Thứ Hai, 2 tháng 3, 2015

GS Nguyễn Minh Thuyết LÊN TIẾNG VỀ TÌNH HÌNH GIA TĂNG BẠO LỰC


Pháp luật không nghiêm, sẽ gia tăng bạo lực

Văn Kiên
06:40 ngày 02 tháng 03 năm 2015

TP - “Việc có đến gần 6.200 trường hợp nhập viện, trong đó có 15 người tử vong do đánh nhau trong dịp Tết là hiện tượng đáng báo động. Sự hung hãn, thích dùng bạo lực để “tự xử” này, nếu không có giải pháp ngăn chặn, để lan rộng sẽ ảnh hưởng lớn đến nhân cách, nếp sống của lớp trẻ…”.

Nhiều thanh niên lao vào cướp kiệu giò hoa tại lễ hội đền Gióng gây cảnh hỗn loạn. Ảnh: Zing.vn.Nhiều thanh niên lao vào cướp kiệu giò hoa tại lễ hội đền Gióng gây cảnh hỗn loạn. 
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nói như vậy khi trao đổi với Tiền Phong về thực trạng bạo lực trong dịp Tết, cũng như ở một số lễ hội vừa qua.
Văn hóa ứng xử xuống thấp
Việc có đến 6.200 trường hợp phải nhập viện, trong đó có đến 15 người tử vong do đánh nhau trong những ngày Tết, có phải bắt nguồn từ sự xuống cấp về văn hóa, ứng xử, hay là do nguyên nhân nào khác, thưa ông?
Việc ưa dùng bạo lực để giải quyết các vấn đề bức xúc là một hiện tượng đang ngày càng trở nên phổ biến trong xã hội. Chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy, có không ít vụ việc chỉ là những tranh chấp đơn giản, va chạm nhỏ nhặt nhưng người ta sẵn sàng dùng bạo lực để giải quyết với nhau. Những gì diễn ra trong dịp Tết, cũng như những hình ảnh tranh giành, cướp lễ vật bằng mọi giá ở các lễ hội diễn ra đã thể hiện rõ thực trạng đấy.
“Thực tế hiện nay chúng ta thấy, nhiều người khi ra ngoài xã hội không dám bảo vệ lẽ phải, không dám cứu giúp người bị nạn, không dám tố cáo tiêu cực vì lo sợ bị trả thù. Thấy người ta bị đâm xe không dám xuống cứu giúp vì sợ bị đổ vấy. Tất cả những cái đó đều có nguyên nhân từ sự yếu kém trong thực thi pháp luật. Nếu pháp luật không được thực thi tốt thì sẽ còn gây ra nhiều nguy hại, bạo lực không giảm mà còn tăng cao hơn” 
GS. Nguyễn Minh Thuyết, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội
Theo tôi, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên trước hết là do nếp sống văn hóa xã hội của chúng ta đang xuống thấp. Những cái gì mà tổ tiên, cha ông chúng ta cho là thiêng liêng thì nay nó đã có phần bị rạn nứt, mất đi. Nhiều ứng xử cao đẹp, thiêng liêng đã bị chủ nghĩa cá nhân cực đoan thay thế. Ví dụ như, ngày xưa lễ hội cũng có cảnh tranh cướp lấy một vài thứ cầu may. Nhưng không bao giờ có hiện tượng xô đạp, hành hung, đánh đập để cướp giật bằng mọi giá. Bởi thời đó, cha ông chúng ta rất coi trọng tình làng, nghĩa xóm; coi trọng danh dự, phẩm giá nên không có chuyện mạnh ai lấy làm, chen lấn, xô đạp cả các cụ già… Người ta rất sợ tiếng xấu để đời nên mọi người luôn biết phải giữ gìn phẩm giá, nhân cách của mình. Nhưng nay, quyền lợi vật chất thay thế hẳn giá trị tinh thần, người ta sống vì vật chất, coi thường tất cả những cái cao cả của nhân cách, văn hóa… Đi lễ chùa, dự lễ hội, ai cũng mong muốn có nhiều lễ, có nhiều tiền để đặt vào tay phật, tay tượng... Họ đem suy nghĩ “chạy chọt” trong xã hội áp vào với thần thánh. Đó là những suy nghĩ hết sức lệch lạc. Họ nghĩ rằng cướp được tí là có lộc cả năm nên bất chấp quy tắc văn hóa, không cần nể nang, nghĩ ngợi gì cả.

Một nguyên nhân nữa khiến bạo lực gia tăng là do sự bức xúc của xã hội. Nhiều người do cuộc sống tinh thần, công việc, vật chất gặp nhiều khó khăn nên cảm thấy bế tắc dẫn đến thiếu bình tĩnh trong giải quyết. Bên cạnh đó chính quyền, đoàn thể, luật pháp cũng không giúp họ tìm được lối ra dẫn đến việc họ sẵn sàng dùng bạo lực, dùng sức mạnh để giải quyết những vấn đề bức xúc của bản thân.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Pháp luật không nghiêm
Vậy tại sao người dân không tìm đến pháp luật, công lý nhờ phân xử mà lại lựa chọn cách “tự xử”?
Nước ta có rất nhiều luật, nhưng đúng là luật pháp của chúng ta chưa được thực hiện nghiêm minh. Tôi nhớ trên diễn đàn Quốc hội đã từng có ý kiến nói rằng: “Nước ta có một “rừng luật” nhưng cư xử với nhau vẫn theo “luật rừng”. Thực tế cho thấy, trong nhiều trường hợp ở ta pháp luật không được tôn trọng, thực thi thiếu nghiêm túc. Đôi khi cũng có trường hợp khi nhờ cậy đến pháp luật lại bị thua thiệt. Những cái đó cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng người dân “tự xử” với nhau bằng “luật rừng”, bằng sức mạnh cơ bắp.
Thực tế chúng ta thấy, cũng là người Việt Nam, nhưng khi đến Singapore họ chấp hành rất nghiêm quy định pháp luật của nước sở tại khi không khạc nhổ, vứt rác, hút thuốc lá bừa bãi. Bởi pháp luật của họ rất nghiêm, anh làm thế thì sẽ bị xử phạt ngay. Hơn nữa, nếu anh làm như thế thì sẽ bị cả xã hội người ta nhìn bằng con mắt kinh ngạc, coi thường. Còn ở ta thì chỗ nào cũng có thể vứt rác, khạc nhổ, rồi cả đánh nhau nữa nên khi trở về Việt Nam, người ta lại sống theo kiểu khác, không chấp hành nghiêm pháp luật như thế nữa.

Để xảy ra tình trạng này phải chăng cũng có nguyên nhân do chưa quan tâm giáo dục nhân cách con người trong nhà trường, thưa ông?
Trong nhà trường chúng ta cũng có quan tâm dạy bảo lớp trẻ đạo đức. Nhưng nhiều khi những bài giảng trong trường lại bị môi trường thực tế bên ngoài phản lại, các em không tiếp thu được. Ví dụ trong trường các em được dạy rằng: đi xe gặp đèn đỏ là phải dừng. Nhưng thực tế ở bên ngoài các em lại dễ dàng thấy các anh, các bác, các cô… của mình vẫn cứ vượt đèn đỏ ào ào… thì các em sẽ nghĩ khác ngay. Rồi các em được dạy là liêm khiết nhưng thực tế các em lại thấy bố mẹ, anh chị cứ phải mua quà đi biếu thế thì làm sao mà liêm khiết nữa… Điều nguy hại hơn nữa là hiện nay những tấm gương tốt hiếm quá. Thậm chí có khi người tốt còn bị coi là cái gì đó xa lạ, lạc hậu, “khốt” quá.
Lo ngại hình thành nếp sống hung hãn
Nhìn về lâu dài những hiện tượng tiêu cực trên sẽ tạo ra những tác hại gì đến sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước, thưa ông?
Những việc tự xử như thế này nếu không có giải pháp ngăn chặn thì sẽ làm cho bạo lực ngày càng lan rộng. Chắc chắn nó sẽ ảnh hưởng lớn đến sự phát triển về kinh tế, xã hội, cũng như giáo dục, văn hóa truyền thống… Tuy nhiên, cái mà tôi lo ngại nhất là nó sẽ tạo một nếp sống hung hãn trong lớp trẻ sau này. Chúng ta biết, trẻ em thì luôn luôn học tập và làm theo người lớn. Lớp trẻ sẽ thấy rằng, trong những vụ việc như thế, cha anh mình không dựa vào luật pháp mà lại cư xử với nhau bằng bạo lực thì sau này mình cũng sẽ cư xử như thế. Những cái này nguy hại khôn lường.
Vậy theo ông, chúng ta cần có những giải pháp gì để ngăn chặn tình trạng trên?
Để hạn chế tình trạng trên chắc chắn chúng ta phải có giải pháp tổng thể từ văn hóa, giáo dục, pháp luật, đạo đức… Tuy nhiên, trước mắt cái quan trọng nhất là làm sao để đảm bảo việc thực thi pháp luật phải nghiêm minh. Pháp luật phải bảo vệ cho bằng được những người ngay thẳng, chấp hành nghiêm pháp luật. Đồng thời pháp luật cũng phải xử lý nghiêm khắc những kẻ phạm tội. Qua đó để mọi người thấy rằng, pháp luật chính là công lý, là chỗ dựa vững chắc cho mọi người dân trong việc phân xử đúng, sai. Thay vì tự xử, dùng bạo lực với nhau thì người ta sẽ tìm đến pháp luật. Chứ nếu chúng ta cứ để pháp luật không nghiêm thì chẳng khác gì đang khuyến khích người dân dùng bạo lực để giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn ngoài xã hội.
Cảm ơn Giáo sư!

4 nhận xét :

  1. GS Thuyết nói đúng quá: nguồn gốc của mọi nguồn gốc làm cho người VN trở nên hung hãn đó là: nhà dột từ nóc; thượng bất chính hạ tắc loạn. Các bạn quên để ý là những việc nảy xảy ra tại Hà nội ngàn năm văn hiến

    Trả lờiXóa
  2. Hihi, "nhà" thời nay không có "nóc" rồi, dột toàn diện luôn. Chắc phải đập bỏ làm cái "nhà" khác thôi!

    Trả lờiXóa
  3. Cái gì cũng chạy cả thì còn chỗ nào cho đạo đức ? Chạy thế gian ( hối lộ ) chạy cả thần thánh . Cứ lấy đồng tiền là mua được tất cả !

    Trả lờiXóa
  4. Theo tôi sự gia tăng bạo lực khủng khiếp là do người ta không tin vào pháp luật ngoài ra còn có 3 nguyên nhân chủ yếu khác:
    1/ Người dân không tin vào chính quyền, không tin vào pháp luật. Ví dụ:
    - Một vụ tai nạn giao thông có thể dễ giàng bị CSGT làm sai lệch hồ sơ nếu kẻ gây tai nạn là quan chức, con quan chức, thuộc lực lượng công an, thân công an, có tiền mua chuộc v.v...
    - Một vụ tranh chấp đất đai cũng rất khó giải quyết sỏng phẳng nếu kẻ tranh chấp có tiền để lo lót, có quyền lực, hoặc quen thân với kẻ có quyền lực ...
    - Lực lượng công an, lãnh đạo các tổ chức đảng chính quyền đông như kiến, nhưng họ chủ yếu lo đàn áp, điều tra, khủng bố những người bất đồng chính kiến, những người yêu nước, những người chống người thi hành công vụ, còn những việc xẩy ra trong xã hội như tranh chấp, mất trộm cắp, đánh lộn, những việc không có mùi tiền ... thì họ để cho dân tự "bơi" là chính mà rất ít quan tâm thường án binh bất động không có biện pháp ngăn chặn hoặc tham gia giải quyết, họ thường để cho sự việc xẩy ra xong xuôi thì họ mới đến và sau đó thì cũng giải quyết qua loa hoặc ngâm lâu không chịu giải quyết và nếu có giải quyết thì cũng không thượng tôn pháp luật.
    v.v...
    2/ Nền giáo dục lệch hướng lại còn xuống cấp trầm trọng.
    - Nền giáo dục Việt nam là một nền giáo dục dối trá, cái gì cũng hình thức cái gì cũng không thật.
    - Phương pháp giáo dục chủ yếu là giáo dục theo kiểu vâng dạ, thiếu phản biện đúng sai, nặng về quy chụp.
    - Cả hệ thống giáo dục từ thấp đến cao chỉ chăm chăm nhồi nhét thật nhiều kiến thức một cách quá tham lam quá máy móc, rồi những khái niệm chung chung chung như yêu tổ quốc, yêu đồng bào, mà quên đi một nhiệm vụ hết sức quan trọng là giáo dục làm một người dân lương thiện, trung thực, yêu thiên nhiên, biết tôn trọng luật pháp, biết quý trọng ông bà, mẹ cha và những người thân trong một gia đình nhỏ bé.
    3/ Mâu thuẫn giữa nhân dân với nhau, giữa nhân dân với chính quyền lên rất cao, nhưng bị đè nén không được nói ra, một bộ phận không nhỏ quan chức, nhất là quan chức làm trong hệ thống đảng và con cháu họ, học ít hiểu biết ít nhưng giàu sang, kệch cỡm kết quả là người dân luôn sẵn có tâm lý căm ghét, khinh bác cũng do đó khi có va chạm xẩy ra họ không còn biết đúng sai mà đã có sẵn kết luận.
    4/ Môi trường xấu quá với chặt cứng những điều như tham nhũng tràn lan, đánh lộn tràn lan, trộm cướp tràn lan, vô trách nhiệm tràn lan, những kẻ dối trá, lừa đảo, tham nhũng lên ngôi vương giả, những người trung thực lương thiện bị nghèo đói thua thiệt thậm chí bị bạc đãi bị lạc lõng khó sống, cứ thế cái xấu có điều kiện phát huy cái tốt bị lấn át chìm đắm.

    Trả lờiXóa