Thứ Tư, 19 tháng 8, 2015

Hà Nội: NGƯỜI DÂN PHÁT ĐIÊN VÌ ĐƯỜNG SẮT TRÊN CAO

Chậm tiến độ, thi công “chắp vá”, 
người dân “phát điên” vì đường sắt trên cao
Đặng Tiến - Thuận An
Việc thi công đường sắt Cát Linh - Hà Đông đang chậm tới 19 tháng 
so với kế hoạch ban đầu. Ảnh: Đ.T

Bộ GTVT vừa chốt lại tiến độ của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đến ngày 30.6.2016. So với hợp đồng ban đầu, dự án đang đang chậm tiến độ 19 tháng và khả năng còn phải kéo dài hết năm 2016. Nguyên nhân chính do quá trình thực hiện hợp đồng EPC (chìa khóa trao tay), hàng loạt hạng mục được thiết kế, thi công theo kiểu “chắp vá”.


Người dân “phát điên” vì đường sắt trên cao

Anh Hoàng Sơn - nhà ở khu Văn Quán, Hà Đông - hằng ngày phải vào trung tâm thành phố để đi làm, khẳng định rằng mình và nhiều người đang “phát điên” về sự chậm trễ của công trình này. “Chúng tôi không biết họ làm những gì nhưng qua từng tháng, chẳng thấy chuyển biến. Những chỗ đang thi công rào lại tạo thành nút cổ chai ở đường Nguyễn Trãi, cung đường có lưu lượng giao thông cực lớn.

Hàng ngày từ nhà đến cơ quan chưa đến 10km mà tôi phải mất gần 2 tiếng đồng hồ trong sự ngột ngạt, bụi bặm, khó chịu vô cùng. Lúc về cũng vậy, gần như giờ cao điểm nào cũng chặt cứng. Tôi không biết khi đường sắt vào hoạt động có giúp ích gì không nhưng lúc này chúng tôi khổ quá và cũng chưa biết bao giờ hết cảnh này”.

Anh Hồng Minh (ở ngõ 278 Nguyễn Trãi) nói: “Nhà tôi ngay mặt đường và thấy ngạc nhiên là ở những chỗ đang thi công dù có công nhân làm việc nhưng rất ít. Có cảm tưởng như là những công nhân ấy chỉ làm vài việc trong ngày nên công việc không tiến triển. Nhà tôi thì bui bặm, hằng ngày chứng kiến cảnh tắc đường, tôi thấy rất lo cho công trình này”.

Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng công trình giao thông (Cục QLCLCTGT) Triệu Khắc Dũng, nguyên nhân chính của việc chậm tiến độ là do năng lực của Tổng thầu EPC (Trung Quốc) và Tư vấn giám sát không đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù không đáp ứng được yêu cầu nhưng các đơn vị này là “không thể thay thế” được do bị ràng buộc bởi điều kiện của bên tài trợ vốn.

Mặt khác, việc lập hợp đồng EPC trước đây thiếu chặt chẽ, không xác định được khối lượng và giá trị. Theo đại diện Bộ GTVT, sau khi ký kết Hợp đồng EPC, tổng thầu sẽ phải chịu trách nhiệm hoàn thành toàn bộ dự án nhưng suốt những năm qua, việc thực hiện hợp đồng EPC mới chỉ dựa trên hợp đồng tạm tính, chưa có thiết kế kỹ thuật của dự án.

Chậm tiến độ hơn 2 năm?

Ông Triệu Khắc Dũng cũng cho biết, so với hợp đồng, dự án đang chậm tiến độ 19 tháng và khả năng còn phải kéo dài hết năm 2016. Tính đến tháng 8.2015, tiến độ đạt 58% và hiện hoàn thành 413/419 trụ cầu, 100% trụ nhà ga đã hoàn thành, lao lắp 442/806 phiến dầm giản đơn, 331/1.216 cọc khoan nhồi. Một nguyên nhân nữa khiến nhiều hạng mục thi công chưa thể phê duyệt do Luật Xây dựng của Việt Nam và Trung Quốc khác nhau.

Trong đó, điển hình là hệ thống quy trình, quy phạm thiết kế xây dựng, quản lý khai thác; hệ thống định mức, đơn giá xây dựng và mua sắm các thiết bị của Trung Quốc và nước ta còn nhiều bất cập, chưa đồng bộ và không thống nhất. Trong khi đó thiết kế thuật “chắp vá”, cái gì Việt Nam có thì triển khai và cái gì Việt Nam chưa có thì lại lấy của Trung Quốc, do vậy hai bên không thể duyệt được thiết kế chi tiết.

Được biết, Bộ GTVT vừa có báo cáo Chính phủ xin đưa dự án về đúng bản chất của hợp đồng EPC, khoán trọn gói nhằm tháo gỡ khó khó khăn, vướng mắc cho dự án. Theo đó, phía Việt Nam chỉ quản lý, giám sát chung toàn bộ tiến độ, chất lượng của dự án và sẽ không can thiệp vào thiết kế kỹ thuật, dự toán chi tiết. Tổng thầu EPC tự thực hiện và tự chịu trách nhiệm về toàn bộ giá thành, chất lượng, tiến độ, an toàn khi đưa và khai thác và an toàn lao động trên công trường.

Theo đó, Bộ GTVT chỉ thực hiện giám sát đồng thời có những cảnh báo với Tổng thầu về tiến độ, chất lượng công trình. Khi dự án hoàn thành, sẽ thuê một đơn vị kiểm định độc lập của nước ngoài vào kiểm định, nếu chất lượng công trình đảm bảo mới cho nghiệm thu.

Đối với những hạng mục thi công đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao mà nhà thầu nước ta chưa đủ khả năng làm, phía Việt Nam cũng đồng ý với việc sẽ không lấy thầu phụ trong nước thi công mà sẽ để nhân công Trung Quốc sang thực hiện như lao lắp dầm siêu trường, siêu trọng, hàn mối nối đường ray, vận hành hạng mục an toàn giao thông…

Với tiến độ và những khó khăn hiện tại, ngay cả khi Bộ GTVT có được cơ chế “khoán gọn” cho nhà thầu EPC, việc hoàn thành đúng tiến độ cũng là rất mong manh. Hằng ngày, người dân vẫn phải chịu khổ cực khi đi qua cung đường này và cho đến nay chưa thấy ai đứng ra nhận trách nhiệm về sự chậm trễ này.

Đội vốn do lao động Việt không đáp ứng được yêu cầu?

Từ năm 2014 đến nay, dự án vẫn chưa thể duyệt được hết các thiết kế chi tiết. Bên cạnh đó, quy định sử dụng nhà thầu phụ trong nước ở các dự án đường sắt đô thị có tính chất đặc thù, yêu cầu kỹ thuật cao chưa đạt được hiệu quả do trình độ tay nghề và kinh nghiệm của lao động trong nước chưa đáp ứng yêu cầu.

Ngoài ra, Ban QLDA và chủ đầu tư (Cục Đường sắt Việt Nam) thiếu kinh nghiệm trong quản lý dự án theo hình thức hợp đồng EPC; khó khăn trong giải phóng mặt bằng, thậm chí có đoạn phải điều chỉnh thiết kế cơ sở cho phù hợp với thực tế tại hiện trường. Từ đó làm tăng kinh phí của dự án so với ước tính ban đầu và phải điều chỉnh dự án, điều chỉnh tổng mức đầu tư và phải ký bổ sung phụ lục hợp đồng.

Bộ GTVT đã làm việc với Bộ KHĐT đề nghị thống nhất xác định bổ sung chi phí dự án tăng thêm là 315 triệu USD đồng thời điều chỉnh tổng mức đầu tư là 868 triệu USD, trong đó vốn vay Trung Quốc là 669,6 triệu USD và vốn đối ứng của Việt Nam là 198,42 triệu USD.


.

8 nhận xét :

  1. Tốt nhất là dẹp bỏ cái dự án quái gở này đi vì có hoàn thành cũng không có khách đâu.

    Trả lờiXóa
  2. 1) Xấu xí, gớm ghiếc như một con rết khổng lồ làm hỏng mỹ quan thành phố; 2) Vì nó mà đường Nguyễn Trãi bị thu hẹp lại đáng kể; 3) Vì nó mà hàng cây xanh rợp bóng mát dọc đường Nguyễn Trãi bị chặt oan khiến cho cả tuyến đường nóng như nung và bụi bặm; 4) Tôi sẽ không bao giờ sử dụng nó vì bất tiện (xuống ga rồi đi bộ hơn 1 cây số đến cơ quan? lúc về lại đi bộ hơn 1 cây số ra ga? lúc nghỉ trưa hoặc sau giờ làm việc muốn đi thăm người ốm chẳng hạn thì…đi xe ôm hoặc gọi taxi? và liệu nó có an toàn không? [ở dưới đất nhỡ đâm vào cột điện thì may ra còn cơ hội sống sót chứ cả toa lộn cổ từ trên cao xuống đường thì chả còn chút cơ hội nào]).

    Trả lờiXóa
  3. Mê Tầu nữa đi. Tham rẻ nữa đi. Giờ mới thấy hậu quả thì đã quá muộn, không thể thay thế nhà thầu! Ở đây cũng nói lên sự ngu dốt của bọn quan chức VN khi đàm phán với Tầu, hời hợt, cẩu thả, thiếu chặt chẽ nên giờ "há miệng mắc quai".
    Hàng Tầu toàn là đồ rởm, gần đây nhất là những tai nạn thang cuốn chết người ở bên Tầu. Ai dám chắc rằng, khi sau này bước chân lên con tàu Hà Đông-Cát Linh mà an toàn tuyệt đối? Tốt nhất là cứ đi xe máy hoặc xe buýt cho an toàn.

    Trả lờiXóa
  4. Quái gở nhất là việc ký kết hợp đồng,"sống chết mặc bây,tiền thầy bỏ túi".Kể cả sau này có đưa vào sử dụng là quái gở nốt. Và sau 5-10 năm thành "rác" giao thông.

    Trả lờiXóa
  5. Sợ e công trình này làm xong rồi cũng có lúc phải đập bỏ .
    Mới nhìn là đã có cảm giác đây là 1 hình thức trù ếm của Tàu vào Long Mạch VN , cắm cọc xuống lòng sông Tô Lịch, đường sắt uốn lượn như rồng lộn quái dị , đó là chưa kể về mức độ an toàn , nếu chuyện xãy ra thì dân rán chịu lấy , chẳng có ai chịu trách nhiệm dùm cho dân .
    Xe TQ nhập cảng quá nhiều , chạy bể bánh , thắng không ăn , tay lái điều khiển mau hư dễ lạc tay lái , toàn là gây tai nạn . Rồi không biết xe chạy trên đường sắt trên cao này chạy được bao lâu thì bắt đầu có tai nạn .
    VN rất khốn khổ vì Tàu khựa .

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Xét về mỹ quan không thể để con đường xấu như vậy , xét về phong thủy lại càng nguy hại, trước sau cũng phải phá vậy phá ngay từ giờ đừng để quá muộn hãy trả lại đường Nguyễn Trãi như xưa!

      Xóa
  6. Mấy năm trời chịu khốn khổ vì bụi bặm, tắc đường, tai nạn... yêu cầu nhà nước phải đền bù thiệt hại cho dân. Cái đường sắt này rất thếu an toàn, mất mĩ quan, đầy nguy hiểm, có làm xong cũng không mấy ai dám đi, muốn đi. Hơn nữa, cái "tâm tư" nhất là "tâm lý ghét Tàu" của người dân sẽ khiến cho cái đường sắt trên cao này ế chỏng vó, vì đi trên có có cảm giác đồng lõa với bọn tham nhũng, đồng lõa với bọn bành trướng bá quyền. Rồi xem, đến cuối năm 2016 có mấy người đi? Tôi chắc với người Việt, nó cũng sẽ chỉ có chức năng làm chỗ lưu trú cho bọn du thủ du thực, cho bọn xì ke ma túy hay bụi đời là cùng, như bao nhiêu những hầm vượt kiểu Ngã Tư Sở mà thôi. Rồi xem!

    Trả lờiXóa
  7. Phá bỏ đi. Cố đấm ăn xôi làm gì. Cũng lại chỉ như dư án bauxite Tây Nguyên thôi. Để trơ ra đấy mà không ai thèm đi, quá bằng tự nhổ vào mặt hàng ngày.

    Trả lờiXóa