Thứ Ba, 2 tháng 6, 2015

Dự án Sân bay Long Thành: KÊU GỌI QH KHOAN ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH

Tranh luận nảy lửa về sân bay Long Thành

Báo Thanh Niên
02/06/2015 06:26

Tại diễn đàn khoa học thảo luận về dự án sân bay quốc tế Long Thành “Công khai, khoa học và trách nhiệm” do Viện Hàn lâm khoa học xã hội VN tổ chức ở Hà Nội ngày 1.6, các ý kiến thuận và chống đối với dự án này của các nhà khoa học gay gắt như lửa với nước.


ĐBQH Trần Du Lịch cho biết sẽ bấm nút thông qua dự án sân bay Long Thành - Ảnh: Thái Sơn

Hội thảo thu hút được sự chú ý đặc biệt của dư luận bởi chỉ vài ngày nữa, Chính phủ sẽ trình Quốc hội (QH) cho ý kiến về dự án (DA) này.

Nếu cần thì vay nợ để làm

Theo PGS-TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế T.Ư, VN cần có một sân bay quốc tế hiện đại trong bối cảnh đang bước vào giai đoạn bùng nổ về phát triển kinh tế, xã hội. Do đó, việc xây dựng sân bay Long Thành (SBLT) ngoài việc căn cứ trên các yếu tố lượng hành khách vận chuyển, lượng hàng hóa vận tải qua cảng hàng không trong tương lai cũng phải tính đến khả năng phát triển đột phá của Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

TS Trần Du Lịch (ĐBQH TP.HCM) cho biết, để chuẩn bị cho việc “bấm nút” DA này tại kỳ họp QH, ông đã nghiên cứu rất kỹ các ý kiến phản biện cũng như trực tiếp đi khảo sát tại các sân bay Tân Sơn Nhất (TSN), Biên Hòa. “Tại sân bay TSN tôi đã ở nhà dân vào lúc 10 giờ đêm xem máy bay hạ cánh và nhìn rõ cả cái răng cưa trên lốp máy bay, ồn ào không người dân nào chịu nổi.

Không thể chắp vá để đầu tư sân bay này thành sân bay khu vực được”, ông Lịch nói. Ông cũng cho biết mình đã từng tham gia làm Quy hoạch vùng kinh tế trọng điểm phía nam trong đó có sân bay, do đó việc cần phải có một sân bay tầm cỡ là vấn đề không nên phải bàn nữa. Vấn đề đặt ra là làm cách nào, bằng nguồn nào, tính hiệu quả thế nào, phân kỳ đầu tư cho phù hợp. DA trình QH cũng đã có thay đổi lớn. Trước đây dư luận phản ứng cho rằng DA không khả thi khi có quy mô quá lớn như vận chuyển 100 triệu hành khách, vốn đầu tư tới gần 19 tỉ USD… 
Nhưng lần này đưa ra trình đã có sự phân kỳ đầu tư, giai đoạn 1 chỉ đảm bảo năng lực vận chuyển 25 triệu hành khách, vốn đầu tư không phải 7,8 tỉ USD mà giảm xuống còn 5,2 tỉ USD…

TS Trần Du Lịch bày tỏ: “Tôi là người rất lo lắng về nợ công nhưng quan điểm của tôi là cần vay nợ thì phải vay làm. Hạ tầng giao thông bến cảng cần thiết cho đất nước phát triển thì phải làm nhưng vấn đề là đừng để thất thoát, đội giá, nếu chống được cái đó thì dân ủng hộ. Người dân hiện đang có tâm lý lo lắng cứ có DA lại có phết phẩy. Chúng ta không để những suy nghĩ mang tính tâm lý ảnh hưởng đến một quyết định mang tính phát triển của một vùng. Chúng ta phải tách bạch chuyện đó để giải quyết vấn đề lớn”.

Số liệu không chính xác

Ngay trong phần mở đầu tham luận của mình, PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, Chủ tịch Chi hội Khoa học công nghệ hàng không, đã kiến nghị: “QH khoan đưa ra quyết định về dự án SBLT”. Lý do là báo cáo đầu tư tiền khả thi không đạt yêu cầu khi đưa ra những số liệu về chi phí không rõ ràng.

Ông Nguyễn Thiện Tống đơn cử, DA đưa ra thời gian di chuyển từ trung tâm TP.HCM đến sân bay TSN mất nửa giờ, đến SBLT mất 45 phút. Tức chỉ chênh lệch nhau có 15 phút nhưng thực chất người dân đi taxi từ trung tâm TP ra đến SBLT phải mất 500.000 - 600.000 đồng. “Nếu để sân bay TSN cùng hoạt động song song với SBLT thì chắc chắn người ta sẽ chọn TSN, nên không thể giảm tải”, ông Tống nói.

GS Võ Đại Lược, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu T.Ư và TS Trần Quang Châu, Chủ tịch Hội Khoa học - Công nghệ hàng không VN, cho rằng: Nguồn cơn gây ra sự tranh cãi xung quanh DA này là do đề án DA có chất lượng quá thấp. “Tôi kiến nghị QH thông qua DA tiền khả thi, đồng ý chủ trương cho đầu tư và lập DA, thành lập ban tư vấn riêng của QH để tư vấn đánh giá khách quan quyết định cũng như việc triển khai”, ông Châu đề xuất.

Không khai tử sân bay TSN
Trước thắc mắc của các nhà khoa học về việc đầu tư xây dựng SBLT là nhằm khai tử sân bay TSN, đồng thời tham vọng biến thành ga trung chuyển cạnh tranh với các ga hàng không trong khu vực, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định: “Mục tiêu số 1 của DA là nhằm giảm tải cho sân bay TSN. Trong tất cả các văn bản của Bộ GTVT từ trước đến nay về xây dựng SBLT chưa khi nào đề cập việc đóng cửa sân bay TSN”.
Cũng theo Bộ trưởng GTVT, các số liệu trong một số tài liệu liên quan DA có sự vênh nhau là do khách quan, trong đó Cục Thống kê TP.HCM chỉ thống kê được lượng khách của Vietnam Airlines, còn Cảng hàng không miền Nam thống kê số liệu tất cả các hãng hàng không. “Chúng tôi không bao giờ dám khai khống vì mỗi khách hàng đều là tiền cả và đã có kiểm toán, nếu khống lên thì lấy tiền đâu mà nộp cho nhà nước”, ông Thăng nói. Ông cũng cho biết, về tổng mức vốn dự kiến theo tờ trình Chính phủ sẽ có cơ cấu 11% là vốn ngân sách, hơn 26% là vốn vay ODA, còn lại là xã hội hóa.
Thái Sơn



4 nhận xét :

  1. Lần này thì không còn ngăn cản được nữa đâu, đảng đã quyết rồi.

    Trả lờiXóa
  2. Từ trước đến nay,
    Đại biểu Quốc hội Trần Du Lịch
    nói câu nào cũng hay
    cũng đúng
    cũng hợp lòng dân.
    Nhưng lần này thì khác.
    Ông nói ông đến ở nhà dân
    xem máy bay hạ cánh,
    nhìn rõ cái răng cưa ở bánh lốp,
    ồn ào không chịu nổi.
    Đúng rồi,
    ở gần vậy mà không nghe tiếng ồn của động cơ phản lực
    thì có mà điếc à.
    Sao ông không tìm hiểu xem
    cái sân bay đó có trước
    hay cái nhà ông đi khảo sát ấy có trước.
    Rồi mai kia xây xong sân bay Long Thành
    rồi chính quyền thành phố Biên Hoà
    lại đưa dân đến ở
    và cấp sổ đỏ
    thì lại một lần nữa ông lại dời sân bay đi Cà Mau à.
    Ông có biết
    đang có một huyện
    cấp sai 180 suất đất
    mà huyện uỷ đang xin rút kinh nghiệm không.
    Người ta đang lấp sông Đồng Nai để xây đô thị,
    vậy Quốc hội các ông định đào sông mới ở chỗ nào,
    vì ở cái đô thị đang xây ấy ấy
    ở ngay sát bờ sông
    tầu bè nó chạy xình xịch suốt ngày suốt đêm
    cũng ồn không chịu nổi đâu ông ạ.

    Trả lờiXóa
  3. Nói cho vuông, nghe cho tròn nhá các vị đại biểu của các ông/bà "chủ". Đừng nhìn Singapore hay Thailand có sân bay to, hiện đại mà ganh tị. Không ganh tị được đâu, vì mấy chục năm qua cứ đắm đuối vào cái mục tiêu "cuối thế kỷ này không biết có hay không" mà VN ngày càng tụt hậu. Nói không ganh tị được vì cứ lấy chỉ số GDP ra thì biết ta đứng ở đâu rồi hãy ganh tị.
    Hãy nhìn thẳng vào thực tại nền kinh tế đất nước, vào ngay chính người lao động và cả những công chức, viên chức chân chỉ hạt bột, không có cơ hội, vị trí để "cái gì cũng ăn" để mà hoạch định chiến lược phát triền cơ sở hạ tầng sao cho phù hợp với thực lực của đất nước. Đừng như nông dân miền Bắc trước đây, "một năm làm nhà, ba năm làm cửa", nợ đìa ra, đến khi làm xong nhà hoàn chỉnh thì lăn đùng ra ốm mà chết!
    Còn cái việc anh Trần Du Lịch nói máy bay xuống, bay lên bay qua nhà dân. Cái lỗi này đâu phải cái lỗi của cái sân bay. Phi trường TSN sau năm 1975 do quân đội quản lý. Thời mở cửa thì mở tung hết cả cổng vành đai sân bay ra. Trước năm 1975 chỉ có một số trại gia binh nằm ven vành đai sân bay, nhà cấp 4 không có tầng. Nhưng rồi "mở cửa","kinh tế thị trường" vành đai an toàn cho sân bay đã bị phân lô chia cho sĩ quan, cấp đại úy trở lên cũng được một nền đất chiều ngang 8 thước, người ta bán 1 nửa lấy tiền xây một nửa thành nhà lầu ba bốn tầng. Cứ như thế, vành đai sân bay giờ đã chật cứng. Lỗi tại ai? Tại sự ngu dốt mà ở thời điểm đó anh Trần Du Lịch cũng là một công dân TP HCM sao không thấy anh lên tiếng để cho vành đai sân bay không bị đô thị hóa. Nếu không có sự lấn chiêm thì làm gì có việc máy bay bay qua nhà dân thấy cả "răng cưa".
    Đó là sự lấn chiêm vô lối, vô tổ chức không theo một quy hoạch nào làm cho sân bay TSN ngày nay lọt thỏm giữa 4 bề dân cư đông đúc. Rất nhiều nhà cao tầng quanh SB TSN xây không phép, thế rồi chính quyền phải chạy theo cái không phép đó để hợp thức hóa bằng một ít tiền phạt. Như thế là coi như đã mặc nhiên được quy hoạch nhà cao tầng, các nhà xây sau thì cũng mặc nhiên được cấp phép. Ai Làm náo loạn độ tĩnh không đi đến bức tử sân bay TSN, một sân bay thuận tiện bậc nhất Đông Nam Á?
    Rồi tới đây sân bay Long Thành, biết bao nhiêu dự án ăn theo ngoạm đất đai sẽ được cấp phép nữa? Rồi nó sẽ cũng có những khu phố, cao ốc mọc lên cho mà xem. Dự án 20 năm sau chưa chắc đã hoàn thàng 100%, thì cũng sẽ đã có những khu đô thị kín mít nhà xung quanh.
    Cứ cái kiểu làm việc như bộ trưởng Đinh La Thăng thì GTVT Việt Nam còn tệ hại nữa.

    Trả lờiXóa
  4. Anh Trần Du Lịch rất chủ quan. Những ý kiến của anh về nhiều lĩnh vực nghe thấy được. Riêng cái dự án SB Long Thành thì anh không có lý. Cái lý của anh đưa ra là anh đã đi thực địa ở Long Thành, 10 giờ đêm anh đã đến nhà dân để mục kích việc máy bay hạ/cất cánh. Anh cứ nói phướn lên thế. Nếu anh đã đến thì phải nói rõ là anh đế khu vực nào ở sân bay, phía Đông hay Tây, Nam hay Bắc? Đên khu vực đường băng nơi tàu bay hạ cánh hay cất cánh? Anh nói: “Tại sân bay TSN tôi đã ở nhà dân vào lúc 10 giờ đêm xem máy bay hạ cánh và nhìn rõ cả cái răng cưa trên lốp máy bay, ồn ào không người dân nào chịu nổi."
    Anh nói điêu và nói dối cả Quốc Hội. Nhà tôi ở gần đầu đường băng tàu bay cất cánh mà tôi chưa bao giờ nhìn thấy "rõ cả cái răng cưa trên lốp máy bay". Có chăng thì tôi nhìn thấy hình cái bánh máy bay thu lên. Chỉ là cái bánh thôi, chứ chưa nhìn thấy "cái răng cưa" của cái bánh máy bay bao giờ. Anh ở đó lúc 10 giờ đêm mà anh nhìn "rõ cả răng cưa trên lốp máy bay" thì có lẽ mắt anh là mắt thần. Anh nói điêu thế để làm gì hả anh Lịch? Chưa có một người dân nào làm đơn kiện ngành hàng không về sự ồn. Đương nhiên không có tiếng ồn thì vẫn tốt hơn. Nhưng khi người dân đến sống ở đó thì SB TSN đã có rồi. Họ mua đất làm nhà và lĩnh hội đầy đủ tiếng ồn của tàu bay từ khi trả giá nhà, giá đất để mua anh Lịch ạ. Nên nhớ quanh phi trường TSN trước đây rất ít nhà dân, chỉ có một số khu gia bình của quân đội VNCH thôi. Nhưng dù thế, SB TSN vẫn có diện tích ngang với SB quốc tế Sinhgapore Changi (Singapore Changi International Airport). Năm 2015 này, Singapore Changi International Airport tiếp tục được bình chọn là sân bay tốt nhất thế giới. Đừng mơ là SB Long Thành sẽ là SB trung chuyển cạn tranh được với SB của Singapore. Đến lúc VN xây xong SB Long Thành thì Singapore đã tiến xa VN cả mấy chục lần trong việc kinh doanh cảng hàng không. Lúc đó may lắm thì SB Long Thành cũng chỉ tiện ích bằng một nửa Singapore Changi International Airport hiện nay.
    Đất nước còn nghèo, dân còn khổ thì đừng mơ cao xa quá anh Lịch ạ. Đành rằng trong tương lai chúng ta phải có SB lớn để ra "trời lớn". Nhưng đó là tương lai. Còn bây giờ thì đừng giật gấu vá vai mà khổ dân. Anh tuyên bố bấm nút. Nhưng trước khi bấm thì anh hãy nghĩ anh đại diện cho ai?
    Nếu SN TSN được đầu tư cải tạo tốt thì nó vẫn còn hữu ích cho 20 năm nữa. 10 năm nữa để xem tình hình kinh tế ra sao rồi hãy bấm nút. Đừng để khi các anh bấm rồi thì con cháu chịu hậu quả tồi tệ từ cái bấm nút của anh.

    Trả lờiXóa