Thứ Hai, 24 tháng 11, 2014

Dự án Hải Vân: LÃNH ĐẠO THỪA THIÊN - HUẾ CÁT CỨ, LỘNG HÀNH

Cấp phép khu vực nhạy cảm, Thừa Thiên-Huế
cầm đèn chạy trước ô tô? 
Nguyễn Phương  
Một thế giới 

 
Ảnh: Các tướng lĩnh cho rằng đây là khu vực nhạy cảm, cực kì nguy hiểm, có tầm cao trong khu vực phòng thủ chiến đấu.

Nhiều tướng lĩnh quân đội Việt Nam đã lên tiếng phản đối gay gắt việc cấp giấy phép đầu tư cho Công ty cổ phần Thế Diệu (Trung Quốc) đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine – Huế ở Cửa Khẻm(thuộc đèo Hải Vân, tỉnh Thừa Thiên -Huế). Họ cho rằng đây là khu vực nhạy cảm, cực kì nguy hiểm, có tầm cao trong khu vực phòng thủ chiến đấu. 

Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo đó, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn tỏ ra lưỡng lự, chưa dứt khoát với dự án này và tiếp tục xin ý kiến Thủ tướng để triển khai dự án. 

Các tướng lĩnh phản đối 

Ngày 22.11, Đoàn công tác Bộ Quốc phòng đã có chuyến khảo sát thực địa tại vùng Cửa Khẻm. Mặc dù  Bộ Tổng tham mưu (Bộ Quốc phòng) chưa tiết lộ thông tin chuyến thị sát thực tế, tuy nhiên, tinh thần của Bộ Tư lệnh Quân khu 5 là đề nghị Bộ Quốc phòng cho dừng ngay dự án.

Thiếu tướng Nguyễn Quy Nhơn, Phó Tư lệnh Quân khu 5 nói: “Theo quan điểm của chúng tôi, khu vực này mà để dự án phức tạp như thế này là không nên. Nó ảnh hưởng đến thế phòng thủ và quốc phòng an ninh. Chúng tôi cũng đang báo cáo Bộ Quốc phòng và đề nghị Bộ Quốc phòng trình Chính phủ sớm giải quyết vấn đề này”.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước và Trung tướng Phạm Xuân Thệ đều cho rằng, việc cấp phép cho một Doanh nghiệp nước ngoài vào xây dựng khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân là một bước đi cực kỳ nguy hiểm.

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước – nguyên Tư lệnh Quân khu IV cho biết: “Tôi kịch liệt phản đối. Khu vực đèo Hải Vân là một địa bàn chiến lược được xếp vào loại đặc biệt quan trọng. Vị trí cực kỳ quan trọng của đèo Hải Vân không chỉ dừng lại ở chỗ người ta có thể dùng nó uy hiếp cảng Đà Nẵng, mà nó còn rất quan trọng với quân khu V hay quân khu IV. Đặc biệt, nó còn liên quan đến sự thống nhất về lãnh hải, lãnh thổ đối với cả đất nước Việt Nam”.

Về vị trí chiến lược của đèo Hải Vân, trung tướng Phạm Xuân Thệ - Nguyên Tư lệnh quân khu I nhấn mạnh, đây là 1 vị trí rất quan trọng, là cầu nối chiến lược giữa Nam Thừa Thiên Huế và Bắc Đà Nẵng.

“Đặc biệt trong vị trí này lại nằm ở nơi nhô ra biển, ảnh hưởng nhiều đến cửa biển Đà Nẵng, cửa biển Thuận An, nên tỉnh Thừa Thiên Huế cần phải xem xét kỹ. Tôi không phản đối mục đích kinh tế, nhưng để doanh nghiệp nước ngoài vào đây là không được. Ngay khi nghe thông tin này tôi đã thấy không ổn rồi. Chúng ta không thể vì kinh tế mà bất chấp những vấn đề sau này”.

Còn thượng tướng Nguyễn Văn Rinh (nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) nói: Khu vực đèo Hải Vân là khu vực trọng điểm, có giá trị to lớn về an ninh quốc phòng, đặc biệt về thế trận phòng thủ để bảo vệ TP Đà Nẵng và Huế. Thông thường với những dự án ở vị trí nhạy cảm như vậy phải có sự đồng ý của Bộ Quốc phòng. Quan điểm của tôi là đề nghị Chính phủ xem xét kỹ dự án này”.  

Nhắm mắt làm liều? 

Trong khi dự án đã triển khai bước thứ 3 trong 6 bước của dự án và quan điểm của tỉnh Thừa Thiên Huế luôn khẳng định, “sẽ không làm kinh tế bằng mọi giá”.

Nhưng, báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, ông Nguyễn Văn Cao chủ tịch tỉnh vẫn: "Hiện, tỉnh đang chỉ đạo Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh xin ý kiến Quân khu 4 và Bộ Quốc phòng và về an ninh quốc phòng trước khi phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư”. 

Trong khi các tướng lĩnh quân đội cương quyết phản pháo quyết liệt, về việc cấp giấy phép đầu tư cho người Trung Quốc ở khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng, thì  đại tá Trần Đình Phòng, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự Thừa Thiên - Huế, cho rằng: “Trước khi tham mưu cho tỉnh cấp giấy phép đầu tư, chúng tôi đã tiến hành khảo sát, đánh giá trong mối quan hệ chung của hệ thống phòng thủ giữa Huế - Đà Nẵng và vịnh Đà Nẵng”.

Theo ông Phòng, dự án này triển khai ở những điểm thấp, tất cả những điểm cao đều được lực lượng quân sự ta khống chế, kiểm soát, nên không có vấn đề gì lớn về an ninh quốc phòng. Quan điểm của chúng tôi là ủng hộ dự án, còn quyết định làm được hay không là ở Chính phủ và Bộ Quốc phòng”. 

Ông Nguyễn Dung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế chủ trì buổi họp báo khẳng định, dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điều 37 Nghị định 108/2006/NĐ-CP ngày 22.09.2006. Việc cấp giấy phép cho dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine- Huế được triển khai theo đúng quy trình, trình tự thủ tục theo quy định. Thẩm quyền cấp phép đầu tư thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế Chân Mây – Lăng Cô. Trong đó, thể hiện rõ địa danh và vị trí thuộc mũi Cửa Khẻm-  và hòn Sơn Chà thuộc địa bàn huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý.

Cho nên, tỉnh rất cẩn trọng khi xem xét cấp giấy chứng nhận cho công ty Cổ phần Thế Diệu, do ông Lu Wang Sheng làm tổng giám đốc, dự án được cấp phép năm 2013. Dự án chỉ  mới bước vào giai đoạn ban đầu. Chúng tôi vẫn đang chờ ý kiến của Thủ tướng.

Và khi triển khai, dự án vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ phía dư luận, UBND thành phố Đà Nẵng rồi tỉnh mới xin ý kiến của Quân khu và Bộ Quốc phòng... là việc làm khó hiểu.

Cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Thế Diệu, có vốn đầu tư từ Trung Quốc mà không xin ý kiến của Bộ Quốc phòng?

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định rất rõ đối với những dự án nhạy cảm về quốc phòng, như quyết định số 13 ngày 23.02.2012, quy định: “Những dự án nhạy cảm về an ninh quốc phòng cần có ý kiến thẩm định của Bộ Quốc phòng”.

Thế nhưng, dự án này nằm trong khu vực Cửa Khẻm có vị trí chiến lược rất quan trọng về an ninh quốc phòng, không hiểu vì lý do gì, Ban Quản lý Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên Huế lại cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty Cổ phần Thế Diệu, có vốn đầu tư từ Trung Quốc mà không xin ý kiến của Bộ Quốc phòng?

Phải chăng tỉnh Thừa Thiên Huế đã cầm đèn chạy trước ô tô?

Theo Một thế giới  

4 nhận xét :

  1. rất nhiều khu vực nhạy cảm về an ninh quốc phòng do quân đội quản lý cuối cùng trở thành đất làm ăn của tư nhân như xung quanh sân bay TSN, Cam Ranh, Sóng Thần, Lan Anh...BQP coi lại mình đi.

    Trả lờiXóa
  2. Mấy quan ở Thừa Thiên - Huế nguy hiểm hơn đám phản động, thế lực thù địch, diễn biến hoà bình nhiều... nhưng chưa thấy TW lên tiếng nhĩ ?

    Trả lờiXóa
  3. Đồng đô hơn đồng bào đồng chí đồng đội . Các QC TT-H đã bán mình cho Tầu Cộng. Kẻ nội thù còn nguy hiểm hơn các TLTĐ vạn lần !

    Trả lờiXóa
  4. Có tiền việc ấy mà xong nhỉ!
    Cách mạng làm quan cũng thế ư.

    Trả lờiXóa