Thứ Hai, 16 tháng 11, 2015

VNN: MỘT HỘI THẢO CHƯA TỪNG CÓ TRONG LỊCH SỬ GIÁO DỤC

Cuộc hội thảo chưa từng có về môn Lịch sử

Ngân Anh
VNN
15/11/2015 16:04 GMT+7
 

Một cuộc hội thảo chưa từng có về môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông đã diễn ra trong buổi sáng ngày 15.11.

Học sinh mong Lịch sử được viết và dạy theo nhiều chiều
Sắp xếp lại môn Lịch sử gây tranh cãi: Vì sao?
Nghe GS Phan Huy Lê nói về nguy cơ môn lịch sử bị xóa bỏ
"Làm như vậy sẽ phá nát môn Lịch sử"

Hội thảo có tên “Môn Lịch sử trong giáo dục phổ thông” đã diễn ra theo cách mà, như PGS Nghiêm Đình Vỳ, nguyên phó ban Tuyên giáo TƯ, nhận xét “Tôi từng điều hành nhiều hội thảo, nhưng chưa hội thảo nào như hội thảo này”.
Phan Huy Lê, Nghiêm Đình Vỳ, Nguyễn Vinh Hiển, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Thanh Bình, Vũ Dương Ninh
GS Phan Huy Lê "Chia nhỏ và đem một ít kiến thức lịch sử nhập vào các môn, dù cho có tăng số giờ dạy lên vẫn là xóa bỏ tính hệ thống và cơ sở khoa học cùng vai trò giáo dục sâu sắc, toàn diện của môn Lịch sử"
Cuộc tranh luận giữa một bên là Bộ GD-ĐT với một bên là các nhà khoa học, các giáo viên Lịch sử, đã diễn ra từ khi Dự thảo Chương trình Giáo dục phổ thông tổng thể được công bố cách đây hơn 3 tháng, và cho đến nay chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận được mời đến hội thảo này, nhưng ông Luận gửi lời xin lỗi không thể tham dự vì có buổi làm việc với Thủ tướng NewZealand.
Được mời phát biểu đầu tiên, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, ông Nguyễn Vinh Hiển, đề nghị hội thảo tập trung vào vấn đề đổi mới như thế nào cho hiệu quả nhất hơn là nói về vai trò vị trí của môn Lịch sử. “Làm tốt được điều này, môn Lịch sử sẽ xứng tầm với vị trí vốn có” – ông Hiển bày tỏ quan điểm.
Tuy nhiên, ý kiến của ông Hiển không được các đại biểu dự hội thảo hưởng ứng.
Hơn một chục đại biểu có bài tham luận sau đó đều tập trong vào việc khẳng định cần đưa Lịch sử là một môn học độc lập và bắt buộc trong chương trình phổ thông.
GS Vũ Dương Ninh (ĐHQG Hà Nội) nêu ý kiến: “Từ trước đến nay, chưa bao giờ Bộ Giáo dục có một văn bản, một chỉ thị nào coi nhẹ môn Sử hoặc loại bỏ môn Sử. Nhưng cuộc sống thực tế hoàn toàn khác. Vị trí của môn Sử và một vài môn khác bị đẩy lùi dần thành môn phụ trên thực tế và đến nay, nó mất tên chính danh trong chương trình Trung học cơ sở dưới cái vỏ “Công dân và Tổ quốc”. Nó bị lẫn vào môn Khoa học xã hội (tự chọn) trong chương trình cho học sinh theo phân ban khoa học tự nhiên và chỉ còn là môn học chính thức đối với học sinh chọn phân ban khoa học xã hội. Có nghĩa rằng lớp trí thức trẻ tương lai (trừ số ít chọn ngành khoa học xã hội) sẽ không hiểu hoặc hiểu biết lơ mơ về lịch sử của dân tộc mình, về lịch sử của đất nước mình”.
PGS. TS. Vũ Quang Hiển (Khoa Lịch sử, Trường Đại học KHXH&NV, ĐHQGHN) đặt câu hỏi: “Lịch sử là một bộ môn khoa học. Giáo dục lịch sử phải là giáo dục tri thức khoa học. Thế nhưng một cán bộ có trách nhiệm xây dựng Dự thảo chương trình cho rằng, “môn Lịch sử không thể biến thành khoa học Lịch sử (đây là phần dành cho những nhà nghiên cứu)”. Quả là một nhận thức mơ hồ, lệch lạc. Nếu như giáo dục lịch sử không phải là giáo dục những tri thức khoa học thì giáo dục cái gì?”.
GS.TS.Đỗ Thanh Bình (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) đề xuất: “Chúng tôi nghĩ rằng, có những vấn đề đặt ra mà những người làm chương trình phải tính toán lại, đừng chỉ vì cố hoàn thành dự án mà để lại hậu quả, sẽ tác động không tốt tới xã hội. Trước hết chương trình này sẽ dẫn đến hệ lụy làm “teo” môn lịch sử trong trường phổ thông, lớp trẻ không còn biết sự hy sinh của các bậc tổ tiên để có đất nước như ngày hôm nay. Chương trình vừa mới “thai nghén”đã gặp phải nhiều ý kiến tâm huyết, trái chiều, liệu khi hoàn thành, đưa vào thực tiễn “tuổi thọ”của nó có được lâu, bởi giáo dục không thể là nơi thí nghiệm”...
Tranh luận gay gắt
Tuy nhiên, cuộc hội thảo thật sự nóng khi bước vào phần tranh luận.
Hai nhân vật đầu tiên phát biểu tranh luận là TS Tạ Ngọc Trí và GS Đinh Quang Báo, cùng là thành viên Bộ phận thường trực Đổi mới Chương trình SGK giáo dục phổ thông.
Phan Huy Lê, Nghiêm Đình Vỳ, Nguyễn Vinh Hiển, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Thanh Bình, Vũ Dương Ninh
GS Bùi Đình Thanh dù tuổi rất cao vẫn đến tham dự hội thảo
Theo ông Trí, ông đưa ra ý kiến với góc độ người nghiên cứu giáo dục và có trách nhiệm với thế hệ trẻ, thì “Môn Lịch sử không mất đi mà nằm trong một lĩnh vực học tập, cụ thể là lĩnh vực Khoa học Xã hội. Ví dụ tất cả các kiến thức khoa học của Lịch sử đi từ 1 đến 100, thì chương trình sắp xếp một cách logic để cho trẻ học, sau đó bố trí vào các cấp, bậc học khác nhau. Đó chỉ là cách sắp xếp, do cách yêu cầu mới”.
GS Đinh Quang Báo thì chia sẻ “Tôi không nghĩ môn Lịch sử phải độc lập mới giáo dục được. Tại sao những môn khác thì tích hợp được mà Lịch sử lại không? Tích hợp không có nghĩa là làm mất đi môn học mà tạo ra logic mới, chỉnh thể mới, giá trị mới. Bản thân tôi thấy môn Sinh học (lĩnh vực chuyên môn của ông Báo – PV) khi tích hợp với các môn khác như Hóa, thấy tốt hơn rất nhiều”.
Tuy nhiên, những phát biểu trực tiếp vẫn dành những lời lẽ khá nặng nề cho Dự thảo Chương trình của Bộ.
Vị GS 92 tuổi Bùi Đình Thanh, khi nghe tin có hội thảo này đã nhất định đề nghị con cháu đưa đến dự. Theo vị GS già, “Tư tưởng của tôi có thể bảo thủ chăng, đồng ý hay không là quyền của các vị”, nhưng “môn Lịch sử đã được khẳng định là môn khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học”.
Phản ứng của giáo viên
Có lẽ rất hiếm có cuộc hội thảo nào mà giáo viên đang trực tiếp giảng dạy lại thẳng thắn bày tỏ ý kiến phản đối lãnh đạo Bộ như cuộc hội thảo này.
Không đưa ra nhiều lý luận như các nhà nghiên cứu, những thầy cô đứng lớp có những lý lẽ giản dị và trực tiếp hơn từ thực tế dạy học.
Ông Đỗ Trung Hiếu, giáo viên Trường THPT Phan Bội Châu (Nghệ An) phát biểu “thay mặt giáo viên môn Lịch sử phổ thông trên toàn quốc”. Ông Hiếu cho biết không tán thành lời dẫn và cách đặt vấn đề của thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển. "Cuộc hội thảo này là về việc Lịch sử có phải là môn bắt buộc không chứ không phải dạy như thế nào, học ra sao”.
Theo ông Hiếu, suốt 3 tháng qua, từ khi Bộ công bố Dự thảo Chương trình, “chúng tôi đã ăn ngủ không yên, nhiều giáo viên bức xúc. Giáo viên Lịch sử phản ứng dữ dội bằng nhiều cách. Nhiều giáo viên buồn bã, thất vọng, chán chường, nhiều người buông xuôi.
“Giáo viên Lịch sử trên toàn quốc cho biết không thể dạy tích hợp môn Lịch sử” – đây là kết quả tham vấn từ hơn 500 giáo viên Lịch sử trong toàn quốc, ông Hiếu cho biết.
Ông Hiếu cũng bày tỏ sự hoài nghi trước tuyên bố của Bộ đã lấy ý kiến của các thành phần về chương trình mới, và đề nghị Bộ phải tham vấn rộng rãi giáo viên phổ thông trên toàn quốc.
Cô Nguyễn Thị Minh Hải, giáo viên Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc thì cho hay hơn 20 năm đi dạy cô chưa từng thấy học sinh quay lưng với môn Sử, nhưng các em không học để đi thi là đúng, vì hiện nay có quá ít trường tuyển sinh khối C.
So sánh việc để Lịch sử là môn tự chọn, cô Hải đưa ra ví dụ giống như “Nếu hỏi trẻ con ăn bim bim hay ăn cơm, chơi điện tử đọc truyện tranh hay học, thì câu trả lời như thế nào đã biết”…
Phan Huy Lê, Nghiêm Đình Vỳ, Nguyễn Vinh Hiển, Đỗ Trung Hiếu, Đỗ Thanh Bình, Vũ Dương Ninh
Cô Nguyễn Thị Minh Hải "Học sinh không quay lưng với môn sử, nhưng các em không học sử để đi thi" (Ảnh Vương Anh)
“Tôi thấy Bộ có những cái bị oan”
Sau hàng chục ý kiến phát biểu, thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển tiếp tục đăng đàn. Ông Hiển cho rằng “Tôi thấy Bộ có những cái bị oan”.
Theo ông Hiển, vì nhiều đại biểu chưa nghiên cứu kỹ tài liệu nên nói oan cho Bộ. Ông Hiển cho rằng mọi người cần đọc lại tài liệu sẽ thấy không có chuyện khai tử môn Lịch sử. Ông Hiển cũng không đồng tình với quan điểm cho rằng môn Lịch sử độc lập thì phải bắt buộc, hay bắt buộc học Lịch sử thì phải đưa là môn độc lập.
Cũng theo ông Hiển, môn Lịch sử không phải là môn công cụ giống như Toán, Tiếng Việt và Ngoại ngữ. “Nếu đổi mới phải có tiền lệ thì có gọi là đổi mới nữa không? Nếu không có bước bắt đầu chập chững sẽ không có sự thành thạo. Phải chuẩn bị từng bước một cho hài hòa và tiến bộ dần lên”.
“Bộ rất chú ý lắng nghe, tiếp thu có chọn lọc chứ không phải tiếp thu tất cả” – ông Hiến nhấn mạnh và đề nghị “Cùng suy nghĩ lại”.
Sau phát biểu này của ông Hiển, TS Tưởng Phi Ngọ (Khoa Lịch sử, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cho rằng “mấu chốt của tranh luận nằm ở chỗ chưa có sự thống nhất giữa lãnh đạo Bộ và các nhà khoa học về vai trò của môn Lịch sử trong hệ thống giáo dục phổ thông, cụ thể là môn Lịch sử quan trọng ở khía cạnh nào, quan trọng đến đâu… Phải thống nhất lại rồi sẽ xếp Lịch sử vào vị trí xứng đáng”.
Kết luận hội thảo, GS Phan Huy Lê cho biết “Dù Bộ GD-ĐT đã có giải trình nhưng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam không thay đổi quan điểm. Sẽ có một số vấn đề Hội kiến nghị lên cấp cao nhất”.
Thứ trưởng Bộ GD: Sắp xếp lại môn Lịch sử gây tranh cãi: Vì sao?
"Không phải chỉ có môn Giáo dục công dân hay Lịch sử mà các bộ môn khác như Sinh, Sử, Địa, Hóa, Lý…cũng được sắp xếp lại thành môn học mới theo tinh thần tăng cường tính tích hợp ở cấp học dưới, tăng tính định hướng nghề nghiệp ở bậc THPT.

Một số môn học do tính quan trọng của nó như môn Toán, Văn, Ngoại ngữ thì bắt buộc phải học từ lớp 1 cho đến lớp 12. Các môn học khác cũng là bắt buộc nhưng được sắp xếp lại như môn Công dân với Tổ quốc.

Tôi xin khẳng định, thời lượng học kiến thức lịch sử sẽ nhiều hơn so với chương trình phổ thông hiện hành. Hiện nay môn Lịch sử được sắp xếp là 1,5 tiết/tuần. Sắp tới nêu chương trình mới được thông qua thì học sinh học Lịch sử trong môn Công dân với Tổ quốc (nếu 3 phân môn trong 3 tiết thì có thể là 1 tiết), trong Khoa học Xã hội có hai phân môn với 3 tiết, nghĩa là Lịch sử sẽ khoảng 1,5 tiết.

Như vậy học sinh sẽ được học khoảng 2,5 tiết/tuần kiến thức Lịch sử ở chương trình mới.

Nếu học sinh đi theo hướng khoa học xã hội thì sẽ là 4 tiết/tuần (học môn Công dân với Tổ quốc khoảng 1 tiết, môn Lịch sử 3 tiết).

Sở dĩ chúng ta có sự phân biệt thời lượng học của hai nhóm này là để định hướng nghề nghiệp" 
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển trả lời phỏng vấn VietNamNet. 

19 nhận xét :

  1. BGD toàn chuyên gia kinh tế

    Trả lờiXóa
  2. Nếu có bỏ nên bỏ môn chính trị, đạo đức công dân mà phải dạy môn học lịch sử một cách đầy đủ

    Trả lờiXóa
  3. Nên bỏ hai môn học là thể dục và giáo dục quốc phòng, hai môn này xếp vào nhóm tự chọn không bắt buộc.

    Trả lờiXóa
  4. Mạng Internet sẽ dạy lịch sử cho chúng ta. Như vậy hay hơn nhiều.

    Trả lờiXóa
  5. Bao trùm cuộc Hội thảo là thủ đoạn đánh tráo khái niệm: Vẫn có môn lịch sử nhưng nó nằm lẫn vào các môn khác....Thủ đoạn đánh tráo càng ngày càng tinh vi !

    Trả lờiXóa
  6. Xin hỏi các vị liên quan đến môn sử một câu : quý vị có biết rằng,nguyên tắc "biên soạn" môn sử để đầu độc biết bao thế hệ người Việt là gì không?
    Xin trả lời cho quý vị nhé,nguyên tắc đó là : ta luôn thắng,địch luôn thua;cncs luôn tốt đẹp,ưu việt,cntb luôn xấu xa,bóc lột;những gì liên quan đến đảng,Bác luôn tốt đẹp,chân lí,những gì liên quan tới Mỹ và "chư hầu" luôn là xấu xa,phản động;những gì liên quan đến vua Gia Long,nhà Nguyễn đều là tồi tệ,phản dân,hại nước,phản động,những gì liên quan đến Tây Sơn,Nguyễn Huệ đều tốt đẹp,long lanh,không tì vết;những sự thật nào không có lợi cho đảng thì tuyệt đối không được vào chương trình,những điều dối trá nào có lợi cho đảng thì phải cố mà nặn ra,dựng lên,không cần quan tâm đến trơ trẽn là gì....
    Với cái mớ thuốc độc đó,mà quý vị vẫn cố nhét vào đầu con cháu ư?Chúng nó không còn khờ khạo nữa đâu,xé nát đề cương,quăng trắng sân trường là điều tất yếu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tôi rất đồng tính ý kiến của Lệ Thủy,cách viết lịch sử dạy cho hs theo 1 chiều cho ý thức hệ cs biến không thành có,xấu thành tốt và ngược lại,thậm chí không có thật vẩn bịa ra có thật để làm gương cho phong trào như thiếu nhi anh hùng "Lê văn Tám" tẩm xăng tự thiêu như ngọn đuốc lao vào kho xăng giặc đốt cháy(thời Nam bộ kháng chiến), đến nay tên trường Lê văn Tám vẩn được đặt ở 1 số nơi. Lịch sử cần chính xác không được bẻ cong ngòi bút để ca ngợi phù phiếm viễn vông bắt mọi người mọi thế hệ phải cúi đầu chấp nhân. .

      Xóa
  7. Không những không được bỏ môn lịch sử mà còn phải đưa môn lịch sử vào một trong các môn thi tốt nghiệp THPT hoặc thi ĐH. Có như vậy học sinh mới chịu khó học lịch sử và hiểu được truyền thống của Dân tộc.
    Kẻ nào đầu têu định "tích hợp" môn sử vào các môn khác? Xử trảm!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Các kì thi tốt nghiệp THPT và đại học môn sử chỉ xoay quanh phân lịch sủ VN cận,hiện đại.
      Theo giảng viên môn lịch sử,Hà Văn Thịnh,phần này có đến 70% là dối trá.
      Còn theo tôi,chẳng những dối trá mà còn bịa đặt những điều không có,bưng bít quá nhiều sự thật.
      Đó không phải là lịch sử mà là liều thuốc độc

      Xóa
    2. Miềng không phải là người nghiên cứu về lịch sử, nhưng nghe cái Bộ giáo dục nó nói lịch sử tích hợp với các môn khác thì miềng không đồng ý. Chắc BGD & ĐT toàn những cái đầu ...dự án nên nghĩ ra đủ trò. Nhìn ra xung quanh xem có nước nào bỏ môn lịch sự, "tích hợp" lịch sử vào với môn khác không? Đây là cách dùng chữ mang tính lạm ngôn mà quan chức BGD ĐT dung. Quan điểm của các ngài sai rồi. Môn lịch sử là môn học chính mà học sinh hiện nay còn không nắm được lịch sử, huống chi "tích hợp" thì coi như khai tử luôn. Dẹp cái dự án "tích hợp" của các vị lại đi, không thì các vị sẽ bị đào mồ sau khi chết đấy!

      Xóa
  8. Từ trước tới giờ Ý kiến của các nhà Khoa học chưa bao giờ sai và thường được sự ủng hộ cao của nhân dân. Chỉ có những "con sâu" quản lý là vô học và rình đục khoét.

    Trả lờiXóa
  9. KÍnh thưa các vị lãnh đạo bộ GD, không phải cái gì cũng làm lẩu được đâu. Không cần phải "tích hợp" thì những giáo viên đúng nghĩa (trừ một số giáo viên dạng tạo nguồn-cử tuyển của một số địa phương) vẫn biết mở rộng và liên hệ với các môn học khác. Khi chưa tích hợp thì lịch sử đã bị méo mó rồi, vậy khi tích hợp sẽ có nhiều lí do để nó méo mó hơn nữa.
    Còn lí do thật sự dẫn đến học sinh không không muốn học thì có nhiều người đã chỉ ra. Theo tôi có một lí do là lịch sử đã bị làm mất tính khách quan của lịch sử.
    Chú thích: tôi là một giáo viên dạy môn vật lý.

    Trả lờiXóa
  10. p.thường dân Nam Bộlúc 11:47 16 tháng 11, 2015

    Tự mình xé nát Lịch Sử nước mình thì làm sao chống lại được luận cứ của TCB bảo rằng Hoàng Sa , Trường Sa là của Tầu từ ngàn xưa ? Lịch Sử nước mình thì tự xé ra như thế, mình không còn tôn trọng mình , làm sao đòi hỏi thế giới tôn trọng mình ?. Người Việt sẽ trả lời cho người nước ngoài một câu hỏi lịch sử đơn giản : tại sao nước bạn lại gọi là Việt Nam ? An nam , Đại Việt, Đại Nam là gì ? Có liện hệ đến quốc hiệu Việt Nam thế nào ? Chỉ có những kẻ nông cạn , hiểu mù mờ về lịch sử mới dám xé nát Lịch Sử Nước Nhà ra nhiều mảnh . Chúng tôi cực lực phản đối hành động phản Dân, hại Nước này ! Đề nghị QH sớm lên tiếng !

    Trả lờiXóa
  11. Tôi cho rằng ý kiến của Lệ Thủy (08.54) là rất đúng : nội dung dạy sử và học sử của chương trình PT, ĐH hiện nay là đúng như vậy : đó toàn là các nội dung bịp bợm, lừa đảo, nói dối lớp trẻ, đánh lừa người già (ít nhất 70% nội dung là nói dối, bịp bợm như nhiều người chân chính đã nhận xét). Với nội dung đó, thì KHÔNG THỂ NÓI LỊCH SỬ LÀ KHOA HỌC ĐƯỢC ! (Mong các "sử gia" suy nghĩ cho kĩ, trước khi bảo vệ môn Lịch sử - và đáng buồn là một số "sử gia" trong số các vị cũng đã góp phần vào sự dối trá này đó)
    Tôi cho rằng không thể "tích hợp" kiến thức Sử vào môn "Công dân với tổ quốc" được - Và, nếu như vậy, tôi tin rằng chỉ sau vài năm nữa - với sự biến báo của lũ khoa học GIẢ đang đông đảo như quân nguyên hiện nay (!), thì -nó sẽ sớm được chuyển hóa thành tên : "Công dân với đảng" đấy, bạn đọc ạ - vì ... khái niệm "Tổ quốc" có là gì đâu với "ý thức đảng" hiện nay !!!!!
    Những kẻ đề xuất cái môn "mới" này, quả đúng là lũ vô học, KHÔNG PHẢI LÀ NHỮNG NGƯỜI LÀM GIÁO DỤC.

    Trả lờiXóa
  12. “môn Lịch sử đã được khẳng định là môn khoa học thì phải đối xử với nó như là một môn khoa học”.là hoàn toàn đúng Xin cảm ơn Thày Bùi Đình Thanh để thế hệ trẻ được hiểu biết về Dân tộc Việt,. không thể đánh tráo nhằm xóa bỏ cội nguồn của Dân tộc

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lịch sử phải là bộ môn Xã hội học mới đúng chứ?
      "Khoa học" - Môn học có phương pháp và thực nghiệm.

      Xóa
  13. Cách mà chúng ta dạy lịch sử hiện nay đã làm cho môn lịch sử không còn có ý nghĩa nữa.
    Không thể dạy lịch sử theo kiểu định hướng được. Hãy để lịch sử nó tự nhiên nhiên như lịch sử mà dạy các cháu.

    Trả lờiXóa
  14. Các sử gia VN từ khi có sử tới giờ không được học với cách viết sử của các nước trên thế giới mà lại rất giống với quan điểm của tất cả các sử gia thế giới : Khách quan , đúng sự thật và tuyệt đối tôn trọng sự thật , dù sự thật đó làm cho người viết bị tù tội, bị chém đầu . Đến thời CS , các sử gia CS viết sử theo duy vật sử quan . CS viết lịch sử hoàn toàn có lợi cho CS, còn những gì bất lợi thì loại bỏ hay gọt giũa cho hợp với CS . Môn học lịch sử trở thành những bài học tuyên truyền cho đảng CS , rất nhàm chán , không còn mô tả sự thực nữa mà gượng ép thì nhiều . Tại sao những nhà gọi là sử học do CS đào tạo không được ưa chuộng mà người Việt lại thích tìm đọc những sử gia VN ở nước ngoài hay người nước ngoài viết sử VN. Ở đâu lịch sử viết khách quan và trung thực, ở đó vẫn có người yêu sử ! Còn ở đâu lịch sử chỉ là tài liệu tuyên truyền cho đảng cũng chỉ làm cho người đọc nhàm chán !

    Trả lờiXóa
  15. Ở đâu lịch sử viết khách quan và trung thực, ở đó vẫn có người yêu sử ! Còn ở đâu lịch sử chỉ là tài liệu tuyên truyền cho đảng cũng chỉ làm cho người đọc nhàm chán !

    Trả lờiXóa