Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

"HỎI LÀ QUYỀN CỦA MÀY, TRẢ LỜI LÀ QUYỀN CỦA TAO"

Khoa học về quyền im lặng
– “Hỏi là quyền của mày, trả lời là quyền của tao“

TS Nguyễn Sỹ Phương, CHLB Đức
18-06-2015

Trong tác phẩm “Bất khuất“ (đã được đưa vào chương trình phổ thông), khi bị tra tấn nhục hình dùng tới cả bóng điện công suất lớn dí vào gáy để buộc phải khai, tác giả Nguyễn Đức Thuận trả lời: “Hỏi là quyền của mày, trả lời là quyền của tao“. Đó chính là “Quyền im lặng“ phổ quát ngày nay trên thế giới. 
 
 
Dự luật trên đang được các phiên họp Quốc hội thảo luận, tranh cãi sôi nổi, truyền thông cập nhật, người dân hết sức quan tâm, dõi theo, kỳ vọng những người đại diện pháp lý cho mình, luôn thực sự thấu hiểu nguyện vọng, lợi ích mình như hiến định. Vậy lấy gì làm căn cứ, thước đo đánh giá đúng sai cho tranh cãi Quyền im lặng đó?

*Luật hoá Quyền im lặng – “muốn“ hay “phải“?

Ở Mỹ, Quyền im lặng được hiến định trực tiếp tại điều 5 Tu chính Hiến pháp, “trong tố tụng hình sự, không được phép buộc bất cứ ai phải khai báo tự chống lại mình“. Ở họ một khi đã hiến định thì cơ quan công quyền bị chế tài phải thực hiện, miễn bàn. Ở các nước EU, Quy phạm 2012/13/EU quy định, nước nào chưa áp dụng đều phải luật hoá quyền im lặng trước ngày 02.06.2014. Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị ICCPR ban hành ngày 16.12.1966 ghi nhận quyền cơ bản bao hàm quyền im lặng. Những nước ký nó, nếu tôn trọng chữ ký của mình đều phải luật hoá. Còn nước ta, quyền im lặng được ẩn chưá trong Hiến Pháp, tại chương Toà án, và đã tham gia ký Công ước ICCPR. Như vậy thước đo để đo lường xem nước ta luật hoá quyền im lặng đúng hay sai là do hiến pháp lẫn công ước quốc tế đã ký, cũng như do đòi hỏi hội nhập thế giới, chứ không phải muốn hay không.Vì vậy cho rằng áp dụng quyền im lặng “là máy móc, bắt chước nước ngoài”, hay “các cơ quan nêu ra quyền im lặng là rất vô lý, không thể chấp nhận được“ như một số Đại biểu Quốc hội chỉ có thể coi như quan điểm nhận thức riêng cá nhân, không thay thế được thước đo đã nêu.

* Ngoại diên khái niệm Quyền im lặng

Thuộc phạm trù hình sự, nên Quyền im lặng được hầu hết các nước hiến định hoặc ẩn định (suy ra) tại chương Toà án, không để ở chương “Quyền cơ bản“, cụ thể hoá bằng luật hình sự. Chính vì vậy Quyền im lặng người ta không gọi là quyền cơ bản vốn áp dụng cho tất cả mọi con người, mà gọi là „Quyền tương tự quyền cơ bản“ theo nghĩa cũng là quyền cơ bản nhưng chỉ giới hạn áp dụng cho những người diện tố tụng hình sự. Và do chỉ giới hạn và áp dụng trong phạm trù hình sự, nên quan niệm cho rằng thừa nhận quyền im lặng “là diễn biến hòa bình, chống lại nhân dân“ vốn thuộc phạm trù “Chính trị“ liên quan đến số phận dân tộc, vận mệnh quốc gia, như Đại biểu Quốc hội Đỗ Văn Đương phát biểu không chỉ sai căn cứ khoa học mà còn nhầm lẫn 2 phạm trù chính trị và hình sự, tức chính trị hoá hình sự và hình sự hoá chính trị. Cũng do nhầm lẫn đó, Đại biểu Đỗ Văn Đương đã vô hình trung phát biểu sai hiến pháp về quyền bình đẳng của con người, khi tách “130.000 đối tượng hình sự“ ra khỏi “90 triệu dân“, để phân biệt đối xử “với thiểu số người có hành vi nguy hiểm chống lại sự bình yên thì không được dung túng (áp dụng quyền im lặng)“. Trong khi đó, nguyên lý bất di bất dịch của một nhà nước dân chủ là “những người bị bắt, bị giam giữ, bị can, bị cáo, người bị buộc tội cũng là con người“; “phải đảm bảo quyền con người, quyền công dân cho họ… được Hiến pháp quy định“ (đúng như phát biểu của Viện trưởng Viện Kiểm sát Nguyễn Hoà Bình). Sự nhầm lẫn 2 phạm trù đó có thể thấy tại hại khủng khiếp cỡ nào nếu xảy ra trên thực tế ở tầm quốc gia, mà lịch sử thế giới đã trải qua, khi năm 1929, Hitler chủ trương, “nước Đức mỗi năm cần đẻ ra 1 triệu trẻ em để thay thế chừng 700.000 đến 800.000 người Đức yếu kém phải giết đi (hình sự), có thế mới đạt tới kết qủa xây dựng được dân tộc Đức thượng đẳng nhảy vọt (chính trị )“. Hậu qủa, hơn 2/3 triệu người Đức vướng tội hình sự, thiểu năng, tàn tật, đồng tính luyến ái, không được thừa nhận là “NGƯỜI“ bị giết bằng hơi ngạt; những người cộng sản mới chỉ phản đối, chưa hành động gì, đều bị truy bức, giam cầm, hãm hại, tiêu diệt, với cáo buộc phạm tội “chống nhân dân“, lật đổ chế độ (phát xít), chưa kể cướp đi tính mạng 6 triệu người Do Thái và Zigeune do khác nòi giống họ.

*Nội hàm quyền im lặng

Quyền im lặng phải có ít nhất 3 dấu hiệu: 1- Được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến; 2- Không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình; 3- Không buộc phải nhận mình có tội. Dự Luật ở ta đã chứa đựng 3 dấu hiệu đó. Dấu hiệu 2 và 3, cho thấy “im lặng“ không đồng nghĩa “im mồm“ như Đại biểu Đỗ Văn Đương “gán“ mà chỉ không trả lời đối với các cáo buộc. Còn lại đương sự vẫn phải có trách nhiệm khai đầy đủ mọi thông tin liên quan tới nhân thân, họ tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, tình trạng hôn nhân, nghề nghiệp điạ chỉ, bởi phải xác định nhân thân có đúng bị can bị cáo hay không. Không chỉ phải khai nhân thân mà con phải chấp nhận hành động, chụp ảnh, lấy vân tay, nếu từ chối sẽ áp dụng các biện pháp điều tra và buộc thêm tội vi phạm quy định hành chính (như tại Điều §81b, § 81a, §81e ff Luật tố tụng hình sự StPO Đức).

*Lợi và hại khi áp dụng quyền im lặng

Mọi chính sách đều chỉ là phương án lựa chọn theo 2 dấu hiệu đo lường: khoa học và lợi ích. Thế giới chọn Quyền im lặng bởi được khoa học hình sự thừa nhận, và mang lại quyền bình đẳng cho dân họ khi bị rơi vào tình huống “quan sự“. Tuy nhiên đối lại, có thể “làm bó tay các cơ quan tố tụng“, “khó khăn cho hoạt động điều tra”, hay “tốn kém rườm rà“ như ý kiến một số Đại biểu Quốc hội, nếu các cơ quan đó do động cơ, nhận thức, nghiệp vụ hành xử non kém trong khuôn khổ phải bảo đảm quyền con người cho đương sự không thể tác nghiệp được. Trong khi đó, những nước đi trước áp dụng quyền im lặng xưa nay chưa hề thấy công trình nghiên cứu nào khẳng định vì áp dụng quyền im lặng mà họ bị xếp hạng thế giới điều tra tố tụng kém trước đó, hay hiện nay thua kém ta! Vậy để tránh lo ngại trên, nguyên lý toán tập hợp chỉ cho phép chọn 1 trong 2 khả năng, hoặc phải từ chối luật hoá quyền im lặng để tiếp tục sử dụng độ đội ngũ bộ máy tố tụng hình sự chất lượng không thể thích ứng để bảo đảm quyền im lặng như hiện nay, hoặc phải cải cách, đào tạo, nâng cao chất lượng đội ngũ đó.

*Hành lang pháp lý để thực thi quyền im lặng

Mọi chính sách không phải cứ khoa học, có lợi, là thành công. Trong thời đại dân chủ pháp quyền nó tùy thuộc thể chế, tức có tạo được hành lang pháp lý cho nó xảy ra hay không.

Nếu bảo đảm quyền cơ bản là mục đích, trách nhiệm của mọi hoạt động nhà nước bị hiến pháp và luật chế tài, thì đối với quyền im lặng cũng vậy phải chế tài được mọi cơ quan liên quan tới tố tụng hình sự, bằng chuẩn mực quy tắc xử sự: – Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan tố tụng, chứ không phải bị cáo. – Lời khai của bị can bị cáo chỉ được sử dụng là chứng cứ trước tòa nếu phù hợp với những chứng cứ khác, và không được sử dụng nếu là chứng cứ duy nhất. – Đảm bảo quyền được bào chữa, quyền tiếp cận hồ sơ, đọc và ghi chép tài liệu. – Đảm bảo luật sư tham gia quá trình tố tụng từ khi bắt giữ. – Luật sư và bị can bị cáo có quyền thu thập chứng cứ. – Trách nhiệm thông báo của cơ quan điều tra tố tụng (như ở Đức, Điều 136, 136 a, 163 đoạn 4 Câu 2, Luật tố tụng StPO quy định, trước khi lấy lời khai phải thông báo cho họ được hoàn toàn tự do chọn khai báo hoặc không đối với cáo buộc. Hay Điều 243, đoạn 4, câu 1 Luật StP0 quy định, “khi mở đầu phiên toà phải thông báo cho bị cáo quyền im lặng, dù trước đó họ đã được cảnh sát hay Viện kiểm sát thông báo“). – Nếu người hành xử vi phạm các quy định trên, các bằng chứng đưa ra từ lời khai của nghi can, bị cấm sử dụng làm bằng chứng xét xử, (như ở Thụy Sỹ, Điều 158, đoạn 2, và Điều 141, đoạn 1 Luật StPO quy định, nếu nội dung các Điều khoản như trên bi vi phạm, mọi khai báo hoàn toàn không được phép sử dụng). – Bất kỳ hành xử nào vi phạm các quy định trên đều phải chế tài, áp dụng luật hình sự; dưạ trên nguyên tắc: không thể để những người bảo vệ công lý ngồi trên công lý, không thể lấy “cái ác“ thậm chí còn ác hơn để chống lại cái ác, đồng nghĩa với “ác hoá“, tức kết cục cái ác sẽ tăng lũy tiến từ người dân tới cơ quan công quyền.

*Tham khảo án quyết ở Đức

– Năm 2002, một sinh viên luật ở Đức, bắt cóc con trai 11 tuổi của một chủ nhà băng, đòi tiền chuộc. Khi bắt được nghi can, để kịp cứu nạn nhân, viên phó giám đốc cảnh sát thành phố Frankfurt, lệnh cho thuộc quyền dùng võ thể dục và đe doạ tra tấn buộc nghi can phải khai báo. Toà án đã loại bỏ toàn bộ hồ sơ khai báo đó. Năm 2003, thủ phạm bị toà phạt tù chung thân, tội bắt cóc giết người, nhờ giám định gen tại hiện trường. Một phiên toà khác đã tuyên phạt tiền và tù treo phó giám đốc và cảnh sát hành xử can tội đe doạ tra tấn, bị cấm theo bộ luật hình sự. Năm sau, toà án tiểu bang Hessen tiếp tục xử phúc thẩm đơn của phạm nhân kiện Chính phủ tiểu bang đòi bồi thường tiền “đau đớn tinh thần”. Toà viện đến Hiến pháp Đức, “Nhân phẩm là bất khả xâm phạm đối với bất kỳ ai”, nghĩa là kể cả với tên giết người, và trong bất cứ tình huống nào, phải tuân thủ” phán Chính phủ phải bồi thường thiệt hại 3.000 euro cho phạm nhân.

– Sau sự kiện khủng bố đánh sập Toà tháp đôi ở Mỹ, Quốc hội Đức thông qua luật cho phép bắn hạ máy bay chở khách bị khủng bố cướp, đã bị Toà bảo hiến bác bỏ với lý do không thể lấy tính mạng người này thay cho người khác được.

– Gần nhất, vụ Giáo sư bác sỹ ghép tạng Aiman O, giám đốc một viện cấy ghép Đức, bị truy tố trước toà Göttingen kéo dài từ hơn năm rưỡi nay, với cáo buộc vi phạm quy định của Ủy ban các bác sỹ cấm ghép tạng cho người nghiện rượu chưa cai trước 6 tháng, người bệnh ung thư giai đoạn di căn, mà cứ ghép, làm 14 người khác lẽ ra phải được ưu tiên cứu sống lại bị thiệt mạng. Tại phiên xử kết thúc tháng trước, Chánh án bác bỏ cáo buộc, với lý do, quy định trên vi phạm quyền hiến định “trị giá mạng sống mọi người như nhau“, sống chỉ 1 ngày, thậm chí 1 giây vẫn là người.

*Bài được rút gọn đăng trên Thời báo Kinh tế Sài gòn với tựa đề “Khi im lặng là quyền“.
 
Nguồn: BaSam


Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét