Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Kỳ Duyên: THƯƠNG NHỚ NHỮNG NGƯỜI VỪA RỜI BỎ THẾ GIAN

 
Có những 'giá trị Người' đã rời bỏ thế gian…

Kỳ Duyên
04.07.2015
Họ- từ nhà ngoại giao giỏi giang, đến vị GS âm nhạc uyên bác và các nhạc sĩ tài năng, vẫn sống trong tâm khảm người đời, kể cả khi họ đã như chiếc lá xa cành. Những con người như họ, tự nhiên nhi nhiên, đã tạo nên những "giá trị Người" tử tế giữa nhân gian.

Nếu như chính trị nói chung (ngoại giao nói riêng), và văn hóa, là hai mặt cốt yếu làm nên sức mạnh, sức sống một dân tộc, thì trong tuần này, có 04 con người, với tài năng, nhân cách của mình, tạo nên những “giá trị Người” riêng biệt, góp phần làm đẹp thêm sức sống và bản sắc văn hóa dân tộc, đã lần lượt theo nhau về gặp tiên tổ, để lại trong lòng XH những xót đau, thương tiếc. Cũng ngẫu nhiên, có hai người họ Trần và hai người họ Phan.

Hai người họ Trần là ông Trần Quang Cơ, cựu Thứ trưởng Ngoại giao, GS nghiên cứu âm nhạc dân tộc Trần Văn Khê. Hai người họ Phan là nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu và nhạc sĩ Phan Nhân.

Tất cả họ đều đã ở tuổi trời cho “xưa nay hiếm” nhưng trí tuệ và tâm hồn họ thật trẻ trung, với đất nước, giống nòi.

“Biết người là trí, biết mình là sáng”

Xin được mượn câu của Lão Tử để nói về ông, cố Thứ trưởng Ngoại giao Trần Quang Cơ.

Ông là người Nam Định. Đất Nam Định vốn là đất học, có nhiều người thông minh học rộng, tài cao. Nếu như định mệnh đã đặt vào ông số phận của một người làm chính trị, với nghề ngoại giao suốt một đời (44 năm công tác- từ 1954 đến 1997), vừa khắc nghiệt, vừa đầy thử thách đòi hỏi sự sáng suốt, tỉnh táo, bản lĩnh biết tiến biết lui, thì ông quả đã làm giỏi định phận ấy.

Nước Việt với vị trí địa- chính trị đặc biệt, từ lịch sử quá khứ cho đến thời hiện tại, gần như chưa bao giờ được bình yên trước tham vọng và lợi ích ích kỷ của không ít nước lớn láng giềng. Ngoại giao vì thế mang chức phận nặng nề, như giải một bài toán hiểm hóc. Nước Việt sẽ phải đi thế nào đây trên hành trình với nhân loại, xen lẫn bạn và thù, văn minh và dã tâm, để bảo vệ chủ quyền, độc lập tự do, bảo vệ lợi ích dân tộc trên hết?

Như một công chức- quan chức mẫn cán, cuộc đời ông có rất nhiều rẽ ngoặt, nhưng đều không xa rời nhiệm vụ ngoại giao. Tất cả những cung bậc đó tạo nên ở ông phẩm chất một nhà ngoại giao có hạng- hiểu biết sâu sắc, có tầm nghĩ chiến lược và lịch lãm.

Thứ trưởng Trần Quang Cơ đón chuyên gia Liên Xô tới thăm, làm việc tại Cục Tuyên truyền đặc biệt (tháng 3-1987). Ảnh tư liệu: QĐND/ VOV

Theo các chuyên gia ngoại giao kỳ cựu về lĩnh vực này, thì ông là một trong số rất ít cán bộ ngoại giao đóng vai trò nòng cốt và có mặt trên tuyến đầu của cả ba “trận chiến” quan trọng nhất của ngành những năm 60 – 80 thế kỷ XX.

Đó là việc tham gia vào cuộc đấu trí, đấu lý tại Hội nghị Paris suốt 06 năm trời (1968- 1973), góp phần vào thắng lợi của đoàn VNDCCH, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở VN, buộc Mỹ rút quân về nước.

Đó là cuộc đấu tranh ngoại giao hết sức cam go, phức tạp kéo dài hơn một thập kỷ (12 năm) nhằm đẩy lùi những hành động chống phá và bao vây, cô lập VN trong những năm 80, thông qua các cuộc thương lượng giải quyết chiến tranh tại Campuchia.

Đó là việc tham gia vào những hoạt động ngoại giao, mở cửa với thế giới bên ngoài, với các nước lớn Trung Quốc- Liên xô- Mỹ, khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới, nhất là việc bình thường hóa quan hệ với Mỹ.

Ngoại giao cũng giống như văn hóa- là mưa dầm thấm lâu, nhưng trong những quan hệ đặc biệt, từng có những tổn thương sâu sắc, thì còn rất cần những bàn tay.. ..khéo vá hơn lành vụng may.
Nếu như năm 2015 này, VN và Mỹ kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ- từ cựu thù thành bè bạn, và chuyến đi thăm nước Mỹ của ông Tổng bí thư Đảng CSVN sắp tới đây vào đúng tháng 07, thì thực ra, sự bình thường hóa đó đã được những bàn tay và trí tuệ khôn khéo của những nhà ngoại giao, những người thợ khéo vá như ông cần mẫn từng đường kim mũi chỉ. Nhưng sự khéo vá ấy cũng còn phụ thuộc vào tầm nhìn chiến lược, vào cơ duyên biết nắm bắt cơ hội của đất nước.

Không phải không có lý khi ông, một chuyên gia cao cấp về Mỹ đã nuối tiếc, rằng những việc cần thiết làm với Mỹ, trên thực tế chúng ta đã “chậm trễ tới cả 10 năm”. Mà theo ông Đinh Hoàng Thắng, nguyên Đại sứ VN tài Hà Lan, thì đó là một cái nhìn rất tỉnh táo.

Bởi theo ông “một nước nhỏ hay trung bình như VN thì càng nhiều bạn càng tốt. Tôi thấy điều có thể làm khác là phải đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế sớm hơn. Trước Đại hội Đổi mới (năm 1986), VN đã quá phụ thuộc vào ý thức hệ mà không đa phương hóa được quan hệ” (Tuần Việt Nam, ngày 01/7).

Còn không phải không có lý khi rất nhiều bè bạn, chiến hữu và cả những quan chức có trách nhiệm …nuối tiếc ông, khi ông từ chối không nhận chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao thay thế vị bộ trưởng trước đó nghỉ hưu “bất thường”, giữa lúc bàn cờ ngoại giao cực kỳ phức tạp. Và rồi tiếp đến cuối năm 1993, ông cũng tự xin rút khỏi cương vị một UVTƯ Đảng.

Biết người là trí, biết mình là sáng. Ông là người rất tự trọng, có liêm sỉ. Lại có đủ trí và có đủ sáng. Để hiểu sâu sắc thời cuộc. Hiểu khi nào mình đến. Và hiểu cả lúc cần đi.

Dù vậy, người viết bài này và số đông người dân yêu mến, kính trọng ông, một quan chức có tâm có tầm, có nhân cách trong sáng, vẫn tin rằng, ngay cả khi đi- trở về đời sống dân thường- và đi- trở về với tiên tổ, ông vẫn dẫu lìa ngó ý còn vương tơ lòng với thời cuộc, với đất nước mà ông sinh ra, can trường nhưng còn lắm khổ đau. Điều này càng thấm thía trong tự sự của ông- nỗi đau về “tham ô tặc”, và về vận nước trước dã tâm láng giềng phương Bắc với Biển Đông (Tuần Việt Nam, ngày 02/7)

“Đừng chết trước lúc lìa đời"

Hiệu Minh, cựu chuyên gia của WB đã có một nhận xét chí lý khi cho rằng, nếu Thứ trưởng Trần Quang Cơ là một nhà ngoại giao chuyên nghiệp, thì GS Trần Văn Khê, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng, là một nhà… ngoại giao nhân dân. Cả hai ông, bằng tài năng, trí tuệ của mình đã gắng kết nối VN với thế giới theo những con đường rất riêng.

GS Trần Văn Khê. Ảnh: VietNamNet

Quê tại Tiền Giang, GS Trần Văn Khê là một con người có số phận hiếm có. Sinh trưởng trong một gia đình có 04 đời làm nhạc sĩ, họ hàng, người thân ruột thịt của ông đều là những nghệ nhân âm nhạc cổ truyền nổi tiếng. Tuổi thơ ông sống trong thanh âm của những tiếng tơ đồng, của đàn kìm, đàn cò, đàn tranh.., của những bản nhạc dân tộc cổ truyền mà bất cứ người dân Nam bộ nào cũng rưng rưng khi xênh phách cất nhịp, như Lưu thủy, Kim tiền, Long hổ hội..

Có lẽ sự thành danh của ông được đánh dấu bằng rẽ ngoặt bất ngờ, khi năm 1949, ông du học Pháp. Cho dù trước đó ông học… y khoa, nhưng tiếng gọi của tiếng tơ đồng vẫn mạnh hơn tiếng lanh canh dao kéo. Và cứ thế, con đường nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc ở Kinh đô Ánh sáng, cuối cùng lại là con đường cho ông rộng thênh thang ta bước.

Để từ đây, dần dà, khi đã thành danh, ông nối văn hóa nước Việt của mình với thế giới văn minh, thông qua sự giảng dạy, nghiên cứu âm nhạc ở Pháp, ở hơn 20 đại học các nước, tham gia hàng trăm hội thảo khoa học, diễn thuyết, nói chuyện về âm nhạc, quảng bá, truyền bá âm nhạc, văn hóa VN ở gần 70 nước trên thế giới.

Và bề dày sự nghiệp nghiên cứu văn hóa, âm nhạc dân tộc của ông cũng thật đồ sộ, hiếm có. Nếu biết rằng ông là tiến sĩ ngành âm nhạc học người VN đầu tiên tại Pháp, với luận văn Âm nhạc truyền thống VN, rồi từng là GS tại ĐH Sorbonne của quốc gia này. Ông còn là thành viên danh dự Hội đồng Âm nhạc Quốc tế- UNESCO; thành viên của Viện Khoa học Pháp, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm châu Âu về Khoa học, Văn chương và Nghệ thuật; cũng như nhiều hội nghiên cứu âm nhạc quốc tế khác; rồi Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện quốc tế nghiên cứu âm nhạc bằng phương pháp đối chiếu của Đức (theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia)

Khác với số phận như cánh chim trời của GS Trần Văn Khê, nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu, nhạc sĩ Phan Nhân, trước khi trở thành những nhạc sĩ nổi tiếng, để lại cho đời những ca khúc lay động lòng người và sống mãi với thời gian, cả hai đều là những người lính cụ Hồ- “trai thời loạn”- như biết bao người trẻ tuổi thời đó.

Và có lẽ, chính số phận người lính luôn gắn liền với số phận dân tộc, ở một thời cuộc mà độc lập tự do đất nước phải trả bằng xương máu, đã khiến cho những gieo neo sinh tử họ đã trải qua trở thành vốn sống, thành hồi ức, thành nguồn hứng cảm, để đi tới một con đường duy nhất trong âm nhạc- Tình yêu. Tình yêu con người, tình yêu xứ sở- dư âm của những cung bậc con tim, những tâm hồn nghệ sĩ trong sáng đầy rung cảm.

Nhưng cái riêng nơi tâm hồn họ, cá tính họ lại khiến cho những tác phẩm của họ trở nên có bản sắc, trẻ trung rất khác nhau.

Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu. Ảnh: VietNamNet

Một Phan Huỳnh Điểu được coi là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của nền âm nhạc đương đại VN với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của âm nhạc VN trong thế kỉ XX . Ông được mệnh danh là "Con chim vàng của nền âm nhạc VN". (VOV.VN, ngày 01/7). Mở đầu bằng ca khúc Trầu cau, năm 1940, để rồi suốt cuộc đời sáng tác, con chim vàng ấy đã ... trò chuyện với thời cuộc bằng những ca khúc tình ca đầy trau chuốt, đầy chất trữ tình. Đến nỗi người viết bài này đã từng tự hỏi, vì sao một người nhạc sĩ mái tóc đã phơi sương, mà lại có con tim trẻ trung, thanh xuân đến thế.

Ở đó, đặc sắc nhất trong những tác phẩm hài hòa riêng chung, da diết tình yêu đôi lứa chính, là những ca khúc phổ nhạc từ những bài thơ của nhân gian, của các nhà thơ tên tuổi, thậm chí có cả những nhà thơ chưa kịp thành danh. Một Thuyền và Biển, một Thơ tình cuối mùa thu của nữ sĩ Xuân Quỳnh, một Ở hai đầu nỗi nhớ cuả nhà báo Trần Hòai Thu…, khi đó còn là một chàng trai trẻ, đau nỗi đau chia lìa của tình yêu.

Tất cả những tứ thơ yêu thương, đau khổ, hạnh phúc hay khắc khoải của con người trở nên long lanh, ngọc ngà dưới những nốt nhạc tài hoa nơi ông. Đến nỗi có báo đã gọi ông là nhạc sĩ của tình nhạc- duyên thơ (Người lao động, ngày 30/6)

Nghệ sĩ Ánh Tuyết viếng lễ tang nhạc sĩ Phan Huỳnh Điều, Phan Nhân. Ảnh: Thanh Niên

Ở một cung bậc khác, là một Phan Nhân- khối lượng các tác phẩm sáng tác có thể không dầy dặn bằng Phan Huỳnh Điểu, nhưng ông vẫn là một trong những cây cổ thụ của nền âm nhạc VN, với vẻ đặc sắc riêng, trẻ trung riêng, hào sảng riêng không trộn lẫn. Người Hà Nội hẳn chưa bao giờ quên ca khúc “đỉnh cao” trong hàng loạt những tác phẩm như Tình ca đất nước, Cây đàn ghi-ta của Victor Hara, Nhớ về Pắc Bó, Xa Hà Nội… của ông.

Đó là Hà Nội niềm tin và hy vọng- ca khúc được sinh nở vào những năm tháng đất nước nói chung, HN nói riêng đang trong giông bão chiến tranh. Ở chính nơi thử thách khốc liệt nhất giữa cái sống cái chết, mới thấy vẻ đẹp tuyệt vời của một HN trong thử lửa can trường mà vẫn không mất đi sự phong nhã cần có, đã hiện ra như một tượng đài bất tử, qua ca khúc của Phan Nhân.

Những ca khúc đó của họ, của Phan Nhân, Phan Huỳnh Điểu vẫn sống mãi với thời gian. Cho dù âm nhạc của đất nước hôm nay đã mang một diện mạo mới, không biết nên buồn hay vui, khi nó thời thượng hơn, và cũng đậm sắc màu… thị trường hơn.

Dù thế, thì sự ra đi của tất cả họ, những nhạc sĩ tài danh lại kéo lòng người Việt… trở về, cùng hoài niệm về một thời cuộc đất nước đầy ấm lạnh, mưa nắng của lịch sử.

Giống như một Trần Văn Khê, dù có đi tận chân trời góc biển, vẫn lại quay về sau nửa đời lãng đãng xứ người, tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy âm nhạc dân tộc trên mảnh đất VN, hiến tặng tới 420 kiện hiện vật quý là những loại nhạc cụ dân tộc và tài liệu âm nhạc cho đương thời và hậu thế.

Người viết bài chợt nhớ tới cố nghệ sĩ chèo Tào Mạt với những tác phẩm chèo nổi tiếng, trong đó Bài ca giữ nước được tôn vinh là “bài ca giữ chèo”. Có cảm giác từng đường gân thớ thịt của người nghệ sĩ độc đáo này được cấu tạo nên bởi những làn điệu chèo Bắc bộ lúng liếng, long lanh. Và nay, với cố GS Trần Văn Khê, có cảm giác từng mạch máu, đường gân thớ thịt của ông cũng được cấu tạo bởi những làn điệu dân ca âm nhạc cổ truyền cả ba miền. Bởi nếu không, làm sao tâm hồn ông đắm đuối đến vậy với những xênh, phách, hồ sê líu hồ líu sê sàng, với hò mái nhì, mái đẩy, vớiquan họ liền chị liền anh, với những tiếng tơ đồng nuột nà ngân nga…

Sinh thời, khi còn sống, nhạc sĩ Phan Nhân từng nhắc đến câu thơ của một nhà thơ Nga mà ông ưa thích “đừng chết trước lúc lìa đời". Để nói về ý nghĩa sâu sắc của đời người.

Nhưng thực ra- họ- từ nhà ngoại giao giỏi giang, đến vị GS âm nhạc uyên bác và các nhạc sĩ tài năng, họ lại vẫn sống trong tâm khảm người đời, kể cả khi đã như chiếc lá xa cành. Những con người như họ, tự nhiên nhi nhiên, đã tạo nên những "giá trị Người" tử tế giữa nhân gian.

Họ rời bỏ thế gian này, giữa muôn vàn xót xa thương tiếc của người ở lại, nhưng thực ra họ đã ra đi một cách rất… hạnh phúc.

Và bài viết này như một nén tâm nhang thành kính thắp cho họ- những con người đã tạo nên “giá trị Người”- dẫu cho họ đã rời bỏ thế gian…

2 nhận xét :

  1. Tôi nhớ Thomas Edison từng nói : thiên tài chỉ có 5 % thiên bẩm , còn 95 % tập luyện . Ở đâu thì qui luật này cũng đúng . Thời gian tập luyện có thể ngắn hay dài .
    Tài năng của các nhân tài không chỉ phục vụ nhất thời, nhưng các đời sau cũng phải học hỏi và áp dụng .
    Tài năng của cụ GSTS Trần Văn Khê, của cựu Thứ Trưởng NG Trần Quang Cơ và những bậc hiền tài khác không phải sống để đời chết mang theo . Các ngài qua đi nhưng tài năng không chết, chỉ có các thế hệ sau, nhất là NCQ , không biết khai thác, học hỏi và tạo điều kiện cho các thế hệ học hỏi noi theo , mới làm cho nó bị lãng quên .

    Trả lờiXóa
  2. Anh muốn ca ngượi nhau bao nhiêu là sáng suốt, tài tình, bản lĩnh, kiên định.. gì gì cũng chăng có nghĩa gì, nếu những giá trị để lại không trường tồn cùng văn hóa dân tộc, kg lan tỏa và được chấp nhận trong cộng đồng nhân loại.

    Trả lờiXóa