Thứ Bảy, 26 tháng 9, 2015

MẶT NẠ TRUNG THU – NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT


MẶT NẠ TRUNG THU 
– NÉT VĂN HÓA ĐẶC SẮC CỦA NGƯỜI VIỆT

Trang Thanh Hiền

Nhà nào còn đèn còn lửa
Mở cửa tôi vào
Bước lên giường cao
Thấy con rồng ấp
Bước xuống giường thấp
Có con rồng chầu
Bước ra đằng sau có nhà ngói lợp


Những câu hát đồng dao như vậy của tụi trẻ như được vang lên khắp thôn cùng ngõ hẻm. Hòa trong nhịp trống, trong ánh lửa nến nho nhỏ của những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sư, đèn cá chép, đèn con thỏ, đèn con cóc được tùng rinh rinh, quang cảnh rộn ràng của đám rước rồng rắn lên mây như khuấy động không gian. Những đứa trẻ như được hóa thân vào những nhân vật như ông địa, thỏ ngọc, đột lốt đầu lân, đầu hổ, hay những nhân vật như Tôn Ngộ Không, Trư Bát giới mà chúng thường được ông bà, cha mẹ mình kể cho nghe tích truyện về sự tham lam đã gây ra những kiếp nạn và trí thông minh và uy lực của Phật pháp trên suốt con đường đi lấy kinh gian nan khổ ải cùng Đường Tăng …


Không biết từ bao giờ những chiếc mặt nạ bằng giấy bồi đã được ra đời cho những dịp Tết Trung Thu của con trẻ khắp các làng quê bắc bộ của người Việt. Chỉ biết rằng, cứ mỗi năm khi lúa bắt đầu vào đòng, Rằm Tháng Tám bao giờ cũng vô cùng đặc biệt đối với các gia đình có trẻ nhỏ. Tết Trung Thu thường được chuẩn bị từ rất sớm, theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Huyên, thì thời điểm này với người Việt xa xưa vốn là một lễ hội tôn vinh ca ngợi con rồng [NVH, tr 158] và cũng là lễ hội cúng trăng cầu mưa thuận gió hòa – một nghi lễ đậm chất của cư dân nông nghiệp làm lúa nước bên cạnh các nghi thức thờ cúng tổ tiên. Đêm rằm, người Việt trông trăng để đoán định mùa màng. Họ gọi mặt trăng là cung Thiềm Thừ với truyền thuyết về con cóc là cậu ông trời và mỗi lần cóc kêu thì trời sẽ đổ mưa. Con cóc cũng xuất hiện trong văn hóa tói cổ của người Việt, trên các trống đồng thời Đông Sơn. Không chỉ vậy, văn hóa Việt là văn hóa mang tính chất tích hợp đa chiều, nên mặt trăng đêm rằm tháng tám đã như mở ra trong trí tưởng tượng dân gian cả một thế giới huyền thoại, ở đó thỏ ngọc, rồi chị Hằng, rồi cây đa chú cuội … đã trở thành những câu chuyện mang đầy ý nghĩa giáo dục cho những thế hệ con cháu. Cũng theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Văn Huyên, lễ hội trăng rằm này còn là thời điểm ông Tơ bà Nguyệt sẽ duyên cho những đôi nam nữ, trai gái trong nhân gian [NVH, tr167]. Còn Tết Trung Thu ngày nay trở thành Tết của con trẻ có lẽ do các hoạt động xoay quanh việc làm đồ chơi, làm những chiếc mặt nạ đã trở thành điểm nhấn gây bận rộn mọi gia đình. Những đứa trẻ háo hức đón Trung Thu vì được tùng rinh, rồi được bày cỗ, “phá cỗ” với những khi trăng đã lên cao.

Mặt nạ giấy bồi trong số các loại đồ chơi Trung Thu, cũng là đồ chơi kỳ công nhất. Xa xưa, việc làm mặt nạ hay các đồ chơi khác thường được bố mẹ, hoặc các bác nông khéo tay làm và hướng dẫn cho bọn trẻ trong làng mình cùng tham gia. Ngoài việc hướng dẫn cho trẻ những kỹ năng khéo léo để làm ra các đồ chơi thủ công này, đây cũng là dịp họ kể cho chúng nghe những tích khác nhau về từng chiếc mặt nạ. Từ ông Địa tượng trưng cho đất, thỏ ngọc tượng trưng cho mặt trăng, đến các tích truyện Phật giáo về thầy trò Đường Tăng. Những câu chuyện như nối lên một mạch nguồn với truyền thống và tạo nên sự gắn kết giữa đám con nít và các bậc cha anh. Sau này, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa thành một làng nghề, phố nghề. Các nghệ nhân không chỉ đến mùa trăng mà trong suốt một năm họ làm cốt, đắp mặt nạ rồi cất trong kho, đến tháng 6 tháng 7 âm, các mặt nạ này bắt đầu được đem ra tô vẽ rồi cất đi bán ở khắp các làng quê. Mỗi nhà lại có những mẫu mặt nạ khác nhau, nên số lượng mặt nạ được làm cho trẻ chơi cũng rất đa dạng phong phú. Ngày nay, việc làm mặt nạ bồi ở Hà Nội có một vài nhà ở Hàng Lược, Hàng Mã làm và nổi tiếng nhất là gia đình ông Nguyễn Văn Hòa; Làng Hảo ở Liêu Xá, Hưng Yên là nơi cung ứng cho hầu hết các địa phương toàn miền Bắc thì cả làng làm mặt nạ, làm đầu lân, làm chú Tễu, ông Địa cho các lễ hội dân gian xuân thu nhị kỳ.

Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi chơi Trung Thu, có khá nhiều các công đoạn khác nhau. Khâu đầu tiên là tạo hình bằng đất sét khuôn hình mặt nạ nhân vật mong muốn. Công đoạn này chỉ có người lớn mới có thể làm. Thường thi có hai loại khuôn, khuôn lõm là hình thức khuôn cổ xưa hơn cho những mặt ít lồi lõm nhiều, khuôn lồi là khuôn toàn đầu như ông địa, đầu lân, đầu sư tử. Sau đó đến phần việc bồi những lớp giấy bản chồng lên nhau. Giấy bìa phải được ngâm trước để mềm ra mới dễ tạo hình. Hồ bồi có hai loại hồ nếp hoặc hồ sắn. Người ta thường bồi từ 3 lớp giấy trở lên để một chiếc mặt nạ vừa nhẹ, vừa cứng để trẻ có thể cầm chơi vui cùng với lễ hội rước đèn. Khâu cuối cùng, cũng là khâu quyết định là sơn vẽ sao cho các mặt nạ đó được sinh động, hấp dẫn. Xa xưa mặt nạ Việt thường dùng sơn ta pha với màu tự nhiên được quết lên cũng khiến cho các lớp giấy bản tuy mỏng nhưng lại có thể được gia cố lại một cách chắc chắn. Không chỉ tô vẽ, một số các loại hình mặt nạ như đầu ông lân – sư tử, người ta còn gắn thêm các loại lông mao, lông mày bằng lông thỏ, rồi cắt miếng vải điều dán phía sau để các cuộc chơi của bọn trẻ thêm sinh động.

Thoạt nhìn, những chiếc mặt nạ, những đồ chơi Trung Thu của trẻ con có vẻ như chỉ là những vật dụng mua vui đêm rằm cho các bé, nhưng thực chất ở đó lại chứa đựng những hình tượng mang những thông điệp văn hóa rất rõ ràng. Người lớn dẫu làm cho trẻ con vui trông trăng nhưng thực chất các hoạt động này lại góp phần một cách đặc biệt vào “nghi lễ” cúng trăng – cúng trời đất – cầu mùa mà con trẻ như một thành tố tham dự vào để không khí đêm Rằm Tháng Tám trở nên sôi động.

Trong các mặt nạ Trung Thu, lúc nào thiếu mặt nạ ông Địa, mặt nạ thỏ ngọc, mặt nạ khỉ, trâu, lợn, đầu lân…. Mặt nạ ông Địa tức vị thổ thần, thổ địa được làm trong hình dáng tròn vo và vui tươi như sự sung mãn đầy đủ của đất đai màu mỡ. Bên cạnh đó hình ảnh thỏ ngọc lại là hình ảnh tượng trưng cho sự đẹp đẽ hài hòa – hoặc tượng trưng cho ánh trăng sáng ngời đêm rằm. Với hình tượng ông Địa no đủ, vui tươi, Thỏ ngọc nhanh nhẹn sáng ngời, cũng có nghĩa là ẩn dấu trong đó ước vọng về một mùa màng bội thu. Trong đám rước đèn đêm trăng, ông Địa, cầm cái quạt mo phe phẩy, đi trước đám múa lân, rồi cả một đám trẻ con rồng rắn với những bài đồng rao. Múa đầu lân cũng là trò chơi đầy ẩn ngữ. Con Lân cũng là hình ảnh tượng trưng cho ánh sáng và cho điềm lành. Đầu lân Việt cũng khác hoàn toàn với màn múa Lân - sư tử của người Hoa, nó được làm vừa đủ cho một đứa trẻ tùng rinh. Nếu muốn, cũng có thể có thêm một đứa con nít khác cầm cái đuôi lân ngắn ngắn phía sau là một tấm vải điều mà phất theo cùng nhịp trống. Ngoài Lân, thì múa rồng cũng hay được diễn ra vào dịp này. Các loại đèn ông sao, con cá, con thỏ cũng được xem là những đồ chơi phụ họa cho đám rước. Đèn kéo quân có dạng hình lục lăng cũng mang một ẩn ngữ khá thú vị, ngoài việc tạo ra những hình ảnh và vòng xoay chỉ nhờ ánh nến, thì nó còn mang ý nghĩa về lục đạo luân hồi, như phụ vào đám rước. Cùng với đó là các loại hình mặt nạ mang tưởng như chỉ là câu chuyện thường được kể cho trẻ con về Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, Đường Tăng … để nêu cao tinh thần vượt khó, sự dũng cảm, mưu trí, còn có thể xem là dấu ấn Phật giáo được thể hiện ra trong lễ hội đêm rằm.

Có thể nói việc xuất hiện đa dạng các hình tượng trên mặt nạ Trung Thu với những ý nghĩa được gửi gắm cũng là hợp lẽ, bởi đây là giai đoạn nông nhàn, lúa vụ mùa đã vào đòng, chỉ chờ sây bông, mảy hạt, đón Trung Thu xong thì thu hoạch. Bằng kinh nghiệm dõi theo chu kỳ của tạo hóa, người xưa đoán định mùa vụ qua ánh trăng đêm Trung thu: trăng màu vàng trúng mùa tằm tơ, trăng xanh, lục báo hiệu thiên tai, trăng màu cam đất nước thái bình thịnh trị hay “trăng quầng trời hạn, trăng tán trời mưa”. Đám rước đèn, chơi mặt nạ tưởng chừng như chỉ là trò vui của con trẻ, nhưng thực chất qua đó dân gian gửi gắm những thông điệp với đất trời. Miền ước mong cho trời yên bể lặng, mong cho ánh trăng sáng tươi, đất đai màu mỡ như được hiện lên qua các hình ảnh của mặt nạ Trung Thu, tất cả như gợi ý cho các thế lực tự nhiên, trời đất, trông đó mà tạo phúc cho niềm ước vọng của con người. Trong sự xoay vần của trời đất – lục đạo luân hồi, rồi sự xuất hiện của hình tượng Phật giáo chính là sự kết hợp của những ngữ nghĩa văn hóa, như một sự đủ đầy, sự sung mãn cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt. Chúng cũng như ước mong, thông điệp gửi gắm vào đất trời, cho mùa màng bội thu, cho con cháu luôn tươi vui khỏe mạnh.

Ngày nay, mặt nạ Trung Thu giấy bồi vẫn không ngừng du nhập thêm các hình tượng mới. Các nhân vật hoạt hình bắt đầu được tham gia vào hệ thống các loại mặt nạ này. Người ta có thể gặp ở đây các mặt nạ như: búp bê Nga, sói và thỏ trong phim “này hãy đợi đấy” thập niên 80 của thế kỷ XX. Rồi “thị Nở, chí phèo” bước ra từ câu chuyện của Nam Cao xuất hiện bên cạnh các mặt nạ người Việt Cổ, khiến cho các mẫu mã mặt nạ dân gian cũng vô cùng phong phú sinh động. Có thể xem, các loại hình mặt nạ này là sự tích hợp của văn hóa lịch sử người Việt qua các giai đoạn khác nhau.

Mặt nạ Trung Thu của người Việt không chỉ là trò chơi, mà chúng còn là những tín hiệu văn hóa đậm chất tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân làm lúa nước. Thông qua mặt nạ Việt, người ta có thể thấy được một cái tết Trung Thu của Việt Nam đậm biểu tượng, đậm sức sống Việt với những thông điệp gửi vào đất trời, gửi cho thế hệ mai sau./.

T.T.H

2 nhận xét :

  1. Đọc những câu Trang Thanh Hiền viết về Tết Trung thu mà tôi có thể cảm nhận được cái hồn Việt chan chứa trong từng câu từng chữ ...thật ấm lòng ! Cám ơn bạn rất nhiều.

    Trả lờiXóa