Thế hệ Hồng Kông
Thụy My
(Harold Thibault, L’Express 8-14/10/2014) Kết quả như
thế nào không quan trọng…Tại cựu thuộc địa Anh được trao trả cho Trung Quốc,
phong trào đòi dân chủ, hai mươi lăm năm sau Thiên An Môn, đã phát lộ sự trỗi
dậy của một lớp trẻ gan dạ và quyết tâm giành cho được tự do. Một thách thức
cho quyền lực Bắc Kinh.
Chris Lau đã kiệt sức. Suốt cả một tuần, anh sinh
viên khoa Lý mỗi đêm đều ngủ trên mặt đường nhựa của một trong những tuyến giao
thông xe cộ đông đảo nhất vào lúc bình thường, tại trung tâm tài chính châu Á.
Đó là cái giá phải trả cho cuộc chiến đấu của tuổi trẻ Hồng Kông.
Mệt nhoài và bất định
về lối thoát của phong trào, anh để rơi vài giọt lệ. Tại cựu thuộc địa Anh được
trao trả cho Trung Quốc, ở tuổi hai mươi, anh đã đối đầu với quyền lực Bắc
Kinh. Chris và hàng chục ngàn thanh niên khác đòi hỏi điều mà cha mẹ họ chưa
bao giờ đạt được : bầu ra trực tiếp và một cách dân chủ người đại diện cao
nhất của mình.
« Cuộc cách mạng những chiếc dù » - tên gọi này phát sinh từ những chiếc dù mà người biểu
tình giương ra ngay trong những ngày đầu tiên, khi cảnh sát đáp trả cuộc tập
hợp ôn hòa của họ bằng hơi cay. Lối thoát của phong trào, vào đầu tuần này có
vẻ vẫn bất định. Nhưng có lẽ điều chủ yếu không phải ở đó : thế giới Trung
Hoa phát hiện một thế hệ mới khao khát tự do, đã gây ngạc nhiên với sự táo bạo
và tính kỷ luật của mình. Chris Lau nhấn mạnh : « Chúng tôi không
làm hư hại gì cả. Cảnh sát đứng về phía kẻ xấu, đó là chính quyền Bắc
Kinh ».
Chung quanh anh, vài chục người trẻ khác đang ngồi
thư thả. Một số tranh luận với nhau, số khác đọc sách, một vài thanh niên tranh
thủ ngủ bù được mấy tiếng đồng hồ trên mặt đường nhựa. Một cô bé mang đến những
đôi vớ mới. Người dân địa phương đem tặng những chai nước suối, thức ăn và ngay
cả một ít quần áo cho thế hệ đang tỉnh thức.
Chris bắt đầu quan tâm đến các vấn đề chính trị vào
năm cuối trung học. Anh không có nhiều cơ hội đi đến Hoa lục, nhưng những từ
anh nghe thấy để mô tả về nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là « kiểm
duyệt, đàn áp, tham nhũng, sợ hãi… »
Tại đặc khu hành chính Hồng Kông, tự do ngôn luận là
một trong những quyền được bảo vệ nhiều nhất ở châu Á. Các nhà sách đầy ngập
những tác phẩm đưa ra ánh sáng những góc cạnh bẩn thỉu của Đảng Cộng sản, các
mạng xã hội không bị kiểm duyệt và báo chí, mặc cho các áp lực thực sự, vẫn giữ
được giọng điệu tự do. Các kênh truyền hình do Bắc Kinh kiểm soát thì đã cẩn
thận tránh nêu ra tranh cãi.
Trật tự và sạch sẽ : Ý thức công dân tuyệt đối
Chính nỗi sợ bị mất đi những ưu tiên đó mà các sinh
viên phải xuống đường. Chris cho rằng « Không khí đã xấu đi ».
Theo anh, phản ứng ban đầu của cảnh sát chứng tỏ « Bắt đầu thấy cái gu
của Hoa lục… » Cha mẹ anh gọi điện năn nỉ trở về nhà. Họ sợ sự việc sẽ
đi quá trớn : bọn côn đồ thân Bắc Kinh, đôi khi có liên hệ với bọn Tam
Hoàng – mafia địa phương, đã tấn công các nhóm người biểu tình.
Những người biểu tình, ngược lại, đã chứng tỏ ý thức
công dân tuyệt vời. Một số thu nhặt tất cả các loại rác rưởi và lựa ra cẩn
thận, thậm chí nắp nhựa cũng để riêng. Số khác phân phối nước đóng chai. Một
vài thanh niên phụ trách việc đưa tay ra đỡ những người qua đường muốn bước qua
những khe của con lươn trên mặt đường bị chiếm đóng…
Với tính kỷ luật này, giới trẻ Hồng Kông khác biệt
hẳn với thanh niên Hoa lục, bị cho là ồn ào và không biết cư xử. Dưới một cây
cầu, gần văn phòng chi nhánh châu Á của Bank of America Merrill Lynch, một tấm
băng-rôn làm nhụt chí những ai định lai rai cốc rượu : « Đây là
một cuộc phản kháng, chứ không phải là lễ hội ». Xa hơn một chút, một
tấm áp-phích tóm tắt cảm nghĩ của lớp trẻ rất có văn hóa này : « Cha
mẹ tôi khóc cho tôi, còn tôi khóc cho tương lai ».
Trung tâm những yêu sách của họ là lời hứa của Trung
Quốc lúc thương lượng trao trả Hồng Kông vào ngày 01/07/1997, để cho nhượng địa
này được bầu lên Trưởng đại diện qua phương thức phổ thông đầu phiếu. Thỏa ước
về việc trao Hồng Kông vào tay Trung Quốc quy định mảnh đất này trong nửa thế
kỷ tiếp theo sẽ có được quy chế đặc biệt « một quốc gia, hai thể
chế », được rộng tay trong những vấn đề của Hồng Kông.
Thế nhưng lời hứa trên đã không được giữ. Bởi vì
Trung Quốc ngày nay, trở thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, không còn là Trung
Quốc của thập niên 90. Tập Cận Bình, Chủ tịch Trung Quốc kể từ tháng 3/2013
không mấy bận tâm tìm cách chiêu dụ thế giới bên ngoài. Khẩu hiệu « Giấc
mơ Trung Hoa » của ông ta, nở rộ trên những bức tường của tất cả các thành
phố trong cả nước, đồng nghĩa với thịnh vượng, nhưng nhất là quyền lực.
Hết sức tự tin, chế độ Bắc Kinh muốn áp đặt sự chọn
lựa người đại diện cao nhất của Hồng Kông. Vả lại, một nền dân chủ thực sự ở
đây có thể gợi cảm hứng cho người dân Hoa lục. Trong khi kỳ hạn chuyển sang phổ
thông đầu phiếu đã bị dời lại một lần – Trưởng đặc khu cho đến nay được Đảng
Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trực tiếp bổ nhiệm – cuối cùng đến hôm 31/8 Bắc
Kinh thông báo sẽ chọn lựa trước các ứng cử viên của kỳ bầu cử phổ thông đầu
tiên vào năm 2017. Chris Lau thổ lộ : « Mẹ tôi bảo nên thực tế.
ĐCSTQ sẽ không bao giờ nhượng bộ, vì quá bám víu quyền lực của mình ».
Ở tuổi 17, cô sinh viên Hóa năm thứ nhất Connie Leung
nhìn nhận chiếc hố ngăn cách giữa các thế hệ : « Cha mẹ tôi không
ủng hộ tôi, nghĩ rằng chúng tôi phá hoại nền kinh tế của Hồng Kông. Lần nào nói
chuyện với cha mẹ, tôi cũng phải bật khóc ». Đã nhiều ngày qua, cô
đứng trước trụ sở chính quyền trung ương, tay nắm chặt hai tấm biểu ngữ chỉ
trích nạn độc tài. Cô nói : « Giới trẻ chờ đợi một câu trả lời, và
lại được tiếp đón bằng hơi cay ! Là sinh viên, tôi phải chiến đấu, vì nếu không
chúng tôi sẽ không đạt được gì cả ».
Từ nhiều tháng qua, những người phê phán Trưởng đặc
khu đương nhiệm Lương Chấn Anh đe dọa chiếm đóng khu kinh doanh Trung
Hoàn ; nhưng dự định này chưa bao giờ được thực hiện. Cho đến lúc sinh
viên các trường đại học đồng lòng bãi khóa kể từ ngày 26/9, phong trào phản
kháng mới nên vóc nên hình. Edward Chin - một trong những người tổ chức phong
trào Chiếm lĩnh Trung Hoàn (Occupy Central) do các nhà tranh đấu lớn tuổi hơn
lãnh đạo - công nhận : « Chúng tôi đã quá lý thuyết ».
Một trong những sự kiện đóng vai trò ngòi nổ là vụ
lãnh tụ học sinh Hoàng Chi Phong (Joshua Wong) bị bắt giữ khi định chiếm đóng
quảng trường mang tên Civic Square.
Cậu thanh niên, đúng 18 tuổi vào ngày 13/10, đã dấn thân vào chính trị khi ngay
từ tháng 5/2011 đã thành lập hiệp hội Học dân Tư triều (Scholarism) phản đối
chương trình giáo dục ái quốc mà Bắc Kinh định áp đặt cho các trường trung tiểu
học Hồng Kông. Anh khẳng định với L’Express : « Thế hệ học sinh ra
đời trong thập niên 90 quan tâm mạnh mẽ hơn đến tự do, công lý và các giá trị
chủ yếu của Hồng Kông hơn các thế hệ trước ».
Alex Chow, 24 tuổi, tổng thư ký Liên đoàn sinh viên
Hồng Kông cũng cho rằng lớp phụ huynh đã chờ đợi quá lâu : « Cần
phải thoát thai khỏi chế độ, và điều này được thực hiện qua phong trào bất tuân
dân sự ».
Trong số các thành viên của Quốc hội Hồng Kông, quyết
tâm này gây ngạc nhiên cho cả các dân biểu hay chỉ trích nhất. Lee Cheuk Yan,
chủ tịch đảng Lao động nhắc nhở : « Thế hệ trước không có được
quyền dân chủ dưới thời Anh cai trị, họ làm giàu và hưởng thụ vật chất. Còn lớp
trẻ ý thức hơn về tính tất yếu ».
Một chính khách khác, Dennis Kwok, luật sư và là dân
biểu đồng sáng lập đảng Công dân, không thể không so sánh với các cuộc biểu
tình ở quảng trường Thiên An Môn năm 1989, đã khiến chính quyền cộng sản run sợ
cho đến nỗi phải đàn áp trong biển máu. Tương tự tại Bắc Kinh, phản ứng trước
hết đến từ các trường đại học và lớp trẻ có học vấn, đã đặt chính quyền trước
những nghịch lý của mình. Dennis Kwok kết luận : « Cho dù kết cục
của phong trào phản kháng Hồng Kông có như thế nào đi nữa, đây sẽ là một trong
những cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất mà Trung Quốc biết đến từ 25 năm qua.
Bắc Kinh toàn hoãn đi hoãn lại lời hứa, và lòng kiên nhẫn của Hồng Kông đã đến
lúc chấm dứt ».
Khi màn đêm buông xuống, anh sinh viên khoa vật lý
Chris Lau phát biểu trước hàng chục ngàn người tập họp lại đêm hôm đó tại Harcourt Road ở trung
tâm Hồng Kông. Qua micro, anh chia sẻ niềm hy vọng của mình và kể lại với giọng
nói tự tin, làm thế nào các thế võ cận chiến đã giúp anh tự vệ trước bọn côn đồ
bí ẩn đã tấn công vào khu lều trại đêm trước đó. Đám đông vỗ tay. Tuy vậy khi
bước xuống bục, anh vẫn thổ lộ mối quan ngại của mình. Anh và các bạn bè khác
đã biết chinh phục được lòng tin trên hòn đảo, nhưng Đảng không tỏ dấu hiệu lay
chuyển nào. Trong khi thương lượng được mở ra, Chris vẫn nhận định : « Dân
chủ hãy còn xa vời lắm ».
Nguồn: Blog THỤY MY.
Nguồn: Blog THỤY MY.
Anh Tễu xem có cách nào loại bỏ mã bẩn dính vào đây không? Rất khó chịu...
Trả lờiXóaThế hệ cha anh đang lãnh đạo TQ nhìn thấy các SV HK biểu tình rất văn minh, lịch sự, không có ý định lật đổ CQ, không đối chọi với cảnh sát, không dùng bạo lực . tất cả rất ôn hòa . Những người trẻ bày tỏ nguyện vọng của mình như những lời tâm sự gửi đến các nhà LĐ như các bậc cha chú. Ôn tồn nhưng rất quyết liệt . Ôn hòa nhưng rất quyết tâm . Các nhà LĐ HK và csTQ không lẽ thấy con em mình văn minh tiến bộ như thế lại tỏ ra khó chịu ? Khó chịu vì bọn trẻ này ngày càng khó trị . Trước mắt các nhà cầm quyền TQ và HK không tự hào vì con em mình sao ? Không lẽ các nhà lãnh đạo này nhìn thế hệ HSSV HK đang tham gia BT đòi dân chủ là thế hệ hư hỏng, thế hệ ngoại đạo ? Phải loại bỏ hay ít ra phải cải tạo thế hệ trẻ này . Loại bỏ, hay cải tạo thế hệ thanh niên này xem ra đang là một chuyện ảo tưởng ! các nhà LĐ kiểu độc tài sẽ sớm bị qua mặt . Lớp trẻ HK đang chứng minh điều đó một cách cụ thể !
Trả lờiXóa