.
Về bài của Hoàng Ngọc Hiến
Lại Nguyên Ân
Đây là bài báo nổi tiếng nhất trong đời văn của Hoàng Ngọc Hiến, cũng là bài báo đem lại cho ông một tai họa vào loại nặng nề nhất.
Cần lưu ý rằng, bài báo của ông xuất hiện vào thời mà xã hội bao cấp đã phân hóa ở mức đáng kể; ngay xã hội viên chức cũng tự phân đôi: hầu hết viên chức đều ứng xử theo cách: nói năng “theo nghị quyết” ở nơi họp hành chính quy, nói năng “theo hiểu biết riêng” ở các xúc tiếp riêng tư, tin cậy. Vì thế, một mặt, bài báo của Hoàng Ngọc Hiến khiến ông bị đối xử tàn tệ trong cơ chế quan chức, trong xã hội viên chức; song, mặt khác, bài báo lại khiến ông càng được kính trọng hơn trong các giao tiếp mang tính cá nhân, dân sự, đời thường, không chỉ ở giới chuyên môn hẹp của những người nghiên cứu xã hội nhân văn, giới sáng tác văn nghệ, mà cả giới trí thức nói chung.
Đây là một tiểu luận mỹ học xuất sắc.
Tác giả đã đem thực trạng các sáng tác văn nghệ xã hội chủ nghĩa ra soi rọi dưới ánh sáng của các nguyên lý mỹ học cổ điển, chỉ ra cho người ta thấy ở văn nghệ này “sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại”, và do vậy, “chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả (le sublime)”.
Theo lập luận của nhà mỹ học Hoàng Ngọc Hiến, “loại hình quan hệ lấn át của một loạt cặp phạm trù hết sức cơ bản mô tả những mâu thuẫn cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển nội tại của nghệ thuật vừa được nêu lên là đặc trưng khái quát nhất của cái cao cả. Đến lúc quan hệ lấn át chuyển hóa thành quan hệ cân bằng, hài hòa thì sự vận động của nghệ thuật tiếp cận với cái đẹp như là lý tưởng”.
Một sự luận chứng đầy chất hàn lâm, cũng đầy sự trọng thị (đối với đối tượng luận bàn là văn nghệ xã hội chủ nghĩa) như vậy, vì sao lại gây nên những phản ứng mạnh mẽ của nhiều người trong giới nhà văn, nhất là nhiều người trong giới những cán bộ quản lý tư tưởng-văn hóa-văn nghệ?
Những lý do sẽ phần nào được thấy, khi ta đọc lại những bài viết của Tô Hoài, Hà Xuân Trường, Trần Độ, Phan Cự Đệ, Chế Lan Viên, Chính Hữu.
Nhưng, có thể, giọt nước làm tràn ly không hẳn nằm ở hệ thống lập luận kể trên, mà lại nằm ở đoạn diễn dịch này:
“Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. (trích bài Hoàng Ngọc Hiến)
“Phải đạo” không phải một tổ hợp gồm 2 từ mà chỉ là một từ; ngay “Đại Nam quấc âm tự vị” (1895-96) đã ghi nhận “phải đạo” như một từ mà hàm nghĩa là “phải phép, phải lẽ, phải việc, bổn phận”; hàm nghĩa của từ này, ở các giới xã hội người Việt, sau đó sẽ còn tiến triển.
Tôi biết, khá nhiều nhà văn, khá nhiều cán bộ trong ngành tư tưởng, văn hóa đương thời những năm 1960-80, vốn ít nhiều đã từng là học trò dăm bảy năm của nhà trường Pháp-Việt, họ đủ biết những câu chữ tiếng Pháp tương đương với “phải đạo” là gì. − Là “comme il faut”, là “conformiste”, “conformisme”. Rồi lại có thể hiểu (dịch) ngược lại ra tiếng Việt là “tùy thời”, “xu thời”!
Đem định ngữ này (“phải đạo” hay “tùy thời”, “xu thời”) gắn cho văn học hiện thực xã hội chủ nghĩa, vốn được cả một lớp người (nhà-văn-cán-bộ, cán bộ văn nghệ) khi ấy xem như (và bắt cả xã hội phải xem như) thứ nghệ thuật phụng sự một sự nghiệp cao cả thiêng liêng (giải phóng giai cấp! giải phóng dân tộc! giải phóng nhân loại!) – đối với họ, gắn định ngữ “phải đạo” cho văn nghệ này là một sự sỉ nhục, thóa mạ, báng bổ, cũng có thể xem một sự vạch mặt, lột trần chân tướng, mà tính đến lúc ấy chưa ai trong hàng ngũ họ dám làm!
Tất nhiên, cái “giọt nước tràn ly” kia không hề làm giảm ý nghĩa nghiêm túc của lập luận mỹ học chủ đạo ở tác giả, xem văn nghệ xã hội chủ nghĩa chủ yếu như là nền nghệ thuật của cái cao cả (le sublime).
Người ta biết, Hoàng Ngọc Hiến viết bài này ở đương thời chiến tranh lạnh, thời của hai hệ thống giá trị và ý thức hệ đối lập nhau trên quy mô thế giới, theo đó, văn nghệ XHCN được đặt trong thế đối lập với nghệ thuật suy đồi và/hoặc hiện đại chủ nghĩa. Trong thời ấy, mọi suy nghĩ và phát ngôn của nhà lý luận đứng ở phía thế giới XHCN như Hoàng Ngọc Hiến là luận chứng cho tính chính đáng của “bên mình” so với “bên kia”.
Ông cũng đã đem lý luận về sự lấn át áp dụng đảo ngược cho những văn nghệ gọi là “tư sản hiện đại”, “suy đồi”, “văn nghệ thực dân mới”, dù chỉ làm qua loa chiếu lệ.
Đáng lưu ý nữa là bài của Hoàng Ngọc Hiến bắt đầu nói đến kiểu văn nghệ của “cách mạng văn hóa” trên đất Trung Hoa, đến việc những người kế tục “Người cầm lái vĩ đại” của họ “tính kế vay mượn phấn son của văn nghệ tư sản phương Tây hiện đại”. Phải chăng ranh giới thép của thời đại đang biến đổi, phải chăng chính ngay nửa thế giới “bên mình” cũng có vấn đề? Những điều ấy Hoàng Ngọc Hiến khi đó có thể đã bắt đầu ít nhiều cảm thấy, nhưng còn khá xa mới đến lúc có thể luận bàn. Bài báo của ông, vì thế, vẫn hoàn toàn thuộc về văn nghệ phê bình (hoặc phê bình văn nghệ) thời… bao cấp, dù nó chính là một trong những biểu tượng nổi loạn đối với nền văn nghệ quan liêu – bao cấp – chỉ huy.
Về văn bản
Điều hơi ngạc nhiên là tìm trên mạng internet hiện nay không thấy bài báo này, tức là từ khi có internet thì hầu như chưa hề có ai tiếp cận bài này ở bản đăng báo (?). Cũng không thấy tác giả đưa bài này vào tập sách mang tính sơ tuyển: “Hoàng Ngọc Hiến, Tác phẩm chọn lọc” (Tạ Duy Anh biên tập, Nxb. Hội Nhà Văn, 2008).
Cùng với việc xem lại bản đánh máy sao cho đúng với bản đăng báo, tôi (LNA) có “can dự” hai điều vào văn bản: một là xuống dòng cho một số đoạn (bởi bản in báo Văn Nghệ năm 1979 dường như quá tận dụng diện tích giấy in nên cả cột báo gần 100 dòng không hề xuống dòng); hai là viết lại mấy tên riêng Âu châu trong bài theo dạng latin để tiện cho việc tra cứu.
20/04/2015
VỀ MỘT ĐẶC ĐIỂM CỦA VĂN HỌC VÀ NGHỆ THUẬT Ở TA TRONG GIAI ĐOẠN VỪA QUA HOÀNG NGỌC HIẾN
(Báo Văn Nghệ, Hà Nội, số 23, thứ bảy, 9/6/1979, tr. 2-3)
Để xác định những đặc điểm của văn học, nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua, chúng tôi xuất phát từ một số quan niệm và thị hiếu văn học có ảnh hưởng sâu rộng trong công chúng Việt Nam được nêu trong bài “Viết về chiến tranh” của Nguyễn Minh Châu. Theo ý chúng tôi, đó là một trong những bài phê bình văn học đáng chú ý nhất thời gian gần đây. “Hình như – Nguyễn Minh Châu viết – trong ý niệm sâu xa của người Việt Nam chúng ta, hiện thực của văn học có khi không phải là cái hiện thực đang tồn tại mà là cái hiện thực mọi người đang hy vọng, đang mơ ước”. (1)
Đây là một vấn đề cổ điển của lý luận văn học. Aristoteles đã từng nói đến hai phương thức miêu tả trong nghệ thuật: “miêu tả sự vật như nó vốn tồn tại và đang tồn tại … hoặc miêu tả sự vật như nó phải tồn tại”. Aristoteles có dẫn ra những tác giả tiêu biểu cho hai phương thức (hoặc phong cách) nghệ thuật nói trên: “Sophokles … miêu tả con người như họ phải tồn tại còn Euripides miêu tả con người như họ đang tồn tại”. (2) “Polignotus miêu tả những con người tốt hơn [thực tế – H.N.H.] … còn Dionysus miêu tả những con người thông thường [như trong thực tế – H.N.H.]” (3)
Phương pháp hiện thực xã hội chủ nghĩa không đặt vấn đề lựa chọn hoặc phương thức này hoặc phương thức kia, hoặc Sophokles hoặc Euripides. Vấn đề đặt ra là kết hợp cả hai phương thức (hoặc bình diện) mô tả. Dường như chúng ta chưa tìm được một mức độ thoả đáng cho sự kết hợp. Nhìn chung trong sáng tác hiện nay, sự miêu tả cái phải tồn tại lấn át sự miêu tả cái đang tồn tại. Và chúng tôi tán thành ý kiến của Nguyễn Minh Châu cho rằng sự lấn át này đương là một cản trở “trên con đường đi đến chủ nghĩa hiện thực”, đặc biệt trong thể loại tiểu thuyết. Đứng ở bình diện cái phải tồn tại, người nghệ sĩ dễ bị cuốn hút theo xu hướng miêu tả cuộc sống “cho phải đạo”, còn đứng ở bình diện cái đang tồn tại thì mối quan tâm hàng đầu là miêu tả sao cho chân thật. Đọc một số tác phẩm chúng tôi thấy tác giả dường như quan tâm đến sự phải đạo nhiều hơn tính chân thật. Có thể gọi loại tác phẩm này là “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”. Thực ra, ngay trong đời sống thực tại, do quy luật của sự thích nghi sinh tồn, dần dần được hình thành những kiểu người “phải đạo” với những cung cách suy nghĩ, nói năng, ứng xử được xem là “phải đạo”. Khái quát những hiện tượng hết sức thực tại này vẫn sản sinh ra “chủ nghĩa hiện thực phải đạo”.
Chủ nghĩa hiện thực chân chính đòi hỏi người nghệ sĩ phải biết phân biệt đâu là những hình thức “phải đạo”, và đâu là nội dung chân lý phù hợp với quy luật phát triển cách mạng của bản thân cuộc sống. Sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong sự phản ánh nghệ thuật là một đặc trưng của cái cao cả (le sublime) như là một phạm trù mỹ học. Với ý nghĩa này, có thể nói rằng chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở ta trong giai đoạn vừa qua mang khá đậm dấu ấn của cái cao cả. Nguyễn Minh Châu mới chỉ nêu lên những biểu hiện của cái cao cả trong phương thức miêu tả nghệ thuật. Thực ra trong đời sống văn học nghệ thuật của ta hiện nay, cái cao cả còn biểu hiện một cách phổ quát ở nhiều mặt khác: cấu trúc của chủ thể và khách thể mỹ học, đặc điểm của cấu trúc hình tượng và tác phẩm nghệ thuật, đặc điểm cấu trúc của hình tượng con người mới và cuộc sống mới được phản ánh vào tác phẩm…
Trong lĩnh vực mỹ học mang dấu ấn của cái cao cả thì tương ứng với sự lấn át của bình diện cái phải tồn tại đối với bình diện cái đang tồn tại trong phương thức miêu tả nghệ thuật là sự lấn át của cấp lý tính đối với cấp cảm tính trong sự nhận thức của chủ thể mỹ học, sự lấn át của nội dung đối với hình thức trong cấu trúc của hình tượng và tác phẩm nghệ thuật, sự lấn át của lý trí đối với cảm xúc trong hình ảnh con người mới, cũng như sự lấn át của bản chất đối với hiện tượng trong hình ảnh cuộc sống mới được phản ánh vào tác phẩm… Loại hình quan hệ lấn át của một loạt cặp phạm trù hết sức cơ bản mô tả những mâu thuẫn cốt yếu nhất thúc đẩy sự phát triển nội tại của nghệ thuật vừa được nêu lên là đặc trưng khái quát nhất của cái cao cả. Đến lúc quan hệ lấn át chuyển hóa thành quan hệ cân bằng, hài hòa thì sự vận động của nghệ thuật tiếp cận với cái đẹp như là lý tưởng.
Xác định giai đoạn vừa qua của nền văn nghệ ta bằng phạm trù cái cao cả, chúng tôi muốn nêu lên những mâu thuẫn nội tại cần phải giải quyết và quy luật phát triển của nó đi từ cái cao cả đến cái đẹp.
Song song với những biểu hiện của cái cao cả trong văn học nghệ thuật thì ngay trong đời sống hàng ngày của chúng ta, trong lối sống và cách cảm nghĩ, trong tác phong công tác và sinh hoạt ở những lĩnh vực phi nghệ thuật có thể dễ dàng tìm thấy những hiện tượng tương tự. Ở trên chúng tôi có nói đến sự biểu hiện của cái cao cả trong nhận thức của chủ thể mỹ học: đó là sự lấn át của cấp lý tính (khái niệm, biểu tượng, tri giác) đối với cấp cảm tính (cảm giác), cụ thể hơn, đó là xu thế cấp nhận thức cao lấn át cấp nhận thức thấp: khái niệm lấn át biểu tượng, biểu tượng lấn át tri giác, tri giác lấn át cảm giác… Với một xu thế nhận thức nghệ thuật như vậy, không ít tác phẩm đã ra đời chủ yếu như là kết quả của sự suy nghĩ bằng trí óc (Maiakovsky gọi đó là những tác phẩm “làm bằng đầu”) và trong sự sản xuất thơ ca hiện nay chẳng hạn có những bài khiến ta nghĩ rằng thời buổi này làm thơ hà tất phải có cảm xúc phong phú và cảm giác tinh nhạy.
Cũng từ xu thế nhận thức nghệ thuật này, thông tin mỹ học của những tác phẩm nghệ thuật có xu hướng xích gần lại thông tin lý thuyết mà đặc trưng đáng chú ý ở đây là tính chất đơn trị, tính chất đơn nghĩa. Chúng ta biết rằng sự nhận thức nghệ thuật đích thực trong bản chất của nó có tính toàn vẹn, có nghĩa là mọi cấp của nhận thức đều tham gia vào đó và giao lưu với nhau, hơn nữa mọi cấp đều quan trọng như nhau, không có sự cố định ưu tiên ở một cấp nào cả. Do sự giao lưu giữa các cấp nhận thức, hình tượng nghệ thuật chân chính thường lung linh lấp lánh vô vàn sắc thái ý nghĩa, sự phong phú ý nghĩa của nó dường như vô tận, mỗi độc giả phát hiện ở nó một ý nghĩa riêng, mỗi thế hệ khám phá ở nó những ý nghĩa mới mẻ tương ứng với thời đại mình. Đó là nguồn gốc của tính đa trị, đa nghĩa của hình tượng nghệ thuật và thông tin mỹ học. (4)
Với xu hướng cao cả trong nhận thức nghệ thuật (còn có thể gọi là xu hướng lý thuyết), chủ thể mỹ học (ở người sáng tác) có khuynh hướng dướn lên những cấp cao của nhận thức và cố định ở đó. Nói theo ngôn ngữ của toán học hiện đại, đối tượng nhận thức được quy vào những tập hợp cao của nó và chủ yếu được nhận thức ở cấp độ của những tập hợp này. Tương ứng với cách sáng tác này là cách cảm thụ dửng dưng với máu thịt của hình tượng, cố công quy nó vào những khái niệm, phạm trù.
Chúng tôi lấy sự miêu tả nhân vật trong tiểu thuyết là ví dụ. Nhân vật tiểu thuyết sinh động nhất thiết phải là một cá nhân con người. Mỗi cá nhân, như chúng ta biết, bao giờ cũng gắn với nhiều tập hợp, những tập hợp quen thuộc trong số này thường vẫn được nêu lên trong lý lịch văn học dưới các mục: thành phần giai cấp, dân tộc, tôn giáo, giới tính, nghề nghiệp, Đoàn, Đảng … Nhân vật được nghiên cứu và xây dựng từ cấp độ cố định những tập hợp nói trên cách này cách nọ được gán cho những thuộc tính bản chất của những tập hợp đó. Nhưng, như chúng ta biết, số cộng những thuộc tính đó không tạo ra được cá nhân con người, không thuyết minh được cá tính riêng, bản lĩnh độc đáo và bộ mặt đặc sắc của nó. Tác giả bài báo đã dẫn đặt vấn đề vì sao trong các tác phẩm viết về chiến tranh ở ta “nhân vật mờ nhạt” và đưa ra giả thiết là “các nhân vật đã bị sự kiện lấn át”. Chúng tôi tán thành nhận định của tác giả nhưng muốn xem xét vấn đề từ một giác độ khác.
Nhân vật bị mờ nhạt vì nhân vật không được nhìn nhận và xây dựng như là một cá nhân và sở dĩ như vậy là do cách nhìn cao cả của chủ thể mỹ học như đã nói ở trên. Thực ra, trong đời sống hàng ngày, chúng ta cũng thường hay nhìn nhận sự vật như vậy. Tìm hiểu và đánh giá một con người, ta quan tâm đến những tập hợp bao gồm con người đó hơn là bản thân nó, cuối cùng ta biết được những thuộc tính chung của thành phần giai cấp, thành phần nghề nghiệp, của cộng đồng dân tộc, cộng đồng tôn giáo… của nó, nhưng chính bản thân nó, tức là cá tính và bản lĩnh của nó, những sở trường sở đoản của nó, sự tự nhận thức của nó… thì ta lại không nắm được. Cung cách nhận thức này rất gần với phương pháp nhận thức “tiên thiên” đã từng được F. Engels phê phán và định nghĩa như sau: những đặc điểm của sự vật như vậy cũng là cơ sở của bệnh sính lý luận khá phổ biến hiện nay mà thực chất là sự coi thường việc tìm hiểu sự vật ở cấp độ sự kiện, cấp thực chứng, là sự thoát ly thực tiễn đời sống thực tại để chơi vơi trong cõi mông lung của những tập hợp mênh mông, những phạm trù mơ hồ.
Tóm lại, cách nhìn “cao cả” trong văn học, nghệ thuật cùng một thanh khí với phương pháp “tiên thiên” và phong cách lý luận “chung chung” trong công tác và sinh hoạt thường ngày. Sự lấn át của nội dung đối với hình thức mà chúng tôi nêu lên ở trên như là đặc trưng của hình tượng cao cả biểu thị một trạng thái không cân xứng. Một mặt, cuộc sống của đất nước và dân tộc được phản ánh vào những tác phẩm của ta có thể chưa lớn ở quy mô bên ngoài nhưng mang một nội dung tinh thần tuyệt vời do quy mô bên trong của nó: đó là ý chí quật cường bất khuất của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đó là nhân phẩm cao đẹp của những con người sẵn sàng xả thân vì độc lập tự do, tóm lại, đó là những sức mạnh tinh thần cao quý nhất của người Việt Nam tích tụ trong bốn nghìn năm lịch sử và được phát huy tới những đỉnh cao rạng rỡ tuyệt vời trong một cuộc cách mạng vô cùng gian khổ và oanh liệt với những cuộc chiến tranh thần thánh có ý nghĩa lịch sử thế giới to lớn. Nhưng, mặt khác, các nghệ sĩ của ta hầu như chưa tìm và chưa sáng tạo ra được những hình thức tương xứng. So với nội dung tinh thần tuyệt vời được khẳng định trong tác phẩm thì những hình thức diễn đạt nó còn đơn sơ, vụng về thậm chí thô thiển. (5) Có những nguyên nhân dễ thấy: thiếu thời gian, tiềm lực văn hóa yếu, thiếu phương tiện và cả sức lực vật chất nữa. Nhưng ở đây, theo ý chúng tôi, còn có những nguyên nhân sâu xa. Đối chiếu với đời sống thực tế, tình trạng không cân xứng giữa nội dung và hình thức trong hình tượng và tác phẩm nghệ thuật tương đồng với tình trạng tương phản giữa đời sống tinh thần và đời sống vật chất của nhân dân ta trong những năm chiến đấu vô cùng gian khổ và oanh liệt vừa qua.
Vấn đề cuối cùng là sự phản ánh “cao cả” con người mới và cuộc sống mới. Trong tác phẩm nghệ thuật “đẹp”, thế giới hiện tượng phong phú và phức tạp được mô tả trong tác phẩm tự nó bộc lộ đầy đủ và sinh động bản chất ưu việt của cuộc sống mới. Nhưng trong nhiều tác phẩm nghệ thuật của ta mang dấu ấn của cái cao cả mà đặc trưng đáng chú ý ở đây là sự lấn át của bản chất đối với hiện tượng – thế giới hiện tượng dường như được đơn giản hóa cho phù hợp với bản chất của cuộc sống mới, hơn nữa, bản chất này còn được tác giả khẳng định ở bên ngoài và bên trên các hiện tượng nữa, quá một mức độ nào đó xu hướng này đẻ ra chủ nghĩa minh họa.
Trong đời sống thực tại cũng có tình trạng tương tự. Bản chất tốt đẹp của chế độ mới là điều hiển nhiên, không một ai nghi ngờ. Nhưng thế giới hiện tượng ngoài cuộc đời quá ư phức tạp, rối ren. Nhiều khi đứng trước những hiện tượng không lý giải nổi, chúng ta bèn vội vàng khẳng định bản chất bằng những câu nói quen thuộc: căn bản là tốt, ưu điểm là căn bản, bản chất là tốt đẹp, v.v. và v.v. Điều này đã trở thành một tác phong thường thấy, nhất là ở những cán bộ có nhiệm vụ làm công tác tư tưởng. Ở hình ảnh con người mới được phản ánh trong những tác phẩm nghệ thuật của ta, đặc trưng cao cả biểu hiện ở sự lấn át của lý trí đối với cảm xúc. Tác giả thì quá dè xẻn, nhân vật thì quá dè dặt trong sự biểu hiện cảm xúc. Ngoài đời sống cũng thấy những cách ứng xử như vậy.
Đến đây, tổng kết lại sự đối chiếu song song một loạt biểu hiện của cái cao cả trong văn học nghệ thuật và một loạt hiện tượng tương đồng trong đời sống thực tại, chúng tôi muốn nhìn thấy ở cái cao cả một xác định rộng lớn vượt ra ngoài phạm vi mỹ học. Nói như Hegel, cái cao cả chính là “trạng thái nhân thế” của xã hội ta trong giai đoạn vừa qua. Nói tóm lại, chúng ta viết văn như vậy, làm nghệ thuật như vậy và “thế thái” cũng phảng phất như vậy. Từ đó để cắt nghĩa xu hướng cao cả, không thể chỉ vin vào thị hiếu nghệ thuật, cần đi tìm căn nguyên của nó ngay trong đời sống xã hội thực tại.
Xu hướng cao cả được chúng tôi xác định như là khuynh hướng mỹ học chủ đạo trong văn học nghệ thuật của ta giai đoạn vừa qua, dĩ nhiên không phải định mệnh. Sự thực hiện của xu hướng này trong sáng tác có những mức độ rất khác nhau, điều này phụ thuộc vào cá tính sáng tạo và sự tự nhận thức của người nghệ sĩ mà bài báo của Nguyễn Minh Châu là một ví dụ. Trong những thành tựu văn học nghệ thuật giai đoạn vừa qua, những tác phẩm trong đó xu hướng lấn át như đã xác định ở trên được dừng lại ở mức độ thỏa đáng. Tức là những tác phẩm cao cả đẹp hoặc là đẹp một cách cao cả không phải là ít. Nhìn chung, xu hướng cao cả mà quan hệ lấn át như đã được nêu lên ở trên là đặc trưng tiêu biểu có thể phát triển theo hai chiều hướng: chiều hướng quan hệ lấn át chuyển hóa thành quan hệ cân bằng hài hòa, tiếp cận với cái đẹp như là lý tưởng. Và chiều hướng quan hệ lấn át vượt quá mức độ mà nghệ thuật có thể chấp nhận được để biến thành phản nghệ thuật. Phát triển quá trớn theo chiều hướng thứ hai, trong cấu trúc của hình tượng chẳng hạn, nội dung có thể lấn át hình thức tới mức không còn là hình tượng nghệ thuật nữa, hoặc giả ở nhân vật, lý trí sẽ lấn át cảm xúc tới mức nhân vật không còn là một con người sống nữa.
Hai chiều hướng nói trên đồng thời cũng là hai con đường được đặt ra trên bình diện mỹ học cho sự lựa chọn của những người làm công tác văn học nghệ thuật ngày nay. Nền văn học nghệ thuật của ta có những điều kiện hết sức căn bản để xu hướng cao cả phát triển theo chiều hướng lành mạnh, hoàn thiện. Ngăn ngừa chủ nghĩa sơ lược, bệnh công thức, chủ nghĩa minh họa, phê phán những quan niệm dung tục về văn nghệ, coi trọng những đặc trưng của sáng tác nghệ thuật, là những điều thường xuyên được chú ý trong sự lãnh đạo văn nghệ của Đảng ta.
Mặt khác, ngay trong những năm trước đây, khi chân tướng phản bội và phàm tục của tư tưởng và đường lối của tập đoàn phản động Bắc Kinh chưa lộ hẳn ra, trong tuyệt đại đa số trí thức sáng tác ở ta, kể cả những người đã lĩnh hội sâu sắc tinh hoa của văn hóa Hoa Hạ, thị hiếu nghệ thuật chưa bao giờ ngả về phía nền văn học nghệ thuật mang dấu ấn của cuộc “đại cách mạng văn hóa”.
Đáng chú ý hơn là ảnh hưởng tiêu cực của xu hướng cao cả tới thị hiếu đông đảo công chúng ở ta. Một ý quan trọng trong bài báo đã dẫn là tác giả cho ta thấy rằng áp lực của công chúng tới người sáng tác nhiều khi cũng độc đoán và ghê gớm lắm, không đơn giản như ta tưởng. Bằng chứng có thể thấy ngay được là lời lẽ thưa gửi giãi bày của chính Nguyễn Minh Châu trước khi ngỏ lời khai chiến với thị hiếu của độc giả (mà tác giả xin nhận là của chính mình).
Không phải là định mệnh, xu hướng cao cả càng không phải là yếu tố quyết định giá trị tư tưởng và giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Chỉ ra quy luật vận động của nghệ thuật từ cái cao cả đến cái đẹp, chúng tôi hoàn toàn không muốn nói rằng tác phẩm tiếp cận với cái đẹp thì đẹp hơn tác phẩm mang dấu ấn của cái cao cả. Tất cả phụ thuộc vào tài năng, vốn sống, giác quan về “mức độ” và những nhân tố khác trong cá tính và bản lĩnh của người nghệ sĩ, như chúng ta đều biết. Một nhân vật kiểu người cao cả (lý trí lấn át cảm xúc) vẫn có cái đẹp riêng của nó, cũng như một hình tượng cao cả (nội dung lấn át hình thức) có thể có giá trị nghệ thuật rất độc đáo. Biết đâu, có những tác phẩm thời đại nghệ thuật chúng ta trở nên bất hủ chính vì chúng mang dấu ấn của cái cao cả, chính vì chúng mang những giá trị tư tưởng-nghệ thuật độc đáo mà những thời đại nghệ thuật sau không thể tạo ra được vì “trạng thái nhân thế” tương ứng không còn nữa.
Xác định xu hướng cao cả như là một đặc tính phổ quát của nền văn học nghệ thuật của ta hiện nay, chúng tôi muốn khẳng định rằng nền văn nghệ của ta đương ở giai đoạn trưởng thành. Những mâu thuẫn ở dạng quan hệ lấn át như đã được mô tả (bình diện cái phải tồn tại lấn át bình diện cái đang tồn tại, cấp nhận thức lý tính lấn át cấp nhận thức cảm tính, lý trí lấn át cảm xúc, bản chất lấn át hiện tượng, nội dung lấn át hình thức…) có thể quy vào loại mâu thuẫn trong đó cái chung lấn át cái đặc biệt, có nghĩa là thuộc loại mâu thuẫn hình thức không đối kháng và chúng có tiềm năng phát triển tới sự thống nhất trong quan hệ cân bằng và hài hòa. Đó là mâu thuẫn của sự hình thành. Khái quát một cách triết học, chuyển từ quan hệ lấn át đến quan hệ hài hòa có nghĩa là chuyển từ giai đoạn hình thành (devenir) đến giai đoạn tồn tại (étre).
Trong những nền nghệ thuật suy đồi, quan hệ lấn át bị đảo ngược lại và trước mắt ta cũng những mâu thuẫn ấy, nhưng đó là những mâu thuẫn hình thức đối kháng mà sự phát triển chỉ có thể dẫn tới sự suy thoái mà giới hạn là phi tồn tại (non-étre). Trong nghệ thuật tư sản hiện đại chẳng hạn, là một nền nghệ thuật đương suy thoái một cách toàn diện và nghiêm trọng, sự lấn át của cấp nhận thức cảm tính tới cấp nhận thức lý tính để sản sinh ra nào là nghệ thuật “pốp”, nào là “âm nhạc cụ thể”, “trữ tình cụ thể”…, sự lấn át của hình thức đối với nội dung đã đẻ ra đủ các loại chủ nghĩa hình thức, sự lấn át của cảm xúc đối với lý trí cuối cùng đã phi nhân hóa nhân vật, sự lấn át của hiện tượng đối với bản chất đã mở đường cho chủ nghĩa tự nhiên, nó cũng là một dấu hiệu sự suy đồi của nghệ thuật. Tóm lại, các thứ “phi” này “phi” nọ, các thứ “phản” này “phản” nọ, được tung ra loạn xạ trong nghệ thuật tư sản hiện đại là triệu chứng của quá trình suy thoái của nền nghệ thuật này đương dẫn tới sự phủ định bản thân nghệ thuật.
Đứng trước những hiện tượng suy đồi có vẻ “là lạ” của văn nghệ thực dân mới được tạo ra dưới chế độ Mỹ-ngụy, liên tưởng đến những biểu hiện tiêu cực của xu hướng cao cả trong nền văn nghệ cách mạng ở ta, do sự tương phản của những quan hệ lấn át, dễ lầm tưởng rằng ở đây có thể có quan hệ bổ sung. Thực ra như đã phân tích so sánh ở trên, đó là những biểu hiện của những mâu thuẫn bản chất hoàn toàn khác, của những quá trình trái ngược hẳn với nhau. Không thể lấy cái “màu mè” của chủ nghĩa hình thức để bổ sung cho sự lấn át của nội dung đối với hình thức, cũng như không thể lấy cái “ướt át” của sự buông lỏng bản năng và tình cảm để bổ sung cho sự lấn át của lý trí đối với cảm xúc. Lẽ nào lại đi lấy những biểu hiện bệnh hoạn của một quá trình suy thoái, tan rã để “sửa sang” cho những non yếu của một quá trình trưởng thành. Chỉ những “người cầm lái” cũ và mới của tập đoàn phản động Bắc Kinh hiện nay mới phải tính kế vay mượn phấn son của văn nghệ tư sản phương Tây hiện đại – gần đây được họ bỗng dưng mở rộng cửa đón nhận về hết sức vồ vập – để hóa trang cho cái bộ mặt quá ư ngán ngẩm và gớm ghiếc mà tự họ đã tạo ra dưới triều đại của “Người cầm lái vĩ đại”.
___________
Chú thích
(1) Nguyễn Minh Châu: Viết về chiến tranh // Văn nghệ quân đội, H., s. 11/1978, tr. 114
(2) Aristoteles: Thi pháp (bản tiếng Nga), M., 1967, tr. 177.
(3) Aristoteles: Thi pháp (bản tiếng Nga), M., 1967, tr. 44.
(4) Khái niệm hình tượng đa nghĩa được xác định từ một bình diện hoàn toàn khác với khái niệm biểu tượng hai mặt. Tính chất hai mặt của loại biểu tượng sau biểu thị tính chất lập lờ của nó; thực ra hình tượng hai mặt bao giờ cũng chỉ có một ý nghĩa hoàn toàn xác định, đó là ý nghĩa xỏ xiên. Dĩ nhiên cần phê phán nghiêm khắc loại biểu tượng này. Tuy vậy từ sự phê phán biểu tượng hai mặt mà suy ra rằng hình tượng nghệ thuật chỉ được phép có một mặt, một ý nghĩa, thông tin mỹ học phải có tính chất đơn nghĩa, tức là truyền đạt một ý nghĩa cố định như thông tin lý thuyết, − là hoàn toàn không đúng.
(5) Tình trạng nội dung lấn át hình thức thể hiện đặc biệt rõ trong văn nghiên cứu. Về nội dung có xu hướng đề cập đến những đề tài lớn, những vấn đề to, đưa ra những ý bao trùm, trong khi đó câu kéo lô-gich hình thức và bố cục thường cẩu thả và rất yếu.
(Nguồn: FB Lại nguyên Ân)
May cho cụ HNH là bài viết vào năm 1979 chứ trước nữa thì không " Nhân văn giai phẩm " cũng vào " phe chống đảng ".
Trả lờiXóa"Bầu trời" hiện nay vẫn đen tối như vậy thôi. Có điều là "ní nuận" ít đi, còn chỉ huy, áp đặt tăng lên.
XóaGS . Hoàng Ngọc Hiến (Giáo sư nhân dân phong, không phải nhà nước phong) vừa là là bạn thân của GS. Nguyễn Đăng Mạnh như như một đối tượng nghiên cứu (chân dung văn học) của GS. Nguyễn Đăng Mạnh. Dưới đây trích một số đoạn trong Hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh:
Trả lờiXóa"Hồi những năm 60 của thế kỷ trước, tôi nhớ Phạm Văn Đồng có viết một bài về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bài ấy, người khác có thể coi là thường, không hay hoặc chưa đúng chỗ này chỗ khác. Nhưng Hoàng ngọc Hiến thì phải nói: “Phạm Văn Đồng viết bài ấy là thiếu văn hoá”.
"Trở lại tính thích gây sự của Hiến đối với lãnh đạo. Như đã nói, Hiến ít ở khoa (Đại học sư phạm Vinh), hay ra Hà Nội. Có lần anh vắng mặt đúng vào dịp công đoàn khoa văn xếp loại cán bộ theo ba mức A, B, C. Tiêu chuẩn cũng nhẹ nhàng thôi. Loại A chỉ là không có khuyết điểm gì đáng kể thôi. Hầu như cả khoa không có trường hợp nào phải xếp loại B cả. Tổ công đoàn, được sự chỉ đạo của chi bộ Đảng, lập kế hoạch: khi Hiến ở Hà Nội vào thì họp xếp loại. Chủ trương của Chi bộ là phải, nhân cuộc xếp loại này, nghiêm khắc kiểm điểm Hiến về tư tưởng. Trình tự cuộc xếp loại được dự kiến như sau: người được xếp loại tự xếp loại trước. Anh em trong tổ có ý kiến sau. Người ta đoán chắc Hiến sẽ tự nhận loại A. Lúc đó anh tổ trưởng sẽ điều khiển tổ viên phân tích thiếu sót của Hiến, đại khái như sau: Anh Hiến chỉ đáng xếp loại B thôi, vì khuyết điểm này, khuyết điểm khác… Nhưng gần đây anh đã tỏ ra có tiến bộ, thí dụ như gánh nước uống cho anh em tập tự vệ, vậy ta chiếu cố xếp lên loại A… Nhưng, bất ngờ, Hiến chỉ tự xếp loại B. Bài bản đã dự kiến thế là bị phá sản. Tuy thế, tổ trưởng là tay khá thông minh, anh ta vẫn tìm được cách thực hiện phương án cũ: “Đúng, anh Hiến tự xếp mình loại B là đúng (Phân tích khuyết điểm của Hiến một chập). Nhưng vì gần đây có một vài tiến bộ nên ta chiếu cố xếp lên loại A”. Hiến nhất định không nghe, chỉ nhận loại B thôi. Anh nói: “Đối với tôi A hay B cũng thế thôi. Và tôi chẳng tiến bộ gì cả. Còn nếu các anh muốn tìm chỗ tiến bộ thật sự của tôi thì tôi xin mách: tôi rất tiến bộ về chuyên môn, soạn bài rất kỹ”.
"Hoàng Ngọc Hiến có một phản ứng khá dữ dội, chung quanh vụ “hiện thực phải đạo” (Hoàng Ngọc Hiến viết bài Về một đặc điểm của văn học nghệ thuật ở ta trong giai đoạn vừa qua đăng Văn nghệ số 23 (9.6.1979) có luận điểm nổi tiếng “hiện thực phải đạo”). Hồi ấy anh còn ở Triệu Việt Vương. Tôi đến anh một buổi chiều. Anh kể một câu chuyện vừa xẩy ra với anh: sau bài “hiện thực phải đạo”, anh bị đánh rất mạnh. Trên tạp chí cộng sản, Hà Xuân Trường có bài đả Hiến. Hiến viết bài tranh luận lại. Tạp chí cộng sản không đăng, cho người đến mời anh lại toà soạn để nói chuyện. Tay phái viên đến mời anh, nói xong, lấy cái điếu cầy định làm một hơi. Hiến quát ngay: “Thôi, không hút. Đi ngay, không hút sách gì cả!”. Đến toà soạn tạp chí, mấy biên tập viên đã chờ sẵn: “Nào mời anh lên gác. Chuyện văn chương phải nói nơi kín đáo”. Hiến lại bác lại ngay: “Chuyện văn chương không việc gì phải kín đáo!”. Hiến giải thích với tôi: “ấy đối với bọn này cứ phải tấn công như thế, tấn công ngay từ thằng đến mời”.
Một đoạn khác trong hồi ký Nguyễn Đăng Mạnh:
Trả lờiXóa"Cũng vào khoảng trước sau năm 1980, khoa Văn Đại học Sư phạm Hà Nội có tổ chức một cuộc hội thảo khoa học, đề tài: giáo dục tư tưởng qua giảng dạy văn học. Hiến lúc đó vẫn còn ở Đại học Sư phạm Vinh. Anh ra dự hội nghị. Không biết bản báo cáo viết của anh gửi ra như thế nào, nhưng anh trình bầy miệng thì khá gai góc, và hình như anh lại cố tình diễn đạt cho thật ấn tượng về cái ý rất gai góc của mình. Anh cứ thủng thẳng nói đi nói lại: “Những gì chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng đã nói hay viết, thì trong lớp ta không nói. Ta chỉ nói những điều chi bộ Đảng, đoàn thanh niên, đài phát thanh, báo Đảng không nói, không viết”.
Ý kiến của Hoàng Ngọc Hiến đã gây chấn động hội nghị. Những người lãnh đạo hội nghị rất lo ngại (lãnh đạo hội nghị là Nguyễn Văn Hạnh quyền chủ nhiệm khoa và Trần Thanh Đạm phó chủ nhiệm khoa). Đạm thấy nhất thiết phải uốn nắn lại. Anh động viên Đỗ Hữu Châu, Nguyễn Thị Hoàng lúc đó là đảng viên dự bị hay cảm tình đảng gì đó lên phê phán Hiến. Tôi không nhớ ý kiến của cô Hoàng thế nào, chỉ nhớ một câu mỉa mai của Châu: “Đứa trẻ con ngồi trên vai bố, cứ tưởng mình cao hơn bố”.
Hoàng Ngọc Hiến giơ tay xin phát biểu. Anh cố tình tự khoe: “Tôi đã góp phần làm cho hội nghị thành công. Vì một hội nghị khoa học có tranh luận học thuật thì mới là một hội nghị có kết quả. Tôi đã gây được cuộc tranh luận cho hội nghị. Ngoài ra tôi rất sướng vì đã được ngồi trên vai anh Đỗ Hữu Châu”.
Sau hội nghị này, Trần Thanh Đạm gửi giấy cho chi bộ Đảng của khoa Văn Đại học Sư phạm Vinh phản ánh về sự “lệch lạc tư tưởng” của Hiến.
Ít ngày sau, tôi đến chơi Hiến – Anh vẫn ở Triệu Việt Vương. Một căn phòng rất hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ. Tôi và Hiến ngồi ở salon. Chị Tố Nga, vợ Hiến giải chiếu ngồi trên nền nhà. Chị cứ chỉ tay vào mặt Hiến mà nói đi nói lại xa xả: “Tôi không thấy có ai ngu như anh Hiến!”. Nói mãi chán, chị bỏ ra đi. Hiến thủng thẳng nói với tôi: “Hắn nói thế mà đúng. Như ta vẫn nói đế quốc Mỹ là ngu ấy mà!”.
Nhân mùa thi cử lại sắp đến cùng sự kiện giáo dục Việt Nam được …”xếp hạng” thứ 12 toàn cầu, đứng trên cả mỹ, Anh, Úc. Xin gửi Trang Blog Tễu một bài Phú về giáo dục học hành . Mong anh có được đôi phút thư giãn.
Trả lờiXóaThân ái chúc anh Sức khỏe và an lành.
Cao Bồi Già
Nguồn:
http://thocaoboigia.blogspot.com
. THI CỬ HỌC HÀNH PHÚ
Giáo dục rèn nhân;
Học hành tích vốn.
Ai nấy đều tường;
Đời nào cũng trọng
Có chữ mới nên;
Không thầy là hỏng.
Xưa sôi kinh nấu sử ,gắng gắng thông làu;
Nay luyện toán rèn văn,chăm chăm đào rộng .
Sĩ tử thuở trước ,chõng lều lỉnh kỉnh vai trĩu vác mang;
Học sinh thời này ,sách cặp bề bề lưng khòm đeo cõng
Phụ mẫu nhọc nhằn;
Con em bận rộn.
Bố xách xe bay;
Con ôm cặp phóng.
Giữa ngày bỏ sở , đón con chạy ráng chẳng phút thảnh thơi ;
Cuối buổi tan trường ,theo bố học thêm không giờ phí trống
Trời nhá trời nhem ,lại chạy sô sang lớp khác ,thánh bố lực cùng;
Tối mò tối mịt,mới đóng cặp ngơi chốn nhà,thần đồng sức khọm.
Con cái đây :
Lớp chính lớp phụ buổi buổi nhai găng;
Bài học bài làm ngày ngày nuốt trọn.
Miệt mài bài vở ,lưng khòm cong tôm;
Cặm cụi bút nghiên ,kính đeo nặng gọng.
Hết tính hết toan rồi thêm rồi nếm ,đầu óc phát khùng;
Lại môn lại món cố bổ cố sung ,mặt mày đâm thộn .
Cha mẹ kia:
Tiền cơm tiền áo, lo tiên huyền tiền hồng hộc oằn lưng;
Khoản lớp khoản trường, bị khoan sắc khoán hoang mang ác mộng .
Khổ nhưng chịu :
Bảy trong mười nhà phụ huynh mình sướng, rõ lực chẳng toong;
Ba phần tư lớp con cháu ta tài, nào đâu công uổng.
Vui dạ cha mẹ bảo ban;
Dặn lòng cháu Con vâng đón.
Giáo án năm nay năm xửa ,rối rắm chết khuôn;
Môn thi niên trước niên sau ,tùng phèo biến động.
Khoa trước Hóa - Sinh bị kiểm, sĩ tử ôm bài cặm cụi nhét nhồi;
Khóa này Sử - Địa chẳng thi, học trò quăng sách bỏ bê buông lỏng.
Lấy “ngoa ngôn” cô người mẫu ra đề thi đề cử, huấn trẻ mê chuyện tầm sàm;
Đưa “ngạo ngữ” chàng diễn viên vô bài kiểm bài tra, dạy trò hám điều hoang mộng .
Giáo khoa dạy trò in ấn lỗi chằng bất chấp phát bừa
Tự điển cho trẻ soạn biên cẩu thả vô tư bán rộng
Đảo tung trường sở,nhà giáo đâm ngơ;
Đánh đố mẹ cha, học trò hóa ngọng.
Giáo dục như thể cù quay;
Học hành khác gì chong chóng .
Kỳ cử kỳ thi ,luyện nhanh luyện gấp ,lò lại bung đua ;
Mùa hè mùa hạ ,học trước học bù ,trường không hề đóng.
Vất vả là thế ,căng thẳng là thế,gian nan là thế ,con cái cố công;
Nhọc nhằn như ri ,khổ sở như ri ,mệt mỏi như ri,mẹ cha mong ngóng.
Những tưởng ăn vóc học hay;
Nào ngờ múa may thấy hỏng.
Buồn lắm kẻ
Ông bảng bà khoa lá đơn thảo lui thảo tới ,câu cú lung tung;
Cậu cử cô tú câu văn viết vụng viết ngây ,lẽ lời lọng cọng .
Giận mấy tên
Hỏi Trương Hán Siêu ấy thượng tướng Ngô bang;
Rằng Lý Thường Kiệt là diễn viên Hương Coỏng.
Dốt nào có dốt ,lợp nóc ngược đầu;
Tài chẳng ra tài ,xây nhà lệch móng.
Trường chuẩn trường điểm ,đấu sĩ rèn luyện sắc nanh;
Lớp chọn lớp chuyên ,gà nòi giũa mài bén móng .
Dạng cong dạng thẳng ,giải bài phăng phăng;
Kiểu luận kiểu suy ,cắn cán thồn thộn.
Kiến thức chăm chắm nhét nhồi;
Đạo đức Lờ vờ buông lỏng.
Rầm rộ thi đua thành tích, thầy cùng trò dối gian nhiều màn đổi chác, chốn chốn râm ran;
Bùng phát bạo lực học đường, bạn với bè hung ác lắm trận đòn thù, nơi nơi nóng bỏng.
Hệ thống huấn khoa ông chằng bà chuộc ,ba bảy lỗi chung;
Chủ trương giáo dục chú kiết cha căng ,mười mươi lỗ hổng.
Nhiều lúc ngu ngơ;
Lắm khi trào lộng.
Có anh kia:
Tú tài bổ túc ,cố cố nộp đơn phúc khảo,chủ thí lắc đầu;
Tại chức liên thông ,lù lù đeo ống đốc tờ ,bạn bè há họng!!
Lại chị nọ:
Nhập học chọn nghề báo chí mài giũa đầu ngòi ;
Ra trường chuyển nghiệp kinh doanh nắm ngay chức tổng !!.
Chết giáo cùng dục ai kẻ coi khinh;
Ôi học với hành ai người xem trọng ?
Cải cải thêm hư;
Cách cách càng hỏng!.
. CAO BỒI GIÀ
"Một căn phòng rất hẹp, chỉ độ 16 mét vuông. Kê được hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ.". "Hai cái ghế salon và một cái bàn nước nhỏ" này bằng gỗ tạp, chỉ có từ năm 1980, là thù lao mấy buổi thuyết trình của Hoàng Ngọc Hiến tại khoa Văn, Đại học Sư phạm Việt Bắc, do ông Phạm Luận, cán bộ khoa Văn ĐHSPVB- một bạn thân của ông Hiến, ông Mạnh - mời, ông Hiến ngày đó đang bị cấm phát biểu, viết lách, và được một học trò của hai ông đưa đón vất vả bằng tàu hỏa, năm 1980. Xem NHỚ VỀ MỘT KỶ NIỆM VỚI HAI NGƯỜI THÀY TUỔI CANH NGỌ, Trannhuong.com, Thứ sáu ngày 16/7/2010.
Trả lờiXóa