Thứ Hai, 14 tháng 9, 2015

MẦM LOẠN GS, PGS SẼ BẮT ĐẦU TỪ ĐH TÔN ĐỨC THẮNG?

Trường ĐH phong GS, PGS cho giảng viên

Phong Điền
Pháp luật TP HCM
Thứ Hai, ngày 14/9/2015 - 03:00

(PL)- Nhà trường cho biết việc phong tặng có thể áp dụng với cả người ngoài trường nếu họ có nhu cầu.

Trường ĐH Tôn Đức Thắng đang triển khai thực hiện việc phong giáo sư (GS), phó giáo sư (PGS) cho cán bộ, giảng viên, nhà khoa học trong và ngoài nhà trường.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về cách làm mới mẻ này, TS Lê Văn Út, Trưởng phòng Quản lý phát triển KH&CN Trường ĐH Tôn Đức Thắng, cho biết việc này được triển khai trên cơ sở tìm hiểu, vận động cách thức các trường ĐH uy tín trên thế giới vào tình hình thực tế của trường.

Tuy mới nhưng trường rất tự tin

“Mục đích bổ nhiệm này nhằm phân công nhiệm vụ các thành viên ở các khoa, phòng rõ ràng hơn, hướng đến phát triển khoa học của nhà trường” - TS Út nhấn mạnh.

TS Út chia sẻ trước lúc bắt tay thực hiện việc bổ nhiệm GS, PGS, Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã tham khảo hoạt động của các trường ĐH ở các nước tiên tiến trên thế giới, xem họ đưa ra tiêu chí như thế nào về việc bổ nhiệm trợ lý GS, PGS, GS.

Các nội dung, quy định về việc bổ nhiệm GS, PGS sẽ được thông báo rộng rãi trên website của trường để các nhà khoa học, cán bộ đăng ký nếu họ thấy mình xứng đáng được bổ nhiệm. Ngoài ra, các nhà khoa học bên ngoài trường có nhu cầu cũng có thể đăng ký. “Trường làm việc này tuy mới nhưng rất tự tin vì tiêu chuẩn của trường tiếp cận với tiêu chuẩn của nhiều trường trên thế giới” - ông Út nói.

.
Trường ĐH Tôn Đức Thắng thực hiện việc tự phong GS, PGS 
được coi là việc làm mới mẽ của giáo dục Việt Nam. 
Trong ảnh: Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào ĐH Tôn Đức Thắng. Ảnh: P.ĐIỀN

Sử dụng cả hai danh xưng?

Trước băn khoăn đối với các giảng viên, nhà khoa học đã được Nhà nước phong PGS, GS rồi nay Trường ĐH Tôn Đức Thắng tiếp tục bổ nhiệm theo cách riêng của trường liệu có sự chồng lấn, TS Út cho rằng đây là quy định nội bộ của trường, tuy nhiên các giảng viên, nhà khoa học có thể sử dụng song song cả hai.


Ông Út chia sẻ: Một nhà khoa học khi được bổ nhiệm vào một chức vụ chuyên môn, thứ nhất là vinh dự, thứ hai là trách nhiệm và chế độ, chính sách kèm theo. Khi được bổ nhiệm, anh phải có công trình nghiên cứu phải có trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ tương ứng chức vụ chuyên môn được giao. Tất cả đều có quy chuẩn và đã được tham vấn các nhà khoa học trong nước.

Hằng năm đều có đánh giá lại

Vậy so với tiêu chí phong hàm của Hội đồng Chức danh GS nhà nước liệu có cách biệt nào? Ông Út nói: “Tôi thấy chưa có gì cách biệt. Việc các trường bổ nhiệm GS, PGS của trường cũng là cách làm ở các nước tiên tiến. Mỗi nước có cách làm riêng nhưng mình thấy điều gì tiến bộ thì vận dụng vào thực tế của trường.

Ông Út phân tích thêm: Đây là việc bổ nhiệm chức vụ nên hằng năm đều được đánh giá anh đã làm gì, có công trình nghiên cứu nào. Sau một thời gian mà không hoàn thành nhiệm vụ sẽ miễn nhiệm chức vụ đó. “Thực tế một số người được phong chức danh nhưng không có công trình nghiên cứu và ngồi đó sẽ rất lãng phí, tốn kém kinh phí” - ông Út nhấn mạnh
.
.
Nên cho làm thí điểm
Ở các nước trên thế giới, khi một giảng viên thỏa mãn các yêu cầu, tiêu chuẩn thì trường ĐH có thể phong hàm PGS, GS. Điều này hoàn toàn bình thường và nhiều nước vẫn làm như vậy. Tuy nhiên, đó là chuyện của các nước. ở Việt Nam, theo tôi biết đến nay vẫn chưa cho phép trường ĐH được tự phong hàm PGS, GS cho giảng viên. Hiện cũng chưa có một thông tư, quyết định hay một văn bản hướng dẫn nào về việc trường ĐH có thể phong hàm cho giảng viên trường mình.
Ở Việt Nam, Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý và Hội đồng Chức danh GS nhà nước là đơn vị có quyền phong hàm duy nhất. Theo tôi, nhà trường có thể đề xuất với Bộ GD&ĐT và chứng minh sẽ dẫn tới hiệu quả tốt, có nghĩa là thúc đẩy sự phấn đấu của các cán bộ giảng dạy ở trong nhà trường và đề nghị cũng được làm theo. Nếu Bộ GD&ĐT đồng ý hoặc có chủ trương chung thì triển khai. Còn nếu chưa có chủ trương chung thì nên cho thí điểm.
PGS-TS TRẦN XUÂN NHĨ, Phó Chủ tịch Hiệp hội 
Các trường ĐH-CĐ Việt Nam
Không hoàn thành sẽ bị bãi nhiệm
Đối với trường ĐH ở các nước, việc phong GS, PGS tùy theo ngành nhỏ hay lớn mà có 1-3 GS, PGS/môn. Người giữ các chức vụ này khi không hoàn thành nhiệm vụ, giải tán ngành hoặc nghỉ việc sẽ bãi nhiệm. Khi được bổ nhiệm, GS, PGS sẽ có các điều kiện kèm theo như tài chính để nghiên cứu, có trợ lý giúp việc... Riêng các GS ở Mỹ được cấp tối thiểu 70.000 USD/năm để nghiên cứu, thậm chí có GS được cấp 200.000 USD/năm. Ngoài ra, các GS còn có phòng làm việc riêng, phòng thí nghiệm và đội ngũ trợ lý 1-3 người. Với kinh phí dồi dào như vậy, các GS, PGS có thể mời thêm đối tác cùng nghiên cứu khoa học nên hoạt động rất chuyên nghiệp.
PGS-TS NGUYỄN ĐÌNH PHƯ, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM
H.HÀ - P.ĐIỀN ghi
Hiện Trường ĐH Tôn Đức Thắng đã xong bước thứ nhất là ban hành quyết định, bước hai là xây dựng thủ tục quy trình và ra thông báo để cán bộ, viên chức trong trường và các nhà khoa học bên ngoài cũng có thể nộp vào đăng ký xin được bổ nhiệm GS, PGS.
PHONG ĐIỀN

7 nhận xét :

  1. Việc các trường ĐH ở nước ngoài phong chức danh GS, PGS cho các người đang làm công tác nghiên cứu và giảng dạy ĐH, sau ĐH là bình thường và đã tiến hành từ lâu. Tuy nhiên, các trường này là những cơ sở giảng dạy, nghiên cứu có uy tính ( theo xếp hạng hằng năm), thoả mãn rất nhiều tiêu chí về học thuật .
    Các trường ĐH ở VN chưa có trường nào có được vị thứ xếp hạng cao trong bảng xếp hạng uy tín. Ngay cả các trường hàng đầu như ĐH Quốc gia HN, TPHCM, BKHN... Không biết trường ĐH Tôn Đức Thắng xếp hạng nào ở trong nước, chứ đừng nói chi xếp hạng thế giới. Hơn thế nữa, nếu ĐH TĐT có hội đồng xét chức danh GS thì Hiệu trưởng chắc chắn là Chủ tịch HĐ. Nhưng than ôi, ngài hiệu trưởng của trường ĐH TĐT đang bị tố cáo gian lận và khuất tất về bằng cấp ( Nhà nghiên cứu Đinh Kim Phúc đã có đơn tố cáo gửi Thủ Tướng) thì cơ sở này cấp chức danh GS, PGS có giá trị gì không ? Đúng là một trò hề !

    Trả lờiXóa
  2. Hãy khoan bàn việc ông hiệu trưởng đang bị kiện cáo mà bàn về việc ĐH TĐT đang làm thì hơn. Theo tôi biết, thiên hạ đều làm thế cả và GS/PGS chỉ là của riêng trường đó thôi, trong thời hạn trường giao mà thôi. Ngoài trường đó thì không còn chức danh đó nữa/chức danh không có giá trị thực nữa. Các trường nên ủng hộ việc làm của TĐT và kiến nghị giải tán cái hội đồng của nhà nước đi, một hội đồng ít thực chất mà không ít tai tiếng. Bản thân hội đồng cũng nhận thức được nên vài năm lại đây họ chỉ cấp chứng chỉ thôi còn có bổ nhiệm hay không là tuỳ thuộc vào các trường và cũng đax xảy ra việc có người kiếm được chứng chỉ nhưng không được ai bổ nhiệm. Một lần nữa, tôi kêy gọi các cơ sở ĐH trong cả nước ủng hộ ĐH TĐT trong việc làm này, việc của một trường ĐH và chỉ của trường đó thội.

    Trả lờiXóa
  3. Làm để bổ nhiệm hiệu trưởng chức danh Giáo sư. Xong thì thôi. Chỉ cần có vậy thôi!

    Trả lờiXóa
  4. Lĩnh Nam chích quáilúc 03:23 15 tháng 9, 2015

    Mỗi trường đại học là một cái mỏ mũ áo cân đai ! Sản xuất ra những ô, bà tiến sĩ từ A đến Z, trường đại học là một xưởng sản xuất hoàn chỉnh và khép kín . Đại học VN tiến xa hơn thế giới ! Rồi sẽ thấy những tiến sĩ giấy đầy đường . Ô sin cũng tiến sĩ, bán xôi cũng tiến sĩ, các công ty bảo vệ cũng thuê toàn tiến sĩ , các GĐ có quyền khoe : trợ lí của tôi là tiến sĩ đấy !

    Trả lờiXóa
  5. Hay! Hay! Tuyệt hay! Ủng hộ nhiệt liệt! VN ta sắp có 100 nghìn GS và 500 nghìn PGS rồi!

    Trả lờiXóa
  6. ĐH Nguyễn Tất Thành cũng tai tiếng lắm! Thí sinh không thi vào đó va chưa biết điểm thi đã bị trường này thông báo "Trúng tuyển"?!

    Trả lờiXóa
  7. Lúc sinh thời, các cụ Nguyễn Lân, Vũ Ngọc Khánh tự phong học hàm Giáo sư cho mình mà có cần ai cho phép đâu? Đâu có phải như PGS. TS Trần Xuân Nhĩ là "Bộ GD&ĐT là cơ quan quản lý và Hội đồng Chức danh GS nhà nước là đơn vị có quyền phong hàm duy nhất"!.

    Trả lờiXóa