Thứ Sáu, 22 tháng 8, 2014

Kính Hòa: HÀ NỘI DỰNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ - TP HỒ CHÍ MINH PHÁ HỦY LỊCH SỬ

Hình ảnh Hai Bà Trưng trên phố Huế trong ngày Lễ Hai Bà (ảnh minh họa).Ảnh: Dân trí

Dựng sự kiện lịch sử và phá hủy lịch sử

 
Kính Hòa - Phóng viên RFA 
Theo RFA 

Hai câu chuyện có liên quan đến lịch sử theo chiều trái ngược nhau ở Hà nội và Sài gòn vừa xảy ra. Một là kỷ niệm sinh nhật Hai Bà Trưng, và hai là phá hủy các kiến trúc ở trung tâm Sài gòn. Cả hai đều bị dự luận phản đối. 

Bày ra lịch sử

Câu chuyện những hàng cây cổ thụ bị đốn ngã ở Hà nội và Sài gòn chưa kết thúc, thì một câu chuyện khác cũng có liên quan đến quá khứ, đến lịch sử nổ ra gây nhiều đàm tiếu. Ngày 16/8 báo chí đưa tin thủ đô Hà nội sẽ kỷ niệm 2000 năm sinh nhật… Hai bà Trưng. Nhiều người đã phản đối việc này, kể cả bằng phương tiện truyền thông chính thống của nhà nước lẫn mạng internet.

Giáo sư Ngô Đức Thịnh, thành viên của Hội đồng di sản quốc gia nói rằng ông không đồng ý việc này:

Tôi không tán thành việc đưa cái ngày đó lên vì hai lý lẽ. Một là con số đấy là con số huyền thoại, hai là hàng năm chúng ta có kỷ niệm cuộc khởi nghĩa hai bà Trưng rồi. Như vậy là nó không cần thiết và dựa trên một cơ sở mơ hồ. Đặc biệt là trong điều kiện đất nước khó khăn, tiền đó để làm những việc khác tốt hơn.”

Một lý do khác mà những người chống đối việc tổ chức lễ lạt này là kỷ niệm sinh nhật như vậy trong thời xa xưa không phải là truyền thống của dân tộc. Thạc sĩ Đào Tiến Thi từ Hà nội cho biết ý kiến của ông:

Hai Bà Trưng sống cách chúng ta lâu như thế mà theo truyền thống thì chúng ta không có kỷ niệm sinh nhật. Kỷ niệm sinh nhật đối với những nhân vật thời hiện đại thì được, chứ còn một nhân vật quá xa xôi thì việc đó không đúng với truyền thống Việt nam.”

Cuối cùng thì thành ủy Hà nội ra thông báo do bận việc đột xuất nên hoãn lại việc kỷ niệm nay. Giáo sư Thịnh hoan nghênh quyết định này:

Chính quyền cũng bắt đầu nghe ý kiến phản biện của người dân, của các nhà khoa học, như thế cũng tốt. Tôi hoan nghênh thái độ của họ.

Tuy nhiên ông cũng cười nói rằng ông cũng không hiểu tại sao cơ quan đảng của Hà nội nói là hoãn, chứ không nói là không làm.

Không quan tâm đến lịch sử

Trong khi đó thì tại Sài gòn, tiếp theo việc đốn hạ những hàng cây cổ thụ tại trung tâm thành phố để thực hiện dự án tàu điện ngầm, một tòa nhà có tuổi 130 năm là Thương xã Tax được dự tính sẽ bị phá dỡ để xây vào đó một cao ốc hiện đại. Việc này gây nhiều tiếc nuối cho người dân Sài gòn.

Tiến sĩ khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu trong lần trả lời chúng tôi về mâu thuẫn giữa bảo tồn di tích và phát triển kinh tế cho rằng các quyết định xây dựng phát triển đã không quan tâm đến cộng đồng nên đã gây ra những phản ứng buồn lòng như vậy từ phía người dân.

Một người dân Sài gòn làm việc ở khu trung tâm thành phố nói với chúng tôi:

Tiếc nuối thì chắc rồi. Hồi họ đập chổ của mình, nhiều người cũng tiếc như là cà phê Givral, rồi thì họ cũng đập xong hết rồi. Mấy chổ đó nhà Tây ngày xưa xây cũng hay mà mấy ông ấy cứ khoái đập, chắc đập xong có tiền hay sau đó mà cứ đè ra mà đập. Bây giờ cái nhà hát nó lọt thõm bên trong mấy cái nhà cao tầng có ai thấy đâu. Caravelle, Vincom nó che hết rồi.”

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu nhìn những ngôi nhà cũ mang dấu những thời gian lịch sử khác nhau được thay thế bằng các cao ốc thương mại đã viết trong bài viết mới nhất của mình rằng phải chăng bây giờ ở Việt nam người ta chỉ biết xây dựng hai thứ, đó là nhà nghỉ và trung tâm thương mại!

Cũng có ý kiến cho rằng những ngôi nhà như thương xã Tax ở Sài gòn không phải là quá xưa để có thể được coi như một di sản để mà giữ gìn.

Giáo sư Thịnh từ Hà nội nói rằng không phải hoàn toàn như vậy, ông lấy dẫn chứng là cầu Long Biên ở Hà nội mặc dù chỉ hơn 100 năm và không phải do người Việt xây, nhưng nó gắn với lịch sử Hà nội cho nên phải giữ gìn. Ông Đào Tiến Thi thì nói:

Tôi nghĩ là bất cứ cái gì đã gắn với truyền thống, đã đi vào lịch sử, nó đã tồn tại như một chứng tích lịch sử rồi thì bất cứ thay đổi nào chúng ta cũng phải tính toán thật kỹ.”

Giáo sư Thịnh nói rằng ông không rõ những chi tiết đng diễn ra ở Sài gòn, nhưng nếu những việc đó đụng chạm tới lịch sử thì người Sài gòn cũng phải lên tiếng:  

“Tôi nghĩ rằng người Sài gòn cũng phải lên tiếng khi mà những sự xây dựng, làm mới đó nó đụng chạm đến di sản, đặt vấn đề là làm thế nào để giải quyết cho nó hài hòa.”

Vấn đề hài hòa mà giáo sư Thịnh nói đến cũng là vấn đề quan tâm hòa hợp với suy nghĩ, lợi ích của cộng đồng cư dân địa phương khi thực hiện một dự án phát triển mà Tiến sĩ Hậu đã nói.

Ngay sau khi tin thương xá Tax sẽ bị bỏ đi, một cố công dân Sài gòn đã tổ chức ký một kiến nghị yêu cầu dừng ngay việc đó.

Việc dừng lại việc di dời giải tỏa trung tâm Sài gòn có thể sẽ làm tốn kém hơn kế hoạch phát triển thành phố nhưng có thể sẽ có nhiều người đồng tình. Ngược lại một việc tốn kém khác cũng liên quan đến lịch sử lại bị nhiều phản đối là… . Sinh nhật Hai Bà Trưng!

Nguồn: RFA Việt ngữ.

8 nhận xét :

  1. Giáo sư so sánh Thương xá Tax với TTTM Tràng Tiền thì còn hợp lý chứ so sánh với cầu Long Biên thì cũng khập khiểng quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ý giáo sư là cầu Long biên mới có 100 tuổi còn Thương xá Tax đã 130 tuổi. Thêm nữa, so sánh với các đang còn được bảo tồn chứ ai lại đi so sánh với cái đã bị bọn đầu đất đập đi phá lại rồi hả?

      Xóa
  2. Tôi có thằng bạn làm tới chức trưởng ban tuyên huấn của một huyện(thuộc Quảng Nam) mà kiến thức nó...giỏi đến nhường này nè!?
    Tôi đọc một bài thơ của bà Hồ Xuân Hương thì nó bảo là của bà...Huyện Thanh Quan!? Tôi hỏi đảng CS VN thành lập ở nước nào? thì liền bị nó chửi cho một hèo và còn tuyên bố hùng hồn rằng...Đảng CS VN thì phải được thành lập ở VN chứ hổng lẽ ở...Trung Quốc...!?
    Thế là các vị biết cán bộ ta giỏi tới mức nào????

    Trả lờiXóa
  3. Sài Gòn dù hôm nay có nhiều nhà cao tầng vẫn không thể lấy lại vóc dáng của HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG XƯA. Không chỉ người gốc SG, Nam bộ tiếc nuối, mà ngay cả những người từ miền Bắc, miền Trung vào SG sinh sống, làm việc sau 1975 cũng tiếc nuối. Tiếc nuối văn hóa sống, phong cách sống của người SG, đi đường đụng nhau chưa biết ai phải ai trái nhưng đều tranh nhau xin lỗi. Còn bây giờ, văn hóa của chủ nghĩa tập thể thời bao cấp được du nhập, những cái đầu mang virus bưng biền đang ngồi trên ghế quyền lực góp phần đáng kể cho sự thay đổi phong cách sống ngày nay. Văn hóa anh hai, chị ba trong chiến khu được mang về Sài Gòn đã làm cho văn minh công sở vốn có của SG trước 1975 biến dạng thành một thứ quan hệ gia đình với những phong thái gia trưởng của sếp lớn, sếp nhỏ.
    Kiến trúc trung tâm SG đã bị phá vỡ trầm trọng. Người ta đã duyệt làm sân bay trực thăng ngay trong khuôn viên trụ sở UBND TP, nơi tòa nhà hành chính đã có trên 120 năm tuổi. Họ không tính đến tác dộng môi trường của việc làm sân đỗ trực thăng, của việc gây tiếng ồn và sức gió làm ảnh hưởng đến kiến trúc của tòa nhà và các di tích xung quanh. Địa chỉ du lịch của TP được khách thăm quan đầu tiên là Dinh Gia Long, Tòa Pháp Đình và ngắm tòa nhà hafch chính nay là UBND TP. Sự ngu muội, ấu trĩ cùng sự tham lam đã và đang làm biến dạng một SG vốn chỉ còn lưu lại chút ít của HÒN NGỌC VIỄN ĐÔNG xưa. Đây là một cái tội. Ai chịu tội này?

    Trả lờiXóa
  4. Saigon bây giờ như là các cỗ quan tài dựng đứng ( nhà cao ốc) trên bãi ngập nước cùng với khói bụi và kẹt xe và tiếng còi xe. Mai mốt tàu điện ngầm cũng khỏi chạy vì úng nước !

    Trả lờiXóa
  5. Sài Gòn đã không còn từ 39 năm qua, tên mới là Hồ Chí Minh. Tựa bài viết nên thay đổi cho đúng với thực tế lịch sử:

    HÀ NỘI DỰNG SỰ KIỆN LỊCH SỬ - HỒ CHÍ MINH PHÁ HỦY LỊCH SỬ

    Trả lờiXóa
  6. Hai tp này mắc bệnh tâm thần nặng rồi, thật khó mà chữa trị được!
    Mau mau chở các bác lãnh đạo đi chữa trị bên... thôi!

    Trả lờiXóa
  7. Ngọc Hoàng: "một bên thì bôi, vẽ (bậy) lịch sử , một bên thì tàn phá lịch sử. Cả hai tội này đáng phải CHÉM"

    Ngọc Long (con trai Ngọc Hoàng)

    Trả lờiXóa