Thứ Sáu, 6 tháng 3, 2015

XIN NGẢ MŨ TRƯỚC HÌNH ẢNH BÀ CON HỘI AN TRẨY HỘI CẦU PHÚC

Hội An: Dân xếp hàng chờ lễ vía Quan Công
 
Dũ Tuấn
Dân Việt
15:27 - 06 tháng 3, 2015

Sáng 6.3 (16 tháng Giêng âm lịch), theo thông lệ hằng năm, người dân và du khách khắp nơi đổ về các chùa tại phố cổ Hội An (Quảng Nam) để xin xăm, hái lộc đầu năm.

Từ 3 giờ sáng, hàng ngàn người dân đã tập trung để chờ tham dự lễ vía Quan Thánh Đế Quân tổ chức tại chùa Ông (hay còn gọi là Quan Công miếu) tại dọc tuyến đường Trần Phú - Nguyễn Huệ (phường Minh An, thành phố Hội An). Để tránh tình trạng chen lấn,người dân xếp hàng rất ngay ngắn chờ vào viếng vía.

Đến hơn 10 giờ trưa nay, lượng người đến viếng tại các chùa càng đông hơn, người dân mang theo hoa, quả, bánh trái và hương để chờ đến lượt. Lực lượng bảo vệ cho người dân xếp thành hai hàng trên đoạn đường trước chùa Ông khoảng 3km để đảm bảo an ninh trật tự.

Chị Ngô Thị Sáu (46 tuổi, du khách Đà Nẵng) cho biết: “Ngày 16 tháng Giêng âm lịch hằng năm tại chùa Ông có lễ viếng vía và xin xăm rất may mắn để làm ăn, cầu sức khỏe nên tôi cùng gia đình vào Hội An từ khuya để xếp hàng tại chùa xin lộc. Nhưng do đông người quá, mình phải chịu khó xếp hàng đến lượt”.

Tại miếu Quan Công và đình Cẩm Phô cũng có đông người dân và du khách xếp hàng dài gần 2 km từ trong sân tới tận ngoài các tuyến đường trong phố cổ để đợi được vào trong thắp hương, hái lộc.


Theo ghi nhận của phóng viên, các con đường dẫn vào chùa và hội quán tại phố cổ Hội An như Lê Lợi, Bạch Đằng… chật ních du khách và người dân xếp hàng chờ viếng. Năm nay lượng người đổ về các chùa đông hơn nhưng thái độ người đến viếng xếp hàng nghiêm túc, không xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy.


Người dân xếp hàng dài để chờ đến lượt vào chùa xin xăm, hái lộc đầu năm.


Hàng rào chắc đảm bảo lượng người vào chùa trật tự. 


Không có tình trạng chen lấn, xô đẩy diễn ra trong ngày xin xăm, hái lộc.


Các con đường dẫn vào chùa Ông từ sáng sớm đã chật ních du khách đến hái lộc. 

____________

Tôi đến Hội An lần đầu năm 1998. Lần ấy ra về ấn tượng lắm. Khi đến thăm Miếu Quan Công đọc được bài thơ của Nguyễn Nghiễm (thân phụ của thi hào Nguyễn Du) viết trên đường Nam chinh. Bài thơ còn được hai tiến sĩ là Nguyễn Lệnh Tân và Uông Sĩ Điển họa vần, tất cả đều được khắc lên biển gỗ còn treo tại đền. Bản dịch 3 bài thơ ấy về sau bị mấy ông ở Nghệ An thi nhau chép đăng báo, chứng cứ vẫn còn đầy trên mạng.

Xem phong cảnh, quan sát phong tục và tìm hiểu cung cách làm du lịch của bà con Hội An, mà trong lòng cảm phục bội phần. 

Lại biết các ông Nguyễn Sự cùng các cộng sự và công chức ở đây đều là những người tài giỏi, được lòng dân và dân nghe theo. Thấy càng ấm lòng!

Nhiều năm sau cứ mỗi lần trở lại Hội An là mỗi lần cảm nhận được chiều sâu văn hóa còn lưu lại trên từng mái nhà rêu phong, trên từng góc con phố nhỏ, trên từng nụ cười và lời chào hỏi đầm ấm, êm thuận nơi này. Lúc đó, và bây giờ vẫn nghĩ cả nước này, chỉ có Hội An biết làm du lịch và chỉ Hội An làm được mà thôi! Sao thế nhỉ!?

Xem hình ảnh xin ấn đền Trần (Nam Định) và xin thẻ đền Quan Công (Hội An) thấy ngay là Nam Định rất ngu, không nghĩ ra để làm như Hội An là luồng vào phải có luồng ra, thì mới lưu thông được. Cách làm của Hội An giống hệt bên Nhật làm ở đền Mei Ji (3 ngày tết có 4 triệu lượt người đến thăm mà vẫn không hề xảy ra tắc đường hoặc hỗn loạn). 

Hà Nội, Nam Định, Huế, Sài Gòn....biết đến bao giờ mới theo kịp Hội An ....


9 nhận xét :

  1. Hội an xa "mặt trời" nên không bị rát mặt. Quan ít, quan nào ăn của dân cũng khó nên ít tranh giành. Gần "mặt trời", thấy quan lớn giàu nứt đố đổ vách nên các quan nhỏ thi nhau cầu may, giành giật cướp "ấn" để cầu may. Đây là cái họa của đất nước chứ mắn chi cái thứ ăn cướp ấy.

    Trả lờiXóa
  2. Phố cổ xứ Quảng quê tôi còn giữ lại được là cụ Hồ Nghinh đấy! chứ không là đi...đời từ chiến dịch đập phá đình chùa miếu mồ thời ông Lê Duẩn rồi!?
    Do vậy người xứ Quảng vẫn giữ hồn thiêng trong máu thịt của mình, chứ không thất cước với tổ tiên giống nòi đâu!

    Trả lờiXóa
  3. Hội An quá nhỏ so với Hà Nội, nhỏ hơn cả Tp Nam Định . Hội An vốn mang tính hiền hòa như cái tên của nó . Còn Hà Nội, Nam Định Lễ Hội mà không " cướp " như cướp hoa tre, cướp ấn Đền Trần thì mất cả ồn ào náo nhiệt . Mất vui !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mất luôn cả... văn hóa đấy!

      Đỗ Chí Việt

      Xóa
  4. Tôi chưa thể đồng ý với tác giả về câu kết cuối cùng.Ở Huế,mỗi năm có rất nhiều lễ hội lớn,chưa bao giờ xảy ra hiện tượng chen lấn chứ đừng nói đến chuyện "cướp có văn hoá"

    Trả lờiXóa
  5. Nên viết:
    Miền Bắc biết đến bao giờ mới theo kịp Hội An ....

    Trả lờiXóa
  6. Bây giờ thì nhân dân cả nước đều thấy giá trị của Hội An. Nhưng nếu sau 1954 ở miền Bắc, và sau 1975 ở miền Nam, tất cả các bí thư tỉnh ủy đều có nhận thức như ông Hồ Nghinh thì sẽ không có nạn phá chùa, đốt đền, chiếm nhà thờ. Nếu thế thì VN đâu có phải thua kém Thailand xa như bây giờ.

    Trả lờiXóa
  7. Hội An thua miền Bắc toàn phần. Vì từ năm 1954 đến nay, về cơ bản miền Bắc đã hủy diệt được nhiều di tích lịch sử có giá trị, làm biến tướng nhiều lễ hội truyền thống theo hướng ăn xổi. Chùa Bái Đính mang phong cách, kiến trúc Tàu được xây to nhất Đông Nam Á, chùa Trăm gian cổ kính được phá hủy phần cơ bản. Lê hội ở các chùa được cúng beer rượu, thịt lênh khênh ..Phật chỉ ngửi mùi rượu bia thôi cũng đủ buồn ngủ trên tòa sen. Quan chức thi đua cướp ấn để cầu may. Thành tích này gọi là thành tích gì? các đồng chí tuyên giáo phụ trách về phần hồn của đảng viên phát biểu sao?

    Trả lờiXóa
  8. Như vậy, có lẽ cướp có VĂN HÓA chỉ có ở mấy tỉnh miền Bắc?
    Bí thư Nghị, Bí thư Nam Định (tôi không biết tên) nếu là người TỬ TẾ hãy xách cặp tôn ông Sự làm SƯ PHỤ để làm "cách mạng" cho địa phương mình thay vì cứ tìm cách mà ngụy biện về "văn hóa".

    Trả lờiXóa