Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2015

CA TRÙ - QUA MỘT CUỘC TRANH LUẬN NHỎ VỚI NS ĐẶNG HỮU PHÚC


VÀI SUY NGHĨ VỀ CA TRÙ

Nhà soạn nhạc Đặng Hữu Phúc
Đã đăng trên VNMUSIC.ORG

1/ Ca trù chỉ là một hình thức ngâm thơ mà thôi. Ngâm thơ tiếng Việt có rất nhiều kiểu ngâm mà ta khó có thể kể hết, ở cả 3 miền Bắc Trung Nam đều có, ví như Chèo có rất nhiều kiểu ngâm như nói Sử, nói lửng, nói lệch, các loại vỉa hề gậy, hề mồi… rồi ngâm thơ trong Tuồng, trong ca Huế, Cải lương vv…và vv.


Đặc điểm của Ngâm thơ, nhìn từ góc độ âm nhạc là: 

So với đọc thơ kiểu bạch thoại, nó đã có bước tiến hơn về cao độ cũng như tiết tấu, nhưng Ngâm thơ vẫn chỉ là Tiền giai điệu mà thôi, chưa đạt tới hình thành giai điệu như các làn điệu Quan Họ, Chèo, các bài Lý, các bài dân ca...

Vì vậy nghe Ca trù thì chủ yếu là nghe thơ được ngâm lên một cách độc đáo nhiều hơn là nghe nhạc. (Đấy là ta chưa kể thơ ngâm trong ca trù phần nhiều là thơ cổ của Tàu, như bài nổi tiếng nhất của ca trù là bài “Tỳ Bà Hành” thơ của Bạch Cư Dị)

Nếu bỏ phần lời văn học đi, tách riêng giai điệu thì các hình thức Ngâm thơ chưa hình thành giai điệu có cao độ tiết tấu cụ thể, hoàn chỉnh. Vì vậy nếu kéo dài nó sẽ ê a, đều đều, dễ gây buồn ngủ.

Ta thấy rất rõ là: Những giai điệu của các bài dân ca đã bỏ lời, ta có thể chơi trên các nhạc cụ dân tộc cũng như các nhạc cụ phương Tây đều rất độc lập, hoàn chỉnh, nó đã có đôi cánh là âm nhạc. Nhưng thử hỏi giai điệu của Ca trù nếu bỏ lời thì có thể trở thành những giai điệu độc lập không? Không được, bỏ lời thì cũng hết Ca trù, nó chỉ có vài kiểu ngâm (air) khác nhau mà thôi, gần với kiểu mà phương Tây gọi là Recitatif, nghĩa là hát nói

2/ Về phần âm nhạc, ca trù là một hình thức nghệ thuật truyền khẩu, dân gian, chưa được ghi thành văn bản, ngay một người hát thì mỗi lần lại tuỳ hứng hát khác nhau. Chủ yếu dựa trên một arpeger gam thứ ( Ví giặm của Nghệ Tĩnh cũng vậy)

Vì vậy gọi là dòng nhạc Bác học nghe không ổn. Chỉ phần lời ca dùng thơ cổ bác học chứ phần âm nhạc hoàn toàn chỉ là truyền khẩu thì sao có thể gọi là nhạc Bác học được! Nếu có thể gọi cho thật đúng thì là: thơ bác học được ngâm theo lối dân gian truyền khẩu.

Nghệ thuật bác học phải là của các cá nhân, các thiên tài cụ thể, chứ không thể là sự truyền khẩu tam sao thất bản của một nhóm người, phường hội.

Ta có thể thấy cái ta vẫn gọi là Âm nhạc bác học của phương Tây thì đó là một dòng nhạc đầu tiên cũng xuất phát từ dân gian, nhưng đã được ghi chép, đã phát triển lên cao dần dần thành khoa học, thành các hệ thống qua các tác giả như Bach, Beethoven, Mozart, Chopin….Đến Bartok, Stravinsky…vv.

3/ Ta nên có cái nhìn tỉnh táo khách quan về Ca trù, đánh giá đúng giá trị của nó một cách khoa học, thấy cái hay cái đẹp cũng như những giới hạn của nó.

Và tôi muốn nhắc lại rằng : Ca trù chỉ là một hình thức ngâm thơ mà thôi
Ta đừng để cái nhìn về nó lẫn với lòng tự hào dân tộc “con Rồng cháu Tiên”, tự tôn dân tộc thái quá!

____________

Mấy suy nghĩ về ca trù nhân một cuộc tranh luận

Ths Mai Văn Lạng
Soạn giả, công tác tại Đài TNVN

Chiều nay đang ngồi làm việc thì một người bạn Fb inbox, cậu vào đây mà xem, có chuyện “Xôm trò lắm“, rồi dẫn đường link. Tôi vào đọc thì quả là xôm trò thật. Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, một nhạc sĩ khá tiếng tăm đã viết một bài dài về ca trù trong đó ông nhắc đi nhắc lại luận điểm của mình cho rằng ca trù chỉ là một lối ngâm thơ, không phải là nghệ thuật bác học. Ông lý luận vì ca trù không ký âm được nốt nhạc, bỏ thơ đi thì không thể hát, không có giai điệu đôc lập v.v. 


Là một người yêu, say mê ca trù, có nhiều năm nghiên cứu về bộ môn nghệ thuật này, có chương trình phát thanh đặc biệt về loại hình nghệ thuật này được giải Chuông Vàng, giải cao nhất tại Liên hoan phát thanh Châu á thái Bình Dương năm 2001, lại đang phụ trách chương trình dân ca và nhạc cổ truyền trên Đài TNVN xin phép được trao đổi vấn đề này một chút:

1- Nói ca trù là nghệ thuật bác học là nói cả 5 yếu tố kiến tạo nên: Giọng hát, tiếng đàn, phách, trống chầulời ca. Sự hòa quyện giữa 5 yếu tố này làm nên sự Bác học của ca trù. 

2- Vậy bác học là gì? Theo như sự hiểu biết của tôi Bác học là một loại hình nghệ thuật nó vừa tinh tế, trí tuệ trong nội dung nhưng cũng đẹp, cũng sang về hình thức. Nó đòi hỏi sự chuyên sâu đến độ tinh xảo cả người trình diễn và người thưởng thức. 

Trở lại câu chuyện về nghệ thuật ca trù. Vì sao gọi bộ môn nghệ thuật này là nghệ thuật bác học? Trước hết đó là nghệ thuật trình diễn: sự rung, ngân, nhấn vuốt của từng câu, từng chữ trong giọng hát, luyến láy của tiếng đàn, tiếng phách, lúc khoan nhặt, lúc mau thưa, lời ca ý tứ sâu xa . . . tiếng trống điểm v v . . . Sự ăn ý của Quan viên cầm chầu (đồng thời là tác giả bài ca), kép đàn và đào nương. Cái khó, cái đặc biệt trong ca trù còn ở chỗ đào nương không chỉ cần một giọng hát vang, rền, nảy mà còn phải biết gõ phách. Tiếng phách như linh hồn của bài ca, chỉ cần nghe tiếng phách hiểu tâm sự của đào nương, của ý thơ trong bài v v . . bác học còn ở trong lời ca. Tiếng đàn đáy trầm đục, tiếng phách giòn tan, tiếng hát của đào nương ngân vang, tiếng trống chầu điểm xuyết . . . tất cả đã làm nên vẻ thanh tao, lịch lãm, lỗi diễn xướng đọc đáo của ca trù. Một yếu tố làm nên tính bác học của ca trù đó chính là lời ca. Từ xưa đến nay viết lời cho ca trù được cho là hay chính là các nhà thơ lớn của dân tộc. Các bài ca còn lại cho đến nay của ca trù đều là những bài thơ hay, nếu không muốn nói tuyệt tác của thi ca. Ngoài ra, gọi ca trù là yếu tố bác học còn bao gồm cả việc trình diễn, lối diễn xướng, ca trù không thể hát ở mọi nơi và không phải người dân nào cũng được xem và biết thưởng thức. Đây là lối ca hát thính phòng nó đòi hỏi sự tinh tế của cả người biểu diễn và người thưởng thức. 

3 - Tuy nhiên thì từ xưa đến nay khi nghiên cứu nghệ thuật ca trù, các nhà nghiên cứu đều nói nghệ thuật ca trù đều dùng các thuật ngữ “Ca trù là loại hình nghệ thuật vừa tính dân gian vừa mang tính bác học“. Phải chăng cái tính dân gian chính là cũng có nhiều làn điệu ca trù được lấy từ dân ca, rồi được ca trù hóa.

4 - Có lẽ nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc chưa nghe hết các làn điệu, hay còn gọi là thể cách ca trù mà chỉ nghe mấy thể cách quen thuộc đang phổ biến nên quy cho ca trù là một lối ngâm thơ. Xin thưa “Hát ru, hát giai” điệu hát cũng khá phổ biến là có giai điệu, nhịp phách đấy chứ, hay là hát “Chúc hỗ “ chẳng hạn v v . . . đặc biệt là bài “ 36 giọng “ chẳng hạn

Nói chung, nhiều thập kỷ qua những nhà nghiên cứu hàng đầu của âm nhạc Việt Nam đều đã đi đến thống nhất về tên gọi cũng như đánh giá một cách khách quan về ca trù. Thế giới cũng đã công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Cái nhìn của Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc là cách nhìn của một người SÀNH âm nhạc phương Tây, lấy âm nhạc phương Tây soi chiếu vào nghệ thuật âm nhạc Việt Nam không tránh khỏi phiến diện. Cái này không chỉ mình nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, tôi nghĩ cũng còn nhiều nhạc sĩ, nghệ sĩ hiểu chưa đúng, chưa sâu về âm nhạc dân tộc và RẺ RÚNG nghệ thuật dân tộc.

Hà nội ngày 13/8/2015
Mai Văn Lạng

Xem bài của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc:
https://www.facebook.com/nhacsidanghuuphuc?fref=ts
_______

Ý kiến của Thạc sĩ Đào Tiến Thi

Trao đổi học thuật trên FB như thế này thật khó. VÌ phải nói dài, nói có biện giải. Nhưng tôi cảm nhận anh Đặng Hữu Phúc quá phiến diện và mắc cái bệnh "dĩ Âu vi trung". Nhưng hãy khoan nói điều đó. Tôi chỉ nêu cái mâu thuẫn của anh: lẽ nào thơ thì bác học mà lại đi với nhạc dân gian, tuỳ hứng? Rồi khi xét đây là một nghệ thuật, thì anh có xét yếu tố người thưởng thức, đặc biệt là sự giao thoa, tương tác giữa người biểu diễn và người thưởng thức không? Ai thưởng thức ca trù? Người bình dân có hiểu và thích những câu như "Tầm Dương giang đầu dạ tống khách", "Đồng thị thiên nhai luân lạc nhân",...? Xưa nay những người nổi tiếng trong làng ca trù là ai? Rõ ràng không chỉ là trí thức mà còn phải là trí thức tài hoa đặc biệt: Nguyễn Khản, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Tuân,...


Kể thêm câu chuyện này: Có lần nhân 1 cuộc tụ tập của nhà văn mà người ta mời bà Quách Thị Hồ đến hát, Nguyễn Tuân cầm chầu. Quách Thị Hồ hát, Nguyễn Tuân cầm chầu thì nhất rồi còn gì? Nhưng buổi đó không thành. Bác Nguyễn vụt trống chầu loạn lên làm bà HỒ không hát được. Là vì đám đông nhà văn trẻ chẳng thích nghe gì ca trù, cứ tán chuỵên làm bác Nguyễn cáu. Bác vụt trống lung tung để phản ứng lại rồi đứng lên nói: "Từ giờ đã hát ca trù thì đừng có mời các bố trẻ đến nhé".

Nói thêm về ý anh Đặng Hữu Phúc nó rằng "Thơ ngâm trong ca trù phần nhiều là thơ cổ của Tàu, như bài nổi tiếng nhất của ca trù là bài “Tỳ Bà Hành” thơ của Bạch Cư Dị"

Thứ nhất, thơ ngâm trong ca trù KHÔNG PHẢI phần nhiều là thơ cổ của Tàu. Chỉ có vài bài là thơ cổ TQ thôi: Tỳ bà hành, Vịnh tiền Xích Bích, Vịnh hậu Xích Bích. Thơ ca trù chủ yếu là thơ của các nhà thơ VN nổi tiếng từ tk XVII đến đầu tk XX: Lê Đức Mao, Nguyễn Khản, Cao Bá Quát, Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Chu Mạnh Trinh, Tú Xương, Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, …

Thứ hai, Bài Tỳ bà hành thì đã được Việt hoá cao độ qua lời dịch thơ tài hoa của Phan Huy Vịnh. Nội dung cảm hứng thì chẳng có gì đặc trưng riêng của Tàu mà là của trí thức phong kiến phương Đông nói chung: người trí thức tài hoa bị ruồng bỏ tìm được tiếng nói tri âm của người ca nữ cô đơn: “Cùng một lứa bên trời lận đận”.

7 nhận xét :

  1. Ông nhạc sĩ này có vẻ muốn hạ giá môn nghệ thuật giá trị cao nhất của người Việt Nam hay sao? phần lời ông cũng đem gán hết cho Tầu ư? Xin thưa với ông bài "Tỳ bà Hành" người ta hát theo bản dịch của người Việt (Phan huy Vịnh) như bác Đào tiến Thi nói hay bản của cụ Trần trọng Kim và Tản Đà tiên sinh đấy ạ! - thú thật đọc bài luận của ông về Ca trù người ta có cảm giác ông chả mà hiểu gì về nó lắm, kiến thức của ông về lĩnh vực này (kể cả ngâm thơ) nông cạn lắm ông ạ. Biết thì hãy thưa thốt!

    Trả lờiXóa
  2. anh NS Phúc lẩm cẩm khi nói: "Nghệ thuật bác học phải là của các cá nhân, các thiên tài cụ thể, chứ không thể là sự truyền khẩu tam sao thất bản của một nhóm người, phường hội.". Anh nói gì về quan họ Bắc Ninh, nó đâu cần phải được gọi là "nghệ thuật bác học". Lý luận của anh lòng vòng rối rắm. Anh tranh luận mà không biết mình đang nói về một thể loại âm nhạc tên là ca trù. Anh đéch biêt "Hồng hồng tuyết tuyết" là của người Việt thì đừng mở miệng nữa nha. Ông Phúc gìa lẩm cẩm rồi.

    Trả lờiXóa
  3. Hoa đào rơi rắc lối Thiên Thai
    Suối tiễn oanh đưa những ngậm ngùi
    Ngõ hạnh suối đào xa cách mãi
    Ngàn năm thơ thẩn bóng trăng soi
    Trần ai tri kỷ luống ngậm ngùi...
    https://www.youtube.com/watch?v=a7Sw36VIW2U

    Trả lờiXóa
  4. Ông NS có vẻ thân Tầu nhỉ?, cái gì của mình hay thì gán cho Tầu, cái rõ ràng hay của mình thì ông dìm hàng, nhưng do không hiểu rõ mặt hàng nên ông không biết cách dìm, lại lòi cái bất cập của ông ra, chán ông quá!

    Trả lờiXóa
  5. Tay này viết sai chính tả từa lưa trên fb, thật chẳng ra làm sao mà đi nói chuyện ca trù / bác học.
    Tôi nhắn ông nhà soạn nhạc Đặng Hữu Phúc, ông có nói gì thì nói, vài suy nghĩ hay một sân vận động suy nghĩ cũng được, nhưng cũng cho nó đúng chính tả tí rồi nói nhé.

    Trả lờiXóa
  6. Tôi chỉ là một khán thính giả nghe nhạc, tuy mù nhạc nhưng không điếc tai. Khi nghe ca trù tôi cảm nhận được. Tôi không nghĩ đó là “ngâm thơ” như nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc nói, mà đó thực sự là nghe nhạc, âm nhạc phát ra từ ca từ.
    Có lần tôi và một người bạn mua vé vào nghe hát ca trù, ngó đi ngó lại trong khán phòng chỉ có 3 người Việt Nam là tôi, bạn tôi và một người nữa. Còn lại toàn là khách Tây. Tai sao người phương Tây lại nghe và cảm được ca trù? Họ không hiểu được ca từ, nhưng họ lại cảm nhận được qua giọng ca của người hát. Rõ ràng đó không thể là “ngâm thơ” được.
    Tôi không bỏ lỡ cơ hội mỗi khi giáo sư Trần Văn Khê nói chuyện về âm nhạc dân tộc trên truyền hình, đặc biệt là ca trù. Gs là người miền Nam, nhưng ông lại là người ủng hộ việc đề nghị UNESCO công nhận ca trù là di sản văn hóa phi vật thể trước tiên chứ không phải là đờn ca tài tử Nam bộ, mãi sau này đờn ca tài tử Nam bộ mới được công nhận, có sự ủng hộ của ông, nhưng khi phân tích về đờn ca tài tử thì nó nhàn nhạt hơn, không đậm như khi Gs phân tích về ca trù. Gs Trần Văn Khe thực sự là một nhà bác học về âm nhạc dân gian.
    Nhạc sĩ Đặng Hữu Phước là người học piano, rồi dạy piano, viết nhạc hiện đại. Có lẽ ông nên chú tâm về sở trường của mình là dòng nhạc Tây phương hơn là thò tay sang viết, nhận xét về âm nhạc dân tộc. Dù là thầy dạy nhạc, nhưng qua cách viết của ông về ca trù thì rõ ràng là tai ông không cảm nhận được âm nhạc dân gian, đặc biệt là ca trù. So sánh với khách Tây phương khi đến Việt Nam nghe ca trù thì sự cảm nhận âm nhạc gian Việt Nam của họ có lẽ tốt hơn nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc.
    Từ thế kỷ XVII linh mục Giovani Filippo De Marini trong cuốn sách của ông viết về Việt Nam và Lào đã nhắc tới Ca Trù. Sau năm 1975, đã có sinh viên nước ngoài đến Việt Nam nghiên cứu và về nước bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về ca trù,
    Người mà các thế hệ người Việt Nam biết ơn là cố giáo sư Trần Văn Khê., ông đã cho lp trẻ hiểu được cái hay, cái đẹp, cái tài tình của Ca Trù.
    TM

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói thật nhạc hiện đại của NS ĐHP tuy là đúng ngạch nhưng nghe cũng nhạt nhẽo lắm, chán chết! có ai nghe đâu!

      Xóa