Thứ Bảy, 27 tháng 12, 2014

LUẬT SƯ KHÔNG CÓ QUYỀN THU THẬP CHỨNG CỨ VỤ ÁN HÌNH SỰ?

Luật sư không có quyền thu thập chứng cứ trong vụ án hình sự ?!

Ls Trần Hồng Phong

Phiên tòa của một vụ án hình sự là phiên tòa "xét xử" chứ không phải là một "cuộc họp" nhằm kết tội bị cáo chỉ dựa trên những quan điểm và chứng cứ đã thống nhất trước giữa người xét xử (tòa án) và người kết tội (công tố/VKS). Do vậy, nếu Tòa chỉ sử dụng những chứng cứ kết tội do bên kết tội (công an, viện kiểm sát) đưa ra, mà không xem xét đến những chứng cứ gỡ tội do phía bào chữa (luật sư) đưa ra - thì có công bằng và đúng luật không? 

LS. Trần Hồng Phong
Theo một nguyên tắc cơ bản và dễ hiểu, là muốn kết luận một ai có tội hay vô tội - phải dựa vào chứng cứ. Cụ thể là chứng cứ buộc tội. Và cũng chỉ có tòa án (Hội đồng xét xử vụ án) là nơi duy nhất có thẩm quyền phán quyết một người có tội hay không - dựa trên cơ sở xem xét, cân đo giữa những chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội/lời bào chữa của luật sư (hay chính bị cáo tự mình đưa ra).

Luật tố tụng hình sự cũng quy định rõ không được dùng lời khai nhận tội của bị cáo làm chứng cứ duy nhất để buộc tội. Hiểu một cách đơn giản, là cho dù bị cáo có nhận tội, nhận mình chính là người thực hiện hành vi phạm tội, nhưng nếu không có bằng chứng nào khác (vật chứng, lời khai của các nhân chứng, kết quả giám định ...vv) phù hợp với lời nhận tội đó - thì Tòa cũng không thể tuyên bị cáo phạm tội.

Chúng ta cũng hay nói đến một nguyên tắc trong tố tụng hình sự - gọi là "nguyên tắc suy đoán vô tội". Được hiểu là khi không có chứng cứ buộc tội, thì tòa án (và cả cơ quan điều tra) phải "suy đoán" là bị can, bị cáo không có tội. Tức là theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Nguyên tắc suy đoán vô tội được (loài người) hiểu là nguyên tắc mang tính nhân đạo. Thà rằng có thể bỏ lọt tội phạm, còn hơn là làm oan một người.

Thế nhưng, nguyên tắc đó hầu như không được tôn trọng thật sự, trong hoạt động tư pháp tại Việt Nam. Không hiểu vì sao!   

Thậm chí, tôi có cảm giác các phiên tòa xét xử những vụ án hình sự hiện nay Tòa án và Viện kiểm sát hầu như chỉ chăm chăm vào việc kết án, kết tội. Mà không thực sự quan tâm một cách thích đáng và có lương tâm đến những tình tiết/chứng cứ gỡ tội cho bị cáo. Thể hiện ở chỗ có một thực tế đau lòng và bức xúc, là hầu hết các ý kiến, quan điểm, chứng cứ gỡ tội cho bị can, bị cáo do phía luật sư đưa ra đều bị xem nhẹ. Thậm chí bị bỏ qua một cách phũ phàng.

Những nguyên tắc cơ bản về chứng cứ buộc tội và gỡ tội - được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự từ rất lâu (gần đây nhất là luật năm 2003) - tưởng chừng đơn giản, dễ hiểu, dễ áp dụng - hóa ra lại phức tạp, khó hiểu một cách đáng buồn!

Trong bài báo có tiêu đề  "Bị cáo, luật sư được thu thập chứng cứ?" đăng trên báo Pháp luật TP.HCM ngày 23/12/2014, tường thuật về buổi Hội thảo bàn về việc sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức ngày 22-12-2014 tại TP Đà Nẵng,  có nêu ý kiến của ông Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình tại buổi hội thảo như sau (nguyên văn):
- Đánh giá chứng cứ là phương tiện để tìm đến chân lý của vụ án hình sự. Các giai đoạn tố tụng được mở ra và kết thúc đều hướng đến việc tìm kiếm, làm rõ chứng cứ. Tuy nhiên, BLTTHS hiện hành lại mới chỉ ghi nhận một số nguồn được xem là chứng cứ như vật chứng, lời khai, kết luận giám định, biên bản hoạt động điều tra, truy tố, xét xử.
Cụ thể, BLTTHS quy định chỉ những thông tin chứa đựng trong các nguồn nêu trên mới có giá trị chứng minh. Những thông tin khác dù thỏa mãn yêu cầu về tính xác thực, tính liên quan đến sự việc phạm tội nhưng không được phản ánh từ các nguồn mà BLTTHS đã quy định thì cũng không được công nhận là chứng cứ nên đã dẫn đến nhiều bất cập.
Ngoài ra, việc BLTTHS không quy định quyền thu thập chứng cứ của người bào chữa, quyền cung cấp chứng cứ của người bị buộc tội đã làm cho quá trình tranh tụng trở nên không thực chất và kém thuyết phục. 
Để khắc phục, ông Bình cho rằng cần phải mở rộng quyền thu thập chứng cứ cho những người tham gia tố tụng. Theo đó, không chỉ các cơ quan tố tụng mới có quyền thu thập chứng cứ mà cả những chủ thể tham gia tố tụng khác như người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, luật sư… cũng có quyền thu thập chứng cứ.
Thoạt đọc qua, mọi người đều có cảm giác đó là ý kiến hay và tích cực. Thực chất mà nói, tôi tin rằng ông Nguyễn Hòa Bình đã phát biểu với tinh thần trách nhiệm cao, có ý xây dựng, vì sự tiến bộ chung của nền tư pháp nước nhà.

Tuy nhiên, xét thuần túy về mặt khoa học pháp lý, qua ý kiến đó cũng cho thấy tư duy hoặc lối nghĩ rất bảo thủ và thậm chí lạc hậu của người đứng đầu cơ quan nắm quyền công tố nước nhà. Điều đáng nói là nếu quả thật tư duy, lối nghĩ đó đã và đang được áp dụng trong công tác điều tra, truy tố và xét xử - thì việc tồn tại một tỷ lệ cao án oan, án sai là điều tất yếu!

Bởi vì theo pháp luật tố tụng hình sự hiện hành, không hề có quy định nào ngăn cản/cấm hay chưa cho phép "quyền thu thập chứng cứ" của luật sư - như lời ông Bình nói. Đặc biệt là không có chuyện cơ quan tiến hành tố tụng có quyền "bỏ qua" chứng cứ gỡ tội do luật sư đưa ra. (Có chăng là luật hiện hành chưa quy định một cách cụ thể về việc thu thập chứng cứ của luật sư. Và điều này cần được bổ sung trong Bộ luật tố tụng hình sự).

Dưới đây là những điều luật về chứng cứ và thu thập chứng cứ trong Bộ luật tố tụng hình sự, đang được áp dụng (về lý thuyết) suốt hàng chục năm qua:

-------------
Điều 64. Chứng cứ

1. Chứng cứ là những gì có thật, được thu thập theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định mà Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án dùng làm căn cứ để xác định có hay không có hành vi phạm tội, người thực hiện hành vi phạm tội cũng như những tình tiết khác cần thiết cho việc giải quyết đúng đắn vụ án.

2. Chứng cứ được xác định bằng:a) Vật chứng;b) Lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo;c) Kết luận giám định;d) Biên bản về hoạt động điều tra, xét xử và các tài liệu, đồ vật khác.

Điều 65. Thu thập chứng cứ

1. Để thu thập chứng cứ, Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Toà án có quyền triệu tập những người biết về vụ án để hỏi và nghe họ trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét, khám nghiệm và các hoạt động điều tra khác theo quy định của Bộ luật này; yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, trình bày những tình tiết làm sáng tỏ vụ án.

2. Những người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án.

Điều 72. Lời khai của bị can, bị cáo

1. Bị can, bị cáo trình bày về những tình tiết của vụ án.

2. Lời nhận tội của bị can, bị cáo chỉ có thể được coi là chứng cứ, nếu phù hợp với các chứng cứ khác của vụ án. Không được dùng lời nhận tội của bị can, bị cáo làm chứng cứ duy nhất để kết tội.

Qua các điều luật trên có thể thấy như sau:

- Chứng cứ có thể là: Vật chứng, Lời khai, Kết luận giám định, Biên bản về hoạt động điều tra ... Chứng cứ phải được thu thập theo luật tố tụng hình sự (điều 64).

- Để thu thập chứng cứ, ngoài các cơ quan tiến hành tố tụng, thì cả "người tham gia tố tụng, cơ quan, tổ chức hoặc bất cứ cá nhân nào đều có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án" - tức là đều có thể giao nộp chứng cứ mà mình có được (điều 65).

Theo luật, "người tham gia tố tụng" bao gồm cả luật sư, bị can, bị cáo. Hay nói khác đi, nếu luật cho phép luật sư "đưa ra" "tài liệu, đồ vật, lời trình bày" - thì đó chính là những chứng cứ do luật sư thu thập được. Tức là luật cho phép luật sư thu thập chứng cứ. Vì nếu không thu thập, thì làm sao luật sư có được tài liệu, đồ vật ... để mà đưa ra?

Thế hóa ra lâu nay khi xét xử, những chứng cứ do phía luật sư đưa ra không được xem xét là vì các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) hiểu và áp dụng theo quan điểm và cách hiểu như lời của ông Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hòa Bình?

Nếu vậy thì thật là buồn quá! (Buồn cho thân phận luật sư và thiệt thòi cho bị cáo!). Nếu so sánh với những quy định ở nước ngoài như Mỹ, châu Âu, so sánh việc luật sư xứ họ chủ động đi xác minh, thu thập chứng cứ gỡ tội ... lại càng thấy buồn hơn!

Đơn cử như trong việc làm "Đơn đề nghị giám đốc thẩm, kêu oan cho tử tội Hồ Duy Hải". Sau khi nghiên cứu hồ sơ vụ án (do cơ quan điều tra và Viện kiểm sát lập ra), một trong những tình tiết mà tôi quan tâm và cố gắng làm rõ là những lời khai của nhân chứng Đinh Vũ Thường - là người được cơ quan điều tra và Viện kiểm sát xác định là đã nhìn thấy Hồ Duy Hải trong bưu điện Cầu Voi vào lúc khoảng 19h30 ngày 13-1-2008 và sau đó gây án (giết hai nữ nhân viên). Nhân chứng Thường cũng là người được xác định đã nhận dạng ra chiếc xe và cả biển số xe - chiếc xe gắn máy mà Hồ Duy Hải đã dựng ở sân bưu điện Cầu Voi tối hôm đó,

Sau khi tìm gặp được anh Thường (qua một hành trình vất vả và xa xôi), anh Thường cho biết:

- Không khẳng định là đã nhìn thấy Hồ Duy Hải, mà chỉ thấy bóng một thanh niên, Nếu có gặp lại thì cũng không thể nhận ra.

- Hoàn toàn không nhìn thấy số của chiếc xe gắn máy dựng ngoài sân, thậm chí cũng không thể nhớ là chiếc xe có bửng hay không ...

Tôi đã đề nghị và anh Thường xác nhận điều này (bản viết).

Thiết tưởng với kết quả xác minh (của tôi) như vậy, về nguyên tắc, các cơ quan có thẩm quyền cần phải xem xét, làm rõ (vì quá mâu thuẫn với kết luận trong Cáo trạng, bản án ...) - để tránh oan sai cho Hồ Duy Hải.

Vậy chẳng lẽ do "ai đó" hiểu rằng luật sư không có quyền thu thập chứng cứ, cho nên những tình tiết mà tôi nêu ra ở trên sẽ bị vứt xó, không có giá trị?

Từ lâu, tôi vẫn cho rằng thực ra pháp luật hiện tại của Việt Nam không phải là dở, mà vẫn có nhiều quy định tiến bộ (dù rằng chưa hoàn thiện). Cụ thể chúng ta có những điều luật quy định về việc cấm bức cung, cấm dùng nhục hình, cấm dùng duy nhất lời nhận tội để kết tội, cấm làm sai lệch hồ sơ vụ án, cho phép luật sư thu thập và đưa ra chứng cứ bào chữa cho bị can, bị cáo, nguyên tắc xét xử công khai, độc lập ...vv

Thế nhưng, vấn đề quan trọng hơn là pháp luật đã được tôn trọng và thực thi chưa? Và vì sao pháp luật chưa được tôn trọng và thực thi? Làm sao để dẹp được nạn chạy án? ...

Để kết thúc, xin mọi người nếu rảnh thì đọc hai bài báo mà tôi đã viết cách nay hơn 10 năm, đăng trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh - bàn về chuyện xét xử và thu thập chứng cứ. Buồn vì thấy hơn 10 năm qua, hầu như không thấy có chuyển biến tích cực nào theo hướng "suy đoán vô tội" cho bị can, bị cáo. Buồn vì án oan, án sai ngày càng "lộ" ra quá nhiều, trong sự lo âu, bức xúc của toàn xã hội.

Chúng ta bàn quá nhiều về việc thay đổi, hoàn thiện pháp luật - điều này hiển nhiên là cần thiết. Nhưng nếu không có sự thay đổi trong tư duy, thậm chí thay đổi về con người - thì cũng chỉ là lý thuyết mà thôi.

Mời xem thêm:

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét