Thứ Bảy, 25 tháng 4, 2015

Nguyễn Văn Tuấn: "VN TỰ DO BÁO CHÍ HƠN NHIỀU NƯỚC KHÁC" ?


“Việt Nam tự do báo chí hơn nhiều nước khác”

Nguyễn Văn Tuấn
24-04-2015

Phải để câu đó trong ngoặc kép, vì đó là câu phát biểu của bác Nguyễn Bắc Son, đương kim Bộ trưởng Bộ 4T (tức là Thông tin và Truyền thông). Nhưng đó là đánh giá của bác ấy, chứ đánh giá của CPJ (Committee to Protect Journalists, uỷ ban bảo vệ nhà báo) thì rất khác. CPJ nhận định rằng Việt Nam là một trong 10 nước có chế độ kiểm duyệt thông tin báo chí khắt khe nhất thế giới.

Theo CPJ thì 10 nước có chế độ kiểm duyệt báo chí khắt khe nhất thế giới là:

1. Eritrea (Phi châu)
2. Bắc Triều Tiên
3. Saudi Arabia
4. Ethiopia
5. Azerbaijan
6. Việt Nam
7. Iran
8. Tàu
9. Miến Điện
10. Cuba

Tôi chưa rõ dựa vào tiêu chí gì mà họ xếp VN kiểm duyệt báo chí còn hơn cả Tàu và Cuba. Đến thứ hai thì họ sẽ công bố báo cáo và chúng ta sẽ có nhiều chi tiết hơn. Nhưng có tên trong “bảng Phong Thần” này thì rõ ràng không phải là điều đáng tự hào. Tự hào sao được khi thấy cái tên Việt Nam đứng chung với những cái tên “đầu trâu mặt ngựa” như Tàu cộng, Triều Tiên, Ethiopia, Eritrea, Azerbaijan.

Theo bản thông cáo báo chí của CPJ (2) thì Việt Nam bị phê bình chủ yếu là dùng một điều luật mơ hồ “lợi dụng quyền tự do dân chủ” để bỏ tù phóng viên. Nguyên văn họ viết là “Vietnam (sixth most censored) uses a vague law against “abusing democratic freedom” to jail bloggers” (2). Tôi đoán là họ đề cập đến điều luật 258. Trong phần viết về Việt Nam trên trang web của CPJ, họ cho biết đảng cộng sản kiểm soát toàn bộ báo chí và không cho phép tư nhân ra báo. Tất cả các tổ chức phải phục vụ như là cái loa của đảng. Báo cáo còn cho biết mỗi tuần, ban tuyên giáo trung ương có cuộc họp giao ban với các báo chí, đài phát thanh, và đài truyền hình để chỉ thị chủ đề cần nhấn mạnh, hay chủ đề phải tránh trong tuần. Các chủ đề bị cấm bao gồm các nhân vật bất đồng chính kiến, các đấu đá trong nội bộ đảng, các vấn đề liên quan đến nhân quyèn, và các vấn đề mang tính kì thị vùng miền hay chủng tộc.

Báo cáo của CPJ xem Việt Nam là một trong những nước có “thành tích” tồi tệ nhất đối với giới phóng viên. Họ ước tính rằng có ít nhất 16 phóng viên đã bị bỏ tù. Ngoài ra, chính quyền còn ngăn chận một số website có xu hướng phê phán Nhà nước. Một trong những website bị cấm mà CPJ nêu đích danh là Danlambao.

Nhưng theo quan điểm của ông Bộ trưởng Bộ 4T thì khác. Ông cho rằng các tổ chức như CPJ chỉ trích là không đúng, vì “Thực ra ta có nhân quyền và báo chí ở ta tự do hơn họ rất nhiều” (1). Có lẽ nhiều người sẽ rất ngạc nhiên trước phát biểu đó, và tự hỏi dựa vào bằng chứng nào mà ông nói như thế. Ông giải thích rằng:

“Bằng chứng là các hội, các ngành đều có một tờ báo riêng, trên thế giới chỉ có khoảng 20 nước có luật về báo chí thì trong đó có cả Việt Nam. […] hiếm có nước nào có nhiều tờ báo và truyền hình như Việt Nam hiện nay với hơn 300 kênh phát thanh và truyền hình, 7 đài truyền hình, hơn 800 tờ báo, tạp chí” (1).

Tôi thấy cách giải thích của ông bộ trưởng hoàn toàn không thuyết phục và có cái gì đó mang tính … nguỵ biện. Tự do báo chí chẳng có liên quan gì đến số lượng báo đài. Đâu có ai ngây thơ đến độ nhận xét rằng nước nào có nhiều tờ báo là nước đó có tự do báo chí hơn nước có ít tờ báo. Theo cách lí giải của ông thì Việt Nam có tự do báo chí hơn Úc (vì Việt Nam có nhiều đài báo hơn Úc). Nhưng ai cũng thấy điều đó không đúng.

Nhiều báo chí không có nghĩa là có tự do báo chí. Một ví dụ minh hoạ là đế chế báo chí Rupert Murdoch. Chỉ riêng tập đoàn News Ltd của ông đã kiểm soát hàng trăm tờ báo, kể cả những tờ danh tiếng ở Úc như The Australian, Daily Telegraph, Sunday Telegraph, Herald Sun, Courier Mail, và hàng trăm tờ báo địa phương. Ở nước ngoài, ông cũng kiểm soát những tờ báo như Wall Street Journal, Financial News, New York Post, v.v. Nếu chú ý, tất cả những tờ báo này đưa những tin na ná giống nhau. Lí do đơn giản là nó xuất phát từ một nguồn, và nguồn đó chịu sử kiểm soát của tập đoàn News Ltd.

Điều đó cũng giống y chang như ở Việt Nam ngày nay. Thay vì tập đoàn News Ltd, thì Việt Nam có ban tuyên giáo (cũng có thể xem là một tập đoàn truyền thông) kiểm soát tất cả các báo, đài trên cả nước. Thành ra, chẳng ai ngạc nhiên khi một bản tin được phát đi, thì cả 800 tờ báo và 300 đài phát thanh + truyền hình đưa tin giống nhau. Có nơi họ lười biếng, đạo nguyên văn từ một bản tin khác, chứ không thèm viết lại. Do đó, dù số báo đài có vẻ nhiều, nhưng thông tin thì chỉ một chiều và không phong phú. Điều này đúng, vì chính ông bộ trưởng 4T cũng thú nhận rằng ở Việt Nam “Báo chí là phương tiện truyền thông của Đảng, Nhà nước” (1).

Nhưng ở các nước như Úc thì dân chúng may mắn hơn, vì báo chí không phải là của đảng phái nào hay của chính phủ. Báo chí ở Úc không chỉ có tập đoàn News Ltd của ông Murdoch, mà còn có nhiều tập đoàn khác như Fairfax và hàng trăm nhóm nhỏ và độc lập khác. Vì thế mà người dân có thể tiếp cận được nhiều nguồn thông tin khác nhau. Cùng một sụ kiện nhưng người dân có được cái nhìn khác nhau. Một điều nhất quán là không một tờ báo hay đài phát thanh / truyền hình nào dám nhận rằng họ phát ngôn cho Chính phủ. Ngay cả những đài phát thanh và truyền hình do Nhà nước tài trợ, họ cũng rất độc lập trong việc đưa tin, kể cả tin tức bất lợi cho Chính phủ. Chính phủ dù rất muốn nhưng khó mà chi phối được hệ thống truyền thông. Chẳng hạn như vấn đề các quan chức Úc hối lộ cho quan chức cao cấp Việt Nam để lấy hợp đồng in tiền, khi báo chí tiết lộ, Chính phủ Úc vội vàng tìm phương tiện pháp lí để “bịt miệng” vì sợ làm phiền Việt Nam, nhưng Chính phủ đã thất bại thê thảm.

Tôi thấy những người cầm quyền ở Việt Nam nghĩ rằng cần phải có đoàn kết thì mới tập trung làm kinh tế. Đoàn kết hiểu theo nghĩa mọi người đồng lòng, đồng thuận về một cái gì đó. Trong chiều hướng đó, báo chí và truyền thông rất quan trọng, vì họ nghĩ rằng báo chí có thể định hướng cho quần chúng. Ví dụ như họ nghĩ rằng phê phán chính quyền là xấu, phải để cho chính quyền yên tâm làm việc. Nói cách khác, họ nghĩ rằng tất cả phải nói cùng một tiếng nói và đó là đoàn kết. Nhưng đó là một suy nghĩ sai. Đoàn kết không có nghĩa là đơn điệu. Thử nhìn dàn nhạc: nhiều người chơi nhiều nhạc cụ khác nhau, kẻ đánh trống, người thổi kèn. Nhìn dàn nhạc có vẻ hỗn loạn, nhưng tất cả khi cất lên đều nằm trong một giai điệu có mục tiêu tối thượng là thể hiện bài nhạc cho thật tốt. Trong xã hội cũng vậy, cũng có nhiều ý kiến, quan điểm, tiếng nói khác nhau (giống như dàn nhạc), nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn là làm cho đất nước tốt hơn và mạnh hơn. Đồng thuận không có nghĩa là đơn điệu 1 tiếng nói, 1 quan điểm. Nhưng rất tiếc, ở Việt Nam đó lại là một thực tế và cách hiểu của nhiều người.

Tôi nghĩ công bằng mà nói những gì CPJ phê phán Việt Nam là không sai. Rõ ràng là Việt Nam thiếu tự do báo chí. Sự có mặt của “ban tuyên giáo” đã là một sự bất bình thường. Có nước nào trên thế giới văn minh mà có ban tuyên giáo? Có nơi nào trên thế giới mà người ta dùng chữ “Propaganda” một cách vô tư như ở Việt Nam? (Đối với thế giới văn minh, chữ propaganda rất ư là kinh tởm). Có nơi nào trên thế giới mà ban tuyên giáo chỉ thị báo chí phải viết cái gì, không được viết cái gì, thậm chí chỉ thị cụ thể như không được dùng danh xưng “tiến sĩ” trước tên ông Cù Huy Hà Vũ. Tôi đoán rằng làm nhà báo trong cái cơ chế đó chắc là đau khổ lắm. Nhà báo, theo định nghĩa, là giới “trí thức”, là giới hay chữ nghĩa (sáng tạo ra chữ mới); ấy thế mà họ bị một nhóm người nào đó, ngồi ở đâu đó, chưa biết học hành ra sao, chỉ dạy phải viết cái gì, viết như thế nào, và dùng chữ gì! Đó là một sự sỉ nhục ghê gớm. Ôi, thật tội nghiệp cho các bạn nhà báo ở Việt Nam!

5 nhận xét :

  1. Theo lời của Ông Nguyễn Bắc Sơn thì Việt Nam ta có tự do báo chí. Để chứng minh lời nói nầy là thật , đề nghị Bác Tểu cho in thành sách các bài viết trên trang của Bác phát hành rông rãi cho mọi người cùng đọc.
    Bác Tểu dám làm không?

    Trả lờiXóa
  2. 2 phi công su 22 nay ra sao mà không thấy báo chí nói vậy ta?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có báo chí thật sự đâu mà thắc mắc cho mất thời gian.

      Xóa
  3. Ông bộ trưởng 4T nói đúng quá còn gì! Việt Nam vẫn tự do báo chí hơn 5 nước nữa cơ mà, tức là đứng thứ 188 nước thì về tư do báo chí của Liên hiệp quốc còn gì! Việt Nam đỉnh cao trí tuệ và Tự do xếp... lộn cái đầu!

    Trả lờiXóa
  4. 2 đã là số nhiều rồi Bác Tuấn ạ. Bác Son nhà ta giỏi toán nên phát biểu rất chính xác. Ta tự do đến hơn 4 nước cơ mà.

    Trả lờiXóa