Thứ Hai, 5 tháng 10, 2015

Nhà 8B Lê Trực: TUYỆT ĐỐI KHÔNG NÊN PHẠT CHO TỒN TẠI

Sai phạm dự án 8B Lê Trực: 
Tuyệt đối không nên phạt cho tồn tại
 06:24 ngày 05 tháng 10 năm 2015

TP - Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên là Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho rằng cần làm rõ đúng sai, nguyên nhân thái độ của chủ đầu tư và kiên quyết xử lý.
Ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đối với công trình 8B Lê Trực không nên phạt cho tồn tại. Ảnh: Như ÝÔng Phạm Sỹ Liêm cho rằng, đối với công trình 8B Lê Trực không nên phạt cho tồn tại.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam đặt ra hàng loạt câu hỏi nghi vấn cần phải được làm rõ xoay quanh những vi phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực (Ba Đình, Hà Nội). Quan điểm của ông Phạm Sỹ Liêm là phải thành lập đoàn kiểm tra độc lập, đưa ra kết luận đúng sai rõ ràng, quy trách nhiệm cụ thể, đồng thời phải xử lý ngay phần vi phạm của công trình. 
Thanh tra Chính phủ cần vào cuộc
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, vừa qua Hà Nội đã có báo cáo và nêu ra những sai phạm tại tòa nhà 8B Lê Trực. Ông quan tâm tới điều gì sau báo cáo này? 
Sai phạm dự án 8B Lê Trực: Tuyệt đối không nên phạt cho tồn tại - ảnh 1Ông Phạm Sỹ Liêm, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng.
Việc Thành phố Hà Nội và Bộ Xây dựng kiểm tra để báo cáo theo yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ là kịp thời. Thế nhưng để có một cách nhìn và đánh giá toàn diện về kết quả kiểm tra như vậy, tôi mong rằng Thủ tướng sẽ giao cho Thanh tra Chính phủ vào cuộc, kiểm tra một cách khách quan. Trong quá trình thanh tra đó, nếu cần Thanh tra Chính phủ có thể tham khảo ý kiến các chuyên gia của các Hội Xây dựng, Kiến trúc sư, Quy hoạch… Trên cơ sở đó đưa ra được những kết luận khách quan, chính xác, ai đúng ai sai, đúng sai cái gì? Từ đó mới có thể đề ra những ý kiến phải xử lý ai, xử lý như thế nào?  

Như Hà Nội báo cáo đã 27 lần lập đoàn kiểm tra, xử phạt công trình 8B Lê Trực, thế nhưng công trình này vẫn xây vượt 5 tầng, 16m. Phải chăng chủ đầu tư bất chấp luật pháp hay cơ quan quản lý thiếu trách nhiệm, làm ngơ trước sai phạm?
“Dù công trình nào, ở đâu đi nữa thì cũng không nên để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại. Đối với công trình 8B Lê Trực càng phải kiên quyết, tuyệt đối không thể để tái diễn tình trạng này. Việc xử lý sai phạm phải kiên quyết, không được trì hoãn”.        
                                               Ông Phạm Sỹ Liêm
Như tôi đã nói, trách nhiệm cụ thể ra sao thì cần phải lập đoàn kiểm tra và có kết luận chính xác, đúng sai thế nào lúc đó mới nói được. Chứ bây giờ khi chưa có kiểm tra kết luận, có khi cái mình tưởng đúng lại hóa sai, ngược lại cái tưởng sai lại hóa đúng. Đưa ra kết luận lúc này e rằng còn sớm quá.

Cũng giống như chuyện phạt cho tồn tại, tôi không biết đã ai nói áp dụng với công trình này chưa. Nhưng nếu ai đó nói ra điều đó, chúng tôi sẵn sàng tranh luận từ góc độ chuyên gia với nhau để tìm ra được chân lý, chứ không thể khẳng định ai đúng, ai sai luôn được. Song cuối cùng thì vẫn phải có một người đúng.
Phải xử lý vì tầm quan trọng với quốc gia
Từ trước tới nay đã có nhiều công trình trên địa bàn Thủ đô bị đề nghị “cắt ngọn” phần vi phạm, song trên thực tế một số công trình vẫn ngang nhiên tồn tại như ban đầu, không xử lý hoặc nếu có cũng chỉ “cắt” một phần. Trong trường hợp sai phạm và cũng phải bị “cắt ngọn”, ông có lo ngại điều này xảy ra với công trình 8B Lê Trực? 
Đúng là xử lý sai phạm thế nào thì không phải chỉ là những lời tuyên bố mà phải được thực hiện trong thực tế, và quá trình thực hiện đó cũng cần phải được kiểm tra, giám sát. Chúng ta đã có kinh nghiệm từ thực tế nhiều rồi. Quyết định “cắt ngọn” một số công trình dù đã được đưa ra, nhưng trên thực tế người ta có thực hiện đâu. Họ không “cắt ngọn” theo quyết định cũng chẳng ai nói gì. Việc lấn chiếm trái phép cũng nêu kỷ luật thế này, kỷ luật thế kia nhưng cuối cùng nó vẫn cứ thế, vẫn chỉ là phạt cho tồn tại. 
Dù công trình nào, ở đâu đi nữa thì cũng không nên để xảy ra tình trạng phạt cho tồn tại. Đối với công trình 8B Lê Trực càng phải kiên quyết, tuyệt đối không thể để tái diễn tình trạng này. Việc xử lý sai phạm phải kiên quyết, không được trì hoãn. 
Vì sao phải kiên quyết, không trì hoãn và không thể để phạt rồi cho tồn tại đối với công trình này, thưa ông?
Sai phạm dự án 8B Lê Trực: Tuyệt đối không nên phạt cho tồn tại - ảnh 2
Vì tầm quan trọng của nó đối với cả quốc gia chứ không phải chỉ riêng Hà Nội. Thử hỏi cái ở tầm quan trọng bậc cao như thế mà còn dung túng thì ở dưới sẽ như thế nào? Những vấn đề nhẹ hơn thì sẽ ra sao? Mặt khác, tòa nhà 8B Lê Trực đã làm mất cân đối khu vực Quảng trường và ảnh hưởng đến vấn đề an ninh. Mỗi năm mấy lần các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước vào viếng Lăng Bác, ở trên tòa nhà 8B Lê Trực nhìn xuống thì từng người sẽ rõ mồn một. Nếu không xử lý ngay, chẳng lẽ công an, quân đội lại cử người đến canh tòa nhà đó? Rồi khách du lịch trong và ngoài nước hàng ngày đến tham quan, chụp ảnh, tự nhiên lại có tòa nhà lù lù ở đó thì còn gì là cảnh quan nữa.  

Làm rõ vì sao họ dám vi phạm

Hà Nội đã báo cáo khá đầy đủ, toàn diện về dự án 8B Lê Trực với Thủ tướng. Điều gì ông quan tâm và muốn được làm sáng tỏ nhất tới đây?
Hiện nay chính quyền nói mình không sai, chỉ sơ suất trong khâu kiểm tra thôi. Tại sao ở cái nơi mà ai cũng thấy, chủ đầu tư lại ngang nhiên vượt giấy phép xây dựng thì họ dựa vào cái gì? Họ dại dột đến thế sao? Không, họ chả dại đâu! Họ phải có điểm tựa chứ? Vậy điểm tựa đó là đâu?... Tất cả những điều này cũng cần phải được làm rõ. 
Giả sử trong trường hợp chủ đầu tư tòa nhà 8B Lê Trực không đồng tình với kết luận vượt 5 tầng, 16m như Hà Nội đưa ra thì theo ông phải xử lý thế nào?
Tranh luận đó giữa chủ đầu tư với đơn vị kiểm tra là việc của họ. Miễn là công trình có vượt, mà vượt một mét cũng là vượt. Người ta kết luận như vậy, nếu chủ đầu tư không đồng ý thì bây giờ có một đơn vị thứ ba làm trọng tài. Tuy nhiên việc đo chiều cao công trình có khó gì đâu, thậm chí chẳng cần thước cũng có thể đo chính xác được. Người ta đo chiều cao quả núi, hay chiều cao của một cái cây thì đo bằng gì? Không đo được bằng dây nhưng có thể đo gián tiếp bằng nhiều cách khác đều có thể đo chính xác được.
Nhiều người cũng băn khoăn vì tòa nhà không có khoảng lùi, việc xử lý vi phạm sẽ gặp nhiều khó khăn?
Điều tôi và nhiều người quan tâm và thấy nguy hiểm nhất chính là chiều cao của công trình 8B Lê Trực. Cứ hạ chiều cao xuống, còn phần thêm diện tích có thể xem xét, để cho tồn tại nếu thấy không có yếu tố gì đặc biệt. Phần ở dưới cần phải xem xét cụ thể, khó đưa ra kết luận ngay được, còn chiều cao của công trình thì thấy nhãn tiền như thế rồi nên buộc phải xử lý ngay, không được trì hoãn.
Cảm ơn ông.

5 nhận xét :

  1. "Phạt cho tồn tại" nghĩ về chuyện Thị Mầu ?
    Thị Mầu không chồng mà có thai, làng phạt vạ cho tồn tại? Phải chăng phạt cho tồn tại ở VN đã có từ xa xưa?

    Phạt mà tồn tại , "phạt đù"
    Kiểu phạt như thế có chừa được không?
    Có nghiêm phép nước hằng trông
    Kỷ cương luật pháp mới không thẹn lòng !
    (Hoa Xấu Hổ)

    Trả lờiXóa
  2. Ới các bác ơi ! Nhà em vừa mua 2 căn tầng 18 đấy, mua qua cò, chênh lệch không nhỏ đâu. Các bác thương em với, em vừa hạ cánh an toàn mà.

    Trả lờiXóa
  3. Nâng Lăng Cụ Hồ lên tầm cao mới là xong ngay !

    Trả lờiXóa
  4. Doanh nghiệp xây căn hộ, văn phòng cho thuê mà không thấy rao bán sản phẩm hình thành trong tương lai. Như vậy thì các Cty kinh doanh BĐS chẳng là cái đinh gì so với Cty này. Trước hết cần kiểm toán Cty là chủ đầu tư. Xác định nguồn tiền để xây tòa nhà. Có thể lại là một vụ "gián điệp" địa ốc đây.

    Trả lờiXóa
  5. Nói đi nói lại rồi cuối cùng cũng đúng qui trình mà thôi.

    Trả lờiXóa