức khuyến đọc. Phổ biến các bài hát cổ vũ đưa sách về nông thôn và khuyến đọc.

7. Hỗ trợ các trường học lập câu lạc bộ khoa học và tiếng Anh.

CHƯƠNG TRÌNH SHNT MINH BẠCH NHƯ THẾ NÀO?

1. Nguồn lực huy động được và mọi chi tiêu được công bố hàng quý trên website: sachhoanongthon (đang xây dựng). Hàng tháng, chi tiêu mua sách, tiền lương, tên đầu sách ở mỗi tủ sách…sẽ được đưa lên website, facebook và gửi email đến những người ủng hộ.

2. Công bố báo cáo được kiểm toán hàng năm.

3. Mời tất cả các thành viên xã hội tham gia giám sát các hoạt động của chúng ta.

CHƯƠNG TRÌNH SHNT CẦN SỰ CHIA SẺ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI

Để chia sẻ TRÁCH NHIỆM XÃ HỘI với 240.000/năm nhằm giúp tất cả học sinh mầm non được nghe sách và học sinh cấp 1, 2 và 3 được đọc sách vì một Việt Nam nhân văn và sáng tạo, mọi người vui lòng chuyển khoản đến:

Tên TK: Trung tâm Hỗ trợ tri thức và Phát triển cộng đồng
Số TK: 0691002944428, ngân hàng Vietcombank Hà Nội, chi nhánh Hà Tây.

Tất cả cuốn sách sẽ được đóng dấu ‘Sách do người VN chia sẻ trách nhiệm xã hội” hoặc tên cá nhân và công ty chia sẻ trách nhiệm xã hội vào 3 trang/cuốn sách.

Cụm từ “chia sẻ TNXH” sẽ đi vào tâm thức trẻ em, xây dựng tính THIỆN, lớn lên các em sẽ xem việc chia sẻ TNXH là việc tự nhiên, từ đó nhân lên gấp nghìn lần sự chia sẻ đó.

Tiền gửi đến xin ghi rõ: Ủng hộ tủ sách hoặc Ủng hộ tiền lương (chúng tôi cần 24 triệu tiền lương cho 3 người/tháng).

Rất mong nhận được sự chia sẻ trách nhiệm xã hội từ mọi người

Trân trọng cám ơn
Nguyễn Quang Thạch
____________ 

TÓM LƯỢC CÁC BƯỚC PHÁT TRIỂN CỦA CHƯƠNG TRÌNH SHNTVN

1. Từ 1997-2007: nghiên cứu lý thuyết để thiết kế các loại tủ sách, thiết kế chiến lược truyền thông, vận động chính sách và gây quỹ. Tất cả các đầu việc được thực hiện bằng tài chính của cá nhân theo phương thức vừa đi làm cho PMU85, Bộ GTVT để kiếm sống và nghiên cứu lý thuyết. 

2. Từ 2007-2015:

Từ 3/2007-7/2009: xây dựng 28 tủ sách dòng họ ở Hà Tĩnh, Nghệ An, Thanh Hóa, Phú Thọ, Thái Bình, Hải Dương bằng tiền cá nhân, sách cũ xin được và một ít kinh phí do bạn bè ủng hộ. Tôi chuyển sang làm việc cho World Vision ở Hà Nội từ tháng 6/2008, vừa có tiền sinh sống, làm tủ sách vừa tìm hiểu hệ thống gây quỹ để tính đường dài cho SHNT. 

Từ 9/2009-8/2011: Nghỉ việc ở World Vision vào tháng 7/2009 để dành toàn thời gian chuẩn hóa Tủ sách Dòng họ ở Thái Bình thông qua khoản hỗ trợ 400 triệu đồng dành được từ cuộc thi Sáng kiến phục vụ cộng đồng và lập ra TT Hỗ trợ tri thức & PT cộng đồng. Tôi đã khởi động Tủ sách Phụ huynh vào tháng 5/2010.

Từ tháng 9-10/2011 đến nay: Tháng 8/2011, hết thời hạn dự án 400 triệu, tôi làm việc cho Quỹ Toàn cầu với mức lương gồm bảo hiểm là 18.000.000 đồng/tháng. Dự định trích 2 triệu đồng/tháng để nhân rộng các loại tủ sách, thế nhưng khi tiếp xúc với số liệu người bị nhiễm HIV/AIDS và nghiện ma túy từ dự án, tôi đã trăn trở rất nhiều và quyết định nghỉ việc ở Quỹ toàn cầu và đưa ra mô hình gây quỹ ‘Mỗi người Việt góp 20.000 đồng/tháng vì sách cho nông thôn’.


Tôi nhận mức lương 8.000.000 đồng/tháng từ tiền kêu gọi được để dành toàn thời gian tăng tốc SHNT. Mặc dù gặp nhiều khó khăn kinh tế cho cá nhân, nhưng từ 11/2011 đến nay, SHNT đã tạo cơ hội cho khoảng 200.000 học sinh nông thôn đọc sách như con nhà khá giả của Hà Nội và những tác động xã hội tích cực khác.








Do nguồn lực hạn chế, 8,5 năm qua, tôi phải làm các việc vừa đi xây dựng tủ sách, vừa truyền thông vận động chính sách, vừa gây quỹ, vừa đi xe máy và đi bộ Hà Nội-Sài Gòn…Từ nay, tôi sẽ tuyển thêm người để tăng tốc chương trình.
_____
.
Giới thiệu 1 số video clip của chương trình SHNT:

Anh Nguyễn Quang Thạch - người khởi xướng chương trình sách hóa nông thôn đang tìm mọi cách để 10 triệu học sinh nông thôn Việt Nam có sách đọc.


 

8 nhận xét :

  1. Tôi nhiệt liệt hoan nghênh việc làm của bạn Nguyễn Quang Thạch.

    Trả lờiXóa
  2. Sao những người tâm huyết thế này không làm lãnh đạo?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Người tâm huyết không được cơ cấu đâu bạn ạ !

      Xóa
  3. Nguyễn quang Thach lên thay chỗ của Thì trọng Đao thì tốt cho đất nước

    Trả lờiXóa
  4. Ngưỡng mộ một người trẻ Tuổi mà đức lớn đã đem trí tuệ, tài năng và tâm huyết làm được một việc ích lợi lớn lao cho nhân quần xã hội. Hoàn toàn ủng hộ và chúc Nguyễn quang Thạch thàng công hơn nữa.

    Trả lờiXóa
  5. Thật cảm động một tấm lòng vàng, Đi đường ăn uống cẩn thận nhé Nguyễn quang Thạch, giữ gìn sức khoẻ để hoàn thành tâm nguyện.

    Trả lờiXóa
  6. Có những người cao quí như Nguyễn quang Thạch muốn cống hiến tài năng công sức lại không có phương tiện, trong khi những người ăn lương nhận trách nhiệm với xã hội lại không làm chỉ phá. Bất công vô lý khắp nơi. Buồn thật!

    Trả lờiXóa
  7. Đề nghị anh Thạch khẩn cấp ưu tiên sách cho các cán bộ lãnh đạo, họ thiếu sách trầm trọng.

    Trả lờiXóa