Lễ hội chém lợn ở Ném Thượng:
Không thể ngăn cấm người dân tổ chức
4:3 PM, 30/01/2015
.
Tễu: Hội làng, là do dân làng lo liệu và quyết định.
Những con lợn khỏe mạnh được thanh niên trai tráng mang ra giữa sân đình, cầm đao chém ngang cho máu túa ra để người dân vào thấm lên tiền lẻ, cầu may mắn, an lành cả năm. Đó là lễ hội chém lợn tồn tại hàng trăm năm nay ở làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh. Nhưng nó lại đang làm nảy sinh những tranh cãi trái chiều khi bị tổ chức Bảo vệ động vật Châu Á cho là lễ hội quá phản cảm, dã man và cần loại bỏ.
Tổ chức Động vật Châu Á đề nghị chấm dứt Lễ hội chém lợn Bắc Ninh
Lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh: Đã chuyển chém lợn sang hình thức khác từ 2 năm nay
Tiếp tục hay chấm dứt Lễ hội chém lợn: Làng Ném Thượng có quyền quyết định
Lễ hội chém lợn: Lòng người đau
Chém lợn: Nét đẹp văn hóa còn phù hợp?
Lễ hội chém lợn cổ xưa, nổi tiếng được tổ chức hằng năm vào mùng 6 tháng giêng tại làng Ném Thượng (huyện Tiên Du, Bắc Ninh). Đây là dịp để dân làng cầu may mắn, tế thần, tưởng nhớ công lao của vị tướng Đoàn Thượng - có công khai khẩn đất đai trong vùng.
Trong lễ hội có nhiều hoạt động như múa hát, biểu diễn quan họ, trong đó có nghi lễ quan trọng là chém lợn. Những con lợn khỏe mạnh được dân làng tuyển chọn từ nhiều tháng trước. Sau đó họ sẽ chọn lấy một con, mang ra giữa sân đình để người khỏe mạnh thực hiện nghi lễ “chém”.
Cảnh tượng lưỡi dao sắc ngọt chém đôi con lợn, người dân reo hò, đua nhau lấy tiền thấm máu lợn để cầu lấy may mắn làm không ít người rùng mình. Dư luận bức xúc, những lời cảnh tỉnh được đưa ra, rằng những nét đẹp văn hóa trong những lễ hội truyền thống này có còn phù hợp với hiện tại?
Người dân làng Ném Thượng rước lợn ra đình để chém
Các nhà bảo vệ động vật mới đây cũng đã lên tiếng, cho rằng hành động này là dã man và đề nghị cơ quan chức năng, truyền thông cùng vào cuộc để ban hành luật chấm dứt lễ hội chém lợn ở làng Ném Thượng (Bắc Ninh).
Để biện hộ cho quan điểm này, đại diện Tổ chức Động vật Châu Á đưa ra quan điểm: “Chúng tôi phản đối lễ hội chém lợn, bởi những tác động tiêu cực của nó với vấn đề phúc lợi của động vật và toàn xã hội. Việc chém những con lợn còn đang sống khỏe mạnh là một lối đối xử tàn ác đối với động vật, nó làm trơ lỳ cảm xúc của người xem, đặc biệt là trẻ em - đối tượng có tâm lý chưa hoàn thiện ổn định và dễ bị ảnh hưởng”.
Đồng quan điểm này, nhiều người dân cũng cho rằng lễ hội chém lợn là một nét đẹp văn hóa của người dân bản địa, nhưng nay đã không còn phù hợp với văn minh nhân loại và nên chuyển đổi hoặc chấm dứt.
“Lễ hội chém lợn quá ghê rợn. Những ai từng xem cái lễ hội này mới thấy nó ghê rợn đến mức độ nào. Đừng so sánh với việc mổ lợn vì rất khập khiễng. Lễ hội là nơi để người ta vui vẻ, giao lưu văn hóa, có cả người lớn và trẻ nhỏ. Nhìn thấy cảnh một con lợn đang sống khỏe mạnh tự nhiên "phập" một phát người chia làm đôi, máu me be bét thì các bạn cảm thấy thế nào? Trẻ con nhìn thấy những cảnh đó tâm lý sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều, sau này lớn lên nhận thức dễ lệch lạc” – anh Thế Anh ở Hà Nội chia sẻ.
Nên giới hạn, không thể ngăn cấm
Tiếp tục hay chấm dứt nghi thức chém lợn tại lễ hội của làng Ném Thượng, tỉnh Bắc Ninh không phải đến giờ mới đặt ra và không phải nay mới có những tranh cãi. Đầu năm 2014, khi lễ hội chọi trâu được tổ chức lần đầu tại một huyện của Hà Nội, đã rộ lên những luồng dư luận trái chiều về tính bạo lực trong một số lễ hội truyền thống.
Hình ảnh những con trâu khỏe mạnh, sức vóc được lùa ra sới để quyết đấu. Tan cuộc, trâu thắng cũng như thua đều bị mổ thịt trong sự trầm trồ của đám đông. Rồi những hình ảnh bạo lực trong lễ hội như “chém lợn tế thần”, “phóng lao giết trâu”... bị cho là phản cảm.
Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, hay đâm trâu ở Tây Nguyên là bản sắc văn hóa bao đời của người bản địa, nên hết sức thận trong khi đánh giá. Ảnh: Internet
Về vấn đề này, các nhà nghiên cứu văn hóa cho rằng, nên có cái nhìn thận trọng, và phải đảm bảo nguyên tắc tôn trọng văn hóa, không nên áp đặt suy nghĩ cá nhân của mình lên một nền văn hóa, bản sắc của cộng đồng khác.
Theo ông Phan Đình Tân – Người phát ngôn Bộ VHTTDL – thì nghi thức chém lợn trong lễ hội của làng Ném Thượng có phần phản cảm, nhưng đó chỉ dừng lại là quan điểm cá nhân. Việc tiếp cận vấn đề liên quan tới phong tục tập quán cần rất thận trọng. Đầu tiên, phải tổ chức nghiên cứu kỹ lễ hội và những ảnh hưởng của nó tới tâm lý con người. Và không nên vội vã đưa ra quyết định chấm dứt hay cấm đoán bất kỳ một nghi lễ nào, kể cả nghi lễ chém lợn của làng Ném Thượng. Việc bỏ hay không là do cộng đồng làng Ném Thượng quyết định.
GS Ngô Đức Thịnh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Văn hóa – cũng đồng quan điểm này, cho rằng không nên can thiệp, hay áp đặt những suy nghĩ của mình lên văn hóa truyền thống của người làng Ném Thượng. Việc phản cảm hay không, chấm dứt hay tiếp tục của lễ hội chém lợn là do người dân Ném Thượng quyết định.
Hơn nữa nhà nghiên cứu văn hóa này còn lên tiếng bảo vệ, cho rằng không thể cấm người dân tổ chức lễ hội: “Những “người ngoài” thấy lễ hội đâm trâu, chém lợn... rất dã man, gây tâm lý sợ hãi. Nhưng người dân của làng không nghĩ như vậy. Họ nghĩ đó là việc tâm linh, tế thần lấy may mắn. Do đó, không thể ngăn cấm người dân tổ chức lễ hội.
Người dân làng Ném Thượng không làm gì trái pháp luật, họ chỉ thực hiện nghi lễ có từ bao đời mà thôi. Nên không thể nói bỏ là bỏ được”.
Tuy vậy ông cũng hiến kế nên thu hẹp lễ hội trong một không gian nhỏ, khu biệt trong một cộng đồng nhất định, vì vấn đề phản cảm đều do cái nhìn của “người ngoài”, còn bản thân các chủ thể văn hóa thấy đó là việc linh thiêng, mang lại may mắn.
“Trước đây, lễ hội chém lợn ở Ném Thượng, hay đâm trâu ở Tây Nguyên chỉ diễn ra trong phạm vi một cồng đồng nhất định, chỉ người dân trong làng được tham gia. Nhưng nay, các lễ hội dần được thương mại hóa, thu hút đông đảo lượng khách thập phương, rồi truyền thông về đưa tin kèm theo những hình ảnh máu me, gây phản cảm. Vậy, nên chăng thu hẹp lễ hội trong cộng đồng, không mở rộng ra khỏi làng, xã. Lễ hội chém lợn sẽ là nội bộ của người làng Ném Thượng, người ngoài làng và trẻ em sẽ không được tham gia. Như vậy vừa tránh dư luận mà vẫn giữ được tập tục và bảo tồn văn hóa truyền thống" - GS Ngô Đức Thịnh cho biết.
.
Người dân sinh ra lễ hội và người dân tự định đoạt số phận của nó. Đúng rồi. Nhưng nếu nó phản cảm quá, man rợ quá, kinh dị quá thì cũng nên dạy cho người dân biết những điều đó để mà đổi thay. Kẻo không nó trở thành dị mọ, quái gở trong con mắt của những người văn minh.
Trả lờiXóaĐừng đồng nhất bản sắc với những điều quái dị, cá biệt...