Thứ Tư, 29 tháng 10, 2014

VẤN ĐỀ NỢ CÔNG ĐÃ ĐƯỢC CẢNH BÁO TRƯỚC QUỐC HỘI TỪ 2010


Lời dẫn của Nguyễn Xuân Diện: Từ sáng 30/10 đến hết ngày 31/10 tới, Quốc hội sẽ thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội và về ngân sách nhà nước, trong đó có vấn đề nợ công. 
Nhân dịp này chúng tôi đăng lại BÀI PHÁT BIỂU TẠI QUỐC HỘI của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết trên blog Nguyễn Xuân Diện năm 2010 (trang đã bị bọn xấu đánh sập) và một số bài tường thuật trên báo chí về vấn đề này lúc đó để thấy bệnh đã được báo trước từ rất lâu nhưng không chịu chữa, đến bây giờ mới vỡ bục ra.  
Phát biểu của đại biểu quốc hội,  
GS Nguyễn Minh Thuyết, về nợ công

Nguyễn Minh Thuyết [*] 
Theo blog Nguyễn Xuân Diện 

PHÁT BIỂU VỀ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TẠI QUỐC HỘI
SÁNG 3-11-2010 

Thảo luận về ngân sách nhà nước lần này, tôi xin nêu một số ý kiến về nợ công, cụ thể là về 4 vấn đề như sau: 

1. Thực chất nợ công của nước ta hiện nay là bao nhiêu? 

Theo báo cáo của Chính phủ thì hiện nay nợ công của nước ta tương đương 56,7% GDP. Nhưng theo tính toán của một chuyên gia kinh tế, nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế, bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp nhà nước thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP (vì theo báo cáo giám sát của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP). Tôi xin đề nghị Chính phủ giải trình rõ thêm về vấn đề này. 

2. Cơ cấu của khối nợ công nói trên như thế nào? 

Báo cáo của Chính phủ chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công chiếm hơn nửa GDP (hoặc 2/3 GDP như tính toán của nhà kinh tế đã nêu trên) như thế nào. Khối nợ ấy có bao gồm nợ xấu không, hay toàn nợ đẹp? Hay đã là nợ công thì không phân biệt xấu đẹp?

Ngày hôm qua, một số đại biểu rất am hiểu và hình như rất am hiểu về kinh tế có đưa đến cho Quốc hội những tin rất vui về Tập đoàn Vinashin. Chẳng hạn, Tập đoàn này sắp xuất xưởng những con tàu hàng chục vạn tấn, vốn chủ sở hữu của họ vẫn còn v.v… Nghe những tin này, tôi rất mừng. Tôi không thể cãi Uỷ ban Kiểm tra TW như mấy đệ tử của một ông Chủ tịch UBND tỉnh vừa bị Trung ương kiểm điểm. Nhưng thâm tâm tôi chỉ mong những kết luận của Uỷ ban Kiểm tra TW về vụ Vinashin là không hoàn toàn chính xác. Không chính xác thì may cho dân mình quá.

Nhưng tôi vẫn nửa tin nửa ngờ trước những tin vui được một số vị công bố hôm qua.

Lãi từ việc bán những con tàu mới đóng, tôi không biết sẽ được bao nhiêu. Theo tôi hiểu thì trong công nghệ đóng tàu, ta chủ yếu lắp ráp thôi, cũng không khác ngành chế tạo ô tô, xe máy là mấy. Lấy công làm lãi như vậy thì có đủ trả lương cho cả mấy chục nghìn cán bộ, công nhân không?

Về vốn nằm trong tài sản, tôi thấy chuyện này giống như chuyện một anh được vợ cấp vốn đi buôn, mới khuân về được mấy cái máy second hand thì hết sạch vốn; vợ hỏi: “Có ai đi buôn mất sạch vốn, lại còn nợ nần chồng chất như ông không?” thì hồn nhiên bảo: “Vốn nó nằm ở cái nhà mình đang sống, ở mấy cái máy cũ nát kia.”

Tôi nhớ cách đây chừng 10 năm có một doanh nhân thành đạt dùng tiền vay ngân hàng đầu tư vào bất động sản (cụ thể là mua rất nhiều đất). Tới hạn trả nợ ngân hàng, giá đất xuống, doanh nhân này không trả nợ được, bị toà kết án tử hình.

Bây giờ chúng ta bảo Vinashin còn đất, còn nhà xưởng, còn những con tàu cũ (có thể bán theo giá sắt vụn) v.v… để trả nợ. Tôi không hiểu lý luận này thế nào. Nhưng có một điều chắc chắn, như khẳng định của Bộ trưởng Vũ Văn Ninh, là Vinashin đã vay một số vốn gấp 13,7 lần vốn chủ sở hữu. Nhân dân hỏi là hỏi số vốn vay ấy mất đi đâu, chứ không hỏi vốn chủ sở hữu. Cả nước làm ăn như ông Vinashin này thì rồi đây biết bán cái gì để trả nợ? 

3. Nợ công Việt Nam đã vượt ngưỡng an toàn chưa? 

Theo một chuyên gia kinh tế, mức độ an toàn của nợ công không chỉ phụ thuộc vào tỷ lệ nợ/GDP, mà quan trọng hơn, phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe của nền kinh tế.

Khó có thể yên tâm khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và chỉ số ICOR cũng tăng tới gần 2 chữ số. Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của quản lý nợ công bền vững. Và như vậy, có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó. 

4. Vấn đề thứ 4: Làm thế nào để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững? 

Theo tôi, để việc tăng nợ công không dẫn đến phát triển thiếu bền vững, cần giữ 2 nguyên tắc cơ bản:

- Thứ nhất: Có lãi thì làm, không chắc có lãi, dứt khoát không làm. Ví dụ, việc khai thác bauxite ở Tây Nguyên, chưa tính chi phí làm cảng, làm đường vào giá thành aluminum mà một số chuyên gia kinh tế hàng đầu của Việt Nam đã bảo lỗ thì nên dừng.

- Giữ kỷ luật ngân sách cho nghiêm. Hôm thứ bảy 30/10 vừa qua, tôi thấy báo Tuổi Trẻ có đăng một bản tin như sau:

“Văn phòng Chính phủ vừa thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải về tình hình thực hiện các công trình, dự án trọng điểm ngành giao thông vận tải.

Theo đó, về dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Phan Thiết, Bộ Giao thông vận tải đề xuất việc thành lập ban chỉ đạo để tiếp nhận nguồn vốn hỗ trợ kĩ thuật theo yêu cầu của nhà tài trợ JICA. UBND TP.HCM phối hợp với Bộ Kế hoạch đầu tư thống nhất với nhà tài trợ JICA để triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1 Bến Thành - Suối Tiên, đáp ứng yêu cầu tiến độ dự án”

Đọc tin này, tôi quả thực không hiểu mình có nằm mơ không. Dự án ĐSCT Bắc - Nam đã không được Quốc hội thông qua (đó là nói cho nhã nhặn); nay Chính phủ tiếp nhận viện trợ của nước ngoài, thành lập Ban chỉ đạo dự án và chuẩn bị triển khai đấu thầu quốc tế dự án tuyến đường sắt số 1. Thế thì không biết trong mắt người dân có còn Quốc hội không?

Hôm 1/11 vừa qua, thảo luận tại hội trường, một số đại biểu Quốc hội chủ động nhận lỗi về phía mình, tức là về phía 1000 đại biểu khoá XI và khoá XII trong việc quản lý tập đoàn kinh tế yếu kém, để xảy ra vụ Vinashin. Tôi không hiểu 1000 người cùng có trách nhiệm thì xử lý trách nhiệm thế nào. Hay là hoà cả làng?

Tôi mong là lần này Chính phủ sẽ cung cấp thông tin về nợ công đầy đủ hơn, đại biểu sẽ xem xét kỹ càng và thực hiện quyền quyết định vay và trả nợ, để tới đây không phải nhận lỗi như thế nữa.
_________________________

[*] Văn bản do GS Nguyễn Minh Thuyết gửi trực tiếp cho Nguyễn Xuân Diện-Blog. Xin chân thành cảm ơn Giáo sư!

Năm 2011, nợ công tăng thêm hơn 9,6 tỷ USD? 

vneconomy.vn - Thứ năm, 30/12/2010 

Nợ công năm 2011 dự kiến tăng thêm 192.673 tỷ đồng (tức 9.637 triệu USD) là rất lớn, đại biểu Nguyễn Đăng Vang, Phó chủ nhiệm Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường lo ngại khi phát biểu tại phiên thảo luận về ngân sách của Quốc hội, sáng 3/11.

Theo đại biểu Vang, trong báo cáo của Chính phủ nói là nợ công tương đương 57,1% GDP, nhưng “tôi cũng tính lại chính bằng số liệu này, không phải 57,1% GDP mà 57,36% GDP”.

Ông Vang lo ngại, “từ con số không chính xác này chúng ta lại suy nghĩ rằng không biết con số nợ công kia có chính xác hay không vì vậy cho nên cần phải kiểm tra lại”. Cũng từ con số tự mình tính toán, đại biểu Vang cho rằng “khả năng nợ công của chúng ta là 64.991 triệu USD là rất lớn”.

Cùng mối quan ngại về tính chính xác của con số về nợ công, mở đầu phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết dẫn tính toán của một chuyên gia kinh tế, rằng nếu quan niệm nợ công theo thông lệ quốc tế bao gồm cả nghĩa vụ nợ của ngân hàng, của doanh nghiệp Nhà nước, thì nợ công Việt Nam không dưới 70% GDP. Vì theo báo cáo giám sát của Quốc hội, thì riêng dư nợ nội địa của các doanh nghiệp Nhà nước năm 2008 đã chiếm 20% GDP.

Đại biểu Thuyết cũng băn khoăn, vì sao báo cáo của Chính phủ chưa cho biết cơ cấu của khối nợ công như thế nào, có bao gồm nợ xấu không? Hay là toàn nợ đẹp, hay đã là nợ công thì không phân biệt xấu, đẹp?

Khó có thể yên tâm khi nợ công của ta tăng nhanh trong bối cảnh thâm hụt ngân sách tăng và hệ số ICOR (đo lường số đơn vị đầu tư tính theo % GDP để tạo ra một đơn vị tăng trưởng GDP - PV) cũng tăng tới gần 2 chữ số. Tức là chi ra 10.000 đồng thì được lãi có 1.000 đồng. “Điều này vi phạm nguyên tắc cơ bản của nợ công bền vững, và như vậy có cơ sở để lo lắng rằng GDP càng tăng thì nợ càng tăng, khả năng trả nợ ngày càng khó”, ông Thuyết tiếp tục.

Đồng ý với đại biểu Thuyết, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền đề nghị phải nói rõ xem nợ công bao nhiêu là ngưỡng an toàn, 30, 40, 50 hay 60% GDP. “Còn bây giờ chúng ta cứ lúc nào cũng nói là ngưỡng an toàn”, ông Thuyền phân vân.

Theo quan điểm của đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết thì mức an toàn nợ công bằng 50% GDP là do ta tự quy định, trên cơ sở tham khảo một số tổ chức trên quốc tế. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ, khả năng trả nợ, tiềm lực kinh tế tài chính của mỗi quốc gia khác nhau. Do đó, “ta không thể tự cho rằng Việt Nam đang mức an toàn về tài chính quốc gia để an tâm trong điều kiện nhiều thách thức hiện nay”.

Được mời phát biểu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh thể hiện sự đồng tình với nhiều ý kiến là “nếu cân đối ngân sách không phải đi vay thì không có gì hạnh phúc bằng chuyện đó, cũng giống như quản lý trong gia đình thu mà đủ chi là tốt nhất”. Song, theo Bộ trưởng, nhu cầu chi hiện nay là rất lớn.

Giải đáp thắc mắc của nhiều đại biểu về cách tính nợ công, Bộ trưởng Ninh giải thích, theo Luật Quản lý nợ công có hiệu lực từ 1/1/2009 thì nợ Chính phủ bao gồm nợ trong và ngoài nước được ký kết nhân danh Nhà nước và Chính phủ. Nợ công thì gồm có nợ Chính phủ cộng với nợ được Chính phủ bảo lãnh (kể cả trong nước và ngoài nước, kể cả doanh nghiệp và kể cả các tổ chức tín dụng). Thứ ba là nợ của chính quyền địa phương. Nội dung trong báo cáo của Chính phủ là đã đúng với quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về chỉ tiêu, theo Bộ trưởng Ninh, không phải chỉ tổng nợ so với GDP còn phải tính trên trả nợ so với thu, trả nợ so với xuất khẩu, rồi cơ cấu nợ và tính rất nhiều các chỉ tiêu nữa.

“Hiện nay chúng ta trả nợ đầy đủ”, người đứng đầu ngành tài chính khẳng định. 

vneconomy.vn


Điểm nóng
Nợ công: Khó hiểu ngưỡng nào an toàn
Tác giả: Phạm Huyền - Thủy Chung - Lan Anh 
Bài đã được xuất bản.: Vef.vn, 22/10/2010 17:00 GMT+7 

(VNR500) - Quốc hội khoá XI, nợ công khoảng 30-40% GDP, các đồng chí bảo còn an toàn, 50% mới mất an toàn. Đến nay, đã vay trên 50%, các đồng chí bảo vẫn an toàn, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Thuyết băn khoăn. 

Vấn đề nợ công và hiệu quả đồng vốn Nhà nước tiếp tục được “xới” lên tại phiên thảo luận tổ chiều 22/10 về tình hình thực hiện kế hoạch ngân sách Nhà nước 2010, dự toán 2011 và nguyên tắc phân bổ Ngân sách năm 2011. 

Lập lờ ngưỡng an toàn nợ công 

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), bày tỏ: “Trong báo cáo của Chính phủ, có chi để trả nợ nhưng chưa thấy có thu từ vay nợ, trong khi đây đang là việc mà dân ta rất quan tâm, khi mà nợ công lên đến hơn 56% GDP.

Theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Quốc hội có thẩm quyền xác định số vay nợ của năm tài chính, như định vay ai, vay làm gì. Để Quốc hội có ý kiến thì phải có báo cáo, nhưng trong báo cáo này không có”.

Ông Thuyết nhấn mạnh, phải xem xét nợ công đến mức nào là hết ngưỡng an toàn. Bởi theo ông, Chính phủ vẫn còn chưa rõ ràng trong vấn đề này. 

“Trước đây, khi tôi tham gia khoá XI, nợ công khoảng 30-40% thì các đồng chí bảo còn an toàn, 50% mới mất an toàn. Đến nay đã vay trên 50%, các đồng chí bảo vẫn an toàn, có nước vay 200% cơ, như Mỹ, Nhật. Nhưng mình so với họ không được!” đại biểu Thuyết chia sẻ.

Ông cho rằng trong kỳ họp này, Chính phủ phải báo cáo với Quốc hội rất cụ thể về nợ công. Chính phủ cần lý giải với Quốc hội nợ công là gì, đến ngưỡng nào là an toàn, căn cứ khoa học nào để tính... thì Quốc hội mới yên tâm. Đằng này Quốc hội không biết thông tin gì mà cứ quyết, rồi năm sau lại nhận khuyết điểm.

Trước đây, trong nhiều lần phát biểu với báo chí, Bộ Tài chính cho rằng, thông lệ quốc tế là… dưới 50% GDP là an toàn. Song đến nay, mức được cho là an toàn theo ý kiến của Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nhà nước lại là “dưới 60%”. 

Vay 1 tỷ USD, Lọc dầu Dung Quất có nguy cơ lỗ 

Theo đại biểu này, riêng Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã vay khoảng 1 tỷ USD để đầu tư , lãi suất là 7,5%. Một năm, phải trả 75 triệu USD, liệu tất cả số dầu Dung Quất sản xuất ra có đủ trả nợ hay không?

Cũng liên quan tới chủ đầu tư của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tỏ vẻ không đồng tình với việc Chính phủ sẽ rót thêm 3.500 tỷ đồng vốn Ngân sách cho Tập đoàn Dầu khí Quốc gia (PVN). Mức này chiếm tới 67% vốn Ngân sách dành cho các doanh nghiệp Nhà nước năm 2011.

Bà Trần Thị Quốc Khánh, đại biểu Hà Nội, nói, nguồn Ngân sách Nhà nước nên đầu tư ưu tiên cho những đối tượng thiết thực khác như cho điện, bởi ngành điện đang thiếu vốn nặng. Vốn cho công trình điện chủ yếu có nguồn từ ADB, vay thương mại trong nước vô cùng khó khăn, trong khi thiếu điện đang rất cấp bách.

Đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) đề nghị, Chính phủ sẽ phải làm rõ việc phân bổ 3.500 tỷ đồng cho Tập đoàn này và việc phân bổ đó phải do Quốc hội quyết định.

Hiện nay, vốn đầu tư nhà nước dành cho các Tập đoàn, đến khi có lợi nhuận thì lại thu về cho Tập đoàn đó.

Ông Lịch cũng đề nghị, Chính phủ nên giải trình cả việc lợi tức của PVN. Khoản lợi nhuận của Tập đoàn là của Chính phủ ủy thác cho tập đoàn bán tài nguyên, hay đó là lợi tức của riêng tập đoàn.

Bội chi tăng cao cũng là do chi cho các tập đoàn chưa hiệu quả. Theo các đại biểu tính toán, mức bội chi năm 2010 là tới 7% chứ không phải là dưới 6% như Chính phủ báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bổ sung: Đến bây giờ các tập đoàn kinh tế, các công ty nhà nước vẫn bao cấp, cứ hết vốn rồi lại rót vốn. Vinashin đã thua lỗ rồi nhưng vẫn tiếp tục rót thêm 700 triệu đô la với lãi suất cao hơn lãi suất trả cho ngân hàng Việt Nam đồng nghĩa với việc không vay ngân hàng Việt Nam nữa mà vay ngân hàng nước ngoài.

Trong khi đó, những nước đóng tàu hàng đầu đã bắt đầu thấy ngành đóng tàu ảnh hưởng đến môi trường, lãi không đáng bao nhiêu và tìm cách rút ra thì Việt Nam lại rất hoan hỉ phấn đấu chiếm vị trí thứ 3, thứ 4 nhưng rồi cũng thua lỗ.

Rút kinh nghiệm từ vụ Vinashin, ông Trần Du Lịch đề nghị, Quốc hội cần ban hành Nghị quyết yêu cầu tập đoàn, tổng công ty nhà nước công khai báo cáo tài chính như các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán. Làm như vậy sẽ giúp nhân dân dễ dàng giám sát hoạt động của tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đồng thời, bảo đảm công bằng giữa các doanh nghiệp. 

Ngân sách thêm "oằn lưng" vì những quyết định ngẫu hứng? 

Không chỉ chuyện vay nợ để phát triển kinh tế, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục và Thanh thiếu niên nhi đồng Nguyễn Minh Thuyết còn dẫn chứng về một số quyết định đầu tư vào giáo dục gần đây mang màu sắc ngẫu hứng, khiến ngân sách thêm "oằn lưng".

Ông Thuyết lấy ví dụ: giáo dục xây dựng thêm mấy trường đại học xuất sắc không biết từ đâu ra. Chúng ta mời nước ngoài vào xây dựng 5 trường đại học và chính phủ Việt Nam đóng chi phí từ 200 đến 300 triệu đô la vào mỗi trường đó, vị chi tổng số tiền là 1 tỉ rưỡi đô là 30 nghìn tỉ Việt Nam. Con số này tương đương với một công trình trọng điểm của quốc gia.

Trong khi đó quan điểm xây dựng các trường đại học này thế nào thì không có ai báo cáo.

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kể lại câu chuyện đi giám sát tạo trường Đại học Việt Đức. Trước đây những khóa đầu chỉ tuyển sinh 28 người nhưng chính phủ đầu tư 200-300 triệu đô và chi 60% ngân sách thường xuyên cho trường. Học phí 15 nghìn đô một năm, mỗi năm Chính phủ có chính sách hỗ trợ thêm mỗi em 7.500 đô để khuyến khích các em vào học. Vấn đề là các em đó không phải là con nhà nghèo, học hành không xuất sắc và cũng chẳng phải là con cháu thương binh liệt sĩ gì cả.

Vì vậy, nếu nói giáo dục là quốc sách hàng đầu thì xin kiến nghị đồng chí nào tham dự Đại hội phải bàn thật "hàng đầu". Nói 20% dành cho giáo dục nhưng giáo dục là cả đào tạo cán bộ chính trị từ huyện, hệ thống an ninh quốc phòng....chứ không phải hoàn toàn cho các cháu, và như vậy dân phải bỏ tiền túi ra - ông Thuyết băn khoăn.

"Nếu mình cứ yên tâm với tất cả bề mặt ổn định thế này, không tính đến sóng ngầm thì có lúc mình sẽ phải trả giá" - Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết kết luận.


 

3 nhận xét :

  1. "Những cảnh báo đó củng như cảnh báo về bô xit,không có tính đảng,không có cái nhìn khách quan,biện chứng nên không thể xem xét được"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cái "còm " của bác hay quá . Chr thêm chả bớt được gì .

      Xóa
  2. Yên tâm. Các bác chỉ là người ra quyết định tiêu tiền, còn cái giá là do dân trả. Làm tới đi các bác.

    Trả lờiXóa