TP - Hai nhà văn Trần Đức Tiến và Nguyễn Sĩ Đại tỏ chính kiến trước việc Phan Huyền Thư lại xin lỗi nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, thừa nhận mình viết Bạch lộ sau Buổi sáng chứ không nhận đạo thơ.
Chiều 22/10, Phan Huyền Thư đã gửi lời xin lỗi (lần hai) đến nhà thơ Phan Ngọc Thường Đoan, thừa nhận Bạch lộ của cô ra đời sau Buổi sáng của chị, xin chính thức tiêu hủy Bạch lộ trong các lần ấn bản, tái bản sau này. Cty Văn hóa Truyền thông Nhã Nam cũng tuyên bố ngừng phát hành tập thơ Sẹo độc lập do Nhã Nam và NXB Lao Động liên kết xuất bản năm 2014.
“Phan Huyền Thư vẫn cố né từ “đạo thơ” mà chỉ thừa nhận “Bạch lộ” viết sau bài thơ “Buổi sáng”của tôi. Sau này có thể Thư sẽ nói “Lúc đó tôi thừa nhận Bạch lộ là bài thơ ra đời sau bài thơ Buổi sáng chứ đâu có nói tôi đạo thơ chị”. Thậm chí kiếm ra bài thứ ba nào đó trong nước hoặc thơ dịch na ná hai bài kia, rồi nói tư tưởng ba chúng ta gặp nhau... Tôi có thể lường trước các nguy cơ, nhưng tôi không ngại. Vì tôi hiểu sự thật, lẽ phải bao giờ cũng chiến thắng và được mọi người bảo vệ”. 
Phan Ngọc Thường Đoan
Hôm kia, nhà thơ Thường Đoan tuyên bố không chấp nhận lời xin lỗi (đầu tiên) của Phan Huyền Thư. Sau đó Huyền Thư đã liên lạc qua kênh báo Tuổi Trẻ để thảo lời xin lỗi thứ hai. 
  
Chị Đoan cho biết đúng như Nguyễn Quang Thiều nói “Dư luận xã hội đến đỉnh điểm thì một trong hai người liên quan vụ đạo thơ sẽ phải làm những gì có thể để bảo vệ danh dự”, chị đã chuẩn bị  mọi động thái cần thiết nếu Phan Huyền Thư không chính thức xác nhận đạo thơ.
Cuối cùng Phan Ngọc  Thường Đoan tuyên bố tạm chấp nhận lời xin lỗi mới. Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội và nhà văn Trần Đức Tiến lên tiếng về diễn biến mới này như sau:
“Thư nên nói đơn giản: Tôi đã lấy thơ” - ảnh 1Nhà thơ Thường Đoan.
Nguyễn Sĩ Đại: “tôi không đồng tình với sự quanh co
Phan Huyền Thư đã có những hành động thể hiện sự tự trọng, dũng cảm nhất định như công khai xin lỗi, trả lại bằng chứng nhận và giải thưởng. Nhưng tôi không thể đồng tình với sự quanh co qua lần xin lỗi mới này. Thư nên nói một cách đơn giản: Tôi đã lấy thơ chị ấy, tôi đã sai lầm, một sai lầm không thể tha thứ, không thể lặp lại.
Hội đồng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội năm nay cũng đã có một sai sót khó thông cảm. Mọi thành viên đã và sẽ phải nhớ rất lâu bài học này.
“Thư nên nói đơn giản: Tôi đã lấy thơ” - ảnh 2Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại. Ảnh: NVCC.
Lá thư xin lỗi thứ hai tôi đọc trên mạng. Lẽ ra Thư nên thông báo cho Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trước rồi hẵng tung ra dư luận. Thư làm như thế là tự làm khó, chưa thực sự thấy lỗi của mình, mấy lần xin lỗi mà vẫn không thành thật.

Thu hồi giải thưởng xong, Ban chấp hành sẽ phải xem xét một cách kỹ lưỡng tập thơ của Thư và cả các tập khác của các hội viên Hội Nhà văn Hà Nội bị dư luận dị nghị đạo văn.
“Người đạo văn lại đứng trong một hội nào đó, tổ chức nào đó như Hội Nhà văn Việt Nam hoặc Hội Nhà văn Hà Nội thì ngoài xử lý của pháp luật, còn  phải chịu những hình thức kỷ luật thích đáng khác nữa của tổ chức. Bởi đây là vấn đề nhân cách”. 
Nhà thơ Nguyễn Sĩ Đại
Để xử lý chuyện đạo văn, trước hết chúng ta phải thống nhất khái niệm đạo văn là gì. Xử lý chuyện này phức tạp nhưng cũng đơn giản bởi đã có chế tài rồi. 

Trong Bộ luật Dân sự có nói về tội trộm cắp. Nếu coi đạo văn là ăn cắp - ăn cắp ý tưởng, ngôn ngữ, thành quả của người khác, thì phải xử lý. Trích dẫn tác phẩm mà không trích nguồn đều bị tính là đạo văn. Bộ luật Dân sự qui định chỉ ăn cắp 2 đến 50 triệu đồng đã phạt tù rồi. Cần có thêm chế tài cho tội đạo văn này và cũng có thể chuyển sang luật khác, có thể tính thành tiền được.  
Nhân đây chúng ta nên điểm lại một số vụ việc, tất nhiên chưa thể giải quyết tận gốc nhưng làm được càng sâu thì càng có nhiều kinh nghiệm tốt để ngăn ngừa hạn chế những vi phạm tiếp theo, không chỉ trong văn chương mà cả các lĩnh vực khác nữa. Trong giới khoa học của ta tệ đạo luận văn luận án cũng không hề nhẹ. Báo chí của ta từng đưa tin bà Bộ trưởng Bộ Giáo dục của Đức bị tước bằng tiến sĩ vì đã đạo luận văn tiến sĩ cách đây những 33 năm. 33 năm còn tước nữa là.
“Thư nên nói đơn giản: Tôi đã lấy thơ” - ảnh 3Nhà văn Trần Đức Tiến. Ảnh: NVCC
Trần Đức Tiến: “hơn 40 tuổi mà còn non dại à?”
Theo tôi, nếu một trong hai người không làm rõ được việc này – chị Thường Đoan không làm ra nhẽ hoặc chị Huyền Thư không nhận đạo văn thì hai Hội (Hội Nhà văn Việt Nam và Hội Nhà văn Hà Nội) phải vào cuộc. Chuyện đạo văn tai tiếng này có phải chỉ là “trò nghịch dại” của kẻ trẻ người non dạ như ai đó nói không? Tuổi bốn mươi (nếu tôi không lầm) mà còn non dại à? Nói thế là vẫn nói theo kiểu của bậc cha chú, bề trên, coi thường chị Thư, coi thường bạn đọc.
Trước nay có một số vụ đạo văn ở tỉnh lẻ cũng rất rõ ràng, như cách đây mấy năm có một vụ ở Đăk Nông, cô trưởng phòng tạp chí văn nghệ tỉnh đạo truyện ngắn của nhiều người… Nhưng dù sao cũng chỉ ở địa phương. Lần này thì liên quan đến hai đồng chí hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hẳn hoi, ít nhiều có tên tuổi. Gọi là vụ điển hình cũng đúng, cách đạo trắng trợn, thuổng nguyên đai nguyên kiện nhiều câu thơ của người ta. Đạo ý tưởng đã dở rồi nhưng còn cãi chày cãi cối được.
“Chuyện đạo văn tai tiếng này có phải chỉ là “trò nghịch dại” của kẻ trẻ người non dạ như ai đó nói không? Tuổi bốn mươi mà còn non dại à? Nói thế là vẫn nói theo kiểu của bậc cha chú, bề trên, coi thường chị Thư, coi thường bạn đọc”.
Nhà văn Trần Đức Tiến
Tôi có đọc bài báo Tiền Phong chỉ ra những chỗ chị Thư lấy thơ của người khác đưa vào bài của mình mà không hề ghi chú (Không tính bài Bạch lộ và Nếu tôi chết hãy đem tôi ra biển mà là các bài khác trong tập thơ bị thu hồi giải thưởng- PV). Đây có phải là “lập lờ đánh lận con đen” không? 
Đọc bài báo đó tôi giật mình. Lại nghĩ, nếu mình ở địa vị thành viên hội đồng trao giải cho tập thơ, thì ít nhất phải ba lần giật mình: Giật mình khi đọc tập thơ thấy nhiều câu của người khác, giật mình khi tác giả bị tố đạo thơ Du Tử Lê, và cú giật mình cuối cùng là đạo thơ Thường Đoan. 
Hình như lâu nay chúng ta chưa “xử” được vụ đạo văn nào một cách nghiêm minh. Đã đến lúc rất cần phải làm được việc đó. Nếu không, chuyện bê bối này còn tiếp tục xảy ra dài dài.
Quay lại câu chuyện trên, trước hết, như đã nói, hai người liên quan trực tiếp, nếu không thì hai Hội, phải khẳng định dứt khoát trước công chúng: Có đạo hay không đạo? Ai đạo của ai? Là người cầm bút, bị khép cho cái tội trộm văn là nặng lắm rồi, thân bại danh liệt chưa biết chừng. Nhưng rõ ràng không còn cách nào khác, nếu chúng ta không muốn thấy thói gian manh, dối trá vẫn sống nhăn và nhởn nhơ ngay trước mắt...
Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh: “Tôi cho rằng Thư đã nghịch dại”
Báo mạng “Một thế giới” hôm kia đưa phỏng vấn Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Hữu Thỉnh trước khi Phan Huyền Thư xin lỗi Thường Đoan lần hai. Ông Hữu Thỉnh phát biểu: “Thư đã biết lỗi, chủ động xin lỗi thì chúng ta nên tha thứ. Trong văn chương, việc giống nhau ở các tứ thơ, câu thơ cũng xảy ra nhiều. Nhưnggiống nhau” ở đây (Bạch lộ- Buổi sáng?- PV) không phải là copy hoàn toàn mà phát triển thơ từ những ý của bài thơ gốc để có những sáng tạo cho riêng mình. Đó mới đúng là sáng tác... “
Ông Hữu Thỉnh nói tiếp trên Một thế giới: “Tôi luôn coi Thư là thế hệ con cháu, nếu có gặp thì chú vỗ vai động viên, chia sẻ và khuyên nhủ. Điều khuyên nhủ chính là những lời nói khi con cháu của mình làm những việc sai trái, nhưng chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng. 
Bản thân tôi cho rằng Thư đã nghịch dại, một trò nghịch dại quá sai lầm ở độ tuổi này và ở vị trí như Thư. Là một người lớn, lớn hơn cả hai nhà thơ nổi tiếng này, tôi chỉ muốn nói: Khi mình là người lớn, mình nên bao dung hơn với trẻ nhỏ. “
Hiện bài “Vụ đạo thơ, tôi coi như Phan Huyền Thư nghịch dại” đã không thể tìm thấy trên báo Một thế giới.