Thứ Tư, 18 tháng 2, 2015

BIÊN THÙY THÁNG 2 NĂM 1979 - KỲ CUỐI

Tháng 2 giữ đất cha ông - Kỳ 3: 
Súng nổ trước ngày nổ súng

Mai Thanh Hải

Báo Thanh Niên
17/02/2015 09:00

(TNO) Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than (Đồn Biên phòng Dào San, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu) nằm ở bản Lùng Than, xã Mù Sang, huyện Phong Thổ, cách Đồn hơn 20km đường toàn rừng sâu núi cao. Doanh trại của đơn vị chỉ đơn giản là ngôi nhà cấp 4 cũ kỹ và gian bếp vách gỗ mái tranh xiêu vẹo. Các cựu chiến binh Dào San bảo: Lùng Than là nơi bộ đội Biên phòng đổ máu nhiều nhất, từ trước những ngày tháng 2.1979.

>> Tháng 2 giữ đất cha ông - Kỳ 2: Chặn đứng âm mưu xâm lấn
>> Tháng 2 giữ đất cha ông - Kỳ 1: Đánh giập đầu điệp báo

 
Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than, tháng 2.2015


 
Cờ Tổ quốc tung bay trên cột cờ Trạm Kiểm soát Biên phòng Lùng Than

 
Cán bộ Báo Thanh Niên thăm mốc 68 bên bờ sông Nậm Na, 
thuộc quản lý của Trạm Lùng Than

 
Thắp hương tưởng niệm các cán bộ chiến sĩ Biên phòng Dào San hy sinh tại địa bàn trong cuộc chiến đấu chống quân Trung Quốc tháng 2.1979

 
Sông Nậm Na, nơi nhiều cán bộ chiến sĩ Công an Vũ trang Lai Châu 
hy sinh trước ngày 17.2.1979


 
Cửa khẩu Ma Lù Thàng (Phong Thổ, Lai Châu) trước kia là chiến trường ác liệt, 
nay thành trung tâm kinh tế của cả vùng Tây Bắc

 
Bức ảnh chụp chung và lời đề tặng của Thiếu tướng Hà Ngọc Tiếu 
(khi đó là Phó Tư lệnh Công an nhân dân vũ trang) 
với cán bộ chiến sĩ Đồn Ma Lù Thàng, sau cuộc chiến đấu 
chống quân Trung Quốc xâm lược

Sôi sục Nậm Na
 
Sông Nậm Na bắt nguồn từ suối Bản Lĩnh (Mường Là, Trung Quốc), chảy qua Phong Thổ, hợp lưu với dòng Pa Nậm Cúm tại cửa khẩu Ma Lù Thàng và đổ ra Sông Đà. Đoạn sông Nậm Na chảy qua Lùng Than tuy không dài, nhưng luôn ẩn chứa phức tạp - đe dọa từ phía bên kia biên giới, đặc biệt là năm 1978, khi phía Trung Quốc gia tăng khiêu khích vũ trang.

Đơn cử: ngày 29.11.1978, Trung Quốc cho 1 đại đội tập kích Trạm Công an Vũ trang Lùng Chan (khi đó thuộc Đồn Ma Lù Thàng); ngày 29.1.1979, tổ công tác gồm 3 chiến sĩ đang làm nhiệm vụ tuần tra biên giới dọc sông Nậm Na thì bị 1 trung đội vũ trang Trung Quốc phục kích tấn công khiến 1 chiến sĩ hy sinh ngay tại chỗ. Chiến sĩ Bình bị bắt trên đường độc đạo, trong lúc bị dẫn giải, anh Bình đã dùng võ thuật đánh gục đối tượng áp giải và chạy thoát...

Đặc biệt, ngày 6.2.1979, khi Đại đội 5 Cơ động của Công an Vũ trang Lai Châu lên lập chốt tăng cường cho Trạm, 11 ngày trước khi nổ súng tấn công toàn tuyến biên giới phía Bắc, phía Trung Quốc đã cho 2 Đại đội bộ binh tập kích vào chốt Lùng Than của Đại đội 5 làm 3 chiến sĩ hy sinh

Lịch sử Biên phòng Việt Nam ghi rõ: Trên tuyến biên giới Việt Trung vào những ngày trước khi nổ ra chiến tranh, đoạn biên giới Lai Châu đã xảy ra nhiều vụ tập kích vũ trang nhất so với các nơi khác. Trong đó, ngày 30.1.1979, tại xã Vàng Ma Chải (Phong Thổ), lính Trung Quốc thấy chiến sĩ Chiến nằm im sau gò mối nổi, tưởng đã chết nên cho 4 tên sang lấy súng. Khi tốp lính đang lò dò vượt suối, anh Chiến bất ngờ nổ súng diệt tại chỗ 2 tên, làm bị thương 2 tên…

Nóng bỏng trên toàn tuyến

Theo thống kê của Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nếu như năm 1974, lực lượng vũ trang Trung Quốc vi phạm biên giới phía Bắc hơn 400 lần thì năm 1975, cường độ vi phạm tăng lên 523 lần và họ còn ngang nhiên tranh chấp 88 điểm với lý do “đó là đất Trung Quốc”.

Địa bàn căng thẳng nhất ở mốc 20, 23, 29, 15, 16 thuộc Lạng Sơn, mốc 53 Cao Bằng, là những vùng có tài nguyên khoáng sản, rừng gỗ quý và nguồn nước thiên nhiên phong phú.

Không chỉ cố tình vi phạm biên giới, lính Trung còn cố tình nổ súng khiêu khích sát thương nhân dân và chiến sĩ ta.

Leo thang căng thẳng, phía Trung Quốc thực hiện hành động lấn chiếm đất đai ở nhiều địa bàn hiểm yếu. Ngày 18.9.1978, lính Trung Quốc ở Ái Điểm ồ ạt kéo sang địa phận Chi Ma (Lạng Sơn), nhổ hết chông ở đoạn giữa mốc 41 và mốc 49; ngày 16.10.1978 ở Lạng Sơn, lực lượng vũ trang Trung Quốc xâm phạm đồi Cò Mìn, gỡ đi 20 quả mìn…

Nghiêm trọng nhất là ngày 10.2.1979, Trung Quốc cho 1 tiểu đoàn đánh chiếm đồi 400 (Lạng Sơn), nằm sâu trong lãnh thổ ta 2 km. Đặc biệt, sáng 25.8.1978, chiến sĩ Lê Đình Chinh (Đại đội 6, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 12 Cơ động Công an Vũ trang) đã bị bọn côn đồ từ bên Trung Quốc hành hung bằng dao rựa, gạch đá. Anh Lê Đình Chinh anh dũng hy sinh khi mới 18 tuổi, ngay đỉnh đồi Pò Cốc Phung (bản Nà Pàn, xã Bảo Lâm), cạnh Đồn Biên phòng Hữu Nghị (Lạng Sơn).

Lịch sử Biên phòng Việt Nam ghi nhận: Nếu số vụ lấn chiếm lãnh thổ, khiêu khích vũ trang do Trung Quốc gây ra trong năm 1975 là 234 vụ thì đến năm 1978 con số ấy tăng lên 2.175 vụ (gấp 10 lần). Chỉ riêng 2 năm 1977-1978, đã có 1.500 vụ phía Trung Quốc vi phạm biên giới, khiêu khích vũ trang làm ta bị thương 307 người, có 14 người bị Trung Quốc bắt cóc...

Ông Giàng Thìn Lù, nguyên Đồn trưởng Đồn Công an nhân dân Vũ trang Nghĩa Thuận, Hà Tuyên (nay là Đồn Biên phòng Nghĩa Thuận, Hà Giang) kể: Cuối năm 1978, khi đang giữ chức vụ Đồn phó Trinh sát, ông cùng 2 chiến sĩ được giao nhiệm vụ sang Trạm công tác Công an Biên phòng Bát Bố (Trung Quốc) để đưa thư. Dọc đường đi, tổ công tác phát hiện nhiều đơn vị Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc triển khai lực lượng ra biên giới và đối xử với chiến sĩ ta bằng thái độ thù địch.

Đến Trạm Công an Biên phòng Bát Bố, các ông bắt gặp binh lính ở đây đang lau chùi các loại vũ khí trang bị. “Thấy chúng tôi đến, họ vội vàng cất vũ khi đi và giải thích: Đây là ngày kỹ thuật bảo dưỡng vũ khí định kỳ!” - Ông Giàng Thìn Lù kể vậy và lắc đầu: “Họ nói dối và chúng tôi thừa biết là họ nói dối. Sáng sớm ngày 17.2.1979, khi bộ binh Trung Quốc tấn công vào chốt của Đồn ở mốc 4. Tôi nhìn rõ những người lau chùi vũ khí hôm đó điên cuồng xả đạn vào đội hình của chúng tôi!”...

“Ngày 13.2.1979, Bộ Tư lệnh Công an Vũ trang ra Mệnh lệnh Báo động chiến đấu cấp 1. Đúng 4 ngày sau (17.2.1979), nhà cầm quyền Trung Quốc phát động cuộc chiến tranh xâm lược nước ta trên biên giới phía Bắc. Từ phút đầu nổ súng, 47 đồn Biên phòng tuy bị pháo kích, tấn công nhưng đã đánh trả quyết liệt. Hầu hết các Đại đội Cơ động tỉnh và các đơn vị của 2 Trung đoàn 12, 16 đã bước ngay vào cuộc chiến đấu mới. Phía Trung Quốc sử dụng cấp Trung đoàn để đánh vào trận địa 1 Đồn biên phòng, có nơi họ dùng đến 2 Trung đoàn (Đồn Hữu Nghị Quan), nhiều trường hợp họ huy động Tiểu đoàn để đánh vào 1 điểm chốt chỉ có 1 Tiểu đội hoặc tổ đóng giữ.
Khi quân xâm lược đánh tràn qua biên giới với quân số đông và hỏa lực mạnh, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân vũ trang vẫn chiến đấu hết sức ngoan cường, dũng cảm với quyết tâm “1 tấc không đi, 1 ly không rời”...

(Ký sự lịch sử “Chiến sĩ Biên phòng”, do Thường vụ Đảng ủy
- Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng chỉ đạo nội dung; NXB CAND, năm 1988)

Mai Thanh Hải

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét