Thứ Tư, 4 tháng 3, 2015

Lê Chân Nhân: BẠO LỰC ĐANG ĐE DỌA THẾ HỆ TRẺ

Bạo lực đang đe dọa thế hệ trẻ
Lê Chân Nhân
Thứ Tư 04.03.2015

(Dân trí) - Con số hàng ngàn người nhập viện vì đánh nhau trong dịp Tết vừa qua vẫn còn là nỗi ám ảnh với những ai quan tâm đến sự xuống cấp của đạo đức xã hội. Cái ác ngày càng lấn lướt cái thiện, bạo lực đang đe dọa tâm hồn, suy nghĩ, nhân cách con người, đặc biệt là lây truyền đến thế hệ trẻ.


(Minh họa: Ngọc Diệp)

GS Nguyễn Minh Thuyết nhận định: “Lớp trẻ sẽ thấy rằng, trong những vụ việc như thế, cha anh mình không dựa vào luật pháp mà lại cư xử với nhau bằng bạo lực thì sau này mình cũng sẽ cư xử như thế. Những cái này nguy hại khôn lường”.

Ông bố chở con đi học, va quẹt xe với người khác. Ông bố nhảy xuống xe xông vào đánh nhau ngay mặt con mình. Đứa con đó rất có thể sẽ giải quyết các mâu thuẫn bằng bạo lực.


Ngược lại, nếu ông bố lịch sự, giải quyết ôn tồn, nói lời tử tế, thì đứa con sẽ noi gương, sau này lớn lên, sẽ là người cư xử lịch sự, nói năng hiền lành, cử chỉ ôn hòa.

Nhưng thử hỏi, những ông bố tử tế chiếm tỉ lệ bao nhiêu phần trăm hiện nay? Không cần khảo sát hay điều tra xã hội học cũng rõ, chỉ nhìn con số hàng ngàn người đánh nhau, trong đó có 15 người chết trong dịp Tết là đủ để hiểu. Tết là những ngày con người ta sống trải lòng, tìm điều hay lẽ phải để nói với nhau, tìm cái may thay cho cái rủi, thế mà vẫn dùng bao lực...

Người ta đi đến chùa chiền, đền dài, miếu mạo là nơi thiêng liêng, hay tham gia trò chơi lễ hội, nhưng vẫn sử dụng bạo lực, sẵn sàng đánh nhau để giành giật nhau những thứ gọi là “lộc”. Chỉ vì nghĩ rằng cướp được lộc là may cho mình, nên có thể làm tất cả, bất chấp đạo lý, coi thường pháp luật.

Vì quá tham, quá mê bạo lực, họ không có thì giờ để suy nghĩ rằng, nếu thánh thần có thiêng thật, thì cũng không ai đem “lộc” mà cho kẻ tham lam và độc ác.

Bạo lực ngày càng tăng, nhưng cộng đồng lại đẻ ra hoặc phục dựng những lễ hội tăng thêm tính bạo lực. Đã có nhiều ý kiến can ngăn không nên tiếp tục tổ chức lễ hội dã man như chém lợn, đâm trâu, chọi trâu. Thế nhưng, người ta vẫn thích đâm, thích chém, thích nhìn máu me mới thỏa cơn kích động của họ.

Những đứa trẻ chứng kiến chém giết máu me như vậy, chắc chắn sẽ bị tổn thương nặng nề tâm lý, tình cảm, ảnh hưởng rất lớn đến sự trưởng thành nhân cách về sau.

Sự nỗ lực can gián lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, Bắc Ninh chưa thành, thì cộng đồng lại phát sốt vì những tấm ảnh về lễ hội Cầu Trâu tại xã Hương Nha, Tam Nông, Phú Thọ. Con trâu bị cột vào cọc, trai làng thi nhau lấy búa đập vào đầu trâu cho đến khi gục chết. Quá thê thảm. Nhưng đáng sợ hơn, ớn lạnh hơn là khi nhìn vào đôi mắt con trâu. Nó như van xin, cầu cứu, đau đớn trong tuyệt vọng...

Văn hóa chỗ nào lại đi giết trâu hãi hùng như thế, tín ngưỡng gì mà lấy “con trâu là đầu cơ nghiệp” ra để hành hạ cho đến chết.

Cái ác bày ra công khai trước mắt, mang danh văn hóa, lễ hội sờ sờ như vậy mà không dẹp, thì sao mong dẹp được bạo lực đang lan tràn trong xã hội.


Lê Chân Nhân

4 nhận xét :

  1. Lễ hội thì đã có từ lâu, nhưng đất nước trải qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và chống Mỹ, lễ hội đã đơn giản đi rất nhiều và chỉ giữ lại những cốt lõi trong sáng của văn hóa. Từ hồi kinh tế thị trường, do đời sống có khá hơn, chúng ta khôi phục lễ hội, từ dân thường đến quan chức tham gia nở rộ trên truyền thông mà thiếu hướng dẫn kịp thời đã làm cho một số lễ hội đi quá đà để đến bây giờ khó phanh lại. Tín ngưỡng duy trì, đền chùa miếu mạo được phục dựng trùng tu là chính đáng, nhưng làm thêm chùa mới đên miếu mới liệu có nên chăng (như chùa Bái Đính, công trình có lẽ đến ngàn tỷ, chẳng hạn)? Vô hình chung chúng ta đem tín ngưỡng phục vụ du lịch, phục vụ kinh tế thị trường vì mục đích kinh tế thì thử hỏi đâu còn là tâm linh tín ngưỡng nữa ? Đến đâu cũng thấy lãnh đạo trồng cây, ghi tên, đã trở thành sự cổ xúy dân chúng trên con đường tín ngưỡng và lễ hội đến mức quá đà như hiện nay. Lễ hội tràn lan là tiêu tốn mất nhiều tiền của xã hội, là phí phạm quá nhiều thời gian lao động , học tập của mọi tầng lớp nhân dân. Nguy hiểm hơn là trong hệ tư tưởng sự tin cậy vào sức mạnh siêu nhiên một cách thái quá thì liệu xã hội chúng ta rồi sẽ như thế nào trong tương lai?

    Trả lờiXóa
  2. Có một lần tôi đang đứng bên đường đổ xăng, chợt nhìn thấy chiếc xe tải hạng nặng bên cạnh cũng đang tắp vào đổ xăng.Trên xe tải là những con bò đứng, nằm trong không gian tù túng chật chội trên xe ... chắc chúng đã bị bắt lên xe một thời gian khá dài. Nhìn những đôi mắt đầy hoang mang tuyệt vọng ấy, tôi chợt hiểu chính vì loài người mà chúng phải chịu khổ sở, nay mai còn phải bị chọc tiết . Thử tưởng tượng chính bản thân mình bị đứt tay hay trật chân mà tôi còn thấy khó chiụ gai người huống chi là lấy buá đập vào đầu một con vật hiền lành vốn chỉ biết cày sâu cuốc bẩm phục vụ con người ....Tôi đã bắt đầu bỏ ăn thịt từ đó vì không thể chịu được sự dằn vặt cuả lương tâm.
    Nếu phải giết một con vật để lấy thịt ăn thì có thể làm việc đó dưới một hình thức nhân đạo hơn được không nhỉ ? Điện giật, bắn vào đầu, thay vì xử tử nó dưới hình thức man rợ nhất : một cái chết đau đớn, đến từ từ, trong tiếng reo hò cuồng loạn cuả đám đông vô tâm và khát máu ?

    Trả lờiXóa
  3. Hà Nội ngày nay ra đường nhan nhản thanh thiếu niên xăm trổ đầy người. Thanh niên có thú trang trí nghệ thuật cũng có. Mà lưu manh cũng không ít. Hàng ngày thấy họ chạy xe nghênh ngang ngoài đường, đầu không đội mũ bảo hiểm vào hai buổi sáng tối. Họ là ai và họ đi đâu?
    Họ chủ yếu là thanh niên và là những người nhập cư vào Hà Nội. Họ là những người đi thu tiền vay góp ngày (tiền chơi họ, tiền góp hụi ngày). Sáng thì cầm dao đi rình mấy người trốn nợ. Chiều tối thì cầm túi, xách xe chạy đi thu tiền của người mượn góp.
    Nhiều thanh niên nôn thôn ít học, ra Hà Nội làm em út cho mấy chủ nợ. Họ ngông nghênh, ngổ ngáo, Và nghĩ rằng ở Hà Nội như thế sẽ được dân Hà Nội 'sợ', 'nể'. Họ sử dụng chất kích thích, đập đá để tăng thêm 'độ nguy hiểm' của mình.Càng ngày càng nhiều thể loại này lượn trên đường phố Hà Nội.
    Ôi Hà Nội của tôi.
    Giá trị đạo đức không còn. Sự suy đồi văn hóa, lối sống của những người trẻ này đã góp phần không nhỉ làm thay đổi bộ mặt văn hóa của thủ đô. Họ là tay sai, được công an lợi dụng để trấn áp về mặt tinh thần với người dân lương thiện.
    Nhiều tấm hình đăng trên báo giấy, báo mạng côn đồ, lưu manh đánh người dân mà công an xung quanh thản nhiên coi như không thấy. Khi sự việc trở nên nghiêm trọng và đám lưu manh, côn đồ rút đi thì công an mới chạy đến ngơ ngác hỏi thăm người dân và 'nhiệt tình' giúp đỡ người bị hại.
    Haivl.

    Trả lờiXóa
  4. Giáo Dục không chuẩn . Luật pháp không nghiêm . Quan trên tham nhũng . Gương xấu tràn lan . Xã hội đại loạn . Xã hội cuối thời Lê Trịnh khi kiêu binh làm loạn , phủ chúa mua quan bán chức , trong triều Đặng thị Huệ lộng hành . Kết quả giặc cướp nổi lên như ong, dân tình vô cùng khốn khổ , nhà cầm quyền bất lực . Chỉ một thời gian ngắn sau triều đình vua Lê chúa Trịnh tiêu vong !

    Trả lờiXóa