Cảnh sát đánh nhau với nhóm biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông
Bích Ngọc (theo Wall Street Journal)
NQL: Cẩn thận với bọn giả biểu tình gây sự với cảnh sát để tạo cớ cho chính quyền.
Cảnh sát đánh nhau với người biểu tình trong đường hầm
Rạng sáng 15.10, những cuộc biểu tình phản đối đòi dân chủ ở Hồng
Kông (HK) lên tới cao trào, khi hàng trăm cảnh sát đánh nhau với nhóm
sinh viên.
Khuya 14.10, nhóm sinh viên tràn vào một đường hầm bên ngoài trụ sở
chính quyền đặc khu hành chính HK thuộc Trung Quốc (TQ), khiến xe cộ và
xe taxi bị vây bởi cảnh sát và nhóm biểu tình. Nhóm biểu tình chặn hai
hướng vào đường hầm bằng các cục bê-tông.
Vài giờ sau, cảnh sát trở lại đông hơn và chiếm lại đường hầm, bắt
nhiều người biểu tình và dở bỏ rào chắn. Người biểu tình bị dẫn ra khỏi
đường hầm, tay bị trói bằng dây nhựa và dòng giao thông trở lại bình
thường.
Anson Cheng, 30 tuổi, một nhân viên tài chính ở khu biểu tình chính
tại khu trụ sở chính quyền, nói: “Đây là một cuộc chiến. Chúng tôi phải
bỏ con đường Queenway mà chẳng nhận lại được gì từ chính quyền”.
Trước đó, cảnh sát đã dùng cưa máy, kềm cắt để dở bỏ các rào chắn do
phe biểu tình dựng trên một con đường chính ở khu thương mại chính ở HK.
Một người rành chiến lược của cảnh sát, nói với báo The Wall Street
Journal, đó là biện pháp “cuốn chiếu” nhằm tránh sử dụng vũ lực: “Nếu
cảnh sát có thể giải tỏa những khu vực mà không phải sử dụng vũ lực mạnh
tay, họ sẽ làm thế”.
Một người có quan hệ với chính quyền HK, nói chiến lược của lãnh đạo
thành phố là “xử lý mềm” để hạ nhiệt căng thẳng trước khi có thể tiến
đến đàm phán.
Một số người biểu tình phê phán thủ lĩnh sinh viên cho phép cảnh sát
dở bỏ rào chắn mà không kháng cự. Một số rào chắn bằng tre đã được tái
lập nhanh chóng tối 13.10, sau khi cảnh sát lần đầu tiên tung nỗ lực
giải tỏa kẹt xe và bắt 23 người.
Người phát ngôn cảnh sát Steve Hui nói cảnh sát sẽ còn dở bỏ nhiều rào chắn, nhất là ở các “vùng nguy cơ cao” như vùng Mong Kok.
Lãnh đạo HK hầu như giữ im lặng về cuộc biểu tình phản đối, sau cuộc
họp cuối tuần qua ở Bắc Kinh, nơi chính phủ trung ương TQ thường triệu
tập lãnh đạo HK về để chỉ đạo.
Thứ Hai qua, đặc khu trưởng Lương Chấn Anh tái khẳng định ông sẽ
không từ chức, vốn là một trong những yêu sách của nhóm sinh viên.
Yêu sách khác là TQ thay đổi quy định ban tổ chức bầu cử sẽ xét duyệt 2-3 ứng viên tranh chức đặc khu trưởng HK vào năm 2017.
Ông Lương nói sẽ không có chuyện Bắc Kinh thỏa mãn đòi hỏi này.
Hiện tỷ lệ tín nhiệm của ông Lương bị giảm từ 43.2 % xuống 40.6 %, theo thăm dò từ ngày 6 đến ngày 9.10 của Đại học HK.
Ngày mai 16.10, ông Lương sẽ lại đi TQ để họp hai ngày ở Thượng Hải.