Cải cách kinh tế thúc đẩy thay đổi thể chế
PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Học viện Chính sách và Phát triển
BBC (31 tháng 8 2015)
BBC (31 tháng 8 2015)
Tác giả nói đổi mới thể chế kinh tế thị trường cần liên hệ với cải cách thể chế chính trị.
Thể chế kinh tế Việt Nam là thể chế kinh tế chuyển đổi sang thị trường. Đặc điểm này bao trùm lên việc phân tích, đánh giá thực trạng và cải cách thể chế kinh tế trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Trong thời gian qua nền kinh tế thị trường còn được nhận thức có phần giản đơn, hoặc là giới hạn nó hoặc thiên lệch về lĩnh vực kinh tế hơn các vấn đề xã hội hoặc đặt nó tách biệt với thể chế chính trị; các nguyên tắc kinh tế thị trường chưa được hiểu và chưa được vận dụng đúng đắn do chưa thực sự tạo được cơ sở vững chắc.
Tư duy và phương thức điều hành các hoạt động vẫn mang nặng tính mệnh lệnh, hành chính của cơ chế kế hoạch hóa tập trung trước đây, nhiều quyết sách còn nóng vội, chủ quan; mặt trái của kinh tế thị trường trong quá trình chuyển đổi chưa được tiên liệu, còn sử dụng nhiều giải pháp mang tính chất tình huống, bị động.
Bất kỳ một thể chế nào đều do con người tạo ra, nhưng không thể ngồi trong phòng lạnh và tự coi là thông thái để tạo ra nó một cách duy ý chí.
Tính quy luật chuyển đổi sang kinh tế thị trường sẽ cung cấp đường hướng và phương cách thiết kế thể chế dựa trên thực tế khách quan, và đôi khi phải đánh đổi những giá trị, chuẩn mực đang chi phối hành vi của chúng ta, những lợi ích trước mắt mà chúng ta đang hưởng.
Nhận thức và vận dụng đúng đắn tính quy luật chuyển đổi sẽ tạo tiền đề vững chắc cho những thay đổi tiếp tục và mạnh mẽ hơn những gì chúng ta đã làm trong 30 năm qua!
Khâu vướng nhất
Chúng ta (VN) đã tạo ra nhiều luật lệ, các chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng khâu vướng nhất hiện nay chính là vấn đề sở hữu, trong đó có đất đai, tài sản…
Một số nguyên tắc cơ bản của kinh tế thị trường: sở hữu tư nhân; động cơ lợi nhuận; tự do kinh doanh; cạnh tranh bình đẳng và người tiêu dùng tự quyết. Chúng ta đã làm được nhiều việc để có thể đưa chúng vào thực tiễn. Nhìn vào thực tế, chúng ta đã tạo ra nhiều luật lệ, các chính sách để cải thiện môi trường kinh doanh, đặc biệt trong thời gian gần đây, nhưng rõ ràng khâu vướng nhất hiện nay chính là vấn đề sở hữu, trong đó có đất đai, tài sản… Sự chậm chễ về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước trong những năm qua là do tư duy bao cấp, lung túng trong phương thức, cách làm và lợi ích nhóm cản trở…PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Phiên giải trình trước đoàn giám sát chuyên đề về quản lý và sử dụng đất đai trong các nông lâm trường quốc doanh của Quốc hội ngày 26/8/2015 nhằm đánh giá việc thực hiện Nghị Quyết số 28- NQ/TW ngày 26/3/2003 và Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về việc sắp xếp, đổi mới và phát triển các nông lâm trường quốc doanh cho thấy thực trạng còn nhiều bất cập. Cần nhận thức sâu sắc các nguyên tắc của kinh tế thị trường, vận dụng nó trong thực tế, tạo ra cơ chế thích ứng, thì khi đó thị trường mới có thể trở thành công cụ phân bố nguồn lực quốc gia một cách hữu hiệu.
Kinh tế thị trường không chỉ là kinh tế của 3 nhóm ngành cơ bản và chỉ tiêu tăng trưởng GDP, mà bao gồm các lĩnh vực như văn hóa, y tế, giáo dục và đào tạo nhân lực… Thực trạng chất lượng y tế, giáo dục chúng ta đang trải qua những thử nghiệm chưa thành công. Ở đây tôi muốn đơn cử về tài chính – ngân hàng. Những năm qua lĩnh vực tài chính – ngân hàng ‘bùng nổ’, nhân lực chất lượng cao được thu hút vào đó (điểm tuyển sinh đầu vào ngành TC-NH có khi cao gần gấp đôi một số ngành khoa học xã hội, trong đó có sư phạm) làm mất cân đối nặng nề về chất và lượng về phân bố nhân lực, hậu quả tiêu cực, như chung ta đang chứng kiến, cũng từ đó phát sinh. Hãy đặt câu hỏi, một nền kinh tế yếu kém đang chuyển đổi như nước ta liệu có cần quy mô lớn các tổ chức tài chính, ngân hàng, liệu có cần khối lượng lớn các dịch vụ tài chính phức tạp và đa dạng cố gắng áp dụng trong thực tế (ATM, mua bán qua thẻ…). Chúng ta đều rõ câu trả lời! Đa số người dân nông thôn chưa thích điều này. Lưu ý rằng, hệ thống tài chính đang ‘co lại’ do đang tái cấu trúc. Đi đôi với việc tái cấu trúc hệ thống tài chính – ngân hàng, dòng nhân lực chất lượng cao chuyển sang làm các công việc như giảng dạy tại các cơ sở đào tạo.
Khoảng cách lớn
Khoảng cách giữa chính sách và thực tế vẫn còn tồn tại và trong một số trường hợp đã gây ra phản ứng số đông của một bộ phân dân chúng, người lao động
Một trong những biểu hiện rõ nét yếu kém của thể chế kinh tế hiện nay là tồn tại khoảng cách lớn giữa hoạch định và thực thi chính sách kinh tế - xã hội. Có chính sách chưa đến thời điểm có hiệu lực thực thi đã phải sửa, thí dụ như Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, điều 60. Các nhà hoạch định cho rằng chính sách được ban hành đúng quy trình với mục tiêu tốt đẹp cho người lao động, nhưng một bộ phận không nhỏ công nhân ngành dệt may, da giày, đặc biệt ở phía Nam, không cho như vậy, họ muốn nhận bảo hiểm một lần để có thể trang trải cuộc sống hàng ngày và phản ứng kịp thời trước sự không ổn định của việc làm. Bài học ở đây là chính sách cần xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, đặc biệt là của đối tượng thụ hưởng.
Một thí dụ điển hình khác là việc tăng lương tối thiểu cho người lao động. Lộ trình tăng lương đã bị trì hoãn do khó khăn về kinh tế, nhưng năm nay đã được đặt lên bàn nghị sự. Quá trình đàm phán 3 bên, Công đoàn đại diện người lao động, Phòng công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI) đại diện giới doanh nhân và Nhà nước, thông qua Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã trải qua 2 phiên mà chưa đưa ra được phương án trình Chính phủ. Công đoàn muốn lương tối thiểu tăng lên 17% từ năm 2016, VCCI cho rằng chỉ khoảng 10%, nếu không sẽ quá sức chịu đựng của doanh nghiệp do tăng chi phí, hậu quả số lượng việc làm có thể giảm đi… Người ta hy vọng đến phiên họp tiếp theo, dự kiến ngày 3/9/2015 sẽ ‘chốt’ phương án. Ở đây rõ ràng, các nguyên tắc của thị trường lao động đã được tôn trọng hơn, khi Công đoàn đã có tiếng nói ‘độc lập’ hơn khi có các kết quả điều tra về mức lương trung bình của công nhân lao động hiện nay chỉ trên dưới 3,1 triệu đồng!
Bộ máy và nhân lực thực thi chính sách cũng là bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế. Điểm nghẽn lớn nhất là nhân lực đã được chỉ ra trong các nghị quyết của Đảng và Chính phủ, nhưng cho đến nay chưa có lời giải. Mặc dù có chủ trương tinh giản biên chế nhiều lần nhưng đều không mang lại hiệu quả, công chức, viên chức cồng kềnh về số lượng, nhưng hiệu suất làm việc thấp, hơn thế các hiện tượng tiêu cực như tham nhũng, phiền hà, lãn việc… làm cho bộ máy và nhân lực khu vực công thêm trì trệ. Chúng tôi cho rằng cần có giải pháp đột phá, như giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm lớn hơn cho người đứng đầu các bộ phận, các quy định về nhân lực đầu ra và đầu vào bộ máy cần linh hoạt và sát với thị trường, đặc biệt là phải có cải cách triệt để chế độ tiền lương trong khu vực công gắn với trách nhiệm thực thi công vụ theo hướng phân hóa mạnh hơn, chứ không cào bằng như hiện nay.
Điểm sáng đối ngược
Họ là các nhà ‘tư bản đỏ’, cấu thành một lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế. Liệu họ có được coi là động lực phát triển kinh tế trong những năm tới?
Phát triển kinh tế không chỉ làm tăng của cải vật chất cho xã hội, nâng cao thu nhập cho người dân, từ đó hình thành tấng lớp trung lưu, làm thay đổi lĩnh vực xã hội, chính trị.PGS. TS. Phạm Quý Thọ
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng phát triển kinh tế sẽ dẫn đến tăng cường dân chủ với nội dung và hình thức phù hợp hơn với kinh tế thị trường, với nhu cầu độc lập cá nhân cao hơn, nhu cầu tiếp cận thông tin lớn hơn, sự lựa chọn các nhu cầu tinh thần phong phú hơn và nhu cầu tham gia quản lý kinh tế xã hội mạnh mẽ và sâu sắc hơn.
Thể chế kinh tế thị trường sản sinh ra loại hình dân chủ mới hình thành đòi hỏi tính công khai minh bạch, tính giải trình và chịu trách nhiệm trước các quyết định chính sách.
Thúc đẩy nhanh cải cách thể chế kinh tế, tính quy luật chuyển đổi chỉ ra rằng, cần có một động lực phát triển mới.
Lâu nay, vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước và các doanh nghiệp quốc doanh đã và đang suy giảm nhanh chóng, đặc biệt trong những năm khủng hoảng tài chính từ 2008 đến nay, quy mô giảm sút, thoái vốn đầu tư ngoài ngành, đối phó với nợ xấu, hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, đối mặt với phá sản doanh nghiệp trên diện rộng…
Điểm sáng đối ngược với tình hình trên, xuất hiện một loạt các doanh nghiệp tư nhân ‘đại gia’. Với quy mô tích tụ vốn thần kỳ, trong vòng 10 năm gần đây, vốn hóa trên thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng khoảng 5 lần.
Họ kinh doanh theo tín hiệu thị trường và thích nghi với môi trường kinh doanh hiện tại.
Họ đang thể hiện một kiểu kinh doanh trong nền kinh tế thị trường chuyển đổi. Họ được công nhận là bộ phận cấu thành của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.
Họ là các nhà ‘tư bản đỏ’, cấu thành một lực lượng sản xuất mới trong nền kinh tế. Liệu họ có được coi là động lực phát triển kinh tế trong những năm tới?
Đến lúc đặt ra
Gần đây Việt Nam nhắc lại sự kiện tròn 20 năm cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt,
một nhà lãnh đạo có tinh thần đổi mới, đã gửi một bức thư tới Bộ chính trị ĐCSVN
thúc giục cải cách thêm.
Cuối cùng, thể chế kinh tế chỉ có thể bền vững khi các trụ về chính trị - xã hội và môi trường cân đối, hài hòa.
Đổi mới thể chế kinh tế thị trường trong những năm tới, đã đến lúc phải đặt ra, trong mối liên hệ biện chứng với cải cách thể chế chính trị.
Với tính chất chuyển đổi và điều kiện đặc thù, Việt Nam đã chọn phương thức tiệm tiến, nghĩa là thay đổi từ cơ sở hạ tầng, giữ nguyên thể chế chính trị, khác với các nước Đông Âu XHCN cũ bắt đầu thay đổi từ kiến trúc thượng tầng.
Quá trình đổi mới 30 năm đang đặt ra những vấn đề mới trước thách thức và sự thay đổi nhanh chóng bối cảnh kinh tế - xã hội của thế giới và khu vực. Đổi mới thể chế kinh tế thị trường tất yếu làm thay đổi thể chế chính trị, ngoài ý muốn chủ quan. Cần đẩy nhanh quá trình này.
Kinh nghiệm Trung Quốc cho thấy, với chủ trương cải cách do Đặng Tiểu Bình khởi xướng ‘cùng nhau làm giàu’, ‘mèo đen mèo trắng không quan trọng, miễn là bắt được chuột’ từ cuối những năm 70 của thế kỷ 20, kinh tế Trung Quốc đã có tốc độ tăng trưởng vượt bậc, nhiều năm GDP tăng trên 10%/năm.
Nhưng những năm gần đây và hiện nay đã xuất hiện mầm mống khủng hoảng, tăng trưởng đang giảm sút dưới 7%/năm, rối loạn trên thị trường chứng khoán, trong vòng 1 năm, từ giữa 2014 đến 2015, vốn hóa giảm khoảng 30%, có dấu hiệu hoảng loạn điều hành của chính phủ, khi trong vòng 3 ngày giữa tháng 8/2015 phá giá đồng nhân dân tệ đến 4,6% so với đô la Mỹ…
Các nghiên cứu đã cảnh báo, nếu Trung Quốc không có thay đổi chính trị, xã hội phù hợp với tình hình kinh tế, thì một kịch bản ‘hạ cánh cứng’ có thể xảy ra.
Bài viết phản ánh quan điểm riêng của tác giả, một nhà nghiên cứu và phân tích chính sách công và thể chế đang làm việc ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư của Việt Nam, bài được gửi cho chuyên mục Diễn đàn của BBC trong dịp Việt Nam đánh dấu tròn 70 năm cuộc Cách mạng tháng 8 và tuyên ngôn độc lập 2/9/1945.
.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét