Thứ Ba, 24 tháng 2, 2015

HÔM NAY, LÀNG NÉM THƯỢNG ĐÃ THỰC HIỆN NGHI THỨC CHÉM LỢN

Nhiều người dân Ném Thượng:
Năm nay chém lợn, năm sau vẫn chém

Tất Định

Dân Việt
18:54 - 24 tháng 2, 2015

Kết thúc lễ hội, dân làng Ném Thượng vui mừng vì nghi lễ chém lợn được thực hiện ngay giữa sân đình. Đại diện Ban tổ chức cho hay, có thể năm sau lễ hội vẫn diễn ra theo nghi thức truyền thống.

Sáng 24.2 (tức mùng 6 Tết), người dân làng Ném Thượng (Khắc Niệm, Tiên Du, Bắc Ninh) vẫn tổ chức lễ hội thường niên, đầy đủ cả nghi lễ rước lợn quanh làng và chém lợn giữa sân đình, làm cỗ ngọc tế Thánh.



Lễ hội chém lợn làng Ném Thượng là lễ hội gây tranh cãi nhiều nhất trong thời gian qua.Lễ chém lợn kết thúc, người dân trở về nhà ăn uống. Đến chiều cùng ngày, họ lại tụ họp về sân đình tham gia các hoạt động vui chơi như thi nấu cơm, bơi bắt vịt.

Khuôn mặt rạng rỡ, ông Nguyễn Đăng Quyến (59 tuổi, Chi hội trưởng Hội cựu chiến binh khu Thương) cho hay, cả 4 thế hệ gia đình ông đều ra đình xem lễ hội. “Năm nay chém lợn giữa sân đình, ai nấy đều vui mừng. Tôi mong làng mình sẽ giữ được mãi tục lệ lâu đời của cha ông, để truyền lại cho thế hệ sau”, ông Quyến nói.


Bà Nguyễn Thị Tuyến (66 tuổi) chia sẻ: “2 năm qua, làng không chém lợn, bà con đi xem lễ hội cũng bớt hào hứng. Năm nay, nghe tin làng tổ chức chém lợn, con cháu tôi kéo về đông đủ, chúng nó còn mời thêm cả bạn bè về xem”.

Ông Nguyễn Đình Lợi, Phó ban tổ chức Lễ hội Ném Thượng cho biết: “Năm sau, nếu các vị bô lão và đại diện dòng họ trong làng đồng ý giữ nguyên nghi lễ chém lợn giữa sân đình thì lễ hội sẽ vẫn tổ chức như năm nay”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Phong, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh lại bày tỏ: “Quan điểm của chúng tôi là cần bảo tồn và phát huy những những giá trị văn hóa lâu đời của dân tộc. Tuy nhiên, những gì không phù hợp thì cần phải bỏ”.

Ông Phong cho hay, Sở sẽ tiếp tục tuyên truyền vận động nhân dân để thực hiện như năm 2013-2014, tức là không tổ chức chém lợn giữa sân đình, thay vào đó là mổ lợn làm cỗ ngọc tế Thánh.

Trước đó - ngày 27.1, Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng. Tổ chức này bày tỏ lo ngại nghi thức “chém lợn” tác động tiêu cực đối với xã hội. Trong đó, ảnh hưởng xấu tới tâm lý của người chứng kiến, tác động xấu tới ngành du lịch cũng như hình ảnh của Việt Nam.

Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh cũng phát đi văn bản đề nghị đổi tên lễ hội “chém lợn” thành “rước lợn” và kêu gọi cộng đồng dân cư chuyển nghi thức chém lợn giữa sân đình thành nghi thức làm cỗ ngọc tế Thánh sau đình.

Ngày 8.2, Ban tổ chức Lễ hội làng Ném Thượng mở cuộc họp để lấy ý kiến người dân việc đổi tên Lễ hội chém lợn thành Lễ hội rước lợn và bàn bạc tổ chức lễ hội năm 2015. Hầu hết các ý kiến bô lão và người dân địa phương không đồng tình với việc đổi tên lễ hội “chém lợn” thành “rước lợn”.

Bỏ qua những ồn ào và tranh cãi, ngày 24.2 (mùng 6 Tết) người dân làng Ném Thượng vẫn thực hiện nghi lễ truyền thống chém lợn giữa sân đình như theo đúng phong tục địa phương.

TIN BÀI LIÊN QUAN
Chùm ảnh: Dân Ném Thượng chém lợn giữa sân đình
Đại diện Bộ VH-TT&DL: Mong các nhà nghiên cứu đừng bảo thủ về tục chém lợn
Lễ hội chém lợn: “Hãy để chúng tôi tự quyết”
Từ lễ hội chém lợn: Người Việt cần có chính kiến về văn hóa?



Chùm ảnh lễ hội Niệm Thượng trên báo Tiền Phong
Cảnh hành quyết 'ông ỉn' 
trong lễ hội chém lợn Ném Thượng

TPO - Sáng 24/2, hàng ngàn người dân đổ về chật kín sân đình Ném Thượng (Khắc Niệm, Bắc Ninh) xem "chém lợn" trong ngày hội làng. Sau màn "hành quyết" rợn người, nhiều người dân thi nhau lấy tiền quét vào máu lợn để... lấy may.

 
Hai ông Ỉn được rước từ đình làng rồi rước đi quanh làng, qua nơi tướng Đoàn Thượng chém lợn khao quân
 
Cứ đến rằm tháng 7 hàng năm, làng sẽ chọn hai con lợn để chuẩn bị cho hội làng diễn ra vào ngày mồng 6 Tết tại Đình làng. Trong ảnh, sáng sớm 24/2 (tức mùng 6 Tết), hai "ông Ỉn" được đưa ra sân Đình Ném Thượng để chuẩn bị cho nghi thức "chém lợn".

 
Đến 9h30, hai "ông Ỉn" được rước đi xung quanh làng. Hai "ông Ỉn" này được nuôi trong vòng 6 tháng và nặng khoảng 150 kg và 170 kg.

 
Trẻ em trong làng đi cùng bố mẹ cũng được bỏ tiền lẻ cúng ông ỉn
 
Hàng năm, người dân Ném Thượng tổ chức nghi thức "chém lợn" nhằm tưởng nhớ đến ông Lý Đoàn Thượng - người có công với làng, được dân làng suy tôn làm thành hoàng làng. Sau khi dẫn quân thắng trận trở về ông đã chém lợn khao quân. Đây đã trở thành tục lệ của làng.

 
Trống chiêng hòa trong tiếng người dân hò reo, tiếng ông ỉn kêu eng éc

 
Đoàn rước kiệu trên đoạn đường khoảng hơn 3 km xung quanh làng.
 
Trước khi chém lợn, một vị cao niên trong làng phất cờ lệnh. Vị này cũng phải được làng lựa chọn. Tuổi phải là 57, gia đình hạnh phúc, thành đạt.
 
Theo ông Nguyễn Hữu (57 tuổi) - người đóng vai Tướng Cờ cho biết, đây là lễ hội truyền thống có từ hàng trăm năm nay, được lưu truyền qua nhiều đời nay của người dân Ném Thượng.

 
Trời nắng nhưng rất đông người chen lấn, xô đẩy nhau, thậm chí trèo lên mái nhà, leo lên kín các ngọn cây để xem chém lợn.

 
Cây đao sắc lẹm chuẩn bị hành quyết "ông ỉn".

 
Bôi phấn hồng quanh thân mình ông ỉn
 
Đến 12h, nghi thức "chém lợn" diễn ra do hai đao phủ Nguyễn Văn Chiến và Trần Văn Thịnh đảm trách dưới sự cổ vũ, hò reo của hàng ngàn người dân cùng tiếng trống chiêng inh tai. Phút chốc, hai "ông Ỉn" bị chém chết máu bắn tung tóe khắp nơi bắn cả vào những người xung quanh.

 
Máu lợn bắn tung tóe khắp sân Đình.


 
Sau màn "chém lợn", nhiều người dân thi nhau lấy tiền quét vào máu để... lấy may.

 
Hai "ông Ỉn" được mổ ngay sau sân đình làm cỗ để cúng tế.






4 nhận xét :

  1. Man rợ!
    (Nhận xét riêng của tôi - một người không thể chấp nhận văn hóa chém giết)

    Trả lờiXóa
  2. Day la viec cua LANG cu de cho LANG lam.Toi de nghi bao chi va truyen hinh tu nay khong dua tin ve viec nay nua la on .No da khong hay sao cu dua tin lam gi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng thế
      Tập tục này dã man quá cổ vũ bạo động! Kinh khiếp.
      Chẳng có gì hay đâu mà đem khoe trên báo
      Xin đừng hành hạ "tra tấn" con mắt chúng tôi và nhất là cho trẻ con xem những hình ảnh như thế !

      Xóa
  3. Hủ tục này nên bỏ! Tại sao cái không nên cấm thì lại cấm? Cái cần phải cấm thì lại chần chừ? Lễ hội cái con khỉ gì. Phản văn hóa.

    Trả lờiXóa