Chủ Nhật, 8 tháng 2, 2015

Lễ hội Chém lợn: LỄ HỘI CỦA LÀNG TÔI, CHÚNG TÔI TỰ QUYẾT !

Lễ hội chém lợn: “Hãy để chúng tôi tự quyết”
 
Tất Định
Báo Dân Việt
08 tháng 2, 2015

Người chủ trì cuộc họp về lễ hội chém lợn Ném Thượng liên tục ngắt lời các cụ cao niên, bởi quá nhiều cụ bày tỏ ý kiến phản đối việc chấm dứt nghi thức chém lợn và đổi tên lễ hội.



Hơn 1 tuần nay, người dân làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Tp.Bắc Ninh) sôi sục trước thông tin lễ hội của làng bị Tổ chức Động vật châu Á đề nghị chấm dứt. Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội về nhiều mặt. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của những người chứng kiến và tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.
Sân đình làng Ném Thượng, nơi diễn ra nghi lễ chém lợn tế thánh

Những ngày gần đây, làng quê xứ Kinh Bắc bỗng dưng mất đi vẻ bình yên vốn có. Từng đoàn nghiên cứu, đoàn báo chí nối tiếp nhau về làng. Mới đây, Sở Văn hóa Thể thao & Du lịch tỉnh Bắc Ninh tiếp tục có công văn gửi UBND TP. Bắc Ninh về việc quản lý Lễ hội Chém lợn. Sở đề nghị lấy ý kiến của cộng đồng dân cư về việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn.


Ngày 8.2, ban tổ chức lễ hội làng Ném Thượng mở cuộc họp lần thứ hai để lấy ý kiến người dân việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn và bàn bạc tổ chức lễ hội sắp tới.

“Hãy để chúng tôi tự quyết” 

Ngày 8.2, ban tổ chức lễ hội làng Ném Thượng tổ chức cuộc họp thứ 2 
để lấy ý kiến các cụ cao niên và người dân trong làng

Các cụ cao niên, trưởng họ trong làng đều có mặt đông đủ tại hội trường phía sau đình. Cuộc họp còn có đại diện chính quyền phường Khắc Niệm, phòng văn hóa thông tin thành phố Bắc Ninh.

Ông Trần Văn Đức, trưởng khu Thượng, trưởng ban tổ chức lễ hội thông báo kế hoạch lễ hội năm 2015 vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống. Tuy nhiên, nghi lễ chém lợn sẽ thay bằng chọc tiết lợn sau sân đình để làm cỗ tế thánh.

“Chúng tôi không đồng ý, năm nay vẫn chém lợn như bình thường – Đúng! Vẫn phải chém lợn”, cả hội trường bỗng chốc ồn ào bàn tán.

Khuôn mặt đỏ gắt, ông Nguyễn Hữu Chế, 60 tuổi nói: “Hai năm qua, dân làng đã chấp hành yêu cầu thay chém lợn bằng cắt cổ lợn. Mọi người bớt hào hứng hơn, tính chất gắn kết cộng đồng cũng giảm hẳn. Việc chém lợn, cúng tế thần linh hàng trăm năm của dân làng mà coi đó như hành động dã man. Chúng tôi cảm thấy mình bị xúc phạm. Đã vậy, việc làng chúng tôi, chúng tôi làm. Năm nay, làng vẫn chém lợn”.

“Đúng! Đúng” – những tiếng hô lớn, kèm tiếng vỗ tay ầm ầm.

Lần lượt các cụ cao niên trong làng đứng lên phát biểu đồng tình với ông Chế.

Người chủ trì cuộc họp liên tục phải ngắt lời các cụ bởi quá nhiều cụ lên tiếng phản đối gay gắt.

Ông Nguyễn Văn Diễm, 80 tuổi nói: “Từ bao đời nay, dân làng tổ chức hội theo nghi thức truyền thống, gìn giữ bản sắc quê hương, đảm bảo an toàn, không vi phạm luật pháp. Chẳng ai có quyền cấm cả, lễ hội là của chúng tôi, hãy để chúng tôi tự quyết”.

Việc bàn bạc tổ chức chém lợn giữa sân đình thay bằng chọc tiết lợn phải dừng lại mà chưa tìm được sự đồng thuận giữa ban tổ chức và bô lão trong làng.

Giữ nguyên tên lễ hội chém lợn

Đề xuất thứ hai được đưa ra lấy ý kiến người dân là thay tên gọi Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn. Đề xuất này cũng không được dân làng Ném Thượng hưởng ứng.

Ông Nguyễn Đình Bình, 68 tuổi bày tỏ: “Vốn dĩ lễ hội chém lợn đã bao gồm màn rước lợn quanh làng rồi. Sao lại phải đổi tên? Chém lợn tế thành bắt nguồn từ tích xưa của thành hoàng làng chém lợn rừng nuôi quân, để thế hệ sau tưởng nhớ công lao của ông cha. Dân làng chúng tôi không đồng ý đổi tên lễ hội”.


Ông Nguyễn Đình Bình, 68 tuổi cùng nhiều người dân trong làng phản đối đề xuất 
đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn

Ông Nguyễn Hồng Chương, PCT phường Khắc Niệm cho biết nguyên nhân đề xuất sửa đổi lễ hội do nghi thức chém lợn giữa sân đình chưa phù hợp trong thời kỳ hội nhập hiện nay.

“Trong tất cả văn bản các cấp về lễ hội chém lợn làng Ném Thượng, chưa có văn bản nào thể hiện việc cấm lễ hội. Riêng tục chém lợn, chúng ta nên thay đổi sao cho phù hợp. Mong các cụ, người dân hiểu cho. Còn việc đổi tên lễ hội, cá nhân tôi nghĩ vẫn nên giữ nguyên, hoặc có thể gọi tên là Lễ hội truyền thống khu Thượng”, ông Chương nói.

Ông Chương khẳng định lại yêu cầu đối với ban tổ chức lễ hội Ném Thượng 2015, không tổ chức chém lợn ở sân đình.

Được biết, ban tổ chức lễ hội sẽ tiếp tục tổ chức cuộc họp thứ 3 vào ngày mồng 4 Tết để đưa ra quyết định cuối cùng cho lễ hội chém lợn Ném Thượng 2015.


.

8 nhận xét :

  1. Hãy cấm bọn bán ấn ở đền Trần thì đúng hơn.

    Trả lờiXóa
  2. Nếu dẹp lễ hội chém lợn của làng Ném thượng thì nhân thể đề nghị nghành văn hóa cũng nên dẹp lễ hội Chử đồng tử Tiên Dung luôn.Ai lại tổ chức cái lễ hội tưởng nhớ sự việc trai gái trần truồng ngoài bãi biển như thế.Điều này làm cho bọn trẻ thấy hay hay đem nhau ra bãi biển nhiều hơn nữa làm tăng nguy cơ nạo phá thai mà VN vốn đã đứng đầu thế giới bấy lâu nay rồi.Hay thêm nữa là cấm người dân bỏ luôn tục cúng ông Táo cho"văn hóa"hơn.Ai lại đi thờ chuyện hai ông một bà cũng là nguy cơ làm ảnh hưởng tới truyền thống"trung hậu đảm đang"của phụ nữ VN mà đảng đã dày công vun đắp...Tóm lại hãy dẹp hết tất cả dành tiềm lực cho ngày 3/2 là tốt nhất,còn nếu không hãy để người dân làm đúng những gì mà truyền thống lễ hội truyền thống của họ,không được sai lệch nghi thức cổ truyền kiểu lễ hội phát ấn đền Trần mà Bộ VH rầm rộ tổ chức mà cũng sai be bét vậy

    Trả lờiXóa
  3. Mặc cho Lợn bộ quần áo quân xâm lược Phương Bắc

    Trả lờiXóa
  4. Đã gọi là lễ hội truyền thống thì để dân gưĩ nguyên bản sắc của lễ hội.Mấy ông đừng vào phá bĩnh người dân.Cái bộ mất VH chán chết

    Trả lờiXóa
  5. Giống "Hội nghị Diên Hồng" nhưng khác một chút là các bô lão Ném Thượng bàn về việc ra quân...chém lợn với khí thế "ngút trời"!

    Trả lờiXóa
  6. Tôi đồng ý với bạn Nặc Danh trên, dẹp hết, dẹp tất, vì xét thấy tất cả các lễ hội truyền thống mấy nghìn năm qua của VN đều rất lạc hậu, kém văn minh, thế giới không ai làm. Xét theo tiêu chuẩn văn hóa XHCN, không một lễ hội nào của VN không có điểm vi phạm, nhất là ở cái mê tín dị đoan, cái tư tưởng hữu thần, duy tâm. Sở dĩ nhân dân phản đối mạnh như vậy là vì phần lớn nhân dân VN không phải là đảng viên CS. Nếu kết nạp toàn thể nhân dân VN vào đảng CS, chắc chắn những hủ tục này sẽ nhanh chóng bị quét sạch, và việc dồn tất cả tài vật cho các lễ hội của đảng, để “mừng đảng” trước, “mừng xuân, mừng đất nước” sau, là điều dễ như trở bàn tay.

    Trả lờiXóa
  7. Người dân nên uyển chuyển hơn! Bây giờ là thế giới phẳng rồi! Nhà nước trân trọng người dân trong việc này thì người dân cũng nên tỏ ra có thiện chí! Dân làng biết trân trọng lòng yêu nước của người xưa thì nay cũng nên tỏ ra yêu nước bằng việc giữ hình ảnh đẹp của Việt Nam trong mắt quốc tế. Truyền thống có phải là cái bất biến đâu, nó vận động theo dòng lịch sử mà! Tôi đã xem clip rồi, phản cảm lắm! Người Kinh Bắc nổi tiếng hiền hòa, giàu tài nguyên văn hóa, giữ lại lễ hội rùng rợn này có làm cho đất Kinh Bắc văn vật hơn đâu!

    Trả lờiXóa
  8. Vâng! Các ông cứ tự xử đi!

    Trả lờiXóa