Thứ Sáu, 6 tháng 2, 2015

Lễ hội Chém lợn: DÂN LÀNG NÓI GÌ VỀ ĐỀ NGHỊ CỦA SỞ VĂN HÓA

Báo Đất Việt
Thứ Sáu, 06/02/2015 14:10


Trước kiến nghị đổi tên lễ hội "chém lợn" thành "rước lợn", người dân làng Ném thượng không đồng tình vì sợ làm mất truyền thống hàng nghìn năm.

Lễ hội Chém lợn: Người Ném Thượng muốn giữ truyền thống
Lễ hội chém lợn: Nên bỏ, bỏ cả đâm trâu...

Nhất định không đổi tên

Liên quan đến việc Sở Văn hóa - Thể thao & Du lịch (VH-TT&DL) kiến nghị đổi tên lễ hội chém lợn thành rước lợn và chuyển nghi thức chém lợn giữa sân đình vào khu vực làm cỗ ngọc nhiều người dân làng Ném Thượng đã phản đối ý kiến này.

Ông Trần Văn Đức, trưởng khu làng Ném Thượng chia sẻ chắc chắn người dân ai cũng không muốn đổi tên lễ hội đã bao đời nay của họ.

"Người dân vẫn muốn hành lễ theo truyền thống từ trước đến nay, hành lễ giữa sân đình mới thiêng liêng, còn làm ở bất cứ nơi nào hay giết thịt ở lò mổ chẳng hạn thì không còn ý nghĩa của truyền thống lễ hội nữa", ông Đức cho biết.

Bên cạnh đó, ông Đức khẳng định lễ hội chém lợn năm nay vẫn diễn ra như các năm trước. Trước kiến nghị của Sở VH-TT&DL thì lãnh đạo làng Ném Thượng sẽ tổ chức các cuộc họp rồi xin ý kiến người dân, các cụ cao tuổi cũng như các dòng họ ở trong làng.


Lễ hội Chém lợn tại làng Ném Thượng.

Là người dân cao tuổi của làng Ném thương, ông Hân cho biết: "Chúng tôi thực hiện theo lễ hội truyền thống, chém lợn là để tế thành cho nên việc đổi tên lễ hội thì chúng tôi hoàn toàn không nhất trí".

Theo ông Hân, nghi thức chém lợn được duy trì từ thời thượng cổ đến bây giờ. Theo nghi thức, trước khi rước "ông Ỉn" về là phải phất cờ, sau đó là đến nghi thức chém lợn rồi mới đến khu vực làm cỗ ngọc tế thánh. Tục đó là không thể thay đổi được, nếu mà thay đổi thì nghi lễ sẽ không hoàn thành.


"Chúng tôi đang làm nghi lễ tế ông thánh của địa phương chúng tôi chứ không phải là của địa phương khác, chúng tôi phải tổ chức trước cờ đình và không làm gì vi phạm pháp luật", ông Hân bức xúc nói.

Nếu đưa vào một khu vực kín thì không còn thủ tục phất cờ, các thủ đao cũng không còn làm thủ tục từ trong đình đi ra. Hơn nữa, việc thủ đao chém lợn tái hiện lại nghi thức của tướng nhà võ, dân làng chỉ mô phỏng lại sự việc đó nên không có gì sai cần phải thay đổi.

Bên cạnh đó, ông Hân cho hay, do 2 năm nay có nhiều phản ánh nên các thủ đao cũng chỉ thực hiện theo kiểu vung đao thật mạnh nhưng thực ra chỉ là cứa nhẹ vào mà thôi.

"Dân làng chúng tôi sẽ quyết tâm đồng lòng giữ đúng thủ tục của lễ hội truyền thống của địa phương mình", ông Hân chia sẻ thêm.

Cũng là người lớn tuổi trong làng, ông Nguyễn Hữu Chế cho rằng lễ hội làng Thượng là nghi lễ truyền thống có từ hàng ngàn năm nay. Mục đích chính của lễ hội là chém lợn chứ không phải rước lợn mà kiến nghị đổi tên như vậy.

Việc các tổ chức chính phủ cho rằng lễ hội chém lợn là dã man là tàn bạo ông cho rằng là hoàn toàn sai vì tổ chức này không có quyền động đến văn hóa bản địa. Về mặt pháp luật, dân làng Thượng không làm việc gì trái với pháp luật.

Theo ông Chế, tổ chức động vật châu Á nên lên tiếng xin lỗi cộng đồng dân làng Thượng bởi vì so sánh như vậy là khập khiễng, đặc biệt là nền văn hóa của mỗi dân tộc, mỗi đất nước hoàn toàn khác nhau, dừng mang những cái đó so sánh để bảo thế nào là dã man, thế nào là tàn bạo. Việc giết, chém hay là chọc tiết cũng chỉ là giết một ông lợn để sinh hoạt.

Hơn nữa, ông Chế cho hay, nếu lãnh đạo chính quyền mà có đồng ý bỏ lễ hội hay thay đổi đi bản sắc lễ hội thì dân làng cũng phản đối.

"Đây là việc của dân nên mặc kệ dân, sợ nhất là làm cái gì sai pháp luật còn đây không phải là nơi du lịch, chúng tôi cũng không mong du khách đến với chúng tôi", ông Chế chia sẻ thêm.

Bên cạnh đó, tất cả các làng xã Việt Nam đều có bản sắc văn hóa riêng. Ví dụ, ngày tết thì ít nhất cũng phải thịt con gà để cúng ông bà tổ tiên. Những ông nhà giàu mẹ ông chết còn mổ trâu mổ lợn để khao mọi người. Và có thể thấy rằng đấy là nét truyền thống của người ta không thể nhìn vào mà đánh giá đó là phản cảm được.

"Là đại diện cho một dòng họ cũng như công tác tại Ban mặt trận xóm, ông Chế kiến nghị các cấp lãnh đạo nên có trách nhiệm với văn hóa truyền thống", ông Chế nói.
[...] *
Vừa qua, ngày 30/1, Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản gửi UBND tỉnh Bắc Ninh kiến nghị đổi tên lễ hội “Chém lợn” ở làng Ném Thượng thành lễ hội “Rước lợn”.

Theo đó, văn bản này đề nghị: Lấy ý kiến cộng đồng dân cư về việc đổi tên lễ hội “Chém lợn” thành lễ hội “Rước lợn” từ mùa lễ hội năm 2015. Đồng thời thực hiện tốt việc tế, rước, lễ theo nghi thức truyền thống. Điều chỉnh tục “Chém lợn” tại giữa sân đình vào một khu vực dành riêng để làm cỗ ngọc tế thánh, và hạn chế cơ bản được tình trạng người dân dùng tiền nhúng vào máu lợn.

Bên cạnh đó, lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Ninh còn cho biết thêm, trong lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng năm 2015, UBND tỉnh sẽ yêu cầu Sở VH-TT&DL tỉnh Bắc Ninh phải cử người giám sát lễ hội chém lợn, để lễ hội không diễn ra ở giữa sân đình, trước sự chứng kiến của nhiều người mà chỉ diễn ra trong khu vực phía sau sân đình, có ít người được chứng kiến.

Thùy Vân
* Ghi chú: Tễu Blog lược bỏ một đoạn liên quan đến ông Hoàng Chương 
(có học hàm giáo sư), vì ông này chỉ a dua mà thôi.

1 nhận xét :

  1. Hoàng Chương là GS tự phong chứ có ai trao học hàm cho hắn đâu. Việc Tễu bỏ những đoạn về sự a dua của hắn là rất đúng nhưng nói rằng có học hàm GS là không đúng đâu

    Trả lờiXóa