Thứ Bảy, 31 tháng 1, 2015

Lễ hội Chém lợn: CẦN PHẢI HIỂU BẢN CHẤT CỦA LỄ HỘI


Lễ hội Chém lợn:
Phán xét độc đoán, ai dã man hơn?

 

“Chính phương Tây là nơi đưa ra quyền văn hóa mà lại độc đoán như vậy. Dã man thì người Tây hay người Việt chưa biết người nào dã man hơn” 

Dân mạng TQ coi lễ chém lợn ở VN là dã man
Dân mạng choáng với clip ‘chém lợn’ rùng rợn

Đó là khẳng định của GS.TS Ngô Đức Thịnh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa tín ngưỡng Việt Nam khi nói về vấn đề Tổ chức Động vật châu Á đề nghị bỏ lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh và cho rằng đây là lễ hội phản cảm, tàn bạo.

Ông Thịnh cho biết ông không đồng tình với ý kiến của tổ chức động vật châu Á. Tổ chức này là những người đứng ngoài cuộc, không hiểu được bản chất của lễ hội nên mới đưa ra những ý kiến như vậy.

“Thế nào là phản cảm, thế nào là tàn bạo? Nói theo cách nói của họ thì đất nước Việt Nam này có một làng gọi là làng tàn bạo, làng dã man à? Khi nói như thế họ có hiểu lý do tại sao người ta làm như thế không? Phát ngôn như vậy là không chấp nhận được!”, ông Thịnh bức xúc nói.

GS. TS Ngô Đức Thịnh cho biết, Lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh được tổ chức hàng năm vào mùng 6 tháng Giêng âm lịch. Đây là lễ hội lớn của một tỉnh được duy trì từ rất lâu với ý nghĩa sau khi chém những con lợn đã được hiến tế lấy máu của vật hiến tế đó bôi vào những đồng tiền thì điều đó sẽ mang lại may mắn cho họ trong suốt cả một năm. Lễ hội được coi là nét đẹp trong văn hóa và lối sống của con người Việt Nam mỗi khi năm mới đến.

Việc duy trì lễ hội là cần thiết và nó không tổn hại đến ai. Nhưng ngược lại nếu cấm không được tổ chức sẽ ảnh hưởng tới truyền thống văn hóa và đi ngược lại nhu cầu cũng như tín ngưỡng của người dân nơi đó nói riêng và của người dân Việt nói chung.

.
Nghi lễ Chém lợn trong Lễ hội Chém lợn ở Bắc Ninh.

Bên cạnh đó, GS Ngô Đức Thịnh cũng cho rằng, trong một thế giới như hiện nay, điều mà tổ chức động vật trên đề nghị cũng có cái lý riêng của họ nhưng buông lời nói như vậy là thể hiện sự chủ quan. Văn hóa truyền thống là truyền từ đời này đến đời khác và văn hóa không phải là hành động của một người mà là của hàng nghìn hàng vạn người, cái đó gắn với đời sống tín ngưỡng của người dân. Đó cũng là đời sống tâm linh của người dân nên không thể đánh giá chủ quan khi chưa hiểu hết vấn đề.

 .
Theo ông Thịnh nếu như so sánh với những tập tục, lễ hội vẫn còn tồn tại trên thế giới như đâm bò ở Tây Ban Nha, như lễ hội Gadhimai nhiều con vật bị giết lấy máu tế thần linh, hay thậm chí phong tục điểu táng ở Tây Tạng…, cách nhìn nhận lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh như Tổ chức Động vật châu Á là quá phiến diện.

Mỗi một lễ hội, phong tục đều thể hiện sắc thái riêng của văn hóa mỗi nơi, mỗi địa phương. Thế giới tôn trọng quyền của chủ thể, chỉ có người dân thường mới có quyền quyết định tiếp tục hay từ bỏ truyền thống văn hóa đó, khi nào, người dân nơi lễ hội đấy thấy nó không phù hợp thì họ có quyền từ bỏ còn không ai bên ngoài có quyền làm được điều đó.

Hơn nữa, những người đang đánh giá Lễ hội Chém lợn là dã man là tàn bạo đang không hiểu gì về văn hóa, những người này đang đứng ngoài chứ không phải chủ thể văn hóa nên không thể cảm nhận được ý nghĩa thiêng liêng mà lễ hội mang đến cho người dân.

Ông Thịnh cho biết, ngày xưa lễ hội của một địa phương chỉ có người trong cộng đồng lễ hội đấy mới được tham gia, còn những người nơi khác đến sẽ không được tham gia lễ hội. Bởi vì nếu tham gia mà không có cảm nhận văn hóa không cắt nghĩa được ý nghĩa nên họ mới coi đó là dã man, là tàn bạo.

Độc đoán và thiếu hiểu biết về văn hóa

Đây cũng không phải lần đầu tiên thói quen, tập tục của người Việt bị đánh giá không hay. Còn nhớ, nhiều tổ chức trên thế giới cũng đã có những đánh giá không tích cực về thói quen ăn thịt chó của người Việt, PGS.TS Ngô Đức Thịnh cho rằng cách nhìn như vậy là quá độc đoán và tự cho mình có quyền phán xét người khác. Quyền giữ văn hóa là của người dân, của địa phương, của dân tộc.

“Vừa độc đoán lại còn thiếu hiểu biết vì họ không cắt nghĩa được vì sao người dân làm như thế. Chỉ nghĩ theo kiểu người dân nơi đó là man rợ, la tàn bạo, như thế không thể chấp nhận được”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Theo ông Thịnh, trước thực tế này, không chỉ những tổ chức mà những cá nhân phải trang bị cho mình sự hiểu biết, một thái độ không được độc đoán, không được áp đặt lên người khác, Cần phải hiểu hết bản chất sự việc trước khi phán xét hay đưa ra một đề nghị gì đấy.

Bên cạnh đó, chủ thể văn hóa bị đánh giá sai có quyền phản ứng với việc bị đánh giá sai lệch vì đây gọi là quyền văn hóa. Thế giới cũng như Việt Nam đã nói rõ không ai có quyền phủ nhận yêu cầu tín ngưỡng của người khác, của cộng đồng khác.

“Chính phương Tây là nơi đưa ra quyền văn hóa mà lại có những con người độc đoán như vậy. Dã man thì người Tây hay người Việt chưa biết người nào dã man hơn”, ông Thịnh chia sẻ thêm.

Thùy Vân


GS Trần Lâm Biền: 
Đừng vội phán xét tục đâm trâu, chém lợn

Tranh cãi quanh lễ hội chém lợn ở Bắc Ninh lại một lần nữa bùng phát. Đây là câu chuyện không mới. Hãy cùng đọc lại quan điểm của GS Trần Lâm Biền cách đây 1 năm, mà tới nay vẫn... như mới.

Việc tổ chức lễ chém lợn tại làng Ném Thượng (Bắc Ninh) vào ngày mùng 6 Tết hằng năm một lần nữa khuấy lên cuộc tranh luận về đâm trâu, chém lợn, chọi trâu... - những nghi thức truyền thống đang bị một bộ phận dư luận coi là dã man, kém văn minh và cần được xóa bỏ trong xã hội Việt Nam hiện đại.

Dù diễn ra ở Tây Nguyên (đâm trâu), đồng bằng sông Hồng (chém lợn) hay vùng duyên hải Bắc Bộ (chọi trâu), điểm chung khiến những nghi thức này bị phản ứng là hình ảnh “bạo lực”, “máu me”, “phản cảm” khi trực tiếp đâm chết các con vật trước sự chứng kiến của người xem. Xa hơn, một số ý kiến còn cho rằng những phong tục trên có thể kích thích tính hiếu sát của người xem, gây tác động gián tiếp tới việc hình thành những đối tượng biến thái về nhân cách trong xã hội mới.

Nhiều năm nghiên cứu về tín ngưỡng, GS Trần Lâm Biền cho biết:

.
 
GS Trần Lâm Biền

- Trong tín ngưỡng của rất nhiều dân tộc, tiết của súc vật với màu đỏ đặc thù luôn là biểu hiện cho sinh khí. Cư dân Việt Nam chém lợn để lấy tiết cúng thành hoàng có ngầm ý xin đất đai cũng được trù phú, màu mỡ như bát tiết ấy vậy. Con lợn bị chém, tiết bắn ra thấm đầy xuống vùng đất bản địa cũng với hàm ý ấy.

Đâm trâu cũng vậy. Đâm trâu phát triển mạnh ở mọi tộc người thuộc vùng Tây Nguyên. Nhưng khởi thủy, họ có nguồn gốc gắn với tộc người Malayo cư trú ở ven biển và có đời sống gắn liền với thủy triều nên thờ Mặt trăng. Trâu được chọn làm vật dẫn linh bởi có màu đen tượng trưng cho nước biển và mây trời, cặp sừng dài mang hình trăng lưỡi liềm, những xoáy lông tròn tượng trưng cho sấm chớp. Khi đâm trâu, một cây nêu được dựng lên để làm trục thông linh giữa trời đất, con trâu hiến tế có nhiệm vụ cõng “linh hồn” của thầy mo lên các tầng trời...

Như vậy, xuất phát điểm của những nghi thức này là tín ngưỡng cũ của những dân tộc Việt Nam. Đến giờ, trong xu hướng phát triển chung của nhân loại, người ta phần nào đã quên mất bản chất tâm linh, quên mất vẻ đẹp về tư duy của những nghi thức này. Còn chúng ta nếu đứng ngoài và coi đó chỉ là lễ hội để giết súc vật làm vui thì méo mó và bất công vô cùng.

.
Lễ hội đâm trâu tại Tây Giang (Quảng Nam)

Nhưng, theo quan điểm của một số cá nhân, cách thực hiện những nghi thức này có phần dã man và không phù hợp với xã hội hiện đại.

- Tôi muốn hỏi ngược lại, có bao nhiêu trong số những người phản đối nghi thức ấy đã bỏ công tìm hiểu rõ nguồn gốc và ý nghĩa, hay chỉ a dua để chỉ trỏ, hiếu kỳ và nhìn mọi thứ bằng con mắt dung tục? Rõ ràng, tục đâm trâu, chém lợn tồn tại đến giờ bởi nó có ý nghĩa quan trọng về tinh thần và tín ngưỡng đối với cộng đồng bản địa. Và, khi chủ nhân của những nghi thức ấy thấy nó vẫn còn có sự hợp lý, thì chúng ta hãy thử đặt mình vào vị trí của họ để cùng suy nghĩ, chứ đừng vội tự cho mình cái quyền phán xét gọn lỏn bằng hai chữ “dã man” một cách võ đoán.

.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn với những pha đánh kinh hồn của các "ông trâu"

Sự thật, những vấn đề liên quan tới tín ngưỡng và đời sống tinh thần vô cùng nhạy cảm. Chúng ta rất khó cấm đoán, bởi đó là điều đã được lặp đi lặp lại theo thời gian và ăn sâu vào tiềm thức của cộng đồng bản địa. Và cứ cho là cấm được một cách đầy khiên cưỡng đi, thì câu chuyện lại diễn biến theo một chiều hướng phức tạp vô cùng. Bởi, sự hụt hẫng trong đời sống tinh thần rất dễ khiến người ta tìm đến với những hệ giá trị khác.Việc xuất hiện một cách vô lối, thật giả lẫn lộn, của các nhà ngoại cảm tại đô thị là một minh chứng điển hình.

Có nghĩa, GS cho rằng nên bảo tồn những nghi thức này?

- Đúng hơn, chúng ta chưa nên đặt vấn đề bảo tồn hay xóa bỏ vào lúc này. Bởi, ngoài cộng đồng bản địa, những người hiểu về bản chất văn hóa của tục đâm trâu, chém lợn vẫn còn quá ít. Điều cần thiết trước mắt là lý giải và cung cấp đầy đủ thông tin về những nghi thức ấy cho người đến xem, để họ nhìn nhận từ góc độ của chính cộng đồng bản địa, chứ không nhân danh bất cứ điều gì khác để áp đặt, gán ghép các ý nghĩa, cảm xúc từ bên ngoài.

Phong tục tồn tại nhưng có thể mất đi, khi nhận thức của những người trong cuộc thay đổi. Nếu một ngày nào đó, những thế hệ trẻ tại Tây Nguyên, Đồ Sơn hay làng Ném Thượng cảm thấy chém lợn, đâm trâu, chọi trâu không còn phù hợp nữa, thì tự họ sẽ chấm dứt, hoặc tìm sang một hình thức biểu đạt khác phù hợp hơn. Còn chúng ta hãy tôn trọng văn hóa của của các cộng đồng, và đừng vội thay họ để đứng ra giải quyết câu chuyện (cười).

Xin cảm ơn GS!

7 nhận xét :

  1. Biết đâu ở một thế giới khác con người lại là vật mua vui cho loài động vật khác.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có ý gần đúng rồi đấy!

      Xóa
    2. Cũng có thể ta được chúng đối xử rất tử tế - vuốt ve, ôm ấp, khi ta chết già được chúng chôn cất đàng hoàng...

      Xóa
  2. Giáo sư tiến sỹ về văn hóa mà ko có một chút nhân văn nào trong tư duy, những hình ảnh man rợ chỉ nuôi dưỡng cho bạo lực, còn ý nghĩa mà mấy vị giáo sư này nói ra chắc chỉ có ông mới thấy được.Mọt con vật bị đối xử một cách tàn bạo sẽ gây cảm giác như thé nào cho người xem? những kẻ thích bạo lực thì bị kích động còn những người hiền lành thì thấy ghê sợ , mấy cái trò gị là nết đẹp văn hóa đó thật chả có gì hay ho , nên dẹp sớm đi

    Trả lờiXóa
  3. tất cả là do nhận thức mà ra, tôi tự hỏi tại sao thời buổi này rồi , sang thế kỷ 21 rồi , thế giới trở nên văn minh rồi mà sao Việt nam vẫn có những trò tiêu khiển man rợ mà lại còn được gọi là nét đẹp văn hóa chứ, tất cả là do nhận thức là do chúng ta đi quá chậm so với thế giới, tư duy con người Việt nam chả có gì thay đổi so với thế kỷ trước là mấy cho nên tại sao Việt nam mới luôn bị tụt hậu không những về đời sống xa hội mà còn cả tư duy nữa

    Trả lờiXóa
  4. Ý nghĩa của lễ hội mà vị giáo sư này nói thật ko thể chấp nhận được giống như một tên khát máu vậy , không gì có thể lý giải cho những hành động man rợ

    Trả lờiXóa
  5. Các ông GS, TS nghiên cứu về văn hoá mà chẳng có một lý lẽ gì hay ho đễ bảo vệ một hủ tục có tính man rợ, chém lợn, đâm trâu, chọi trâu. Không biết khi nghiên cứu những lễ hội hủ tục này các GS,TS có thấy được những tác hại của nó đối với xã hội hay không hay chỉ lý luận chung chung, Nếu quí vị bỏ công nghiên cứu bài bản đề tài này để chỉ rõ nguyên nhân, nguồn gốc, tác động và ảnh hưởng đời sống xãhội thế nào... thì giá trị gấp trăm lần các luận án TS, các đề tài khoa học mà các vị thực hiện rồi đút ngăn kéo, là nhà khoa học các vị phải thuyết phục bằng lý lẽ, cứ liệu khoa học chứ không phải bằng chê bai, qui chụp. Vài dòng góp ý của một người dân bình thường , nếu có gì không vừa lòng mong các vị bỏ qua.

    Trả lờiXóa