Thứ Tư, 17 tháng 6, 2015

CÓ NÊN ĐẶT TÊN ĐƯỜNG MẠC ĐĂNG DUNG (MẠC THÁI TỔ) LÚC NÀY?

Tranh cãi có nên đặt tên đường Mạc Thái Tổ, 
Mạc Thái Tông ở Hà Nội

Sơn Tùng - Phạm Mỹ

Việc Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) “dâng đất” cho nhà Minh (Trung Quốc) và việc Mạc Thái Tổ tự trói tay, quỳ gối trước phương Bắc được ghi lại trong sử sách là điều đang gây nhiều tranh cãi.

Một đoạn thành nhà Mạc còn sót lại 

Vừa qua, UBND Hà Nội ra tờ trình dự thảo về việc đặt tên và điều chỉnh độ dài một số đường phố trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2015. Trong đó, thành phố muốn đặt tên cho hai tuyến phố mới là Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông ở quận Cầu Giấy. Điều này lập tức nằm trong tâm điểm của các cuộc tranh luận bàn công - tội trong lịch sử của nhà Mạc.
Đa phần các học giả đều đồng tình cho rằng quan điểm đánh giá nhà Mạc là “ngụy triều” (chủ yếu do các sử quan nhà Lê đánh giá) là không xác đáng. Bởi, việc lật nhà Lê suy tàn lập lên vương triều mới, tái thiết đất nước là quy luật tất yếu của lịch sử.

Tuy nhiên, việc Mạc Đăng Dung (Mạc Thái Tổ) “dâng đất” cho nhà Minh (Trung Quốc) và việc Mạc Thái Tổ tự trói tay, quỳ gối trước phương Bắc được ghi lại trong sử sách là điều đang gây nhiều tranh cãi.

Để độc giả hiểu hơn vấn đề, Thể thao & Văn hóa (TTXVN) có tìm hiểu quan điểm của các học giả sử học đầu ngành về tranh cãi lịch sử trên.

“Nhà Mạc không thực sự đầu hàng!”

Về vấn đề “đầu hàng”, “dâng đất” của nhà Mạc, các học giả, nhà nghiên cứu: Ngô Đăng Lợi, Lê Văn Lan, Nguyễn Danh Phiệt, Phan Huy Lê, Dương Trung Quốc, Phan Văn Các, Hoàng Lê, Phan Đăng Nhật… đều thống nhất quan điểm: Nhà Mạc thực sự không đầu hàng, Mạc Đăng Dung không hề mắc tội phản quốc.

Trong một buổi hội thảo về nhà Mạc, cố GS Trần Quốc Vượng đã từng phân tích rất rõ về hành động “trói tay đầu hàng” trước nhà Minh của Mạc Đăng Dung: “Hành động “đầu hàng” của nhà Mạc do Minh sử chép là một sự phóng đại để khoe khoang. Hành động của vua Mạc chẳng qua là một hành động “tượng trưng”, một sự “nhún mình” (cũng có thể nói là hơi quá đáng) của một nước nhỏ đối với nước lớn trong điều kiện tương quan chính trị ngày xưa.

Việc ông già Mạc Đăng Dung đã gánh nhục cho con, cho cháu và cho cả nước mà bị mang tiếng mãi e chừng không ổn. Tất cả ứng xử của Mạc với Minh cũng chỉ nằm trong một chiến lược ngoại giao thường xuyên của nước Việt nhỏ nước Hoa lớn: “thuần phục giả vờ, độc lập thực sự”.

Cùng quan điểm với cố GS Trần Quốc Vượng, PGS-TS Nguyễn Minh Tường cũng nhận xét: “Với hành động chịu nhẫn nhục của mình, Mạc Đăng Dung không chỉ tạo cho các tướng Cừu Loan, Mao Bá Ôn (tướng nhà Minh - PV) cái cớ để rút quân mà còn làm nguội đi cái đầu bốc lửa của vị hoàng đế Trung Hoa lúc nào cũng sẵn sàng cử binh sát phạt các nước chư hầu”.

Còn về việc “dâng đất” nhà Minh, chính sử nhà Minh có viết: “Họ Mạc nộp toàn đất khống (có địa danh mà không có thực) hoặc là đất nhà Minh từ trước rồi, mà tương kế tựu kế đem nộp. Các quan nhà Minh không hay cứ yên trí đem dâng đất về kinh sư. Khi đi kiểm tra để thu hồi mới hay sự thật là họ Mạc nộp vờ”.

Cần xem xét tính thời điểm

Công văn số 66/ VSH-QLKH về thân thế, sự nghiệp của Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông, Viện Sử học nêu rõ: Trong gần 3 thập kỷ qua, giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam đã khẳng định những đóng góp to lớn của nhà Mạc, đặc biệt là 2 vị vua đầu triều Mạc với lịch sử dân tộc.

"Sau khi nghiên cứu tài liệu, Viện Sử học nhận thấy với việc thành phố Hà Nội đặt tên Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông cho đường phố mới ở Hà Nội là một việc làm đúng đắn nhằm giáo dục truyền thống và ghi nhớ công lao của tiền nhân" - công văn khẳng định.

Song, cũng có những ý kiến cho rằng, việc tôn vinh Mạc Thái Tổ, người đã từng quỳ gối, dâng đất (dù tượng trưng) cho ngoại bang vào lúc này là không đúng thời điểm.

Cụ thể, năm 2014, Hà Nội đã từng đề xuất đặt tên đường phố Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông nhưng đại biểu Quốc hội - nhà sử học Dương Trung Quốc đã gửi thư tới lãnh đạo Hà Nội phản đối đề xuất này. Theo ông Dương Trung Quốc, việc đặt tên đường phố Hà Nội mang tên hai nhân vật này là chưa thích hợp. Sau đó, UBND TP Hà Nội đã rút tờ trình để củng cố tư liệu.

Năm 2015, Sở VH,TT&DL Hà Nội tiếp tục tham mưu thành phố đặt tên đường Mạc Thái Tổ và Mạc Thái Tông lần 2. Lần này, nhà sử học Dương Trung Quốc chỉ đồng tình đặt tên đường Mạc Thái Tông. 

Quan điểm của nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là quan điểm của nhiều học giả, nhà khoa học. Theo đó, việc chỉ đặt tên đường Mạc Thái Tông là dấu mốc ghi nhận tính chính thống và những đóng góp của vương triều Mạc với đất nước. Còn với đề xuất đặt tên đường Mạc Thái Tổ, do tư liệu về ông vẫn còn nhiều “khoảng mờ” lịch sử cùng với bối cảnh chính trị, xã hội hiện tại chưa thích hợp nên tạm gác việc đặt tên phố Mạc Thải Tổ lại.


Trao đổi với Thể thao & Văn hóa, ông Trương Minh Tiến, PGĐ Sở VH,TT&DL Hà Nội cho biết: Sau khi Sở tham mưu, UBND Hà Nội đã trình HĐND Thành phố về việc đặt tên đường Mạc Thái Tổ, Mạc Thái Tông. HĐND Thành phố đang lắng nghe ý kiến từ người dân và chuyên gia để ra quyết định cuối cùng.
Nhiều tỉnh có tên đường Mạc Đăng Dung, Mạc Đăng Doanh
Hiện nay, tại Quảng Ngãi, An Giang, Quảng Bình, Thanh Hóa, Hải Phòng, Gia Lai, Quảng Ninh, TP.HCM đã có tên đường phố Mạc Đăng Dung.
Thành phố Hải Phòng, Đồng Nai đã có tên đường phố Mạc Đăng Doanh. 
Theo Sơn Tùng - Phạm Mỹ


3 nhận xét :

  1. Thế thì mai sau con cháu chúng ta cũng bảo Nông Đức Mạnh, Nguyễn Phú Trọng giả vờ chịu nhục trước thiên triều để phục vụ cho chiến lược bảo vệ non sông gấm vóc của vua Hùng mất thôi. Vậy nay chúng ta đừng có chê bai các vị lãnh đọ đảng nhà nước ta là hèn nhát nữa đi. Hay tung hô Phùng Đại Tướng, Vịnh thượng tướng là tài ba đi thôi. Mết quá!

    Trả lờiXóa



  2. Thì ra là thế: Mạc Đăng Dung chỉ giả vờ hàng, giả vờ thần phục Thiên triều thôi, thực chất Mạc Đăng Dung là người yêu nước, chấp nhận chịu tiếng xấu để gìn giữ non sông gấm vóc cho con cháu. Mạc Đăng Dung vĩ đại và sáng suốt vô cùng! Mạc Đăng Dung vạn tuế, vạn vạn tuế!
    Bây giờ thì hiểu rồi: im thin thít là yêu nước, lên tiếng phản đối Tàu chiếm Hoàng Sa, chiếm Gạc Ma là hại nước. Vì im thin thít thì Tàu nó hài lòng, nó chỉ lấy Biển Đông thôi chứ nó không đánh trên đất liền, còn phản đối Tàu tức là cố tình tạo cớ cho nó tràn sang xâm chiếm.
    Tất nhiên là tớ yêu nước. Thậm chí còn yêu nước vượt yêu cầu nữa ấy chứ. Dại gì mà không yêu nước. Này nhé: nhà tớ ở cái xó hẻo lánh của tỉnh Thanh Hoá, cách Biển Đông những 200 cây số, Tàu nó chiếm Biển Đông cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tớ vì tớ sống nhờ rừng chứ không nhờ biển, mà giả sử nó có chiếm hết Việt Nam thì nó cũng thèm vào chiếm cái nhà rách nát trong xó rừng của tớ, vậy thì tớ phản đối nó để làm gì? Ti toe phản đối nó thì chưa biết nó có nghe thấy không, nhưng mà chắc chắn là công an xã gọi lên đập cho gãy vài cái xương sườn vì tội “cố tình khiêu khích Tàu, tạo cớ cho nó đánh Việt Nam”. Chả dại. Tớ nhất quyết câm như hến, ai hỏi gì tớ cũng chỉ “hảo, hảo!”, quyết không nói thêm dù một chữ!

    Trả lờiXóa
  3. Thời nay đang có nhiều MĐD đang ngự trị ở HN . CH Phạm ăn Đồng 1958 có khác nào việc MĐD dâng sổ sách , dâng biển VN cho BK ? Những kí kết ở HN Thành Đô có khác nào cách MĐD tự trói mình , đi bằng đầu gối trước sứ Tầu ? Những kẻ đang bào chữa cho việc MĐD bán nước chỉ là giả vờ, chẳng qua đó là việc làm yêu nước . Đó chính là họ tự biện minh cho việc qui phục BK của chính họ . Những kẻ đó chính là các nhà cầm đầu đcsVN trong quá khứ và hiện tại . NDVN đang sống trong thời đại MĐD mới !

    Trả lờiXóa