Bản lên tiếng của Mạng lưới Blogger Việt Nam
về trường hợp ông Hồng Lê Thọ
(blogger Người Lót Gạch) bị bắt giữ
30-11-2014
Ngày 29 tháng 11 năm 2014, Cơ quan An ninh điều tra (CQANĐT) Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã khám xét khẩn cấp nhà riêng và tạm giữ hình sự đối với blogger Hồng Lê Thọ (65 tuổi) tại Sài Gòn. Cơ quan này cho rằng blogger Hồng Lê Thọ đã “đăng tải các bài viết trên mạng Internet có nội dung xấu, thông tin sai lệch làm giảm uy tín, mất lòng tin trong nhân dân với cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, công dân, quy định tại điều 258 – BLHS nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Trước thông tin bắt giữ blogger theo “tin tố giác của quần chúng”, đăng trên website Bộ Công an, Mạng lưới Blogger Việt Nam (MLBVN) tuyên bố:
1. Việc CQANĐT mượn “tin tố giác của quần chúng” để xâm phạm nhà riêng, khám xét và tạm giữ hình sự blogger Hồng Lê Thọ là vi phạm trắng trợn Hiến pháp Việt Nam, vi phạm Công ước nhân quyền của Liên hiệp quốc, chà đạp thô bạo quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt của người dân.
2. Mạng lưới Blogger Việt Nam khẳng định blogger Hồng Lê Thọ chỉ thể hiện quyền tự do ngôn luận của công dân, được quy định bởi Hiến pháp Việt Nam, được công nhận bởi các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết, bởi những giá trị phổ quát của nhân loại mà Việt Nam – thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc – đã cam kết tôn trọng và thực thi. Sau các blogger Phạm Viết Đào, Trương Duy Nhất, Đinh Nhật Uy, Nguyễn Hữu Vinh… blogger Hồng Lê Thọ là nạn nhân mới nhất của điều luật 258 mơ hồ và hành vi bắt giữ tùy tiện của công an.
3. Đối với những blogger đã từng bị bắt giữ và bị đưa ra xét xử như Blogger Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào, Đinh Nhật Uy…, CQANĐT, Viện Kiểm Sát và Tòa án đã không thể chỉ rõ và chứng minh một cách khách quan những bài viết nào của những công dân trên có “nội dung xấu”, cũng như không thể đưa ra những tiêu chuẩn làm căn cứ cho kết luận đó. Các cơ quan tố tụng trên cũng đã không thể chứng minh uy tín của “cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội” bị giảm đi vì các bài viết được đăng tải bởi những công dân này. Càng không chứng minh được lòng tin trong nhân dân về “cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội” đã bị mất chỉ vì các bài viết được đăng tải bởi những blogger đó. Bởi vì nếu có thì chính “Cơ quan, nhà nước, tổ chức xã hội” này đã tự làm mất đi chứ không phải do các bài viết trên làm mất. Hơn nữa, những phiên tòa xét xử các công dân trên tuy đựoc loan báo là “công khai” nhưng thực tế là những phiên “tòa kín”. Do đó, đối với trường hợp blogger Hồng Lê Thọ cũng sẽ là một nạn nhân của những vi phạm nghiêm trọng nêu trên.
4. Mạng Lưới Blogger Việt Nam hết sức quan ngại trước nạn bắt giam tùy tiện vẫn tiếp diễn, bất kỳ công dân Việt Nam nào thể hiện quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam cũng có nguy cơ bị sách nhiễu, khủng bố, bắt bớ, giam cầm vì sự lạm quyền và tùy tiện của công an.
Mạng lưới Blogger Việt Nam kêu gọi các blogger:
1. Kịch liệt lên án hành vi khám xét, bắt giữ các blogger, coi đó chính là hành động tấn công vào quyền tự do ngôn luận của tất cả chúng ta; là mối đe dọa tiềm tàng đối với mỗi cá nhân blogger nhất là những blogger dũng cảm, dám thể hiên quan điểm bất đồng với chính quyền và chỉ trích những sai lầm, yếu kém của chính phủ. Mỗi blogger Việt Nam đều có thể trở thành tù nhân như blogger Hồng Lê Thọ… bất cứ lúc nào.
2. Sát cánh tranh đấu cho tự do của blogger Hồng Lê Thọ, như tranh đấu cho tự do của chính mỗi chúng ta. Không thể chấp nhận số phận của những “người tù đang chờ bị bắt” bất cứ lúc nào.
3. Cùng nhau phối hợp, huy động quần chúng tranh đấu cho tự do của các blogger thông qua những chiến dịch truyền thông lớn, vận động quốc tế, đặc biệt là Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc. Hãy làm tất cả để người dân Việt Nam và thế giới nhận rõ: Điều 258 là vi Hiến; công an Việt Nam đang thực thi chính sách bưng bít thông tin, trấn áp tự do ngôn luận. Tất cả blogger Việt Nam cực lực phản đối và sẽ tranh đấu đến cùng chống lại những sai trái, bất công, vi Hiến, lạm dụng tùy tiện, bẻ cong và chà đạp pháp luật.
Nguồn: BaSam
Hưởng ứng lời Tuyên bố của mạng lưới BVN!
Trả lờiXóaPhản đối lực lượng công an và chính quyền đã có hành vi lạm quyền, bắt giam người tùy tiện, thiếu bằng chứng thuyết phục, vi phạm nhân quyền.
Trả lờiXóa