Tự do hàng hải
và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa
Thái Văn Cầu
02-10-2014
Đầu tháng 5/2014, Trung Quốc bất ngờ di
chuyển giàn khoan Hải Dương-981 đến một địa điểm cách đảo Trí Tôn (Hoàng
Sa) khoảng 17 hải lý, cách đảo Lý Sơn (Đà Nẵng) 120 hải lý, sâu trong
vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, và cách đảo Hải Nam (Trung
Quốc) 180 hải lý.
Giữa tháng 7, Trung Quốc thông báo giàn khoan Hải Dương-981 hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn và rút khỏi EEZ của Việt Nam.
Trong thời gian Trung Quốc đặt giàn
khoan Hải Dương-981 sâu trong EEZ của Việt Nam, có nhiều hoạt động ở tầm
mức quốc tế và quốc gia phản đối hành động vi phạm trắng trợn pháp luật
quốc tế và thoả thuận giữa lãnh đạo Việt Nam-Trung Quốc năm 2011.[1]
Mục đích của bài viết để phân tích mối
quan hệ giữa tự do hàng hải và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, khả năng
giải quyết tranh chấp biển đảo của Việt Nam, nhằm đóng góp vào quá trình
bảo vệ quyền lợi đất nước một cách hữu hiệu và thiết thực.
- Quan hệ giữa tự do hàng hải và chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa:
Chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa là đề
tài nghiên cứu, tranh luận, và trao đổi của giới quan tâm ở trong nước
và ngoài nước trong gần 40 năm qua, dù mức độ từng lúc, từng nơi, thay
đổi khác nhau.
Quyết định của Toà án Quốc tế (ICJ)
trong hơn 60 năm qua cho thấy chứng cứ xác lập chủ quyền lãnh thổ phải
được xây dựng trên cơ sở lịch sử và pháp luật quốc tế.
Trên cơ sở này, nguồn tư liệu cổ của
Việt Nam và của phương Tây chứng minh rằng Việt Nam hành xử chủ quyền ở
Hoàng Sa, hợp lý và hợp pháp, trong hơn 300 năm, cho đến khi Trung Quốc
sử dụng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ Hoàng Sa đầu năm 1974, khiến 74 chiến
sĩ hải quân Quân đội Việt Nam Cộng hoà hy sinh.
Mặc dù tư liệu cổ về chủ quyền Trường Sa
chưa đầy đủ, vào giữa thập niên 1920, Toàn quyền Pháp ở Đông Dương
tuyên bố chủ quyền ở hai quần đảo, hành xử chủ quyền cho đến khi rời
khỏi Việt Nam năm 1956, để lại quyền hành xử chủ quyền cho Việt Nam Cộng
hoà. Vào tháng 3/1988, Trung Quốc sử dụng vũ lực cưỡng chiếm đá Gạc Ma
và 5 đá khác ở Trường Sa, khiến 64 chiến sĩ hải quân Quân đội Nhân dân
Việt Nam hy sinh.[2]
Chủ trương của Trung Quốc là “không đàm
phán” về Hoàng Sa với Việt Nam, “Hoàng Sa không phải là khu vực tranh
chấp”, “Việt Nam đã thừa nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc”, “Trung Quốc có
bằng chứng xác đáng cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”, v.v.
Để hỗ trợ cho chủ trương trên, từ đầu
thập niên 1990 cho đến nay, Trung Quốc từng bước hoàn chỉnh đội ngũ học
giả, bao gồm thành phần trí thức đào tạo từ phương Tây, có quan hệ tốt
với các trường đại học uy tín, tích cực phổ biến, trình bày quan điểm
của Trung Quốc với cộng đồng thế giới.[3]
Mặc dù một số học giả Việt Nam, độc lập
hay trong cơ chế nhà nước, đã vạch rõ các sai lầm, thiếu sót nghiêm
trọng về chứng cứ chủ quyền trong tư liệu cổ Trung Quốc, không ít học
giả phương Tây, do bị ảnh hưởng bởi nguồn tư liệu cổ, mạnh về số lượng
nhưng yếu về chất lượng, và bởi đội ngũ học giả của Trung Quốc, và do
không tiếp nhận được phản biện của học giả Việt Nam, đưa nhận định về
chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa bất lợi cho Việt Nam.[4]
Bên cạnh sự lớn mạnh của quyền lực “mềm”, Trung Quốc thúc đẩy phát triển quyền lực “cứng” với tốc độ nhanh vượt bực ở Hoàng Sa.
Sân bay đảo Phú Lâm (Woody Island), đảo
bị Trung Quốc chiếm đóng bất hợp pháp đầu năm 1956, được hiện đại hoá
với đường băng dài 2.700m cho máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư Su-30MKK,
Shenyang J-11, với khả năng bay hơn 3.000 km, có tầm hoạt động đến tận
Manila (Philippines), hay Sài Gòn.
Ngoài cảng biển ở đảo Quang Hoà (Duncan
Island), đảo bị Trung Quốc chiếm đoạt bằng vũ lực năm 1974, căn cứ hải
quân đảo Phú Lâm được hiện đại hoá và sử dụng cho các tàu khu trục nhỏ
và lớn, tàu tuần tra 5.000-tấn, của Trung Quốc.
Song song với sự tăng cường mức độ tác
chiến quân sự trên không và trên biển, Trung Quốc thiết lập ở Hoàng Sa
một trung tâm thu thập tín hiệu, thông tin tình báo, từ Việt Nam,
Philippines, Malaysia, v.v. qua hệ thống vệ tinh ở quỹ đạo thấp, và giám
sát sự vận chuyển tàu thuyền qua lại gần khu vực Hoàng Sa.[5]
Gần đây nhất, trong cùng thời gian đặt
giàn khoan Hải Dương-981 sâu trong EEZ của Việt Nam, Trung Quốc còn
thách thức pháp luật quốc tế khi cho tiến hành xây cất với quy mô lớn ở
Gạc Ma và các đá chiếm đoạt của Việt Nam năm 1988.[6]
Hội nghị Liên hiệp quốc về Thương mại và
Phát triển (United Nations Conference on Trade and Development
(UNCTAD)) năm 2011 cho biết gần 8,4 tỷ tấn, hay hơn một nửa tổng số hàng
hoá vận chuyển bằng đường biển hàng năm của toàn thế giới, đi qua Biển
Đông, phần lớn là qua khu vực lân cận Hoàng Sa.[7]
Số lượng hàng hoá vận chuyển có định giá
khoảng 5.300 tỷ USD, trong đó 1.200 tỷ USD là của Mỹ. Mậu dịch này tạo
thêm khoảng 320 tỷ USD thâm hụt thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, chiếm
3,5% GDP của Trung Quốc cho năm 2013.[8]
Vì không có bằng chứng thuyết phục về
chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa, và vì chiếm đóng Hoàng Sa và một phần
Trường Sa bất hợp pháp, Trung Quốc luôn luôn từ chối đàm phán với Việt
Nam.
Không những thế, Trung Quốc tận dụng vị
thế chiến lược ở Hoàng Sa-Trường Sa vào tham vọng chiếm đoạt Biển Đông
của họ, đe dọa nghiêm trọng tự do hàng hải trong một khu vực cực kỳ quan
trọng của thế giới.
- Khả năng giải quyết tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa:
- Hành động quân sự không khả dụng
“Giấc mộng Trung Hoa” là cụm từ được Tập Cận Bình nêu lên đầu tiên khi trở thành lãnh đạo Trung Quốc cuối năm 2012.
Mặc dù họ Tập nhấn mạnh sự “trỗi dậy hoà
bình” của Trung Quốc, nguy hiểm đáng kể nhất trong “Giấc mộng Trung
Hoa” nằm ở chỗ nó đề cao chủ nghĩa dân tộc và, qua bộ máy tuyên truyền
hùng hậu, khiến nhân dân Trung Quốc khó nhận thức được sai lầm lớn lao
của lãnh đạo Trung Quốc trong đòi hỏi chủ quyền Biển Đông, bao gồm chủ
quyền Hoàng Sa-Trường Sa của Việt Nam.
Để phục vụ cho “Giấc mộng Trung Hoa” qua
cái-gọi-là “trỗi dậy hoà bình”, ngân sách quốc phòng của Trung Quốc
không ngừng gia tăng trong những năm qua. Ngân sách cho năm 2014 là 132
tỷ USD, tăng 12,2% so với năm 2013. Theo một ước tính khác của tạp chí
quốc phòng IHS Jane’s, ngân sách này có thể lên đến 148 tỷ USD.[9]
Mức gia tăng 12,2% trong ngân sách quốc
phòng của Trung Quốc tương đương với 15 tỷ USD, một con số cao hơn tổng
số ngân sách quốc phòng của ba nước Việt Nam, Malaysia và Philippines
hợp lại.[10]
Nhằm đối phó với mưu đồ ngày càng rõ rệt
của Trung Quốc để thống trị Biển Đông, kể cả biển đảo của Việt Nam,
Việt Nam cần đẩy mạnh hiện đại hoá quân đội để bảo vệ chủ quyền và quyền
lợi của đất nước.
Tuy nhiên, do sự bất cân xứng về tương
quan lực lượng giữa hai nước và do chủ trương của Việt Nam không liên
minh với nước nào khác, giải quyết tranh chấp với Trung Quốc bằng hành
động quân sự không thể là biện pháp tốt nhất cho Việt Nam.
- Giải quyết bằng đàm phán hoà bình
Vào cuối tháng 9/1975, trong cuộc họp
với lãnh đạo Trung Quốc, khi Bí thư Thứ nhất đảng Lao động Việt Nam Lê
Duẩn nêu vấn đề Hoàng Sa-Trường Sa, Phó thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu
Bình thừa nhận có tranh chấp và đề nghị hai nước thảo luận sau.[11]
Sau khi hai nước bình thường hoá quan hệ
đầu thập niên 1990, bên cạnh thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng
“phương châm 16 chữ”, “4 tốt”, tất cả vì đại cục, Trung Quốc không ngừng
phát triển quyền lực mềm và quyền lực cứng trên Biển Đông, cụ thể như
Trung Quốc cử quan toà tham gia vào Toà án Quốc tế và Toà án Luật Biển
(ITLOS); Trung Quốc có hàng trăm luận án tiến sĩ, hội thảo về đề tài
Biển Đông, hải quân Trung Quốc lớn mạnh và hiện diện rộng khắp trên Biển
Đông, v.v.
Từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, Trung
Quốc hàng năm ngang nhiên tuyên bố lệnh cấm đánh cá trên vùng biển cổ
truyền của Việt Nam, tàu tuần tra Trung Quốc không ngừng gây thiệt hại
tài sản cho ngư dân hành nghề ở Hoàng Sa, ngăn chặn các dự án khảo sát,
thăm dò bên trong EEZ của Việt Nam, v.v.[12]
Vào tháng 1/2005, lực lượng tuần tra
Trung Quốc vi phạm nghiêm trọng pháp luật quốc tế khi nổ súng vào tàu
đánh cá Việt Nam, khiến 9 ngư dân thiệt mạng, rồi vu cáo cho nạn nhân là
“cướp biển”. [13]
Vào đầu tháng 10/2011, với sự chứng kiến
của lãnh đạo hai đảng, Việt Nam và Trung Quốc ký kết thỏa thuận nhằm
giải quyết vấn đề trên biển “thông qua đàm phán và hiệp thương hữu
nghị”.[14]
Dù đã ký kết thỏa thuận, thực tế cho
thấy Trung Quốc không hề từ bỏ tham vọng từ ngàn xưa đối với Việt Nam:
Trung Quốc tiếp tục xâm phạm vùng biển của Việt Nam, tiếp tục đánh đập,
cướp phá tàu ngư dân Việt Nam, tiếp tục leo thang những hành động phi
pháp ở Hoàng Sa và Trường Sa, mà cao điểm là ngang nhiên đặt giàn khoan
Hải Dương-981 sâu trong EEZ của Việt Nam và tiến hành thay đổi cấu trúc
đá thành đảo nhân tạo ở Trường Sa.[15]
Gần 40 năm sau khi lãnh đạo Trung Quốc
đề nghị hai nước thảo luận sau về tranh chấp Hoàng Sa-Trường Sa, dù tình
hình trở nên tồi tệ hơn nhiều, Việt Nam giữ chủ trương giải quyết tranh
chấp bằng đàm phán hoà bình, song song với việc phản đối ngoại giao
trước các hành động hung hãn, khiêu khích, hay trắng trợn xâm lược của
Trung Quốc trên Biển Đông.
Quyết định của Toà án Quốc tế trong các
vụ kiện giữa Honduras và Nicaragua về khu vực Biển Caribbean, giữa
Malaysia và Singapore về đảo Pedra Branca, giữa Norway và Sweden về
Grisbadarna Banks, giữa Bahrain và Qatar về quần đảo Hawar, cho thấy một
nước bị mất chủ quyền nếu không hành xử chủ quyền hay không sử dụng
phương cách thoả đáng để giải quyết tranh chấp chủ quyền trong một thời
gian dài.[16]
Một khi Trung Quốc giữ nguyên thái độ
cứng rắn, không hợp tác, trong khi tích cực “hành xử chủ quyền” ở biển
đảo chiếm đoạt của Việt Nam bằng vũ lực từ năm 1974 cho đến nay, thì
việc Việt Nam vẫn chỉ theo đuổi chủ trương đàm phán hoà bình và phản đối
ngoại giao không thể là biện pháp tốt nhất.
- Giải quyết bằng pháp luật quốc tế
Điều 1, Khoản 1, trong Hiến chương Liên Hiệp Quốc tuyên bố mục đích của tổ chức này:
“Duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, và
để đạt được mục đích đó: tiến hành những biện pháp tập thể có hiệu quả
nhằm ngăn ngừa và loại trừ các mối đe dọa hòa bình, nhằm trừng trị mọi
hành vi xâm lược và phá hoại hòa bình khác, điều chỉnh hoặc giải quyết
các tranh chấp quốc tế hoặc những tình huống có thể dẫn đến sự phá hoại
hòa bình, bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc của
công lý và pháp luật quốc tế;”
Là cơ quan trực thuộc Liên hiệp quốc,
Toà án Quốc tế có chức năng là khi được yêu cầu, dựa trên pháp luật quốc
tế, đưa ý kiến tư vấn về pháp lý và đưa quyết định giải quyết tranh
chấp, giảm thiểu nguy cơ xung đột quân sự, duy trì trật tự trên thế
giới.[17]
Trong hơn 100 năm qua, giải quyết tranh
chấp trên biển hay trên đất liền bằng pháp luật quốc tế là phương cách
được nhiều nước ở phương Tây và ở phương Đông thực hiện.
Từ năm 1959 cho đến nay, riêng trong
vùng Đông Nam Á, có ba trường hợp sử dụng pháp luật quốc tế: vụ kiện
giữa Campuchia và Thái Lan về ngôi đền Preah Vihear, giữa Indonesia và
Malaysia về hai đảo Pulau Ligitan và Pulau Sipadan, và giữa Malaysia và
Singapore về đảo đá Pedra Branca, Middle Rocks và South Ledge.
Trên cơ sở đã nêu về tầm mức quan trọng
đối với thế giới trong tự do hàng hải trên Biển Đông, ngang qua khu vực
Hoàng Sa, và về bằng chứng chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa, Việt Nam nên
cùng lúc thực hiện hai bước sau:
- Công khai kêu gọi Trung Quốc đưa tranh chấp Hoàng Sa ra Toà án Quốc tế để giải quyết. Trong trường hợp Trung Quốc từ chối hợp tác, Việt Nam tiến hành khởi kiện Trung Quốc về chủ quyền Hoàng Sa, theo đúng Điều 53 trong Quy chế Toà án Quốc tế [18]
- Tiến hành khởi kiện Trung Quốc ra Toà án Trọng tài Thường trực (PCA), theo Phụ lục VII của Công ước Luật Biển (UNCLOS) do các hoạt động không phù hợp với Công ước ở vùng biển Hoàng Sa-Trường Sa
Trong 30 năm gần đây, Trung Quốc đạt
được nhiều thành tựu nổi bật để trở thành một trong ba nước lớn hàng đầu
về kinh tế và quân sự.[19]
Bên cạnh thành tựu to lớn của một nước
là trách nhiệm không thể thiếu với cộng đồng thế giới, với Liên hiệp
quốc, đặt biệt trong trường hợp Trung Quốc là một trong năm thành viên
chính thức của Hội đồng Bảo an.
Chủ trương “không đàm phán” về Hoàng Sa
với Việt Nam, “Hoàng Sa không phải là khu vực tranh chấp”, “Trung Quốc
có bằng chứng xác đáng cho chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”, v.v. không còn
chỗ đứng khi Hiến chương Liên hiệp quốc bị vi phạm nặng nề; nó không
còn chỗ đứng khi Mỹ, Ấn Độ, Nhật Bản, v.v. công nhận Hoàng Sa là khu vực
tranh chấp, và nhấn mạnh giá trị của tự do hàng hải trên Biển Đông.[20]
Trong tổng số 23 cuộc tranh chấp lãnh
thổ hay lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng từ năm 1949,
Trung Quốc giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán 17 lần và sử dụng vũ
lực 6 lần.[21]
Trung Quốc có hai chọn lựa ngày nay: Hợp
tác để cùng ra Toà án Quốc tế và Toà án Trọng tài Thường trực, hay đàm
phán nghiêm túc để giải quyết, trước hết vấn đề chủ quyền Hoàng Sa, và
kế đến, những vấn đề biển đảo khác.
Chọn lựa trên giúp Trung Quốc chứng minh
cụ thể với dư luận quốc tế là “Giấc mộng Trung Hoa” thật sự là một trỗi
dậy hoà bình; nó đóng góp hữu ích vào nền thịnh vượng chung của thế
giới; dù là nước mạnh, Trung Quốc tôn trọng pháp luật quốc tế.
Bằng không, Trung Quốc càng lún sâu vào một cuộc phiêu lưu mà cái giá phải trả khó thể dự đoán được.
Ngay sau chuyến đi bốn nước châu Âu giữa
tháng 9/2014 để tìm hậu thuẫn cho phương cách giải quyết tranh chấp với
Trung Quốc, lãnh đạo Philippines chia sẻ suy nghĩ riêng:
“Nói cho cùng, nếu chúng tôi không bảo
vệ quyền lợi của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ mất nó bởi vì chúng tôi
không nghĩ rằng một ai khác sẽ đứng lên để bảo vệ cái quyền lợi mà chúng
tôi đã không bảo vệ được.”[22]
Sau gần 20 năm đàm phán hoà bình với
Trung Quốc nhưng không tiến triển, Philippines quyết định khởi kiện
Trung Quốc ra Toà án Trọng tài Thường trực, theo Phụ lục VII của UNCLOS,
vào đầu năm 2013.
Với bờ biển dài hơn 3.200 km, với chứng
cứ chủ quyền thuyết phục, Việt Nam là nước bị thiệt thòi lớn nhất, bị
xâm phạm nhiều nhất, trong tham vọng Biển Đông của Trung Quốc.
Sự leo thang của Trung Quốc trong thời
gian qua khiến tình hình trở nên cực kỳ căng thẳng, phức tạp. Để đối
phó, Việt Nam cần quyết tâm và hành động.
Khi sử dụng pháp luật quốc tế để giải
quyết tranh chấp với Trung Quốc, Việt Nam không chỉ bảo vệ quyền lợi đất
nước mà còn góp phần gìn giữ hoà bình, an ninh của khu vực và xa hơn,
thể hiện tinh thần trách nhiệm cao đối với lịch sử và thế hệ tương lai.
Thái Văn Cầu
_______________
Chú thích:
Từ Đặng Minh Thu, “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa”, 2007
Nguyễn Hồng Thao, “Luật quốc tế và chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa”, 2011
Tạ Văn Tài, “Chứng
cứ Lịch sử và Khía cạnh Luật pháp về Chủ quyền của Việt Nam tại Hai
Quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và Quyền Chủ quyền ở Vùng Biển Chung quanh”, 2014
Thái Văn Cầu, “Hai Nhà nước Việt Nam và Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, 2013
[3] “TQ ‘không đàm phán về Hoàng Sa’”, 2011
Greg Torode, “Vietnam fails to bring China into Paracels talks”, 2011
[4]
Một số nghiên cứu của học giả phương Tây hay học giả Trung Quốc được
đào tạo từ phương Tây có lập luận sai lệch về chủ quyền Hoàng Sa-Trường
Sa :
Marwyn S. Samuels, “Contest for the South China Sea”, 1982
Daniel J. Dzurek, “Spratly Islands Dispute: Who’s on First”, 1996
Greg Austin, “China’s Ocean Frontier: International Law, Military Force and National Development”, 1998
Nong Hong, “UNCLOS and Ocean Dispute Settlement: Law and Politics in the South China Sea”, 2011
“Experts Recommend Construction of a Floating Airbase to Allow Fighter Cover in the South China Sea”, (tiếng Hoa), 2012
D. Collins, “China counters U.S. Asia-Pivot Strategy. Fortifies island military base”, 2012
[6] Trần Công Trục, “Trung Quốc xây cất ở Gạc Ma còn nguy hiểm hơn đặt giàn khoan 981”, 2014
Gregory Poling, “Beijing seeking to ‘change facts’ in South China Sea”, 2014
[7] U.S. Energy Information Administration, “South China Sea”, 2013
[8] Bonnie S. Glaser, “Armed Clash in the South China Sea”, 2013
“Xi Jinping and the Chinese dream”, 2013
“Giấc mộng Trung Hoa – tham vọng của Trung Quốc trỗi dậy”, 2014
[10] “Defense Budget by Country”, 2014
[11] Bộ Ngoại giao CHXHCNVN, “La Souverainete du Viet Nam sur les archipels Hoang Sa et Truong Sa”, 1979, tr. 55
Thái Văn Cầu, “Luật pháp Quốc tế và Chủ quyền Hoàng Sa-Trường Sa”, 2014
Lê Văn Cương, “Trung Quốc âm thầm tạo ra những ‘sự đã rồi’”, 2014
[16]
Trong vụ kiện giữa Nicaragua và Honduras ở vùng Biển Caribbean, Toà án
Quốc tế nhận định rằng sự liên tục khẳng định chủ quyền, phản đối ngoại
giao của Nicaragua không tương xứng với phương cách hành xử chủ quyền
của Honduras.
Khiếm khuyết này của Nicaragua là một trong những yếu tố khiến Toà án Quốc tế trao chủ quyền khu vực tranh chấp cho Honduras.
Toà án Quốc tế, “Territorial and Maritime Dispute between Nicaragua and Honduras in the Caribbean Sea (Nicaragua v. Honduras)”, 2007
Pieter Bekker & Ana Stanic, “The
ICJ Awards Sovereignty over Four Caribbean Sea Islands to Honduras and
Fixes a Single Maritime Boundary between Nicaragua and Honduras”, 2007
[17] “Hiến chương Liên hiệp quốc”, 1945
Nguyên văn tiếng Anh:
“Article 1
The Purposes of the United Nations are:
To maintain international peace and
security, and to that end: to take effective collective measures for the
prevention and removal of threats to the peace, and for the suppression
of acts of aggression or other breaches of the peace, and to bring
about by peaceful means, and in conformity with the principles of
justice and international law, adjustment or settlement of international
disputes or situations which might lead to a breach of the peace;”
“Charter of the United Nations”, 1945
[18] Điều 53 trong Quy chế Toà án Quốc tế:
1. Bất cứ khi nào một trong các bên
không trình diện trước Tòa án, hoặc không bảo vệ trường hợp của họ, bên
kia có thể yêu cầu Tòa án ra quyết định theo hướng có lợi cho mình.
2. Trước khi thực hiện yêu cầu, Tòa án
phải biết, không những là Toà án có thẩm quyền theo quy định ở các Điều
36 và 37, mà còn là vụ kiện có đầy đủ cơ sở chứng cứ và pháp lý.
Nguyên văn tiếng Anh:
“Article 53 in Statute of the International Court of Justice:
1. Whenever one of the parties does not appear before
the Court, or fails to defend its case, the other party may call upon
the Court to decide in favour of its claim.
2. The Court must, before doing so,
satisfy itself, not only that it has jurisdiction in accordance with
Articles 36 and 37, but also that the claim is well founded in fact and
law.”
“Keynote Address: Shinzo Abe”, 2014
“Thông cáo chung Việt Nam-Ấn Độ”, 2014
[21] M. Taylor Fravel, “Strong Borders, Secure Nation: Cooperation and Conflict in China’s Territorial Disputes”, 2008, tr. 46-47
—
Bản gốc của tác giả gửi tới.
Không có nhận xét nào :
Đăng nhận xét