Thứ Năm, 23 tháng 7, 2015

COPY MÔ HÌNH CHÍNH TRỊ TRUNG HOA - CÀNG GIỐNG, CÀNG MAU SỤP

 Tiến sĩ Phạm Đức Anh đang thuyết trình

Sáng 21/07/2015, Chương trình Nghiên cứu Kinh tế Trung Quốc thuộc VEPR (VCES), Mạng lưới học giả Việt Nam (VSN) và Viện Kinh tế và Chính trị thế giới (IWEP) thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Xã Hội Việt Nam phối hợp tổ chức Seminar Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Trung Quốc số 07 với chủ đề: 
“Sự tiếp nhận mô hình chính trị Trung Hoa 
của các chính quyền phong kiến Việt Nam: 
Những kinh nghiệm và bài học lịch sử” 

nhằm tìm hiểu quá trình biến đổi của mô hình tổ chức Nhà nước ở Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XIX, qua đó chỉ ra sự tiếp nhận, mô phỏng từ mẫu hình Trung Hoa.

Diễn giả: TS Phạm Đức Anh, ĐH Quốc gia Hà Nội.
Thời gian: 08h30 – 10h30 ngày 21/07/2015
Địa điểm: Hội trường tầng 2, Số 176 Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội.

Đông đảo các nhà khoa học và sinh viên đến từ nhiều viện nghiên cứu, trường đại học; các nhà nghiên cứu độc lập, dịch giả tự do đã tham dự buổi thuyết trình. Tiến sĩ Phạm Đức Anh (sinh năm 1980) là một nhà nghiên cứu trẻ, vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về đề tài nghiên cứu này hồi năm ngoái, và hiện đang là giảng viên Khoa Lịch sử, Đại học KHXH và Nhân văn Hà Nội (ĐH Quốc gia HN). Anh trình bày bằng giọng nói trầm ấm, rõ ràng và khúc chiết trong khoảng 45 phút. Cử tọa hết sức chú ý lắng nghe.

Phần trình bày của TS Phạm Đức Anh, xin xem các hình ảnh bên dưới.














Từ việc nghiên cứu sự tiếp nhận mô hình chính trị Trung Hoa của các chính quyền phong kiến Việt Nam, TS Phạm Đức Anh rút ra bài học kinh nghiệm là "Mô hình nào càng giống bên ngoài (ở đây là Trung Hoa - L.K chú), càng kém bền vững". Ba triều đại đã mô phỏng từ Trung Hoa nhiều nhất, triệt để nhất là  triều Hồ, triều Lê Sơ và triều Nguyễn (từ 1802 đến 1858) đều kém bền vững, tồn tại ngắn ngủi và mau sụp đổ. 

Phần thảo luận trở nên rất sôi nổi, ngoài các phát biểu chệch ra ngoài nội dung học thuật, đáng chú ý có các ý kiến sau:

1- TS Phạm Gia Minh nêu nhận xét về việc người Nhật Bản và Hàn Quốc học mô hình Trung Hoa nhưng không bị lệ thuộc vào mô hình. Người Nhật học cần cù nhưng luôn sáng tạo và thoát Trung ngay trong khi học từ Trung Hoa. Là vì sao? 

- TS Phạm Đức Anh trả lời là vì Nhật ở ngoài biển, cách xa về địa lý nên có sự độc lập để từ đó ít lệ thuộc.

2- GS Lưu Bích Hồ cho rằng, diễn giả đã thiếu sót khi không trình bày thế nào là Mô hình chính trị Trung Hoa, mô hình này gồm những thành tố nào và có đặc trưng gì? Diễn giả trình bày thẳng vào vấn đề tiếp nhận mô hình chính trị Trung Hoa mà không có giới thuyết như vậy là chưa được khoa học.

3. TS Nguyễn Xuân Diện hỏi diễn giả: 

Xin cung cấp cho biết, tư liệu mà diễn giả nói là các vua ngày xưa có chỉ dụ cho các sứ thần (phái đoàn ngoại giao) sang Trung Hoa phải ghi chép, học tập về mô hình quản lý và chính trị về báo cáo lại cho nhà vua là ở tư liệu nào? 

Sự tiếp nhận nhưng làm khác đi, đó có phải là cách phi Hoa, giải Hoa không? Hay chỉ là làm cho khác đi để cho khác người một chút thôi?

Thời đại nào trong quá khứ được cho là tiếp thu một cách sáng tạo và thành công mô hình chính trị Trung Hoa? Và vì sao lại được như vậy?

- TS Phạm Đức Anh trả lời ghi chép về việc các vua ngày xưa có chỉ dụ cho các sứ thần (phái đoàn ngoại giao) sang Trung Hoa tìm mua sách vở, điển chế đem về nước tôi dẫn lại từ chuyên khảo của một học giả nước ngoài (có dẫn tên sách và tác giả), ở đây là vua Minh Mạng, triều Nguyễn. 

Trong quá khứ, thời đại Lý - Trần là thời đại mà Việt Nam tiếp thu một cách sáng tạo, hiệu quả mô hình chính trị Trung Hoa. 

+ TS Nguyễn Xuân Diện trao đổi thêm: 

Về việc sử dụng tư liệu, theo tôi là phải dùng tài liệu gốc, không nên dùng tài liệu thứ cấp, chuyển dẫn lại. Đáng lẽ Tiến sĩ phải đến Viện Nghiên cứu Hán Nôm, tìm vào ngay bản gốc để dịch và dẫn cho chính xác. Theo tôi biết, chưa từng có vua nào giao cho sứ thần công việc ghi chép, học tập về mô hình quản lý và chính trị về báo cáo lại cho nhà vua. Ngày xưa việc đi sứ Trung Hoa chỉ là tuế cống, cầu phong. Cũng có khi vua khẩu dụ (dặn dò trước khi lên đường) các sứ thần nhớ vẽ lại bản đồ đường đi, tìm hiểu dân tình và phong tục mà thôi. Xưa không hề có đoàn cán bộ như đoàn của Bà Nguyễn Thị Kim Ngân đi thăm Đại học Harvard để tìm hiểu cách cải cách thể chế mới đây.

Còn về thời Lý Trần thì tôi hoàn toàn tán thành kết quả nghiên cứu này. Theo tôi, thời đại Lý - Trần học được mô hình chính trị Trung Hoa, nhưng có nhiều sáng tạo, nhiều thành tựu, nhiều thành công là bởi vì Lý - Trần là thời đại của ĐA NGUYÊN và Khai phóng. 

Đa nguyên về chính trị (các thủ lĩnh tôn giáo Nho - Phật - Lão được vua mời vào cung bàn chính sự và tham khảo kế sách), 

Đa nguyên về tôn giáo (Nho - Thích - Đạo tịnh hành, cùng phát triển), 

Đa nguyên về văn hóa (Văn hóa Lý - Trần tiếp thu từ Trung Hoa - Ấn Độ và Chàm).

Chính Đa nguyên và Khai phóng khiến cho thời đại Lý Trần trở thành một thời đại thịnh trị, rực rỡ võ công, văn trị, được coi là một thời đại hoàng kim trong lịch sử trung đại Việt Nam. 

P/S: Được thi triển qua tinh thần:
- Hòa quang đồng trần
- Thượng mã đề thương, hạ mã đề thi
- Học phong Đông A 
- Tam giáo tịnh hành 

4- Nhà văn Dịch giả lão thành Trần Đình Hiến nói về văn hóa Trung Hoa và mô hình chính trị Trung Hoa xưa và nay là một chế độ độc tài. 

5- GS. TS Đỗ Tiến Sâm phát biểu: Chỉ có 3 yếu tố khiến xã hội phát triển và VN cũng không ngoại lệ. Đó là: 1- Công nghệ, 2- Con người và 3 - Thể chế. Công nghệ có thể mua, Con người có thể thuê, đào tạo, nhưng Thể chế thì phải tự thân. Thể chế sẽ quyết định sự phát triển của đất nước!

6- Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhất trí với nhận xét của GS Đỗ Tiến Sâm (nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc), đánh giá buổi tọa đàm là thú vị, nhiều thông tin, nhiều giá trị học thuật và thực tiễn, đồng thời mong muốn được tiếp tục nghe các kết quả nghiên cứu nữa xung quanh chủ đề này.

Cuộc tọa đàm kết thúc vào hồi 10h45 cùng ngày.

Lâm Khang lược thuật.


7 nhận xét :

  1. Còn thời đại hiện nay thì sao? Các nhà khoa học lịch sử cũng nên đưa so sánh và đánh giá xem có tiến bộ và sáng tạo hơn thời cha ông không? Ts NXD có những nhận xét rất sâu sắc đó là bài học lịch sử nên học từ cha ông.

    Trả lờiXóa
  2. Ý kiến của TS Diện khái quát thật chí lý . Giá nói thẳng ra ''khai phóng nên dân chủ , coi trọng tiếng nói của kẻ sĩ và nhân dân ..." (Hội nghị Diên Hồng, nhiều trí thức - kẻ sĩ- trở thành thầy dạy của vua -quốc sư-)Để nhắn đến tai các nhà lãnh đạo CS ngày
    nay bớt thói tự cao độc tài cho dân được nhờ.

    Trả lờiXóa
  3. Bức ảnh cuộc tọa đàm ở trên sẽ đẹp hơn nhiều nếu không có băng khẩu hiệu màu đỏ và dòng chữ vàng, trông rất chướng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mượn hội trường mà bạn? Rõ khổ!

      Xóa
  4. Thời Nguyễn mang nặng tư duy : nhất Tầu nhì ta , cho nên bế môn toả cảng. , không choi với phương Tây. Cứ thế mà mất nước. Vậy mà CSVN lại đi vào vết xe đổ , nhất nhất theo Tầu vì vậy cứ lẹt đẹt , nay kém cả CPC và Lào . Chừng nào mới thoát Trung đây ?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bác nói thế cũng chưa chính xác.
      Đó là thời Nguyễn chưa người VN.
      nào biết rõ về thế giới quanh minh.
      May ra chỉ biết Pháp song khổ nổi
      lại là nước chiếm nước ta !
      Kiến thức tổng quát vê điạ lý-chính
      trị toàn cầu còn rất hạn chế.

      Xóa
  5. Hội thảo vào mùa hè nóng bức mà không bị"mất điện"thì may quá hè.Hay là nhờ cái băng màu đỏ nằm đè lên trên cái phông nội dung chương trình hội thảo đấy thưa TS

    Trả lờiXóa